Bí quyết giúp 'Tiến sĩ lý thuyết' trở thành 'Kỹ sư nghiên cứu' ở VHT

Thùy Dương (Ban Thương hiệu & Truyền thông) - Trà My (TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) đã đăng lúc 15:25 - 14.06.2024

Vượt qua nhiều khó khăn và tư duy lý thuyết, chàng kỹ sư Đỗ Văn Lộng đã cùng đồng nghiệp hoàn thiện hệ thống trinh sát điện tử thông minh V-ELINT18, một trong những sản phẩm phức tạp nhất của VHT.

Tốt nghiệp Tiến sĩ tại Pháp năm 2016, anh Đỗ Văn Lộng bắt đầu hành trình gắn bó với Trung tâm Thông tin và Tác chiến điện tử, TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) ngay khi về nước. Những năm tháng làm việc tại Viettel, anh Lộng đã trải qua nhiều cung bậc cảm xúc, từ mệt mỏi, mất phương hướng khi đối mặt với những khó khăn trong công việc cho đến hạnh phúc và tự hào khi được tận mắt chứng kiến những thành quả của mình và các đồng nghiệp hiện hữu trong các sản phẩm công nghệ cao.

Địa điểm làm việc ở Hòa Lạc, gia đình lại ở xa nên buổi sáng hàng ngày, anh Lộng rời nhà lúc 6 giờ 30 phút và thường xuyên trở về sau 8 giờ tối. Với hành trình khoảng 100km di chuyển mỗi ngày, anh luôn trong trạng thái mệt mỏi và chán nản.

Anh gia nhập VHT với chức danh Kỹ sư Xử lý tín hiệu, sau khi tốt nghiệp kỹ sư Tự động hóa, kinh nghiệm 2 năm lập trình phần mềm, 5 năm làm PhD về toán ứng dụng. Lĩnh vực chuyên môn hoàn toàn khác nhau khiến anh Lộng gặp không ít khó khăn, thậm chí anh không nắm được những khái niệm cơ bản nhất của lĩnh vực xử lý tín hiệu. Trong gần 1 năm đầu, chàng kỹ sư trẻ luôn cảm thấy bế tắc và đơn độc khi thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu tiền khả thi cho bài toán định hướng nguồn phát tín hiệu trong môi trường phản xạ.

“Tôi đã đọc hàng trăm bài báo khoa học, mô phỏng hàng chục thuật toán, tổ chức rất nhiều buổi seminar nhưng vẫn không tìm ra lời giải phù hợp. Lúc đó, tôi cảm thấy thật sự đơn độc trong công việc vì không có sự trợ giúp từ bên ngoài mà phải tự mình nghiên cứu để tìm ra lời giải”, anh Lộng chia sẻ.

Đỉnh điểm hơn là giai đoạn năm 2017, những đồng nghiệp thân thiết tốt nghiệp PhD của anh tại Trung tâm lần lượt xin nghỉ việc vì nhiều lý do khác nhau. Anh Lộng có lúc cảm thấy mất phương hướng bởi suy nghĩ “liệu công việc ở đây có thực sự phù hợp với những “Tiến sĩ lý thuyết” như mình hay không? Nơi đây có nên là bến đỗ cuối cùng trong sự nghiệp của mình hay không?”.

Sau những lần trao đổi với Ban lãnh đạo, chỉ huy trong Trung tâm về những khó khăn và suy nghĩ, nguyện vọng cá nhân, chàng “Tiến sĩ lý thuyết” như được tiếp thêm năng lượng. Anh đã chọn cách đồng hành, tìm giải pháp biến những thử thách trong công việc thành lợi thế.

Anh quyết tâm bù đắp lại sự thiếu hụt kiến thức cơ bản trong công việc, tranh thủ thời gian trên xe tuyến, những giờ nghỉ trưa ở cơ quan hoặc những buổi tối ở nhà để nghiên cứu tài liệu. Những ánh đèn lẻ loi trong giờ nghỉ trưa tại VHT đã giúp chàng kỹ sư tích lũy những kiến thức nền tảng quan trọng, giúp kết quả của anh ở VHT ngày một tốt lên.

“Khi đó, mục tiêu của tôi là trở thành một “kỹ sư nghiên cứu” và luôn tâm niệm những thuật toán nghiên cứu ra cần phải có sự sáng tạo, tính thực tiễn và khả năng ứng dụng vào sản phẩm”, anh Lộng chia sẻ khi được Ban lãnh đạo tin tưởng, giao nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn, mang tính ứng dụng thực tiễn hơn.

“Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý” là một trong những tiêu chí mà anh Đỗ Văn Lộng (VHT) luôn cố gắng thực hiện trong công việc.

