Các thành phố được mệnh danh “thiên đường” của mọt sách

Phương Hoàng (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 19:49 - 02.08.2022

Nhiều thủ đô trên thế giới nổi tiếng với những nét văn hóa, du lịch, nghệ thuật độc đáo. Một bộ phận trong số đó giờ đây còn được biết đến với danh xưng “thiên đường” cho người yêu sách. Văn hóa đọc đã góp phần tạo nên sự “độc đáo”, giúp các thủ đô trở nên nổi tiếng hơn.


Hiệu sách lâu đời nhất nước Đức H. Weyhe, thành lập năm 1840

Thủ đô Berlin vừa được xếp đầu bảng trong bảng xếp hạng những thủ đô tuyệt vời nhất cho người mê sách, theo nghĩa có tỉ lệ nhà sách, thư viện trên mỗi 1 triệu người cao nhất (đạt 9,21/10 điểm).

Ở vị trí thứ 2, Tokyo (8,69 điểm) ghi dấu không chỉ vì có nhiều nhà sách và thư viện mà còn nhờ các hiệu sách ở đây gây ấn tượng khi chúng còn là nơi trưng bày nghệ thuật, triển lãm văn hóa và đồng thời là quán bar, quán cà phê.

Buenos Aires và Rome (8,68 điểm) cùng chia sẻ vị trí thứ ba. Điểm nhấn nổi bật ở thủ đô của Argentina là El Ateneo Grand Splendid - nơi được công nhận là hiệu sách đẹp nhất thế giới, nằm trong một nhà hát cổ được bảo tồn. Madrid (7,90 điểm) chiếm vị trí thứ 5 nhờ điểm số hiệu sách cao và là quê hương của Hội chợ sách quốc tế thường niên Feria del Libro - nơi du khách từ khắp nơi trên thế giới đổ về đây mỗi năm để thưởng thức hơn 300 hoạt động bao gồm đọc sách, hội thảo và ký tặng sách.

Xếp từ 6 đến 10 lần lượt là London, Seoul, Singapore, Mexico và Lima.

Điều bất ngờ và đáng suy ngẫm cho chúng ta là thủ đô Hà Nội đã xuất hiện cùng các thủ đô Bangkok, HongKong, Jakacta trong Top 10 thủ đô tệ nhất cho người mê sách (theo xếp hạng của The Knowledge Academy).

Bên cạnh bảng xếp hạng của The Knowledge Academy, Diễn đàn Văn hóa các thành phố thế giới (World Cities Culture Forum) cũng mở rộng thêm danh sách riêng về những thành phố và điểm đến hấp dẫn dành cho người yêu sách với các tiêu chí xếp hạng thú vị.

Thủ đô Warsaw của Ba Lan là thành phố có nhiều thư viện công cộng nhất tính theo đầu người, với 11,5 thư viện trên 100.000 cư dân, xếp trên thành phố Nam Kinh ở Trung Quốc (11,2) và Seoul của Hàn Quốc (11).

Theo một thang đo khác, Tokyo mang dấu ấn nổi bật khi hệ thống thư viện công cộng ở thủ đô này ghi nhận đến 111,9 triệu lượt mượn sách mỗi năm, bỏ xa vị trí thứ hai là Thượng Hải (Trung Quốc) với hơn 30 triệu lượt. Lake Worth Beach (bang Floria, Mỹ) là thành phố có nhiều thư viện nhỏ miễn phí nhất tính theo đầu người. Trung bình cứ 300 người ở đấy sẽ có 1 thư viện nhỏ dành cho họ.


Hiệu sách El Ateneo Grand Splendid ở Buenos Aires, Argentina

Thủ đô Lisbon của Bồ Đào Nha đạt danh hiệu thành phố có nhiều hiệu sách nhất tính theo đầu người, với 41,9 hiệu sách trên mỗi 100.000 người. Theo sau là thành phố Melbourne (Úc) với 33,9 cửa hàng/100.000 người. Lisbon cũng là thành phố có nhà sách lâu đời nhất thế giới - Livraria Bertrand, hoạt động từ năm 1723. Nó cũng được đánh giá là một trong những hiệu sách đẹp nhất thế giới, với lối kiến trúc pha trộn giữa phong cách Tân nghệ thuật và Tân Gothic.

Ở hạng mục thành phố truyền cảm hứng văn học nhất là cái tên không hề gây bất ngờ - Paris. Tuy nhiên, New York mới là thành phố được nhắc đến nhiều nhất trong các tác phẩm khi có hơn 8.500 quyển sách lấy bối cảnh ở đấy. London xếp thứ 2 với gần 4.000 đầu sách. Diễn đàn Văn hóa các thành phố thế giới cũng tìm ra “chủ nhân” của nhiều danh xưng thú vị khác, chẳng hạn như thành phố có nhiều nhà văn nhất - Reykjavik (Iceland), thành phố lý tưởng nhất cho các nhà văn - Edinburgh (Scotland), và thành phố có sự kiện văn học lớn nhất thế giới - Jaipur (Ấn Độ).

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua