Nhân kỷ niệm 20 năm chính thức kinh doanh di động, TCT Viễn thông Viettel (VTT) tổ chức cuộc thi Viettel Telecom Idol nhằm mang đến một sân chơi nghệ thuật nội bộ hấp dẫn. Một trong những tiêu chí quan trọng là tác phẩm dự thi phải lồng ghép, ánh xạ và lan toả 8 giá trị cốt lõi nói riêng cũng như văn hóa Viettel nói chung.

Đại diện Ban tổ chức cho biết: “Thành công của di động Viettel không thể thiếu yếu tố văn hoá. Văn hoá Viettel hình thành nên con người Viettel. Văn hoá Viettel không phải cái gì khó hiểu trừu tượng. Bản chất việc tái hiện quá trình kinh doanh di động Viettel trong quá khứ - hiện tại - tương lai đã luôn có văn hoá trong đó”.

Theo đầu mối đơn vị, hiện tại, Ban tổ chức đã nhận được 60 tác phẩm dự thi đa dạng nhiều màu sắc, phong phú về nội dung, độc đáo và sáng tạo về hình thức thể hiện. Tất cả đều toát lên sự chuyên nghiệp, nhiệt huyết, tình yêu của CBNV VTT với Viettel. Những giá trị văn hóa Viettel cũng được các nghệ sĩ cất lên qua lời ca tiếng hát với niềm tự hào và đầy cảm xúc

Vòng online đã thu hút hơn 15.000 lượt like và hơn 19.000 lượt bình luận. Tác phẩm của Viettel Lào Cai được yêu thích nhất, được đặc cách bước vào vòng chung kết cùng với 9 bài thi xuất sắc do Hội đồng chuyên môn đánh giá, dự kiến tổ chức vào tháng 10 tới.

 (Minh Anh - Ban Thương hiệu & Truyền thông)

Mới đây, TCT Dịch vụ số Viettel (VDS) tổ chức chuỗi mini-game “8 giá trị cốt lõi Viettel” online trong 7 ngày liên tiếp vào khung giờ Happy Time buổi chiều để CBNV ở các phòng ban, khu vực đều có thể tham gia.

Trò chơi được thực hiện qua nền tảng game Kahoot, mỗi CBNV có thể tham gia tranh tài nhiều lần, hệ thống sẽ tự đánh giá điểm số qua các câu hỏi và lựa chọn 15 cá nhân xuất sắc nhất. Qua mỗi ngày, các câu hỏi sẽ tăng dần cấp độ khó, xoáy sâu vào nhận thức, hành vi của từng giá trị cốt lõi, yêu cầu người chơi phải nhớ chính xác những từ khóa quan trọng, đồng nghĩa với việc CBNV chơi thắng ở game trước chưa chắc đã thắng ở game sau.

Thành công lớn nhất của hoạt động này là tạo dựng được một không khí học mà chơi, chơi mà học tích cực, sôi nổi chưa từng có ở mọi đơn vị của VDS. Người này kiểm tra chéo cho người kia. Nhiều CBNV đã chiến thắng game rồi nhưng vẫn quyết tâm tranh tài lại nhiều lần để thử tài bản thân ở nhiều câu hỏi hóc búa hơn hoặc rinh về những món quà hấp dẫn và hữu ích như củ sạc di động, túi bao tử, tấm di chuột in bộ 8 giá trị cốt lõi,…Đồng chí Trần Mạnh Cường ở Trung tâm Phân tích dữ liệu hào hứng chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên việc học một thứ gì đó trở nên thu hút đến vậy. Phòng chúng tôi gần đến giờ chơi game là tự tụ họp lại với nhau, học ôn bài trước giờ G, chỉ chờ Ban tổ chức bắt đầu, háo hức và hồi hộp nghẹt thở trong từng câu hỏi. Chúng tôi mong có nhiều game như thế này nữa để anh em có cơ hội thi tài, cũng là một nốt nhạc tươi vui mới để tạm gác lại những bộn bề công việc, mà lại có thể hiểu hơn về văn hóa Viettel”. 

(Trần Thùy Linh -  TCT Dịch vụ số Viettel)

Trong nhiều cuộc họp, khi báo cáo hoặc trình bày vấn đề, nếu không chỉ rõ sở cứ, thiếu số liệu, không có so sánh, các đơn vị hay cá nhân sẽ khó thuyết phục được lãnh đạo và người nghe. Thông tin đầu vào chưa đầy đủ, không chính xác sẽ gây lãng phí thời gian và không hiệu quả vì lãnh đạo, chỉ huy rất khó đưa ra kết luận cuối cùng.

Ở Viettel thường có 3 dạng họp:

Thứ nhất là cuộc họp nhằm tìm kiếm ý tưởng (Brainstorming). Ở cuộc họp này, ai cũng có thể trình bày ý kiến của mình, thậm chí không cần sở cứ vì chúng ta khuyến khích bàn luận để các ý tưởng va đập với nhau, từ đó tìm ra ý tưởng sáng tạo, đột phá. 

Thứ hai là cuộc họp nhằm giải quyết vấn đề. Ở cuộc họp này, mỗi người phải chuẩn bị thông tin, tư duy và phân tích sâu theo quy trình 5 bước: Chỉ ra vấn đề, tìm nguyên nhân, tìm giải pháp, tổ chức thực hiện, kiểm tra và đánh giá. 

Thứ ba là cuộc họp giao nhiệm vụ, tức là người chủ trì chỉ rõ nhiệm vụ và yêu cầu bên dưới triển khai. Trong quá trình thực hiện, nếu phát sinh vấn đề, chúng ta quay lại tổ chức 2 dạng cuộc họp đầu tiên.

Viettel luôn khuyến khích mỗi cá nhân, mỗi đơn vị chủ động có tiếng nói, có ý kiến của mình trước mỗi vấn đề, mỗi tình huống. Tùy tính chất, đặc thù của mỗi dạng cuộc họp, chúng ta có cách tiếp cận, cách trình bày cho phù hợp và hiệu quả.

Khi thảo luận, CBNV có thể thoải mái nêu quan điểm, chia sẻ suy nghĩ, giải pháp của mình nhưng lưu ý rằng khi chỉ huy đã chỉ đạo kết luận thì cấp dưới cần nỗ lực thực hiện theo kết luận đã thống nhất. Đây cũng là minh chứng cho sự trung thành, tính kỷ luật của truyền thống và cách làm người lính.

(Quỳnh Nguyễn - Ban Thương hiệu & Truyền thông)

Ngày 1/6/2023 - ngày sinh nhật Viettel, nhóm dự án sản xuất và triển khai thử nghiệm thiết bị gNodeB 8T8R của TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) vẫn miệt mài làm việc tại thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam.

Đội ngũ kỹ sư VHT đang tập trung tối ưu sản phẩm theo nhằm đạt chỉ tiêu về tốc độ tải xuống (download) trung bình khi đo kiểm chất lượng dịch vụ 5G. Lúc này tốc độ trung bình khi đo kiểm chỉ đạt 240 - 250 Mbps trong khi chỉ tiêu yêu cầu 270 Mbps.

Ngược lại thời gian cách đó 3 tháng, trước khi phát sóng thử nghiệm ở Hà Nam, thiết bị đã triển khai thử nghiệm ở quận Hai Bà Trưng (Hà Nội,) đo kiểm tốc độ download đạt tới 320 Mbps. Do vậy, khi bắt đầu thử nghiệm tại Phủ Lý, nhóm dự án khá tự tin về khả năng đạt chỉ tiêu về tốc độ trung bình.

Thực tế kết quả lại không như vậy.

Tốc độ giai đoạn đầu phát sóng chỉ đạt 210 - 220 Mbps. Sau khi rà soát tham số đồng bộ, phiên bản phần mềm tương tự như khu vực Hai Bà Trưng, xử lý các lỗi trạm riêng lẻ thì tốc độ có cải thiện, nhưng cũng chỉ ở mức 240 - 250 Mbps, vẫn chưa đạt theo mục tiêu.

Lúc này, tất cả các phương án rà soát được đưa ra, từ tham số phần mềm, thiết bị phần cứng, ảnh hưởng của nguồn nhiễu ngoài đến chất lượng dịch vụ… đều được triển khai tuy nhiên đều chưa có cải thiện. Các chỉ tiêu về chất lượng vô tuyến khi đo kiểm chỉ ra mức cường độ tín hiệu ở Phủ Lý kém hơn Hai Bà Trưng do mật độ trạm thưa hơn, tuy nhiên chất lượng tín hiệu lại tốt hơn mà theo lý thuyết thì chất lượng tín hiệu tốt thì tốc độ sẽ cao.

Vậy điều gì ảnh hưởng đến tốc độ suy giảm, trong khi chất lượng vô tuyến tốt, tính năng thiết bị thì hoàn toàn tương đương giữa khu vực Hai Bà Trưng và Phủ Lý?

Những cuộc hội thảo liên tục diễn ra, những đợt đo kiểm, phân tích không ngừng đã chỉ ra một điểm khác biệt mà dẫn tới tốc độ đo trung bình ở Phủ Lý thấp hơn Hai Bà Trưng. Đó là mức độ thăng giáng tín hiệu ở Phủ Lý cao hơn Hai Bà Trưng dẫn đến các sai số về tần số giữa điện thoại và trạm không ổn định.

Chính từ phát hiện này, nhóm dự án đã nhanh chóng phát triển tính năng TRS (tracking reference Signal) và đưa vào thử nghiệm. Tính năng này không nằm trong bộ chỉ tiêu của sản phẩm, có thể gọi nó là tính năng nội của thiết bị.

Và ngày 1/6/2023, sau khi hoàn thiện tính năng đưa vào đo kiểm thử nghiệm một cụm nhỏ đã cho con số khả quan: tốc độ trung bình 275 Mbps. Từ kết quả này, nhóm dự án hoàn thiện toàn bộ tính năng và áp dụng diện rộng. Kết quả đo kiểm của TCT Mạng lưới Viettel tại khu vực trung tâm của Phủ Lý sau đó đạt 311 Mbps, tốt hơn chỉ tiêu yêu cầu là 270 Mbps.

Có những lý thuyết áp dụng ra thực tế rồi mà từ hoàn cảnh này sang hoàn cảnh khác cũng không còn đúng nữa. Công thức và cách làm giúp đạt chỉ tiêu ở Hai Bà Trưng, không có nghĩa là tiếp tục thành công ở Phủ Lý mà về mặt mô phỏng lý thuyết là chắc chắn đạt được. Cũng từ thực tế, nhóm dự án 5G của VHT mới hoàn thiện thêm được sản phẩm của mình.

(Lê Trường Giang - TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel)

Trạm LCI156-11 được thần tốc hoàn thành chỉ vài tiếng sau khi có yêu cầu, giúp bà con Làng Nủ kết nối liên lạc và hỗ trợ kịp thời quá trình cứu hộ cứu nạn ở nơi sạt lở nghiêm trọng nhất tỉnh Lào Cai.

Sáng ngày 10/9/2024, sau một tiếng nổ vang trời, cơn lũ đất đá ùn ùn kéo xuống, vùi lấp toàn bộ thôn Làng Nủ tại xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai. Ngôi làng vốn bình yên trong tích tắc trở thành đống hoang tàn, đổ nát và chìm trong đau thương, mất mát. 55 người đã mất, 14 người bị thương đang điều trị, còn lại 12 người mất tích vẫn đang được lực lượng cứu nạn nỗ lực tìm kiếm.

