Các chỉ số như phạm vi tiếp cận, tần suất hiển thị, lượt xem/nghe, nhấp chuột và lượt thích thường được sử dụng để đánh giá hiệu quả chiến dịch marketing. Tuy nhiên, 5 chỉ số KPI then chốt dưới đây sẽ giúp mọi thương hiệu đo lường tác động của hoạt động marketing và tối ưu hóa ngân sách đến mức tối đa.

Chi phí trên khách hàng tiềm năng (Cost per Lead - CPL)

CPL cho phép thương hiệu đo lường hiệu quả chi phí của các chiến dịch khi tạo ra các khách hàng tiềm năng mới, bằng cách chia tổng chi phí marketing cho tổng số khách hàng tiềm năng thu được theo từng chiến dịch hoặc theo từng khoảng thời gian nhất định. CPL cũng đóng vai trò quan trọng trong việc tối ưu hóa chiến lược phân bổ ngân sách, xác định nền tảng nào mang lại khách hàng tiềm năng với chi phí và tỷ lệ hiệu quả nhất.

cpl.png

Tỷ lệ chuyển đổi khách hàng tiềm năng (Lead conversions)

Tỷ lệ chuyển đổi sẽ cho biết có bao nhiêu khách hàng tiềm năng thực sự mua hàng hoặc sử dụng dịch vụ của thương hiệu. Chỉ số này được thể hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm số lượng người chuyển đổi chia cho tổng số người tiếp cận tới chiến dịch.

cr.png

Lợi tức trên chi tiêu quảng cáo (Return on ad spend - ROAS)

ROAS đo lường hiệu quả tài chính của một chiến dịch quảng cáo, được tính bằng cách chia doanh thu tạo ra từ chiến dịch cho chi phí thực hiện chiến dịch đó. Tuy nhiên, không phải tất cả doanh số đều trực tiếp liên quan đến hoạt động quảng cáo. Các yếu tố khách quan như mùa, thời tiết hoặc xu hướng kinh tế vĩ mô cũng có thể ảnh hưởng đến doanh thu thương hiệu trên cả khía cạnh tiêu cực và tích cực.

roas.png

ROI dài hạn (Long-term ROI)

Lợi tức đầu tư (Return on investment - ROI) là tỷ lệ lợi nhuận ròng trên tổng chi phí đầu tư. Trong đó, lợi nhuận ròng gồm các yếu tố như chỉ số thương hiệu, lượt truy cập, tỷ lệ chuyển đổi; còn chi phí đầu tư bao gồm chi phí quảng cáo, chi phí phân bổ content, công cụ sử dụng,...Thông qua ROI dài hạn, ban lãnh đạo có thể xem xét kết quả từ các chiến dịch đã tiến hành và lên kế hoạch ngân sách cho những dự án sắp tới.

roi.png

Tài sản thương hiệu (Brand equity)

Tài sản thương hiệu là các giá trị của một thương hiệu, và những giá trị này thường được xác định bởi các chỉ số như: Mức độ nhận biết (Brand awareness); Liên tưởng thương hiệu (Brand associations); Cảm nhận thương hiệu bằng chất lượng (Perceived quality); Mức độ trung thành (Brand loyalty) và các giá trị khác (sáng chế, lợi thế kênh phân phối, mối quan hệ,..).

“Mức độ nhận biết” giúp phân biệt thương hiệu trên thị trường. “Liên tưởng thương hiệu” giúp hình thành niềm tin, thái độ tích cực từ phía khách hàng và tăng cường khả năng mở rộng. “Cảm nhận thương hiệu chất lượng” giúp duy trì và nâng cao tính trung thành. “Mức độ trung thành” giúp thương hiệu dễ dàng thu hút khách hàng mới và ứng phó với các mối đe dọa cạnh tranh. 

be.jpg

Như vậy, không chỉ dừng lại ở các chỉ số truyền thống, các chỉ số như CPL, tỷ lệ chuyển đổi, ROAS, ROI dài hạn và tài sản thương hiệu đều mang đến tầm nhìn sâu rộng hơn về tác động thực sự của chiến dịch, từ đó không chỉ giúp thương hiệu đạt được các mục tiêu Marketing mà còn đảm bảo sự phát triển bền vững.

Nguồn: Nielsen

Kết quả khảo sát của McKinsey cho thấy việc chưa giải quyết triệt để vấn đề căn bản như các hành vi, thói quen hàng ngày dễ tạo nên sức ì trong tổ chức. BEANs là công thức giúp phá vỡ thói quen xấu ngăn cản sự đổi mới và phát triển thói quen mới.

Đổi mới: Cú hích và Trở ngại 

Khi nói tới sự đổi mới, sáng tạo, người ta thường nghĩ tới những cái tên như Apple, Tesla, Alphabet, Microsoft… Vì sao các doanh nghiệp này làm được những điều mà rất nhiều doanh nghiệp khác khát khao? Nhóm tác giả BEANs nhận thấy rằng những tổ chức đổi mới nhất thông thường thể hiện 5 hành vi chính:  

  • Họ cho rằng luôn có cách tốt hơn để làm mọi thứ. 
  • Họ tập trung vào việc hiểu sâu sắc nhu cầu và mong muốn của khách hàng, dù được nói ra hay không. 
  • Họ hợp tác một cách cởi mở cả trong nội bộ lẫn bên ngoài.  
  • Họ nhận ra rằng muốn thành công phải sẵn sàng thử - sai
  • Họ trao quyền cho nhân viên, khuyến khích những suy nghĩ táo bạo, sẵn sàng lắng nghe ý kiến trái chiều và tìm kiếm nguồn lực cần thiết.

