Đọc để biết bạn đang nghịch gì với đời mình

Nguyễn Thị Thu Hằng (Chi nhánh Công trình Viettel Ninh Bình) đã đăng lúc 11:24 - 05.09.2023

Đọc cuốn "What are you doing with your life? - Bạn đang nghịch gì với đời mình?" của tác giả J. Krishnamurti, bạn sẽ biết được làm thế nào để lắng nghe và thấu hiểu chính mình một cách tốt nhất.

Khi còn trẻ, bạn hay tôi thật khó để biết mình yêu thích công việc gì, bởi vì chúng ta muốn làm rất nhiều thứ. Bạn muốn trở thành một kỹ sư, một bác sỹ, một phi công mang mơ ước bay vào trời xanh; hoặc có thể bạn muốn trở thành một nghệ sĩ, một nhà khoa học hay một nhà thơ. Bạn có thể muốn làm việc trí óc hay làm việc chân tay. Làm thế nào để có thể tìm thấy công việc mình yêu thích? Làm thế nào để biết mình là ai? Mục đích sống của mình là gì? Phần lớn chúng ta đều cho rằng việc thấu hiểu bản thân là công việc đơn giản nhưng quả thật nó lại là việc mà ta khó có thể thực hiện tốt nhất.

Để tìm câu trả lời cho những thắc mắc đó thì tôi tin rằng khi bạn đọc cuốn "What are you doing with your life? - Bạn đang nghịch gì với đời mình?" của tác giả J. Krishnamurti, bạn sẽ biết được làm thế nào để lắng nghe và thấu hiểu chính mình một cách tốt nhất.

Cuốn sách gồm những mẩu hội thoại nhỏ, ngắn gọn nhưng mang tới những cái nhìn sâu sắc và khiến chúng ta phải chiêm nghiệm qua từng câu chữ. Mỗi phần sẽ có nhiều chương nhỏ để triết gia J. Krishnamurti dẫn dắt người đọc đến những vấn đề thực tiễn từ suy nghĩ, thấu thị, hiểu biết, đến hành động cụ thể. Ông chỉ ra rằng ngay với cả nỗi sợ hãi, sự buồn chán, hạnh phúc, đau khổ, thành công hay thất bại đều có thể hòa giải trong ý nghĩ của một tâm hồn biết tĩnh lặng. Trong các bài giảng trên lớp và tất cả các bài nói chuyện, bài viết của mình, ông chỉ ra rằng không phải những cuộc đấu tranh nội tâm cũng như cuộc chiến bên ngoài sẽ giải phóng chúng ta, mà chính sự thật về bản thân chúng ta sẽ làm điều đó.

Bản ngã và cuộc đời của bạn

Hơn bao giờ hết, việc tìm hiểu về tiến trình vận hành của tâm trí hay nói cách khác đó là thấu hiểu bản thân mình là điều cực kỳ quan trọng và cần được làm một cách chuyên tâm. Bởi vì chỉ có hiểu được mong muốn của bản thân, bạn mới có thể đi đúng đường và sống cuộc đời thật ý nghĩa như mong ước.

Nhìn chung, chúng ta luôn mong muốn bản thân mình được cải thiện một cách triệt để, nhưng lại thực hiện sai cách. Chúng ta luôn nhìn nhận lỗi sai thuộc về những thứ xung quanh ngoại trừ chính mình. Chúng ta thường muốn được chỉ ra lỗi sai và lắng nghe những ý kiến của những người khác để hiểu chính mình hơn là tự nhìn nhận những việc mình đã làm. Kỳ thực, sự thay đổi của thế giới bên ngoài đến từ chính sự thay đổi bên trong bạn, bạn là chủ thể chính và thế giới là cách bạn nhìn nhận về nó.

Điều ta mong muốn

Hạnh phúc là thứ mà phần lớn chúng ta theo đuổi. Nhưng, hạnh phúc được định nghĩa như thế nào? Nhiều người cho rằng hạnh phúc là đạt được cái mình muốn. Nhưng, mong muốn là vô tận. Ví dụ như nếu bạn có một chiếc xe đạp, mong muốn của bạn sẽ có một chiếc xe máy để di chuyển nhanh nhẹn hơn, khi chúng ta sở hữu được một chiếc xe máy thì điều chúng ta mong muốn sẽ là chiếc xe hơi để che nắng che mưa. Có thể thấy, mong muốn luôn được dần tăng lên trong từng điều kiện khác nhau. Nếu hạnh phúc được định nghĩa bằng đạt được điều mình muốn thì bao giờ chúng ta mới có thể hạnh phúc? 

Mong muốn những thứ tốt đẹp hơn không phải là điều sai trái, nhưng hạnh phúc lại không hẳn là nằm trong việc bạn ý thức được mình đang hạnh phúc. Giống như khi bạn ý thức được mình khiêm tốn thì bạn đang không thật sự khiêm tốn nữa. Hạnh phúc cũng vậy, nó vốn là thứ không theo đuổi được, chỉ đơn giản xảy đến, khi ta bỏ công tìm kiếm, nó sẽ lẩn tránh ta.

Hiểu biết bản thân là chìa khóa của sự tự do 

Sợ thất nghiệp, sợ nghèo đói, sợ mất đi địa vị, sợ bị sếp đối xử tệ bạc và muôn vàn nỗi sợ khác tồn tại bên trong chúng ta như là sợ rằng chúng ta không hiện hữu, sợ gặp thất bại, sợ cái chết hay sợ cô đơn. Krishnamurti cho rằng suy nghĩ dung dưỡng nỗi sợ. Có nghĩa là nếu như chính mình nghĩ về sự thất nghiệp và lo sợ nó thì chính ý nghĩ đó tạo ra nỗi lo sợ của chính ta. Người ta tự hỏi liệu mình có thể chấm dứt suy nghĩ để sống một cách trọn vẹn, đầy đủ hơn hay không. Vậy bạn đã bao giờ để ý dành hết tâm sức để làm một việc gì đó chưa? Khi bạn đặt trọn tâm trí mình vào một việc thì khi đó không hề có chủ thể quan sát nào, do đó không có một người suy tưởng nào và cũng không tồn tại một trọng tâm quan sát nào cả. Khi bạn có một sự chú tâm toàn diện và cao độ thì không còn tồn tại chủ thể nào để nuôi dưỡng nỗi lo sợ nữa.

Không lời dạy bảo hoặc rao giảng nào giúp bạn mở ra cánh cửa bước vào nội tâm, đến chân lý. Trong chính chúng ta đã tồn tại toàn bộ thế giới và nếu bạn biết cách quan sát học hỏi, cánh cửa ở ngay đó và chìa khóa nằm trong tay bạn.

Cuộc sống hiện đại, nhộn nhịp luôn đẩy chúng ta tiến lên phía trước, cũng vì vậy mà chúng ta ít có thời gian tĩnh lặng để thấu hiểu được bản thân sâu sắc nhất. Chắc hẳn cũng vì thế mà chúng ta dễ dàng chấp nhận để những nhận xét của những người xung quanh mình định nghĩa cái - chúng - ta - là.  Chúng ta thường quên đi rằng, điều quan trọng và tiên quyết chúng ta cần làm đó là tìm ra chính mình thực sự thay vì cái mà mọi người áp đặt lên chúng ta. Bạn thân mến, bạn luôn là chủ thể chính trong cuộc đời của bạn. Và thế giới là cái cách mà bạn nhìn nhận nó. 

  • 2109
  • 44
  • 6

Học tư duy hệ thống từ anh Giám đốc huyện ở Viettel Ninh Bình

  • 1801
  • 11
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua