‘Mảnh ghép cuối cùng’ để làm chủ hệ thống ePass của Viettel

Tuyết Minh (Công ty Giao thông số Việt Nam) đã đăng lúc 08:27 - 04.11.2021

Đối với khách hàng sử dụng dịch vụ thu phí tự động đường bộ ePass, những thay đổi từ việc làm chủ hệ thống FrontEnd có thể khó nhận biết vì họ chỉ đơn giản thấy mình dùng dịch vụ “có vẻ” ổn hơn, không gặp trục trặc gì. Nhưng phía sau đó, là một câu chuyện lớn hơn, về tương lai giao thông thông minh, thành phố thông minh cho Việt Nam.

Với những người tham gia giao thông bằng ô tô, cái tên ePass - dịch vụ thu phí tự động đường bộ của Công ty cổ phần Giao thông số Việt Nam (VDTC) – đã không còn xa lạ. Chỉ với một tấm thẻ ePass dán trên xe, tài xế mất chưa tới 1 giây cho việc nộp phí tại 100% các trạm thu phí có triển khai dịch vụ trên toàn quốc.

Xây dựng hệ thống này, VDTC đã vận hành 21 trạm thu phí. Trước đây, nếu như hệ thống BackEnd do VDTC làm chủ, hệ thống FrontEnd được giao cho 4 nhà thầu triển khai. Tuy nhiên, mới đây, VDTC đã chính thức thành công trong việc làm chủ hệ thống FrontEnd.

Đồng chí Bùi Trình, Tổng Giám đốc VDTC cho hay: “ePass là một trong những nền tảng lõi để sau đó xử lý các bài toán giao thông. Chính vì thế, chúng tôi mới quyết tâm làm và hướng tới việc tạo ra hệ sinh thái giao thông thông minh trên các tuyến cao tốc, các bãi đỗ xe thông minh, trong thành phố, thu phí nội đô… Đó là một phần của thành phố thông minh”.

Từ văn hóa “Ta làm Tây xem”…

-  Thưa đồng chí, vì sao VDTC quyết định sẽ nghiên cứu và làm chủ hệ thống FrontEnd (nhận diện xử lý giao dịch xe qua trạm thu phí) thay vì làm việc với các nhà thầu để họ giúp xử lý các vướng mắc phát sinh?

Việc làm chủ hệ thống là văn hóa của Viettel rồi. Ngày xưa người ta có câu “Tây làm Ta xem”. Bây giờ, từ thời Nguyên Chủ tịch Nguyễn Mạnh Hùng, rồi Chủ tịch Tập đoàn Lê Đăng Dũng, đã trở thành “Ta làm Tây xem”.

Có thể nói, tất cả các thiết bị IoT, 4G, 5G, thiết bị mạng, chuyển mạch, BSC, OCS hoàn toàn do chúng tôi tự sản xuất và làm chủ hoàn toàn để đưa vào vận hành và sử dụng trên mạng lưới của Viettel.

Xuất phát từ những ngày có sự cố, tôi thức đêm cùng với mọi người. Trước đây, chúng tôi làm việc với các nhà thầu nước ngoài, họ rất bài bản, chuyên nghiệp, đều có báo cáo đánh giá sự cố, nguyên nhân, giải pháp, nhưng đổi lại thì chi phí rất cao, trong khi nhà thầu Việt Nam lại chưa có ý thức đó.

Chúng tôi, từ phương châm vì khách hàng, không muốn khách hàng phải phàn nàn, kêu ca về chất lượng dịch vụ, đã quyết tâm làm chủ hệ thống FrontEnd.

Nếu như làm chủ được hệ thống FrontEnd thì có nghĩa là toàn bộ hệ thống thông tin không dừng từ BackEnd (trung tâm dữ liệu), FrontEnd, VDTC đều làm chủ được hết.

Thứ hai, thuê ai thì phải trả tiền người đó, tự làm được rõ ràng sẽ tối ưu chi phí hơn. Tối ưu chi phí là bài toán mà bất kỳ doanh nghiệp nào cũng phải giải, ePass và VDTC cũng không ngoại lệ.

Thứ ba, quan trọng nhất là social mobility (xã hội di chuyển) và smart mobility (di chuyển thông minh) là xu thế tất yếu trên thế giới, ứng dụng công nghệ như AI, big data, machine learning…

ePass là một trong những nền tảng lõi để sau đó xử lý các bài toán giao thông. Chính vì thế, chúng tôi mới quyết tâm làm và hướng tới việc tạo ra hệ sinh thái giao thông thông minh trên các tuyến cao tốc, các bãi đỗ xe thông minh, trong thành phố, thu phí nội đô… Đó là một phần của thành phố thông minh.

Chúng tôi rất mong muốn tiên phong số hóa việc di chuyển trong ngành giao thông vận tải để nâng cao trải nghiệm người dùng và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.

Rõ ràng, các tiện ích của giao thông số, hiệu quả mà thông tin không dừng mang lại sẽ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, thông qua việc tiết kiệm thời gian đi lại, tiết kiệm nhiên liệu, giảm thiểu ô nhiễm, chống lây lan dịch bệnh. Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng nói rằng, đến tháng 3/2022, tất cả các tuyến đường cao tốc đều sẽ triển khai hết hệ thống này.

- VDTC sẽ có những thuận lợi và khó khăn gì khi xây dựng hệ thống FrontEnd cho các trạm thu phí không dừng?

Về thuận lợi, thì có hai yếu tố. Thứ nhất là chúng tôi có quyết tâm làm chủ công nghệ, thứ hai là đã quy tụ được đội ngũ kỹ thuật trẻ, sáng tạo, có tri thức và kinh nghiệm.

Đội ngũ kỹ sư này có một số “hạt nhân” đã rất có kinh nghiệm về thu phí không dừng và là một trong số những chuyên gia hàng đầu trong lĩnh vực này. Họ phối hợp với các chuyên gia hàng đầu ở Viettel, hợp lực lại để xây dựng hệ thống.

Còn khó khăn, thì tôi nghĩ khó khăn duy nhất nằm ở chỗ, đây là dự án PPP, tất cả việc mua vật tư, thiết bị để thử nghiệm hệ thống đều cần nguồn kinh phí. Để xây dựng hoàn thiện một phần mềm, phải bỏ công sức ra viết nhưng không được ghi nhận chi phí. Nhưng rồi cũng ổn thôi, thay vì đi thuê thì chúng tôi tự viết.

Hệ thống FrontEnd do VDTC xây dựng có ưu điểm gì nổi bật so với các hệ thống của các nhà thầu đang sử dụng?

Qua một năm vận hành và đúc kết kinh nghiệm từ những phần mềm hiện tại – là phần mềm tĩnh, chúng tôi thấy rằng, một web động với giao diện thân thiện sẽ cởi mở cho người sử dụng. Chúng tôi cũng rút kinh nghiệm từ các lỗi của 4-5 nhà thầu cung cấp dịch vụ FrontEnd trước đây, và đưa ra một bài toán tối ưu để khắc phục tất cả các lỗi này, thể hiện sự vượt trội của phần mềm FrontEnd do VDTC phát triển.

Hệ thống này có thể thay thế toàn bộ 4 nhà thầu trước đó không và lợi ích đem lại là gì?

Chắc chắn có thể thay thế toàn bộ, mà việc vận hành hệ thống cũng dễ dàng, thân thiện hơn, giống như khi dùng iPhone vậy. Mỗi năm, hệ thống này có thể tối ưu được 50% chi phí mà chúng tôi đang trả cho các nhà thầu.

… đến xu hướng “Social Mobility” và “Smart Mobility”

- Khách hàng có thể cảm nhận ra sao về hệ thống mới này?

VDTC có hai đối tượng khách hàng. BOT cũng được định nghĩa là khách hàng, người tham gia giao thông cũng là khách hàng. Người tham gia giao thông họ sẽ chỉ cảm nhận được rằng dạo này đi qua trạm thông thoáng, không gặp vấn đề gì, trong khi trạm thu phí sẽ cảm nhận rất rõ công việc đối soát, thu phí hàng ngày rất tường minh và nhanh.

Mặt khác, VDTC cũng sẽ chủ động hơn trong việc khắc phục sự cố. Nếu như trước đây, BOT phải liên hệ với các nhà thầu, sau đó phối hợp với họ, chờ họ khắc phục sự cố rồi khách hàng mới có thể tiếp tục sử dụng dịch vụ, thì VDTC chủ động được hoàn toàn.

Trước đây, khi chúng tôi chuyển giao từ trạm thu phí BOT sang VDTC, trạm thu phí yêu cầu đối soát về mặt tài chính trước 9 giờ sáng, trả tiền trước 3 giờ chiều. Ngày ấy cũng lo vì khối lượng công việc lớn quá. Nhưng bây giờ, chúng tôi hoàn toàn yên tâm vì công việc đều tự động rất nhanh chóng, giảm tới 75% thời gian đối soát.

Nếu như thu phí không dừng, chỉ có thể cung cấp được cho 35 trạm thu phí, thì hệ thống này, khách hàng BOT hoàn toàn có thể cung cấp cho tất cả các trạm thu phí trên toàn quốc với khối lượng nhân sự như hiện tại.

Trước đây, BOT rất lo ngại rằng chúng tôi không có kinh nghiệm, sợ đối soát thiếu hoặc chuyển tiền thiếu. Nhưng đến nay, chắc chắn họ đã thấy sự khác biệt. Hệ thống online hoàn toàn, chuyển tiền nhanh và khác hoàn toàn với hệ thống trước đây.

- Liệu hệ thống FrontEnd này có phải là “mảnh ghép cuối” trong việc làm chủ?

Đúng là như vậy. Toàn bộ công việc đối soát, hậu kiểm, lên doanh thu, tạo giao dịch online… được Tổng công ty Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (Viettel Solutions) liên tục xử lý hàng tháng, để xây dựng một phần mềm hoàn chỉnh hơn, “mượt hơn”, tự động hóa hoàn toàn.

Bước tiếp theo trong việc phát triển hệ thống FrontEnd dành cho các trạm thu phí không dừng của VDTC là gì, kế hoạch dự kiến ra sao?

Trước đây, chúng ta nói về ITS (Intelligent Transport System) – giao thông thông minh, nhưng bây giờ, chúng ta đã chuyển sang khái niệm Social mobility và Smart mobility.

Toàn bộ xã hội đang vận động, tất cả mọi phương tiện đang di chuyển, nhưng phải làm sao để di chuyển thông minh, tối ưu về mặt thời gian. Và khi di chuyển, người tham gia di chuyển được cung cấp đầy đủ thông tin, được cảm nhận khác biệt so với ngày xưa.

Các quốc gia phát triển ứng dụng rất nhiều công nghệ để hỗ trợ việc di chuyển thông minh, như một số bang ở Mỹ tiết kiệm tới 70% chi phí nâng cấp bảo trì hạ tầng, ở Trung Quốc giảm tới 50-60% số vụ tai nạn, ở Hàn Quốc giảm tới 75% lượng khí thải, ở Singapore, tăng tốc độ di chuyển trung bình trong thành phố từ 8km/h lên tới 24km/h.

VDTC, với nền tảng ePass, tập khách hàng là BOT, có mong muốn xây dựng hoàn chỉnh hệ thống quản trị cơ sở dữ liệu về lưu lượng, về doanh thu, bảo trì hạ tầng, phát triển hạ tầng đường bộ làm nền tảng cho giao thông thông minh, giải những bài toán cụ thể cho ngành giao thông vận tải Việt Nam.

- Bài học rút ra cho VDTC khi phát triển hệ thống FrontEnd cho các trạm thu phí không dừng là gì?

Có thể nói, bài học duy nhất mà tôi hay nhắc mọi người ở VDTC, là khi đã nghĩ ra được ý tưởng đó hữu ích cho công ty, hãy toàn tâm toàn ý, làm đến cùng và có kế hoạch cụ thể, chi tiết phân công từng người một, để hoàn thiện và đưa ý tưởng đó vào cuộc sống.

- Cảm ơn đồng chí về cuộc trao đổi.

VTS mang sản phẩm IOC thâm nhập thị trường Dubai và Qatar

  • 2

Phụ nữ Viettel chia sẻ về cách biến AI thành trợ lý cá nhân

  • 1

Giải pháp từ Viettel AI ngăn chặn giả mạo giấy tờ

Viettel AI đạt top 4 thế giới, top 1 Việt Nam về công nghệ nhận diện khuôn mặt

  • 5
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua