Trong một bữa trưa ở Viettel, một đồng nghiệp nam nói chuyện với mọi người trong mâm: hình như bây giờ, người ta lại bảo ăn mỡ mới tốt, chứ không nên ăn dầu ăn…
Câu chuyện khiến tôi nghĩ đến việc chia sẻ với các đồng nghiệp Viettel cuốn sách “Ăn gì cho không độc hại”. Những kiến thức về dinh dưỡng trong cuốn sách giúp tôi thêm tự tin khẳng định: văn hoá, cách làm Viettel đã góp phần củng cố cho tôi lối sống phù hợp và lành mạnh. Một bữa ăn sạch hay một sản phẩm tốt, một hành động đúng trong công việc hay một lựa chọn một chiến lược… đều bắt đầu từ một câu hỏi giản dị: “Điều này có thực sự tốt cho con người và cho tương lai lâu dài không?”.
Là người nội trợ chính trong gia đình, tôi cho rằng cuốn sách “Ăn gì cho không độc hại” của tác giả Pha Lê là một tài liệu hữu ích dành cho những người quan tâm đến sức khỏe gia đình và chất lượng thực phẩm hàng ngày. Với nền tảng kiến thức vững chắc từ bằng Grand Diploma của trường ẩm thực Le Cordon Bleu, Pha Lê mang đến một góc nhìn sâu sắc, khoa học và không kém phần hài hước về dinh dưỡng, thực phẩm và môi trường sống.
“Ăn gì cho không độc hại” chia thành 6 chương, mỗi chương như một món ăn trong bữa tiệc tri thức mà Pha Lê dọn ra. Bắt đầu từ thời ăn lông ở lỗ, Pha Lê kể chuyện loài người lăn lộn thế nào để biến từ “ăn để sống” thành “ăn để chill”. Bạn sẽ biết tại sao chúng ta là loài ăn tạp, tại sao cái bụng mình cứ réo khi thấy cả thịt lẫn rau và tại sao cái ý tưởng “ăn chay mới là chân ái” hay “mỡ động vật là kẻ thù” có khi chỉ là… drama của thời hiện đại.
Rồi Pha Lê dẫn bạn đi qua những cuộc chiến ẩm thực: dầu thực vật đấu với mỡ lợn, sữa bò “cãi lộn” với sữa hạt, ăn chay “đá xoáy” ăn mặn. Mỗi vấn đề được mổ xẻ bằng khoa học, nhưng không khô khan kiểu giáo trình đại học, mà như kiểu bạn ngồi cà phê với một người bạn siêu thông thái nhưng siêu lầy. Chương cuối, “Nông trang du ký của Cù Lần”, là lúc Pha Lê xách balo đi thăm các trang trại hữu cơ ở Việt Nam.
Đọc mà tôi muốn đứng dậy vỗ tay vì những người nông dân đang lặng lẽ làm ra thực phẩm sạch và cũng muốn… đặt ngay một giỏ rau organic cho đỡ thèm!
Mở đầu sách, Pha Lê tặng độc giả một cú “tỉnh người”: “Con người là loài ăn tạp. Không tin? Cứ mở miệng ra là thấy răng nanh với răng hàm cùng nhau sống hòa bình”.
Thế là từ đó, bạn bắt đầu hiểu: à, chúng ta không phải ăn chay, cũng chẳng phải ăn thịt, càng không cần ăn uống theo kiểu “giàu sang” Instagram.
Ta chỉ cần ăn như loài người, nghĩa là đa dạng, cân bằng, không cực đoan - vì cơ thể này thiết kế ra là để ăn mọi thứ rồi!
Cô còn kể chuyện gấu trúc, loài vật tự dưng bỏ thịt quay sang chỉ gặm tre - và kết quả là chúng trở thành biểu tượng của… ngủ và tiêu chảy.
Đừng đọc sách này nếu bạn đang mong nó liệt kê: “Ăn cái này sống lâu”, “Ăn cái kia đẹp da” hay “Chỉ cần uống nước gạo rang là trẻ mãi không già”. Không có đâu.
Sách không hứa điều gì màu mè, vì thực phẩm không phải tiên dược. Thứ mà sách mang lại là một cái đầu tỉnh táo, để bạn tự chọn đúng mà không cần chuyên gia dinh dưỡng kè kè bên tai mỗi bữa.
Pha Lê vạch trần bao nhiêu hiểu nhầm: Thịt đỏ không xấu, cái xấu là cách người ta nuôi bò; Cá không đáng sợ, nếu bạn không mua cá đông lạnh từ mùa bão năm ngoái; Rau củ không độc, trừ khi bạn chọn loại xanh mướt như ảnh stock và to bất thường như bắp tay Dwayne Johnson…
Một điểm mình vừa đọc và cười là tác giả cà khịa các “thánh biết tuốt” về ăn uống:
“Đứa nào cũng biết phân biệt chất béo bão hòa với chất béo không bão hòa. Nhưng hỏi ăn gì cho đủ chất thì chạy đi mua nước ép cần tây”.
