Như Hoa (TCT Viễn thông Viettel) đã đăng lúc 08:31 - 25.10.2024
“Về công việc, Viettel nổi tiếng từ ngày xưa rồi, và có lẽ đến bây giờ vẫn vậy. Gia đình cũng hiểu cho kiểu đi làm như đi bộ đội của người Viettel. Anh em thì dễ thông cảm, nhưng đúng là chị em có nhiều thiệt thòi”, Thiếu tướng Tống Viết Trung, nguyên Phó TGĐ Tập đoàn chia sẻ khi nhớ về những ngày đầu gây dựng mạng di động Viettel.
Xuất phát sau với hành trang không kinh nghiệm, vừa học vừa làm với khát vọng xây dựng một mạng di động số 1 Việt Nam, những người Viettel phải làm nhiều hơn để đi nhanh hơn.
Khí thế ngày khởi nghiệp
Chị Hồ Thị Thu Hà, PGĐ Trung tâm Điều hành bán hàng (VTT) khi đó làm phòng Đầu tư của Viettel, cho biết suốt 6 tháng từ khi khai trương mạng di động, từ ban lãnh đạo đến các nhân viên VTT chỉ lăn xả vào công việc. Ban ngày đấu nối, hết giờ làm đi thu cước, đêm về lại tiếp tục đấu nối cho khách hàng.
“Cái chu trình ấy cứ lặp đi lặp lại không có ngày nghỉ nhưng ai cũng hồ hởi, phấn khởi, ai cũng làm việc với 200% sức lực của mình”, chị Hà nói.
Viettel đạt mốc 1 triệu thuê bao trong 1 năm - mức tăng trưởng mà các mạng di động trước đó phải mất hơn 10 năm mới đạt được. Lượng khách hàng phát triển quá nhanh trong khi nhân sự còn mỏng, toàn bộ nhân viên kinh doanh phải tập trung về Trung tâm Di động ở 16 Pháo Đài Láng (Hà Nội) để đấu nối. Cách đó không xa, cửa hàng Viettel ở Nguyễn Chí Thanh cũng luôn trong tình trạng kín đặc khách hàng và đại lý sim số. Những ngày đó, chị Hà và anh chị em Viettel thường xuyên phải ngủ lại Trung tâm, bởi công việc sẽ kết thúc vào lúc 2 - 3 giờ sáng.
Trong không khí ngày đó, chị Phạm Thị Thanh Vân, PGĐ Trung tâm Chuyển dịch số (VTT) - nguyên Giám đốc Trung tâm Chăm sóc Khách hàng (CSKH) Viettel, thậm chí còn bị hàm oan với biệt danh “Vân Thatcher” bởi sức nóng của công việc.
“10 năm đầu ở Viettel, tôi không tụ tập bạn bè, không đi họp lớp, tận tâm tận lực cho công việc. Nhưng tôi không hối hận, bởi những cống hiến, nỗ lực đó đã được Viettel ghi nhận. Tôi là người nghiện việc và thế hệ những người làm Viettel lúc đó đều nghiện việc, yêu Công ty”, chị Vân chia sẻ.
Làm CSKH từ năm 2004, Trung tâm CSKH mới chỉ có 16 người, chị Vân cùng anh chị em “bị” Ban lãnh đạo Viettel giao “quyền lực tối thượng” để giải quyết vấn đề của khách hàng một cách nhanh nhất. Không đơn thuần thực hiện giải đáp thắc mắc, khiếu nại của khách hàng, Trung tâm còn hỗ trợ việc điều tra, nghiên cứu thị hiếu của người dùng di động, tổ chức lực lượng bán hàng qua điện thoại, hỗ trợ quản lý bán hàng trên toàn quốc. Với các vấn đề nóng, Trung tâm CSKH đóng vai trò hỗ trợ Ban TGĐ điều hành các đơn vị khác để xử lý bằng được trong thời gian sớm nhất.
Giai đoạn di động bùng nổ, Trung tâm CSKH có lúc lên tới 7.000 điện thoại viên, tiếp nhận hơn 2 triệu cuộc gọi/ngày. Có thời điểm hơn 3.000 điện thoại viên cùng làm việc. Chưa có các công cụ hỗ trợ, toàn bộ việc lắng nghe, giải đáp, xử lý,… đều được thực hiện thủ công. Khối lượng công việc khổng lồ tạo thành áp lực lên mọi thành viên Trung tâm. Để đảm bảo hiệu suất làm việc, chị Vân duy trì kỷ luật thép với những quy định khắt khe ở Trung tâm. Chị cũng nổi tiếng vì không ngại “va” với các đơn vị khác, kiên quyết theo vấn đề đến cùng.
Cô gái nhỏ nhắn chưa đầy 40kg lúc đó thậm chí làm việc liên tục 3 ca. Chị chỉ gác máy khi đi ăn cơm, vệ sinh và chợp mắt vài tiếng để lấy sức. “Thời ấy, ai cũng thế. Cả một bộ máy đều vận hành liên tục, liên tục trong guồng quay công việc, không ai có thể dứt ra được”, chị Thanh Vân kể.
Không bao giờ là hy sinh
Nhìn lại khối lượng công việc khổng lồ trong giai đoạn lịch sử, chị Hồ Thị Thu Hà cho rằng chị may mắn được góp sức trong những chiến dịch thần tốc của Viettel, cả phát triển 178 và làm di động. Cách làm, tinh thần và khí thế ấy sau này được chị lan tỏa trong giai đoạn đảm nhiệm cương vị Giám đốc Viettel Lào Cai (2017 – 2019). Chị cùng những người đồng nghiệp nơi tỉnh miền núi biên giới này lại lăn xả vào công việc. Điểm bán hàng lưu động Viettel được triển khai xuống tận các xã. Nhân viên Viettel khi đó ban ngày xuống xã, hỗ trợ bà con chuyển dịch, nâng cấp lên máy 4G. Ban đêm, mọi người lại hỗ trợ khách ngay tại gia đình, biến nhà mình thành các điểm hỗ trợ bà con.
“Bản lĩnh, sự cương quyết đến cùng của Viettel đã thổi bùng ngọn lửa đam mê, nhiệt huyết của tất cả nhân viên. Nó khiến cho mọi khó khăn, thách thức trở thành câu chuyện rất đỗi bình thường. Không chỉ chúng tôi vất vả, những người thân trong gia đình cũng chịu nhiều thiệt thòi. Nhưng tinh thần, ý chí Viettel là thế. Chúng tôi làm việc với tất cả lòng biết ơn đối với Công ty, với những người lãnh đạo tài năng và tâm huyết như chú Xuân, anh Hùng, anh Trung…”, chị Hà nói.
Chính những nỗ lực không ngừng nghỉ ấy đã giúp mạng di động Viettel phát triển đến ngay cả những người trong cuộc không ngờ tới. Thiếu tướng Dương Văn Tính, nguyên Bí thư Đảng ủy, Phó TGĐ Tập đoàn, cho biết: Trong Nghị quyết Đại hội III, ban lãnh đạo Viettel dự kiến doanh thu năm 2005 là 3.000 tỷ đồng, kết quả đạt gần 3.200 tỷ đồng. Đại hội cũng đề ra doanh thu đến năm 2010 là đạt từ 14.000 - 17.000 tỷ đồng. Kết quả đến năm 2007, Viettel đã đạt doanh thu 16.300 tỷ đồng - hoàn thành chỉ tiêu Đại hội đề ra trước 3 năm. Đến năm 2010, doanh thu chúng ta đạt 92.000 tỷ đồng - vượt xa ước tính kỳ vọng.
Theo đánh giá của nguyên Bí thư Đảng ủy Tập đoàn, kỳ tích đáng tự hào như vậy là kết quả của những tháng ngày “không ăn, không ngủ”, là kết tinh của sự sáng tạo trong từng cách làm cũng như từ tinh thần đoàn kết của mỗi CBNV - những người lính Viettel.
Tất cả đều xuất phát từ quan điểm “Cho đi để nhận lại”, “Làm gì có lợi cho nhân dân, cho đất nước thì làm” của người Viettel trên khắp toàn cầu.