Năm 2018, chàng kỹ sư trẻ được giao nhiệm vụ nghiên cứu và phát triển các thuật toán cho hệ thống trinh sát điện tử thông minh V-ELINT18. Đây cũng chính là bước ngoặt lớn với anh bởi sản phẩm này là một trong những thiết bị phức tạp nhất mà VHT từng nghiên cứu và phát triển, với những tính năng, chỉ tiêu kỹ thuật tương đương với hệ thống VERA-NG - niềm tự hào với hơn 60 năm hình thành, phát triển và hoàn thiện của người Séc.

Tại thời điểm nhận nhiệm vụ, anh Lộng đã thực sự nghĩ rằng đây là một nhiệm vụ bất khả thi vì cả nhóm đề tài chỉ có vài năm để thực hiện. Bắt tay vào nghiên cứu, anh Lộng cùng các đồng nghiệp ở VHT thực hiện nghiên cứu các thuật toán một cách rất chuyên nghiệp: từ việc phân tích yêu cầu, tham khảo các bài báo khoa học, cập nhật những công nghệ mới nhất; từ đó mô phỏng, đánh giá hiệu năng và lựa chọn thuật toán phù hợp nhất; sau đó mới triển khai, tích hợp, thử nghiệm và liên tục cập nhật thuật toán để hoàn thiện sản phẩm.

Quãng thời gian đó đồng nghĩa với những buổi tối muộn, trở về nhà khi vợ con đã yên giấc ngủ, những đêm thức trắng cùng đồng nghiệp sửa lỗi để kịp tiến độ, những ngày dãi nắng dầm mưa để thử nghiệm sản phẩm hay thường xuyên phải làm việc cuối tuần để hoàn thành nhiệm vụ.

Trong suốt quá trình làm việc, anh Lộng luôn lấy “thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý” làm kim chỉ nam cho mình, kết hợp hài hòa giữa cơ sở lý thuyết và kinh nghiệm thực tế trong từng giai đoạn phát triển sản phẩm. Anh luôn làm việc với nguồn năng lượng tích cực nhất, cố gắng tìm những giải pháp tối ưu nhất, thay đổi tư duy, cập nhật công nghệ mới và tìm kiếm cách làm sáng tạo hơn nhằm áp dụng những giải pháp công nghệ mới nhất vào sản phẩm.

Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, từ năm 2019 đến 2023, anh Lộng đã chủ trì và trực tiếp nghiên cứu thành công nhiều công nghệ nền tảng quan trọng và các thuật toán xử lý phức tạp trong lĩnh vực Tác chiến điện tử, ứng dụng vào Hệ thống trinh sát điện tử thông minh V-ELINT18 và Tổ hợp chống phương tiện bay không người lái hạng nhẹ BV5.

Velint
Hệ thống tác chiến điện tử V-ELINT 18 của Viettel

Các kết quả nghiên cứu nổi bật bao gồm 7 công nghệ lõi được ứng dụng vào sản phẩm, 6 bài báo được công bố trên các hội nghị khoa học quốc tế, 6 sáng chế được cấp bằng hoặc đăng công báo và nhiều ý tưởng được công nhận. Những đóng góp của anh chàng kỹ sư đã được tổ chức ghi nhận với 3 năm liền đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, 1 bằng khen của Bộ Quốc phòng, 1 danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quân, 1 danh hiệu Cá nhân ngành dọc xuất sắc và 1 giải thưởng Hồ Chí Minh.

Mới đây, tại Đại hội Thi đua Quyết thắng của TCT Công nghiệp Công nghệ cao, chàng “kỹ sư nghiên cứu” Đỗ Văn Lộng vinh dự là 1 trong những cá nhân xuất sắc được nhận Bằng khen của Tập đoàn. 

Nhìn lại chặng đường đã qua, anh Lộng tự hào: “VHT đã giúp tôi thay đổi từ một “Tiến sĩ lý thuyết” thành một “Kỹ sư nghiên cứu” thực thụ, lấy “thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý” làm phương châm hành động trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm. Có thể nói, lựa chọn trở thành nhân viên của VHT là điều đúng đắn, cũng là một sự may mắn, bởi tôi đã tìm được đúng ngành nghề yêu thích, được làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, được thỏa mãn đam mê nghiên cứu và phát triển các sản phẩm công nghệ cao, được trải nghiệm những năm tháng tuổi trẻ đầy nhiệt huyết và cống hiến hết mình, đồng thời góp phần bảo vệ Tổ quốc”.

  • 2117
  • 3

'Ở VHT, ai cũng có thể là người truyền lửa'

  • 2019
  • 1

Niềm tự hào của CEO Bitel khi được là người lính

  • 5047

Thế nào là người nhập cư, thợ thủ công và nhà đổi mới?

  • 3574
  • 1

Giá trị văn hóa trong ký ức của cô gái đưa Viettel ra thế giới

  • 6264
  • 10

Tôi, một người Viettel không sợ thay đổi

  • 36

Đặc quyền của cá nhân tiêu biểu tháng tại Viettel AI

  • 825

Thước phim xúc động về người lính Viettel trong dự án quốc gia

  • 1302

Biết ơn người đi trước theo cách của Viettel

  • 905
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua