Báo cáo Top 100 Thương hiệu Toàn cầu tốt nhất 2024 của Interbrand đánh dấu cột mốc 25 năm báo cáo này trở thành nghiên cứu chiều dọc toàn diện nhất thế giới về vai trò của thương hiệu trong việc thúc đẩy doanh thu và tạo ra giá trị thị trường.

Để xếp hạng các thương hiệu toàn cầu, Interbrand dựa vào phương pháp 3 trụ cột gồm: Dự báo tài chính (Financial forecast) nhằm đánh giá lợi nhuận kinh tế mà thương hiệu mang lại; Vai trò của thương hiệu (Role of brand) trong các quyết định mua hàng; Sức mạnh thương hiệu (Brand Strength) xem xét khả năng duy trì lòng trung thành của khách hàng và nhu cầu dài hạn trong tương lai.

Trong suốt 25 năm, đã có 185 thương hiệu xuất hiện trong bảng xếp hạng, tuy nhiên chỉ có 35 thương hiệu trụ vững và chỉ có 2 thương hiệu luôn nằm trong Top 10 gồm Microsoft và Coca-Cola. Giá trị tổng hợp của các thương hiệu có giá trị nhất thế giới đã tăng 3,4 lần kể từ khi Interbrand lần đầu công bố bảng xếp hạng ($988 tỷ - $3,265 nghìn tỷ).

qtth-1.png

Top 25 thương hiệu toàn cầu tốt nhất 2024 theo Interbrand

5 INSIGHT NỔI BẬT TRONG BÁO CÁO

#1: Tập trung quá mức vào tiếp thị hiệu quả ngắn hạn gây ra thiệt hại về giá trị thương hiệu

Interbrand cho rằng việc tập trung quá nhiều vào hiệu quả hoạt động và các chiến thuật ngắn hạn thay vì tiềm năng thương hiệu trung và dài hạn đã khiến các thương hiệu mất khoảng 3,5 nghìn tỷ USD giá trị tổng hợp trong 25 năm, tương đương với khoảng 200 tỷ USD cơ hội doanh thu bị mất trong 12 tháng qua.

#2: Thay đổi trong cách vận hành thương hiệu

Môi trường cạnh tranh hiện nay liên tục thay đổi với nhiều lựa chọn mới dễ dàng và nhanh chóng hơn, khiến lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu giảm dần, đòi hỏi thương hiệu phải thay đổi liên tục. Dữ liệu thông minh và AI cũng giúp đưa các công nghệ mới đến hàng triệu người với tốc độ chưa từng có, thậm chí gần như tức thời và liên tục.

Thương hiệu cần minh bạch và xây dựng lòng tin qua hành động thực tế thay vì chỉ bán sản phẩm, không còn kiểm soát hoàn toàn hay chỉ truyền thông một chiều mà phải tham gia vào một cuộc đối thoại bình đẳng với khách hàng.

#3: Thương hiệu là yếu tố duy nhất giúp doanh nghiệp cạnh tranh

Trong quá khứ, các công ty thường xây dựng thương hiệu dựa trên sản phẩm cốt lõi để giải quyết nhu cầu cụ thể của khách hàng. Về cơ bản, vai trò của thương hiệu là công cụ nhận diện.

Giờ đây, khi cạnh tranh về sản phẩm, giá cả hoặc vị trí, lợi thế mang lại ngày càng ngắn hạn. Các tính năng của sản phẩm có thể bị sao chép. Giảm giá chỉ mang lại tăng trưởng ngắn hạn, còn cạnh tranh chỉ dựa trên giá sẽ làm giảm lòng trung thành dài hạn. Trước tình hình này, thương hiệu trở thành yếu tố khác biệt duy nhất mà một công ty thực sự có thể sở hữu, là tài sản không thể bị sao chép.

#4: 5 yếu tố tạo nên 1 thương hiệu được khao khát

Ban đầu, thương hiệu chỉ đơn thuần là công cụ nhận diện và phân biệt sản phẩm. Tuy nhiên, những thương hiệu hàng đầu hiện nay đã tiên phong tạo ra trải nghiệm toàn diện, khiến thương hiệu trở thành những hệ thống ý nghĩa phức tạp có mối liên kết sâu sắc về cả 5 khía cạnh: cảm giác, chức năng, cảm xúc, cá nhân và đạo đức.

Ví dụ, khi đối thủ tập trung vào các thông số kỹ thuật công nghệ, Apple lại kết nối với khách hàng về cảm xúc và những điều họ có thể đạt được thông qua các chiến dịch như “Think Different” (Nghĩ khác đi).

#5: Mở rộng lĩnh vực hoạt động

Những công ty hàng đầu hiện nay không chỉ xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp của mình mà còn xây dựng doanh nghiệp xoay quanh thương hiệu, cạnh tranh dựa trên nhu cầu của khách hàng. Thay vì chỉ giới hạn trong một danh mục sản phẩm cụ thể, thương hiệu chuyển từ “đây là những gì chúng tôi làm” thành “đây là cách chúng tôi giúp bạn”, tạo ra các con đường tăng trưởng mới.

Ví dụ, Disney đã đa dạng hoá nội dung từ hoạt hình sang phim ảnh, nhượng quyền thương mại, công viên giải trí, bất động sản,… hay “hiệu sách” Amazon đã phát triển thành nền tảng thương mại điện tử lớn nhất thế giới. 

Các công ty thành công nhất trong bảng xếp hạng của Interbrand coi thương hiệu là công cụ tạo ra doanh thu, sử dụng thương hiệu của mình để xây dựng mối quan hệ sâu sắc, có ý nghĩa và bình đẳng hơn với khách hàng - từ đó tạo ra lòng trung thành và sự ủng hộ, giúp tăng cường mức độ nhận diện thương hiệu.

Nguồn: Báo cáo Interbrand 2024

Hợp tác liên phòng ban sẽ thúc đẩy các ý tưởng, sáng tạo sản phẩm, giải pháp mới, đồng thời xác định và giải quyết các vấn đề nhanh hơn, giảm lỗi và tiết kiệm chi phí.

Theo Deloitte, các công ty ưu tiên hợp tác có lợi nhuận và khả năng cạnh tranh gấp đôi so với công ty đối thủ. Dưới đây là 5 phương pháp để tăng cường hiệu quả của hợp tác trong nội bộ công ty:

Xác định các mục tiêu có thể đo lường và truyền đạt rõ ràng

Khi mục tiêu được truyền đạt rõ ràng, mọi người đều biết công việc của mình phù hợp như thế nào với bức tranh toàn cảnh, đảm bảo tính minh bạch và mọi người cùng làm việc hướng tới mục tiêu chung. Việc đặt ra các mục tiêu có thể đo lường cũng giúp các nhà quản lý dễ dàng theo dõi tiến độ, đánh giá hiệu quả của các nỗ lực hợp tác đồng thời xác định các khía cạnh cần cải thiện.

Người quản lý nên thường xuyên kiểm tra nhân viên để đảm bảo họ đang đi đúng hướng, đặc biệt là khi có nhiều nhóm tham gia trong một dự án. Giao tiếp thường xuyên có thể giúp xác định bất kỳ rào cản nào ngăn cản nhân viên đạt được mục tiêu của họ. Giải quyết các vấn đề này kịp thời giúp các dự án đi đúng hướng.

viettel-potrait-session16.jpg

Đưa ra phần thưởng và sự công nhận

Khen thưởng đảm bảo công bằng, đánh giá được nỗ lực của từng cá nhân, mang lại niềm tự hào riêng về công việc của mình. Khen thưởng cũng cần đánh giá cao những nỗ lực cộng tác nhóm. Khi nhân viên thấy đồng nghiệp của mình được công nhận sẽ giúp củng cố niềm tin làm việc nhóm được coi trọng và đánh giá cao trong tổ chức, xây dựng một nền văn hóa đoàn kết, hợp tác, chia sẻ hơn.

Khen thưởng và công nhận trong hợp tác nhóm phải được thiết kế cẩn thận để tránh những hậu quả tiêu cực không mong muốn. Ví dụ, nếu phần thưởng chỉ được trao cho một số ít nhân viên được chọn hoặc tiêu chí công nhận không rõ ràng, điều này có thể tạo ra sự phẫn nộ và ngăn cản sự hợp tác.

Triển khai các công nghệ cộng tác để tạo ra các nhóm chức năng chéo

Thay vì qua email hay điện thoại, các nền tảng như Slack, Asana và ClickUp được thiết kế để giúp các nhóm giao tiếp, chia sẻ tệp và cộng tác hiệu quả hơn, nhanh chóng hơn, phá vỡ rào cản giao tiếp giữa các phòng ban tốt hơn và tạo ra các nhóm chức năng chéo làm việc cùng nhau một cách liền mạch.

Dùng công nghệ để theo dõi các số liệu như thời gian phản hồi, tỷ lệ hoàn thành nhiệm vụ và mô hình cộng tác, người quản lý có thể xác định các phần việc mà các nhóm có thể đang gặp khó khăn hoặc họ cần tập trung cải thiện thể cải thiện quy trình làm việc của mình.

tgb-20220613-viettel-ziva-02864-final.jpg

Thúc đẩy hoạt động xây dựng nhóm và kiểm tra thường xuyên

Các hoạt động xây dựng nhóm có thể giúp nhân viên hiểu nhau ở cấp độ cá nhân, từ đó củng cố mối quan hệ làm việc. Doanh nghiệp có thể tổ chức các hoạt động giao lưu, trò chơi hoặc dã ngoại để khuyến khích tinh thần đồng đội và hợp tác.

Việc kiểm tra thường xuyên có thể là các cuộc họp riêng giữa quản lý và nhân viên hoặc các cuộc họp toàn nhóm. Qua đó xác định các vấn đề giao tiếp hoặc quy trình làm việc nào đang cần cải tiến để giải quyết kịp thời. Bằng cách kiểm tra thường xuyên, các nhà quản lý có thể xác định các vấn đề tiềm ẩn trước khi chúng trở thành vấn đề lớn và làm việc với nhân viên để tìm ra giải pháp.

Làm gương từ lãnh đạo

Khi các nhà quản lý sẵn sàng hợp tác và tham gia vào các nhóm chức năng chéo, họ sẽ định hình phong cách cho phần còn lại của tổ chức và khuyến khích mọi người cùng nhau làm việc hướng tới các mục tiêu chung.

Nhà quản lý cần chủ động làm gương về hành vi hợp tác trong các tương tác hàng ngày với nhân viên. Họ nên dễ gần, cởi mở, lắng nghe, sẵn sàng phản hồi tích cực. Khi nhà quản lý thể hiện những hành vi này sẽ giúp tạo ra một nền văn hóa hợp tác và làm việc nhóm trong toàn bộ tổ chức.

Cuối cùng, chìa khóa cho sự hợp tác liên phòng ban hiệu quả là tạo ra một nền văn hóa hỗ trợ và khuyến khích nó. Bằng cách phá vỡ các rào cản giao tiếp, chia sẻ kiến ​​thức và chuyên môn và tận dụng các góc nhìn đa dạng, các nhóm liên chức năng có thể đạt được những kết quảvượt sự kỳ vọng.

Nguồn: Forbes

Công nghiệp di động là một trong những ngành gây ra vấn đề ô nhiễm, chất thải và khan hiếm tài nguyên do việc sản xuất, tiêu thụ thiết bị di động khi chúng không còn sử dụng được.

Nền kinh tế tuần hoàn và thiết bị di động

Tháng 11/2022, GSMA đã công bố chiến lược mới nhằm thúc đẩy tính tuần hoàn trong ngành viễn thông. Tầm nhìn này hướng tới tương lai, nơi các thiết bị có tuổi thọ lâu nhất có thể, được làm từ 100% vật liệu tái chế và có thể tái chế, sử dụng 100% năng lượng tái tạo và không có thiết bị nào bị bỏ đi thành rác thải. 2 nguyên tắc chính hỗ trợ cho tầm nhìn này là tăng cường tuổi thọ của thiết bị và không tạo ra rác thải.

Việc kéo dài tuổi thọ của tất cả các điện thoại thông minh trên thế giới thêm một năm có thể tiết kiệm lên tới 21,4 triệu tấn khí thải CO₂ mỗi năm vào năm 2030, tương đương với việc loại bỏ hơn 4,7 triệu ô tô khỏi đường phố. Xu hướng này cũng sẽ giảm thiểu tác động sức khỏe tiêu cực đối với 30 triệu người lớn và trẻ em hiện đang phải chịu đựng từ việc tái chế rác thải điện tử không chính thức.

Thị trường thiết bị di động tân trang được dự đoán sẽ có giá trị hơn 140 tỷ USD vào năm 2030, so với 50 tỷ USD vào năm 2020. Cơ hội trong lĩnh vực này rất lớn do những nỗ lực tăng cường tính tuần hoàn vẫn đang ở giai đoạn sơ khai. Điều này bao gồm 4 lĩnh vực ưu tiên:

  1. Hiểu về dòng chảy sản phẩm: Tăng số lượng thiết bị di động thu thập từ người tiêu dùng (ví dụ: điện thoại thông minh, máy tính bảng, thiết bị nhà thông minh,…) và xây dựng cơ sở đo lường tỷ lệ thiết bị được tái chế, sửa chữa, tái sử dụng và tái thu hồi.
  2. Tăng cường nhận thức của người tiêu dùng: Cải thiện hiểu biết về thói quen tiêu dùng trong việc xử lý thiết bị khi hết tuổi thọ và các biện pháp khuyến khích để tăng tuổi thọ của thiết bị.
  3. Tương tác với nhà cung cấp: Làm việc với các nhà cung cấp thiết bị để tích hợp khả năng tái sử dụng và sửa chữa linh kiện vào thiết kế của các loại thiết bị khác nhau.
  4. Hợp tác với các đơn vị sửa chữa: Mở rộng hợp tác với ngành sửa chữa và tân trang thiết bị để tăng tỷ lệ thiết bị có thể được tái sử dụng thay vì biến thành rác thải điện tử.

Tiến độ của các nhà sản xuất

Apple đã cam kết sản xuất các sản phẩm không tác động carbon vào năm 2030, bao gồm sử dụng 100% điện tái tạo cho toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm.

Samsung cam kết mục tiêu trung hòa carbon cho các bộ phận thiết bị cốt lõi vào năm 2030 (bao gồm điện thoại thông minh, máy tính bảng và PC) và cho các bộ phận thiết bị giải pháp rộng hơn vào 2050.

Samsung cũng mới gia nhập chuỗi giá trị thiết bị mạng.

Lenovo, nhà sản xuất PC và điện tử của Trung Quốc, đã công bố vào tháng 1/2023 rằng các mục tiêu phát thải ròng bằng 0 của mình đã được SBTi xác nhận.

Chương trình Kinh tế tuần hoàn của MTN, có tên là “Project Infinity”, là một trong những yếu tố thúc đẩy chính của chiến lược Ambition 2025 nhằm đạt mục tiêu net zero vào năm 2040. Kể từ năm 2018, MTN đã thực hiện một chương trình thử nghiệm và hiện đang triển khai chương trình này. Mục tiêu là chuyển từ mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống “lấy-sản xuất-sử dụng-thải bỏ” sang mô hình kinh tế tuần hoàn.

Project Infinity khuyến khích sự hợp tác với các đối tác để khép kín vòng đời sản phẩm, kéo dài tuổi thọ và tối đa hóa việc sử dụng thiết bị mạng thông qua sản xuất, tiêu dùng và xử lý có trách nhiệm, từ đó tiết kiệm tài nguyên quý giá.

Nguồn: GSMA

Từ viết nội dung, sáng tạo hình ảnh đến dựng vide, các ứng dụng AI không chỉ giúp người làm truyền thông nội bộ tiết kiệm thời gian, chi phí, nguồn lực, mà còn tối ưu hiệu quả truyền thông. 

Trợ lý hỗ trợ sáng tạo nội dung

Có rất nhiều ứng dụng AI hỗ trợ sáng tạo nội dung, nhưng phổ biến với người dùng là 2 ứng dụng ChatGPT và Gemini.

Để ChatGPT trả về những kết quả đúng kỳ vọng, phải đưa ra các câu lệnh cụ thể, mục tiêu rõ ràng với đầy đủ thông tin về bối cảnh, đối tượng công chúng hướng đến. 

Thông thường, các câu lệnh tốt sẽ gồm 6 thành phần: Task (nhiệm vụ); Context (bối cảnh); Example (ví dụ); Persona (nhân vật); Format (định dạng); Tone (giọng điệu).

Gợi ý một số mẫu câu lệnh hiệu quả:

  • R (Role) - T (Task) - F (Format): Trong vai… hãy thực hiện… theo format…

Ví dụ: Trong vai trò của một chuyên viên truyền thông nội bộ, hãy viết một thông báo nội bộ về cuộc họp toàn công ty sắp tới theo format của một email thân thiện và chuyên nghiệp.

  • T (Task) - A (Action) - G (Goal): Với nhiệm vụ… hãy… để đạt được…

Ví dụ: Với nhiệm vụ là nâng cao tinh thần đội ngũ, hãy viết 1 bài blog nội bộ để khích lệ nhân viên cố gắng hơn trong quý tới nhằm đạt được mục tiêu tăng trưởng 20%.

  • B (Before) - A (After) - B (Bridge): Hiện tại đang… muốn có… cần…

Ví dụ: Hiện tại đội ngũ nhân viên của công ty A trong lĩnh vực FMCG đang thiếu động lực, muốn có một chiến dịch truyền thông nội bộ mạnh mẽ để cải thiện tinh thần làm việc, cần viết 1 kế hoạch chi tiết trong 6 tháng, nêu rõ hoạt động, ngân sách, các lưu ý khi thực hiện. 

  • C (Context) - A (Action) - R (Result) - E (Example): Bối cảnh là… hãy… để đạt được… ví dụ như…

Ví dụ: Công ty A hoạt động trong lĩnh vực tài chính đang chuẩn bị cho chiến dịch kỷ niệm 10 năm thành lập, hãy viết một bài phát biểu cho CEO để đạt được mục tiêu truyền cảm hứng và đoàn kết nhân viên, ví dụ như việc nhấn mạnh các thành tựu đã đạt được và tầm nhìn tương lai.

  • R (Role) - I (Input) - S (Step) - E (Expectation): Trong vai…, biết rằng… hãy thực hiện… để đạt được…

Ví dụ: Trong vai trò của một chuyên gia truyền thông nội bộ, biết rằng công ty vừa trải qua một đợt tái cơ cấu lớn, hãy viết một kế hoạch truyền thông để giải thích lý do và lợi ích của việc tái cơ cấu để đạt được sự đồng thuận và ủng hộ từ nhân viên.

Các nguyên lý sử dụng Chat GPT cũng có thể được áp dụng với Gemini AI, ứng dụng AI được phát triển bởi Google, có chức năng tượng tự Chat GPT.

Trợ lý hỗ trợ sáng tạo hình ảnh

Microsoft Copilot

Để sử dụng hiệu quả, hãy nhập câu lệnh cụ thể và chi tiết, mô tả rõ ràng về hình ảnh bạn muốn tạo ra. Câu lệnh cũng nên xác định phong cách nghệ thuật cụ thể để hình ảnh phù hợp với yêu cầu của bạn. Sau khi nhận được kết quả từ Copilot, người dùng có thể điều chỉnh từ khoá để tạo lại hình ảnh. 

Mid Journey

Công cụ này có khả năng chuyển đổi những mô tả trong câu lệnh thành hình ảnh thực tế với độ chi tiết cao. Một câu lệnh tốt thường bao gồm:

  • Subject (Chủ đề): Xác định đối tượng chính của hình ảnh.
  • Attributes (Thuộc tính): Mô tả các đặc điểm cụ thể của đối tượng.
  • Action (Hành động): Chỉ rõ hành động mà đối tượng đang thực hiện.
  • Environment (Môi trường): Mô tả bối cảnh xung quanh đối tượng.
  • Style (Phong cách): Xác định phong cách nghệ thuật của hình ảnh.
  • Lighting (Ánh sáng): Mô tả ánh sáng để làm nổi bật đối tượng.

Trợ lý hỗ trợ tạo video 

Fliki.AI - công cụ cho phép người dùng tạo video một cách từ văn bản, biến các kịch bản, bài viết hay bất kỳ nội dung nào thành video sinh động chỉ trong vài phút.

Fliki cung cấp thư viện phong phú gồm hình ảnh, video và nhạc nền để lựa chọn và tích hợp vào video của mình. Ứng dụng cũng cung cấp các giọng đọc có sẵn với 70 ngôn ngữ, trong đó có cả tiếng Việt. Một câu lệnh hiệu quả bao gồm:

  • Nội dung chính: Xác định rõ ràng nội dung chính của video.
  • Phong cách: Chọn phong cách hiện đại, cổ điển, vui nhộn, trang trọng,…
  • Hình ảnh, video liên quan: Mô tả hình ảnh và video cần tích hợp vào video.
  • Âm thanh, nhạc nền: Chọn loại nhạc nền và hiệu ứng âm thanh phù hợp.
  • Chuyển cảnh, hiệu ứng: Xác định các hiệu ứng chuyển cảnh, hiệu ứng đặc biệt.

Nguồn: Blue C

Những xu hướng mới trong cách người tiêu dùng tương tác và những thay đổi dưới ảnh hưởng của thuật toán được dự đoán sẽ định hình ngành truyền thông vào năm 2025.

Tập trung vào chiến lược bền vững và trách nhiệm xã hội

Năm 2025, truyền thông đối ngoại không chỉ là xây dựng hình ảnh doanh nghiệp mà còn là cam kết vì môi trường và xã hội. Các doanh nghiệp có xu hướng tăng cường hoạt động truyền thông để thể hiện mình là những đơn vị kinh doanh có trách nhiệm, đặc biệt với các vấn đề như biến đổi khí hậu, sử dụng năng lượng tái tạo, và hỗ trợ cộng đồng địa phương.

big-data-va-tri-tue-nhan-tao-aijpgfjf63r.jpg

Tăng cường ứng dụng công nghệ AI và dữ liệu lớn (Big Data)

AI và dữ liệu lớn đã thay đổi cách các doanh nghiệp tiếp cận và hiểu rõ khách hàng. AI giúp phân tích dữ liệu một cách nhanh chóng, phát hiện xu hướng và dự đoán hành vi khách hàng quốc tế, từ đó giúp điều chỉnh chiến lược truyền thông hiệu quả, tối ưu hóa các chiến dịch truyền thông phù hợp với từng đối tượng và khu vực.

Chatbots và công nghệ AI có thể giúp doanh nghiệp tương tác với khách hàng đa ngôn ngữ 24/7, mang đến trải nghiệm cá nhân hóa và cải thiện sự hài lòng. AI còn giúp tự động hóa và tối ưu hóa nội dung truyền thông, từ đó tiết kiệm thời gian và chi phí.

Sự trỗi dậy của Metaverse và truyền thông thực tế ảo (VR)

Metaverse - vũ trụ số ảo - đã và đang thay đổi cách chúng ta giao tiếp và tương tác. Năm 2025 sẽ chứng kiến sự gia tăng của các chiến dịch truyền thông tích hợp trong không gian ảo. Các doanh nghiệp có thể tổ chức sự kiện, hội thảo và thậm chí là trưng bày sản phẩm trong Metaverse, giúp khách hàng quốc tế trải nghiệm trực tiếp, sống động mà không cần phải di chuyển.

Tăng cường truyền thông đa nền tảng và tương tác thực

Việc kết hợp đa nền tảng, từ mạng xã hội, trang web, đến các kênh truyền thống như truyền hình và báo chí, đặc biệt, các nền tảng như LinkedIn, Instagram và YouTube sẽ trở thành công cụ chủ đạo để truyền tải thông điệp tới đối tác và khách hàng quốc tế. Truyền thông thực sẽ được ưu tiên, nhấn mạnh vào sự gần gũi, chia sẻ câu chuyện và giá trị thực của doanh nghiệp.

Truyền thông người ảnh hưởng và cộng đồng trực tuyến

Người ảnh hưởng (Influencer) không còn chỉ giới hạn trong giới trẻ mà đã mở rộng đến những chuyên gia, nhà lãnh đạo có tầm ảnh hưởng trong lĩnh vực chuyên ngành. Nhiều doanh nghiệp sẽ tập trung vào việc hợp tác với các nhân vật này để mở rộng phạm vi ảnh hưởng, tiếp cận khách hàng và đối tác quốc tế thông qua các cộng đồng trực tuyến có sức ảnh hưởng lớn.

a1-25.jpg

Nâng cao an ninh mạng và bảo mật thông tin

Một xu hướng quan trọng trong năm tới là đầu tư vào bảo mật dữ liệu và xây dựng chiến lược quản lý khủng hoảng trên không gian mạng. Các doanh nghiệp cần trang bị hệ thống bảo mật mạnh mẽ và có quy trình ứng phó khi xảy ra các vấn đề liên quan đến an ninh mạng để bảo vệ thông tin và uy tín của mình.

Chú trọng cá nhân hóa trải nghiệm người dùng

Năm 2025 là năm bùng nổ của trải nghiệm cá nhân hóa, đặc biệt là trong tương tác. Các doanh nghiệp cần tận dụng tối đa dữ liệu người dùng để cung cấp nội dung và trải nghiệm phù hợp với từng đối tượng. Truyền thông đối ngoại sẽ cần đáp ứng nhu cầu cá nhân hóa, từ việc tạo ra nội dung đến tương tác và chăm sóc khách hàng.

Tăng cường video ngắn và nội dung tự nhiên

Nội dung video ngắn, đặc biệt trên các nền tảng như TikTok, Reels của Instagram và YouTube Shorts, đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trong truyền thông quốc tế. Các video ngắn có nội dung hấp dẫn, chân thực, dễ hiểu và tiếp cận nhanh chóng sẽ là công cụ giúp doanh nghiệp thu hút sự chú ý của khách hàng toàn cầu. Ngoài ra, video giúp truyền tải thông tin phức tạp một cách ngắn gọn, trực quan, dễ hiểu.

Nguồn: Dentsu