Làng Nủ cũng trở thành cái tên khó quên với những người Viettel có mặt ở Lào Cai trong những ngày đương đầu với hoàn lưu bão Yagi.

Nằm cách xa trung tâm nên Làng Nủ sớm bị cô lập do mưa lũ kéo dài trong nhiều ngày. Khi lũ quét xảy ra, hạ tầng viễn thông bị ảnh hưởng, thông tin liên lạc bị gián đoạn. Làng Nủ không có sóng của bất kỳ nhà mạng nào.

Nhận được tin vụ sạt lở nghiêm trọng và sự cấp bách phải có sóng liên lạc để phục vụ công tác cứu hộ cứu nạn, anh Thái Lương Hòa - Giám đốc Chi nhánh Viettel Lào Cai lập tức trao đổi với đội ngũ kỹ thuật để tìm phương án phủ sóng trong điều kiện tiếp cận địa bàn vô cùng khó khăn do thời tiết phức tạp, các con đường vào Làng Nủ đều bị chia cắt, địa hình đồi núi hiểm trở. Ngay chiều ngày 10/9, anh Nguyễn Hữu Hùng - Chánh Văn phòng Tập đoàn cũng có mặt tại Lào Cai, họp bàn kế hoạch và thống nhất với anh Hòa ra lệnh bằng mọi cách phải khẩn trương phát sóng được trạm ở xã Phúc Khánh, đảm bảo phủ được toàn bộ khu vực bị sạt lở.

Sau khi kiên trì tìm hiểu, liên hệ các đầu mối, 4 nhân sự Viettel huyện Bảo Yên đã tìm được hướng đi khả thi và xác định được vị trí đặt trạm phù hợp. Đến tối, Chi nhánh bổ sung 5 người, vừa di chuyển kết hợp cả xe máy và đi bộ qua quãng đường dài đầy gian nan, vừa chở và khuân vác thiết bị, công cụ dụng cụ như ắc quy, ăng ten, máy nổ, dây cáp,…

Vào đến khu vực sạt lở, không một phút nghỉ ngơi, cả đội bắt tay ngay vào việc lắp đặt, tích hợp trạm. Đêm hôm ấy, ở vùng đất lạnh lẽo và đau đớn nhất, dưới ánh sáng yếu ớt của đèn pin, nước mưa lẫn với mồ hôi, những người lính Viettel miệt mài làm nhiệm vụ với tâm thế nhanh nhất có thể dù phải trắng đêm vì họ hiểu, biết bao người ở đó đang chờ được kết nối.

2h17, ngày 11/9, tức 6 tiếng kể từ lúc lên đường, đội ngũ kỹ thuật đã phát sóng thành công trạm LCI156-11. Nhờ sóng Viettel, bà con Làng Nủ có thể gọi điện báo tin cho người thân sau trận lũ quét kinh hoàng. Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Đặng Xuân Phong ghi nhận nỗ lực và hành động của Viettel kịp thời mang lại sóng điện thoại, giúp thiết lập các đường dây chỉ huy kết nối từ quân khu tỉnh, huyện và địa bàn tìm kiếm cứu nạn.

Đâu cần là Viettel có, đâu khó có Viettel. Trạm LCI156-11 một lần nữa minh chứng cho truyền thống và cách làm của người lính Viettel. Giữa thời khắc cam go, sự quyết đoán và đồng hành của những người chỉ huy giúp anh em tuyến đầu vững tin tiến bước. Dưới mưa lũ, đêm tối, sự vất vả tăng gấp bội lần so với ngày thường nhưng họ vẫn quyết tâm đến với Làng Nủ một cách nhanh nhất, thần tốc nhất, tranh thủ từng giờ từng phút để hoàn thành mệnh lệnh ngay trong đêm.

Mệnh lệnh ấy họ được chỉ huy giao phó và cũng là mệnh lệnh thôi thúc từ chính trái tim của người lính Viettel.

(Quỳnh Nguyễn - Ban Thương hiệu & Truyền thông)

Anh em VTM chúng tôi dù là “nghệ sĩ” nhưng khi đã vào “guồng quay” sản xuất thì tính kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Đó cũng là yếu tố quan trọng tạo nên thành công của “Sao nhập ngũ”.

Sinh ra và lớn lên trong gia đình quân nhân, dường như những chất lính luôn hiện hữu trong tôi. Trưởng thành trong khu tập thể, nơi mà các gia đình đều coi nhau như người trong nhà, gặp nhau là chào hỏi thân tình, quan tâm nhau như anh em ruột thịt. Đối với tôi, đó là những ký ức thật đẹp và cũng là chất xúc tác để tạo nên tôi của ngày hôm nay.

Năm 2012, tôi may mắn được về công tác tại Tập đoàn Viễn thông Quân đội (Viettel) và là thành viên của Trung tâm Truyền hình Viettel, nay là Công ty Truyền thông Viettel (VTM). Tôi trân trọng và yêu mến cơ hội này và mong muốn gắn bó với nơi đây như ngôi nhà thứ 2 của mình.

Năm 2016, tôi được giao nhiệm vụ mới Trưởng phòng Chuyên đề - tiền thân của phòng Tivi Show. Đối với tôi đó là một nhiệm vụ đầy khó khăn và thách thức. Chuyên môn của tôi trong suốt hơn 20 năm công tác đã gắn liền với các nội dung thể thao, tôi chưa từng thử sức với việc sáng tạo nội dung trong lĩnh vực khác.

Bài toán đặt ra khi đó là tổ chức sản xuất một chương trình truyền hình thực tế - lĩnh vực khó đối với ngay cả những người trong nghề lâu năm, tôi trăn trở nhưng cũng rất vững tâm bởi bên cạnh tôi là các anh em đồng nghiệp đầy chất lính, sẵn sàng xông pha, tiên phong và quyết đoán. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có sức mạnh của sự đoàn kết và kỷ luật nên tôi tin chúng tôi sẽ thành công.

Khởi đầu của nhiệm vụ tổ chức sản xuất chương trình truyền hình thực tế đầu tiên về Quân đội “Sao nhập ngũ” thật nhiều gian nan và nhiều bài toán khó. Tôi còn nhớ ngày đầu tiên lên đơn vị khảo sát, chúng tôi đã phải đối mặt với các vấn đề về dựng cảnh, về điều kiện cơ sở vật chất và quan trọng nhất là các hạng mục huấn luyện diễn ra trong 2 năm đối với 1 chiến sĩ, nay cần rút gọn để huấn luyện trong 7 ngày.

Chúng tôi đã cùng nhau ngày đêm thảo luận, tìm kiếm giải pháp và cuối cùng, lần đầu tiên ghi hình cũng diễn ra suôn sẻ. Có rất nhiều những “hạt sạn”, những vấn đề chưa thỏa đáng, tuy nhiên chúng tôi đã vượt qua được bài toán khó đầu tiên bằng chính tinh thần người lính trong mỗi thành viên ekip.

Sự hy sinh, chấp nhận gian khổ của người lính hiện hữu trong hình ảnh của từng thành viên ekip “Sao nhập ngũ”. Anh em chúng tôi dù là “nghệ sĩ” nhưng khi đã vào “guồng quay” sản xuất thì tính kỷ luật được đặt lên hàng đầu. Nếu như chiến sĩ hàng ngày báo thức vào 5h sáng thì anh em ekip phải thức dậy lúc 4h30 và bắt đầu một ngày làm việc mới. Không ai được chậm trễ, tất cả đều vì nhiệm vụ chung và chúng tôi thường trêu nhau “không ai dám ốm trong những ngày này”.

Chúng tôi bắt đầu ngày mới khi mọi người còn đang say giấc và kết thúc một ngày là lúc mọi người đã chìm sâu vào giấc ngủ. Thường là 12h đêm tới 1h sáng, đạo diễn, biên tập, quay phim mới được nghỉ ngơi sau một ngày dài làm việc. Thế nhưng chúng tôi luôn dành cho nhau những nụ cười sảng khoái, những lời động viên khích lệ cho nhau vào đầu ngày mới.

Chương trình “Sao nhập ngũ” mùa đầu tiên lên sóng, chúng tôi cùng nhau hồi hộp đón chờ thành quả sau chuỗi ngày rất dài vất vả. Có lẽ chính “chất lính” đã làm nên thành công của chương trình và chúng tôi đã nhận được thành quả xứng đáng. Năm 2017, chương trình “Sao nhập ngũ” đầu tiên lên sóng và cũng là năm đầu tiên Viettel được biết đến với một vai trò mới - đơn vị sản xuất nội dung.

Sau 7 năm lên sóng, “Sao nhập ngũ” ngày càng lớn mạnh và đã có chỗ đứng vững vàng trong thị trường sản xuất nội dung. Chúng tôi, những anh em đặt nền móng cho chương trình này vẫn đang ngày đêm sát cánh bên nhau tạo ra những giá trị mới với những chương trình mới, đầy thách thức nhưng cũng tràn trề niềm vui và sự thăng hoa trong lao động.

(Ngô Quang Tùng - Công ty Truyền thông Viettel)

Các giá trị cốt lõi của Viettel có phân biệt tầm quan trọng theo thứ tự sắp xếp không?

Không. Bộ giá trị cốt lõi của Viettel có 8 giá trị và tương đương nhau, không phân biệt mức độ quan trọng theo thứ tự sắp xếp.

Tuy nhiên, Tập đoàn đặt giá trị “Viettel là ngôi nhà chung” ở vị trí thứ 8 là có chủ ý, không có nghĩa là nó không quan trọng mà trái lại, đó là mục tiêu lớn nhất mà Viettel muốn hướng tới. Chúng ta làm được 7 giá trị kia, cuối cùng cũng chỉ mong muốn thực hiện được giá trị thứ 8 tức là xây dựng và phát triển được ngôi nhà chung Viettel.

Tập đoàn chỉ yêu cầu CBNV ghi nhớ đầy đủ và chính xác tên gọi các giá trị, cùng với đó là nắm được các nội dung về nhận thức và hành vi kèm theo mỗi giá trị để ánh xạ, vận dụng vào thực tế. Tập đoàn khuyến khích và đánh giá cao việc CBNV nhớ thứ tự sắp xếp của các giá trị.

  1. Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý (Practice is the test of theory)
  2. Trưởng thành qua những thách thức và thất bại (Growth comes from challenges and failures)
  3. Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh (Rapid adaptation is the competitive strength)
  4. Sáng tạo là sức sống (Innovation is vitality)
  5. Tư duy hệ thống (Systems Thinking)
  6. Kết hợp Đông - Tây (Combining Eastern and Western values)
  7. Truyền thống và cách làm người lính (Working with the character and mindset of a warrior)
  8. Viettel là ngôi nhà chung (Viettel is a family)

 

Ban biên tập rất mong nhận được ý kiến và nội dung chia sẻ của CBNV để cùng xây dựng Bản tin One Viettel ngày càng tốt hơn, góp phần lan tỏa văn hóa Viettel tới từng thành viên trong ngôi nhà chung.

 

Thông tin liên hệ:

BAN THƯƠNG HIỆU VÀ TRUYỀN THÔNG

Địa chỉ: Lô D26, KĐTM Cầu giấy, Yên Hoà, Hà Nội

Website: https://viettelfamily.com

Điện thoại: 096 5844 824

Email: viettelfamily@viettel.com.vn

Group Facebook: https://www.facebook.com/groups/viettelfamily