Cuốn sách nhắc bạn rằng:
- Không có gì gọi là “siêu thực phẩm”. Chỉ có thực phẩm phù hợp với bạn và chế độ ăn hợp lý.
- Không có gì gọi là “ăn sạch tuyệt đối”. Trừ khi bạn trồng trọt, nuôi gà, cày đất giữa đảo hoang và tự ủ men.
- Không cần phải nạp collagen từ chân gà hầm đu đủ. Ngủ đủ, uống nước, bớt stress là tốt hơn nhiều!
Tác giả nhẹ nhàng, nhưng không thiếu phần thâm thúy khi nói về những người chỉ yêu một nhóm thực phẩm như ăn chay khắt khe, kiêng thịt toàn phần hoặc nghiện ngập keto tới mức ám ảnh.
“Một chế độ ăn cực đoan có thể giúp bạn giảm cân, nhưng cũng dễ giúp bạn… nhập viện vì thiếu sắt, thiếu vitamin, thiếu tiền mua hạt chia organic”.
Nói vui thế, nhưng thông điệp thật sự là: Ăn uống không cần phức tạp, chỉ cần bạn hiểu mình đang làm gì với cơ thể mình.
Một điểm tôi cực kỳ thích trong sách, đó là tác giả gỡ rối những ngộ nhận về “ăn sạch”:
- Organic chưa chắc đã tuyệt đối sạch.
- Ăn chay cũng không đảm bảo không nhiễm độc nếu rau củ bẩn.
- Thực phẩm đóng gói “natural” đôi khi chỉ là chiêu trò tiếp thị.
Chúng ta đều hiểu rằng, sạch không nằm ở cái nhãn, không nằm ở quảng cáo. Sạch là hiểu rõ nguồn gốc thực phẩm, quá trình sản xuất, cách chế biến và cách bảo quản. Tác giả lý giải thật dễ hiểu, ở đâu có quá nhiều khâu xử lý công nghiệp, ở đó nguy cơ nhiễm độc lại càng cao.
Và rồi, sau những trang sách hài hước và đầy “chặt chém”, Pha Lê kết lại nhẹ nhàng:
“Chúng ta ăn uống không chỉ để sống, mà còn để sống vui. Đừng để mỗi bữa ăn trở thành phiên tòa xét xử thực phẩm”.
Ăn là để nuôi thân - nhưng quan trọng hơn, ăn là để yêu mình.
Yêu bằng việc lựa chọn đúng.
Yêu bằng cách không đầu độc mình bởi nỗi sợ, lời đồn hay công thức giảm cân vô hồn trên mạng.
Ăn uống không phải là cuộc chiến.
Không phải ăn để chống lại ung thư, chống lại bệnh tật, chống lại ô nhiễm.
Mà là ăn để sống vui, sống khỏe, sống trọn vẹn từng khoảnh khắc.
Những chỉ dẫn trong cuốn sách giúp tôi vững tin hơn vào những lựa chọn của mình từ trước đến nay: Ưu tiên thực phẩm địa phương, mùa vụ; Tối giản chế biến: Hấp, luộc, áp chảo nhẹ; Tránh lạm dụng gia vị công nghiệp…
Đặc biệt, nấu ăn ở nhà càng nhiều càng tốt.
May mắn thay, gần như trụ sở, văn phòng Viettel nào cũng tổ chức bếp ăn, bữa ăn ở đó giống như bữa cơm gia đình. Ở đó, đầu bếp là những đồng nghiệp thân thiết của chúng ta, các bữa ăn được nấu với nguyên tắc: nấu cho người nhà.
Và thực ra, ở Viettel, văn hoá đã mỗi ngày hun đúc cho chúng ta tinh thần, thái độ: không sợ hãi, nhưng tỉnh táo và chủ động chọn lựa trong công việc và cuộc sống.
Ở Viettel, chúng ta không né tránh khó khăn, cũng không làm việc theo cảm tính hay chạy theo phong trào.
Chúng ta chọn cách hiểu thật rõ vấn đề, phân tích bản chất, chủ động tìm giải pháp, và quyết định hành động dựa trên dữ liệu, sự thấu hiểu và tinh thần trách nhiệm.
Cũng giống như việc lựa chọn thực phẩm sạch để bảo vệ sức khỏe:
Khi xây dựng sản phẩm, Viettel lựa chọn những công nghệ tối ưu nhất cho người dùng.
Khi phát triển thị trường, Viettel không chạy theo ngắn hạn, mà kiên trì xây dựng nền tảng bền vững và có trách nhiệm.
Khi đối diện với những biến động trong môi trường kinh doanh, chúng ta không bị cuốn theo nỗi sợ, mà giữ vững nguyên tắc làm những điều đúng đắn cho khách hàng, cho cộng đồng.
Không có gì tuyệt đối, không chờ những phương án hoàn hảo, 70% là quyết.
“Come back to basic” ở Viettel giúp mỗi chúng ta tự trau dồi kiến thức và dũng cảm chọn lối đi phù hợp với mục tiêu cốt lõi: vì con người, vì sự phát triển bền vững, vì giá trị thật.