Nhân dịp kỷ niệm 27 năm ngày thành lập Công ty và 35 năm ngày thành lập Tập đoàn, Công ty TM&XNK Viettel (VCM) tổ chức cuộc thi “Người VCM thông thái”.

Đây là cách làm mới của VCM nhằm đưa các nội dung về văn hoá đến gần hơn với CBNV, dưới hình thức lần đầu tiên xuất hiện tại đơn vị - “rung chuông vàng”.

30 câu hỏi của cuộc thi xoay quanh các giá trị cốt lõi của Tập đoàn, trong đó tập trung đưa ra những nhận thức, hành vi, tình huống tương ứng và yêu cầu người chơi nhận biết chính xác giá trị được thể hiện. Việc lựa chọn hình thức và cách làm mới để truyền thông văn hóa cũng là biểu hiện cho giá trị: Sáng tạo là sức sống.

(Minh Anh – Ban Thương hiệu và Truyền thông Tập đoàn)

Từ đầu năm 2024, TT Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo (Viettel AI) áp dụng cách làm mới trong chương trình khen thưởng nhân viên xuất sắc hàng tháng.

Thay vì chỉ nhận giải thưởng, lần lượt các cá nhân tiêu biểu sẽ trở thành đại sứ văn hóa, chia sẻ và lan tỏa câu chuyện ánh xạ các giá trị cốt lõi của chính mình để làm bài học cho các đồng nghiệp ở Viettel AI. Buổi chia sẻ được livestream trực tiếp trên kênh truyền thông nội bộ của đơn vị để toàn thể CBNV cùng theo dõi, suy ngẫm và tự áp dụng.

Đồng chí Đặng Thanh Vân - Phòng Tổ chức hành chính của Viettel AI chia sẻ: “Tôi mới gia nhập Viettel được 2 năm, mới đầu cũng chỉ biết các giá trị cốt lõi trên lý thuyết. Sau 1 buổi được tham gia lắng nghe các anh chị, tôi bắt đầu nghiêm túc suy nghĩ. Hiện tôi đang vận dụng giá trị tư duy hệ thống để sắp xếp, tổ chức hiệu quả công việc của mình”.

(Minh Anh – Ban Thương hiệu và Truyền thông Tập đoàn)

Năm 2014, trong một lần lãnh đạo Tập đoàn đến thắp hương cho người thân nằm tại nghĩa trang liệt sỹ ở địa phương. Mấy ngày trước đó trời mưa nên cỏ mọc um tùm, che gần hết các ngôi mộ. Ngoại trừ một số dịp như 27/7, 22/12,… còn hầu như cả năm, các nghĩa trang liệt sỹ khá vắng vẻ, ít đoàn đến thăm viếng.

Với truyền thống luôn biết ơn người đi trước, Viettel quyết định chủ động chăm sóc các nghĩa trang liệt sỹ trên địa bàn đóng quân. Theo đó, 708 nghĩa trang liệt sỹ, đài tưởng niệm sẽ được CBNV Viettel dâng hương tại vào những dịp đặc biệt trong năm như Tết Nguyên đán, Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, Ngày Thương binh Liệt sỹ 27/7, Ngày Quốc khánh 2/9, Ngày thành lập QĐND Việt Nam 22/12,…

Các chương trình này được triển khai xuyên suốt từ cấp Tập đoàn, Khối Cơ quan, Tổng Công ty, Công ty, Trung tâm, Viện, Học viện đến các chi nhánh tỉnh/Tp và các trung tâm huyện trên cả nước.

Điểm khác biệt của Viettel ở chỗ, ngoài hoạt động dâng hương vào các ngày lễ Tết, giống như nhiều tổ chức, cá nhân khác, các đơn vị của Viettel đều chủ động đề xuất nhận một nghĩa trang liệt sỹ để chăm sóc, quét dọn vệ sinh sạch sẽ, thắp nến, dâng hương, tri ân hàng tháng vào ngày rằm và mùng 1 âm lịch. Mỗi năm một lần, các cơ quan, đơn vị tổ chức thay hoa, bình hoa và trang bị nhiều vật dụng khác tại nghĩa trang.

Hoạt động này của Viettel xuất phát từ giá trị cốt lõi Truyền thống và cách làm người lính. Viettel nhận thức chúng ta sinh ra từ Quân đội, được sống và làm việc trong hòa bình là nhờ sự chiến đấu, hy sinh của các liệt sỹ. Bởi vậy, chúng ta cần phải biết ơn người đi trước, ghi nhớ công lao của các Anh hùng liệt sỹ và chúng ta thể hiện sự trân trọng, khắc ghi lòng thành kính ấy bằng cách riêng của Viettel. Lòng biết ơn cần trở thành suy nghĩ, hành động mỗi ngày của mỗi người Viettel.

(Quỳnh Nguyễn - Ban Thương hiệu và Truyền thông)

Ngày 25/7/2024, TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng đã phê duyệt Tờ trình triển khai nhiệm vụ lãnh đạo làm gương trong thực hành văn hóa Viettel. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để cài đặt văn hóa vào các cơ quan, đơn vị của Tập đoàn, bao gồm 4 hoạt động:

  1. Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng và xây dựng môi trường thực hành giá trị cốt lõi trong tổ chức
  2. Làm gương thực hành giá trị cốt lõi
  3. Hỗ trợ CBNV thực hành giá trị cốt lõi
  4. Đào tạo CBNV về giá trị cốt lõi

Tập đoàn sẽ tổ chức đánh giá, đo lường vào tháng 1 hàng năm theo các tiêu chí đã được phê duyệt và công bố công khai xếp hạng kết quả thực hiện của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý (Ban TGĐ Tập đoàn, Trưởng/Phó Ban thuộc Khối Cơ quan Tập đoàn, Ban TGĐ/Giám đốc đơn vị, BGĐ công ty thị trường và chi nhánh).

Cùng với việc ban hành bộ 8 giá trị cốt lõi vào năm 2023, Tập đoàn đã bổ sung thêm yêu cầu lãnh đạo làm gương trong thực hành văn hóa. Theo đó, các cán bộ quản lý cần ghi nhớ, thấm nhuần các giá trị văn hóa của Viettel để truyền đạt lại cho CBNV. Trong quá trình làm việc, cán bộ quản lý phải trở thành hình mẫu để CBNV học hỏi, từ đó có thể biết, hiểu, tin tưởng và thực hành ánh xạ giá trị cốt lõi thông qua việc quan sát người quản lý, lãnh đạo của mình ở Viettel.

Trên thực tế, các quyết định, quy định, chính sách, quy trình là những công cụ thể hiện văn hóa của tổ chức do có ảnh hưởng lớn để CBNV. Vì vậy, khi lãnh đạo ánh xạ các giá trị cốt lõi trong các văn bản, quyết định hay cuộc họp, trao đổi ở đơn vị sẽ tác động trực tiếp đến việc thấu hiểu, tin tưởng và tự hào về văn hóa Viettel.

Việc cụ thể hóa yếu tố lãnh đạo làm gương thành tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể giúp cho quá trình triển khai, đánh giá trở nên thống nhất và rõ ràng. Lãnh đạo làm gương trong thực hành văn hóa là nhiệm vụ cần thiết và phải được duy trì thường xuyên ở tất cả các cấp nhằm phát huy nhận thức, vai trò của đội ngũ lãnh đạo, cán bộ quản lý trong việc xây dựng môi trường thực hành giá trị cốt lõi của Viettel: Lãnh đạo là tấm gương và truyền cảm hứng, hỗ trợ CBNV cùng thực hành giá trị văn hóa Viettel.

(Như Quỳnh, Thùy Dương - Ban Thương hiệu và Truyền thông)

… Chuyện kể rằng cách đây hàng trăm năm, những ngư dân ở nước Nhật kỹ tính và sành ăn nọ đã tìm ra cách để giữ cho cá biển tươi ngon, thơm ngọt sau những chuyến tàu đánh bắt xa bờ mà không phải đông lạnh cá chết cứng, không làm cho cá nhạt nhẽo vô vị sau nhiều ngày uể oải ròng rã trên biển bằng cách thả một con cá mập vào bể chứa cá bắt được. Bị đặt trong thử thách, các con cá luôn phải cảnh giác và bơi liên tục, nên lúc nào cũng tinh nhanh, chắc khỏe, không bị “nhạt thịt” như những con cá lờ đờ yên tĩnh trong bể nước bình yên đầy thức ăn và hoa lá.

Chuyện kể rằng cách đây nhiều năm, nhân vật chính trong câu chuyện của chúng ta lạc bước vào cánh cửa của một ngôi nhà xa lạ. Từ vai trò một lãnh đạo trong một tổ chức phi chính phủ chuyên điều phối những dự án giảm nghèo bằng vốn nước ngoài được quản lý chuyên nghiệp và tự chủ tối đa theo chuẩn quốc tế chuyển sang làm nhân viên đầu tư trong một doanh nghiệp nhà nước, nơi mà một cái ngẩng đầu cũng phải xem có phạm luật không, một cái nhấc tay cũng sợ va vào quy định nội bộ, làm những việc theo những tiến độ đặt ra theo logic không ai hiểu nổi, chạy theo những mục tiêu… trên trời không có tí liên hệ gì với mặt đất đang dẫm chân lên.

Bài đầu tiên tôi học ở đây và thứ đầu tiên tôi nhớ sau buổi nói chuyện của Tổng Giám đốc với nhân viên mới là câu “Viettel là ngôi nhà chung”. Một thời gian dài tôi đã từng khá bất mãn: Nhà gì mà nay dọa mai ép, từng giờ từng khắc trên giao xuống dưới đẩy lên toàn những việc chỉ nghe 1 nửa thôi đã “biết” là kiểu gì cũng thất bại. Nhà gì mà vài bữa chính sách lại đổi, mô hình lại mới, quy trình lại chỉnh loạn lên không để ai yên thân mà làm việc…

Chuyện kể rằng cách đây 1 năm, 1 đám những đứa chuyên làm thầu bè mua sắm lại được giao làm việc của truyền thông. Ngay từ khi mới bắt đầu chương trình sinh nhật tuổi 20 của ngành, bao nhiêu ý tưởng (tự thấy hay ho) kiểu như:

Dựng kịch Vua Hùng thứ 20 kén rể cho công chúa kèm theo của hồi môn là “kim bài miễn đuổi” để cho các đơn vị thuộc ngành thi đấu với nhau.

Mở chuyên án lật lại những trang hồ sơ mật, mỗi câu chuyện là 1 chuyên án mang bí danh 0000 kỳ bí rồi mở dần ra cho mọi người hồi tưởng và vui vẻ.

Hoặc tổ chức đấu giá thanh lý công nghệ ép tiến độ, đấu thầu mua sắm mũ chống quyết định điều chuyển... cho đúng nghề đầu tư.

Nhưng tất cả… đều bị gạt phắt vì lý do… không trang trọng. Những ý tưởng trang trọng thì lại bị chê là không vui. Những ý tưởng để lại dấu ấn thì lại không đạt yêu cầu tiết kiệm chi phí.

Trăm loại tình huống xảy ra, chuẩn bị đến ngày diễn ra sự kiện thì đơn vị ký hợp đồng thuê tổ chức dứt áo ra đi vì không chịu nổi kiểu gấp gáp và thay đổi xoành xoạch của đối tác khó nhằn. Vị khách mời là concept chính của chương trình từ chối tham dự, kịch bản phải sửa và in mới ở giây cuối cùng trước giờ tổng diễn.

Cứ bị đập như gián rồi lại ngóc đầu lên làm tiếp để cuối cùng mới trăm ngàn lần cảm ơn số phận mình đã được trao cơ hội để trải nghiệm, được đứng ở vai những người làm truyền thông.

… để hiểu, để trân trọng và khâm phục hơn những người dành mọi tâm huyết để sân khấu tỏa sáng nhưng chính mình lại đứng chìm trong góc tối, căng thẳng và lo lắng cho từng tiết tấu, từng tia sáng, từng cử động, từng lời nói của từng nhân vật chính hay nhân vật phụ.

… để cảm được dấu vết mềm yếu và tình yêu sâu kín của những người luôn khoác trên vai tấm áo giáp kiên cường và sắt đá.

… để lắng sâu trong tim những giọt nước mắt, những hy sinh thầm lặng của những bạn quen, người lạ trong nhiều năm dài cho những phút giây gặt hái thành công ngắn ngủi.

Rồi thì cũng phải thừa nhận sếp nói đúng, cứ phải vứt vào chỗ chết thì mới thấy mầm sống mọc lên, mới thấy khả năng của mình có thể vươn đến đâu, mới thấy mình có khả năng chịu đựng mọi chuyện cao đến mức nào. Tất cả những gì tốt đẹp nhất cũng đều bắt đầu từ những nỗ lực đổi thay nhỏ bé. Cây sồi to phát xuất từ một chiếc hạt nhỏ xíu chọn cựa mình mở mắt, trổ lên cành to tán dày. Một hạt yêu thương có thể thay đổi nhiều cuộc đời.

Nếu bạn chưa từng trao cơ hội cho mình để ngã, chưa từng thả mình vào nghịch cảnh để trả giá thì sẽ không bao giờ được thấy thấm thía, được trải qua những cảm xúc chân thực. Nếu bạn chưa từng bùng nổ, chưa từng một lần bị đau đớn thì sao có được lòng trắc ẩn để hiểu được đằng sau những mệnh lệnh tưởng như vô tình kia lại là tấm lòng rất có tình của những người đi trước. Và, nếu bạn chọn gieo trồng dù chỉ 1 hạt giống nhỏ xinh như vậy, tôi tin bạn cũng sẽ giống như tôi, góc nào đó trong tim sẽ được lấp đầy bằng cảm xúc diệu kỳ của tình yêu và sự biết ơn, trân trọng với những gì bạn đang có.

Văn thơ viết rằng hạnh phúc là khi ấm yên trong một ngôi nhà bão dừng sau cánh cửa, nhưng Viettel của tôi đã chứng minh điều ngược lại. Tôi hạnh phúc khi thực sự coi nơi ấy là nhà. Tôi yêu và tự hào, biết ơn ngôi nhà có gió bão không ngừng nhào vào khe cửa, thúc giục tôi không ngừng lớn lên, thuần thục kỹ năng và mỗi ngày lại được sát cánh cùng những đồng nghiệp kiên cường học thêm những bài học mới, cùng nhau tạo ra các cơ hội và quyết tâm thay đổi định kiến, thay đổi chính mình để vượt qua mọi thử thách.

Hạnh phúc của tôi là ngày ngày được cùng bơi với đàn cá mập dưới biển, được cùng bay với những chú chim ưng trên trời, chạy đua với sư tử trong núi và, cứ mơ đi, một ngày tôi sẽ còn giao tiếp với cả những sinh vật ngoài vũ trụ nữa…

(Phạm Thị Bích Thủy - Ban Đầu tư Xây dựng)

Tháng 6/2007, tôi gia nhập ngôi nhà chung Viettel. Khi đó là mùa mưa tháng 6, đường phố khắp nơi ngập lụt, mưa trắng trời. 

buoi-dau-doc-bao.jpg

Viettel Hải Phòng là nơi đầu tiên đón nhận tôi vào ngôi nhà chung Viettel. Tôi còn nhớ ngày hôm đó là thứ 2. Vì muốn tạo ấn tượng với năng lượng trẻ trung, nhiệt huyết, hôm đó, tôi mặc áo cam và quần jean. Đến khi bước vào công ty tôi thấy mình lạc lõng ngay lập tức vì các bạn đều áo trắng, quần âu rất nghiêm túc. Trong lòng có chút băn khoăn nhưng tôi nghĩ chắc không sao đâu, mình là nhân viên mới mà!

Một lúc sau, có một chị (sau này tôi mới biết đó là Trưởng phòng Tổng hợp) hối hả gọi tôi: “Em, nhân viên mới, lên trên này với chị - đọc báo nghe đài - đọc báo nghe đài”. Lại một bất ngờ tiếp theo, thực sự trong đầu tôi không mường tượng ra “đọc báo nghe đài” là gì cho đến nghi bước vào phòng họp, thật sự mọi thứ thật trang nghiêm: Anh Giám đốc ngồi ghế chủ trì, xung quanh là các anh chị em cán bộ nhân viên áo trắng, quần âu đồng bộ ngồi 2 hàng ghế 2 bên ngay ngắn và nghiêm túc.

Sau đó một lúc thì một anh (sau này tôi biết đó là anh ấy là Trưởng phòng Kế hoạch Marketing - và cũng là Trưởng phòng trực tiếp của tôi), anh đọc bản tin bằng giọng đọc chuẩn Hải Phòng với vần “n” và vần “l” thực sự khó phân biệt.

Một đứa nhân viên mới như tôi thực sự hết bất ngờ này đến bất ngờ khác, nhưng ấn tượng thì đúng là một buổi “đọc báo nghe đài” hết sức người lính, thấy thực sự là mình được vào một môi trường quân đội nghiêm túc.

Thực ra khi đọc các Giá trị cốt lõi của Viettel, một người với gần 20 năm được làm việc tại Viettel như tôi, những ký ức cứ dâng trào từng chút từng chút một, những hình ảnh tại các phòng họp với các giá trị cốt lõi làm cho cảm giác thanh xuân cùng năm tháng với Viettel thực sự là một cảm giác khó diễn tả.

bien-co-va-thay-doi.jpg

Trong các giá trị cốt lõi của Viettel, thực sự chưa có giá trị nào là không thể bỏ qua, đọc tới đâu cũng thấy có những chuyện của chính cá nhân mình ở đó. Với tôi, tình yêu đối với Viettel là một sự thật không thể phủ nhận hay phai mờ theo năm tháng. Lúc nào tôi cũng thực sự cảm thấy mình thật hạnh phúc và may mắn khi được sống và làm việc, được trải qua bao năm tháng thanh xuân với Viettel.

Với cá nhân tôi, có lẽ giá trị “Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh” mang tới một câu chuyện về những gì bản thân mình được trải nghiệm.

Tôi được tổ chức tin tưởng giao nhiệm vụ là Trưởng phòng sau 1 năm vào Viettel, nhưng vì là mẹ, là vợ nên với tôi đi nước ngoài và làm việc tại thị trường chưa từng nghĩ tới bao giờ. Ở Việt Nam, công việc có vất vả tới đâu thì tôi vẫn được bên cạnh gia đình nhỏ của mình.

Thế rồi biến cố cuộc đời xảy ra, thực sự thì không ai lường trước được điều gì sẽ xảy ra với mình đúng không? Biến cố này đã dẫn cuộc sống của tôi sang một bước ngoặt, tôi quyết định xin đi thị trường để thay đổi chính môi trường sống của mình, hay nói đúng hơn lúc đó - đối với tôi - là một lựa chọn để tôi có thể tìm quên vào công việc ở một nơi rất xa, giúp mình vượt qua biến cố của bản thân, để lật trang mới cho cuộc sống của 2 mẹ con tôi.

Tôi sang Viettel Myanmar với tâm thế của một người có thừa đủ kinh nghiệm trong lĩnh vực kế hoạch, hành chính văn phòng và nhận nhiệm vụ là Chánh văn phòng của Mytel. Vì tuy trước làm ở tỉnh nhưng Hải Phòng đủ lớn để minh chứng cho những lĩnh vực tôi sẽ tiếp nhận tại thị trường là “sở trường” của mình.

Tôi, với gần 10 năm kinh nghiệm làm về Kế hoạch, Hành chính văn phòng sang Myanmar được 6 tháng thì dịch bệnh Covid-19 bùng phát. Cả thế giới chao đảo. Và thế là hành vi “Quên đi cách làm đã từng thành công để bắt đầu một cách làm mới” đã được áp dụng trong tình huống này. Bạn có có tự tin tới đâu, quen thuộc với công việc đến đâu, bạn không bao giờ ngờ được điều gì sẽ xảy ra. Đã có ai có kinh nghiệm xử lý dịch bệnh tại một đất nước nghèo nàn về y tế hơn rất nhiều so với Việt Nam, trong khi lúc đó, chúng tôi không có cả Quân y người Việt tại thị trường, chỉ có bác sỹ người sở tại.

Với tôi lúc đó, việc quan trọng nhất là tìm ra giải pháp nào tối ưu nhất để tham mưu cho sếp giữ an toàn sức khỏe cho toàn thể anh chị em tại thị trường. Nhiều khi thấy mình khá là tiêu cực vì nghĩ ở đâu cũng có thể lây lan dịch bệnh, ai cũng dễ dàng bị tôi liệt vào F1, F2 hay F3, rồi cách ly một cách cực đoan nhất để đảm bảo dịch bệnh không thể lây nhiễm. Từ mối quan hệ tốt với liên doanh là quân đội, chúng tôi được bố trí tiêm vaccine phòng bệnh sớm nhất, trước cả Tập đoàn tại Việt Nam.

hoa-vo-don-chi.jpg

Trong một môi trường làm việc như vậy, không một lời kêu ca, anh chị em thương yêu và đùm bọc lẫn nhau hơn. Thực sự dù có vất vả tới đâu thì những khoảng thời gian khó khăn gắn bó bên nhau vẫn luôn làm cho trái tim xa nhà xa quê hương của chúng tôi được hạnh phúc.

Lúc đó, anh chị em chúng tôi ai cũng gần 2 năm không được về với gia đình, luôn trong trạng thái khắc khoải lo lắng cho cả bản thân ở Myanmar và người thân ở Việt Nam. Có những người bố đẻ mất, mẹ đẻ mất cũng không được về để đưa bố mẹ tới nơi an nghỉ cuối cùng. Những chuyện thật buồn đau nhưng với tình cảm ấm áp của anh chị em đồng nghiệp tại thị trường, mọi thứ được vơi đi rất nhiều.

myanmar-3-3.jpg

“Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh” đã thực sự giúp cho không chỉ riêng cá nhân tôi mà đồng nghiệp bên cạnh thôi trong thời điểm đó đã luôn được vững vàng và vượt qua để hoàn thành tốt các nhiệm vụ.

Thời đó, ngoài dịch bệnh, Myanmar xảy ra chính biến vào 1/2/2021: Một ngày, bạn thức dậy thì toàn bộ điện thoại không liên lạc được. Chúng tôi đi tìm nhau từ nhà này sang nhà khác, gặp nhau vẫn vui mừng vì vẫn còn an toàn. Hàng ngày đi đường thực sự là không quen với hình ảnh lực lượng quân đội với các xe tuần bồng súng trên tay. Tối tối đến giờ là những làn sóng phản ánh chính quyền bằng việc khua chiêng gõ mõ, nhà nào có đồ gì là mang đồ đấy ra đập “leng keng, leng keng”,…

Rất nhanh, chúng tôi thích ứng và vẫn tiếp tục chiến đấu đúng nghĩa trên mặt trận này với các anh chị em đồng nghiệp Viettel thân yêu.

Đầu tháng 2/2021, Covid-19 đang bùng phát thì Mytel lại đối diện với chính biến. Song CBNV Mytel vẫn kiên cường bám trụ và tận dụng từng cơ hội nhỏ để kinh doanh.

Đầu tháng 4, lãnh đạo Tập đoàn đã tổ chức buổi nói chuyện với 100% CBNV người Việt tại Mytel và khẳng định quan điểm ưu tiên hàng đầu là bảo vệ con người, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho CBNV. Giữa hoàn cảnh khó khăn, anh Chu Quang Hưng, Giám đốc Chi nhánh Sagaing - một trong những chi nhánh bị ảnh hưởng nhiều nhất từ tình trạng bất ổn cam kết: “Trong lúc này, các anh em không nghĩ về bản thân mà nghĩ nhiều cho tổ chức. Vì vậy, chi nhánh không có ai đề xuất xin về thời gian này”.

Tháng 8/2021, Mytel đã vươn lên dẫn đầu thị trường Myanmar với 32,5% thị phần, sớm hơn 4 tháng so với mục tiêu ban đầu và tiếp tục duy trì vị thế số 1 cho tới nay. Mới đây, tháng 7/2024, trong buổi đến thăm và làm việc tại Viettel, đồng chí Đào Văn Duy, Tùy viên Quốc phòng của Việt Nam tại Myanmar bày tỏ sự xúc động và khâm phục khi tận mắt chứng kiến những người Viettel dũng cảm nơi đầu sóng ngọn gió. Đồng chí ngưỡng mộ tinh thần lạc quan, sự dũng cảm của người Viettel giữa thời điểm căng thẳng địa chính trị của đất nước này dù gây ảnh hưởng không nhỏ đến mọi hoạt động của Mytel.

Cảm xúc dâng trào, đan xen cả chuyện cá nhân và tập thể nhưng với tôi, điều không thể phủ nhận đó là dù tôi ở Viettel tại bầu trời Việt Nam hay ở bầu trời bất cứ nơi đâu có sự hiện diện của Viettel thì đều là nơi hạnh phúc.

Gửi tới các bạn đọc bài này một câu mà tôi rất thích khi nói về giá trị Thích ứng nhanh của Viettel: “Hãy thay đổi trước khi bắt buộc phải thay đổi để làm chủ quá trình thay đổi”. Tôi, một người Viettel luôn coi thay đổi là tất yếu: Cái duy nhất không thay đổi, chính là sự thay đổi.

Còn bạn thì sao? Bạn có sẵn sàng thay đổi không?

(Phạm Huyền Anh - Viettel Myanmar)

Trong giá trị cốt lõi “Viettel là một gia đình” khi dịch sang tiếng Anh là “Viettel is a family”, tại sao chúng ta không dùng từ “Home” thay vì dùng từ “Family”?

Nếu tính theo phạm vi, từ “Home” thường nhấn mạnh đến không gian mà mọi người cùng sống và làm việc.

Trong khi đó, từ “Family” nhấn mạnh đến mối quan hệ, sự liên kết và tương tác giữa các cá thể. Từ này thường được sử dụng để thể hiện sự kết nối về cảm xúc, có nghĩa rộng hơn với từ “Home”.

Vì vậy, cụm “Viettel is a family” phù hợp với tư tưởng của Viettel, bởi chúng ta đối xử tốt với nhau, nghiêm khắc với nhau như những người trong gia đình để cùng nhau tốt lên.