Trong khi đó, những trở ngại cản trở sự đổi mới cũng được nhận diện, bao gồm thiếu thời gian hay làm khác đi những gì đang ổn chỉ tiêu tốn thêm chi phí mà chưa chắc đã đạt được ích lợi gì. Họ cũng thiếu kỹ năng đổi mới, thiếu cơ sở hạ tầng để biến ý tưởng thành hiện thực. Nhưng trở ngại lớn nhất là sự trì trệ của tổ chức. Nếu không giải quyết sự trì trệ thì việc nỗ lực loại bỏ các trở ngại khác cũng sẽ không thành công. 

Hiều về BEANs

BEANs là viết tắt của các cụm từ: Behavior Enablers (Công cụ hỗ trợ hành vi) - Artifacts (Hiện vật) - Nudges (Cú hích). 

  • Công cụ hỗ trợ hành vi: Công cụ, quy trình giúp nhân viên làm nên những điều khác biệt một cách dễ dàng hơn.
  • Hiện vật: Những thứ có thể nhìn thấy và chạm vào nhằm hỗ trợ hành vi mới, như không gian văn phòng mở, bảng ghi ý tưởng hoặc các công cụ tương tác.
  • Cú hích: Thúc đẩy sự đổi mới thông qua các gợi ý và củng cố gián tiếp, như nhắc nhở thường xuyên hay khen thưởng để khuyến khích hành vi đổi mới.

Để áp dụng BEANs thành công cần:

  • Sự đơn giản: Các hoạt động càng dễ thực hiện, dễ ghi nhớ sẽ càng được áp dụng nhanh chóng hơn.
  • Sự vui vẻ: Khi một hoạt động thú vị và có tính xã hội sẽ tự thu hút mọi người thực hiện, thay vì việc các nhà tổ chức phải cố gắng kêu gọi nhân viên tham gia.
  • Có thể theo dõi: Cần có một cơ chế cụ thể, rõ ràng để đo lường kết quả của hoạt động.
  • Tính thực tiễn: Các BEANs tốt nhất được tích hợp mượt mà vào các cuộc họp và quy trình mà không đòi hỏi sự thay đổi lớn hoặc các thói quen hoàn toàn mới.
  • Cần được củng cố thêm: Bằng những lời nhắc vật lý (như poster treo tường, áp phích…) và lời nhắc số (như các ứng dụng, công cụ thông minh) để nhân viên tiếp tục thực hành các thói quen mới.
  • Nhất quán về tổ chức: Hãy đánh giá, khen thưởng… dựa trên BEANs để tạo nên tính nhất quán. 

Một số case study điển hình áp dụng BEANs thành công

Adobe khuyến khích nhân viên đăng ký để nhận một “kickbox” màu đỏ chứa chương trình đào tạo đổi mới do-it-yourself. Chương trình bao gồm các bài tập để thực hiện, danh sách những điều nên làm để phát triển sản phẩm hoặc dịch vụ mới, thuyết trình chúng để áp dụng và quản lý.

Tập đoàn lớn nhất Ấn Độ Tata tổ chức giải thưởng thường niên nhằm tôn vinh những thành tựu đổi mới mang tên “Dám thử”.

Spotify xây dựng một “bức tường thất bại”, nơi công khai tôn vinh những thất bại của dự án nhằm thúc đẩy nhân viên dám thử - sai.

“Gã khổng lồ” công nghệ quản lý dự án Atlassian yêu cầu các nhóm trước khi bắt đầu một dự án phải gặp nhau để thảo luận xem dự án có thể thất bại như thế nào, bỏ phiếu để đánh giá mức độ nghiêm trọng của rủi ro, phân công từng người trở thành “chủ sở hữu” của các rủi ro để chịu trách nhiệm và lập kế hoạch giảm thiểu các mối đe dọa.

Nguồn: Harvard Business Review

Năng lượng tái tạo là yếu tố giúp các công ty viễn thông giảm lượng phát thải năng lượng, đồng thời sự chuyển đổi sang năng lượng tái tạo là then chốt trong quá trình đạt mức phát thải bằng 0.

Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo tăng rất chậm và sẽ mất thêm 5 năm nữa để năng lượng tái tạo đạt 50% mức tiêu thụ và 15 năm nữa (gần 2040) để đạt 100%.

csr.png

Ở một mức độ nào đó, đây chỉ là lý thuyết vì tốc độ chuyển đổi sẽ phụ thuộc nhiều vào các cam kết chính trị, hơn là các cam kết từ ngành công nghiệp trong việc cải cách thị trường năng lượng quốc gia theo hướng ưu tiên năng lượng tái tạo. Tốc độ chuyển đổi của các nhà khai thác viễn thông cũng khác nhau liên quan đến nguồn cung năng lượng tái tạo trên lưới điện.

Các tập đoàn châu Âu và Mỹ đang phát triển nhất. Ví dụ, Vodafone, Telefónica và BT đều có mục tiêu sử dụng 100% năng lượng tái tạo vào năm 2030 hoặc sớm hơn. Tuy nhiên, có sự khác biệt đáng kể giữa các khu vực, đặc biệt là ở châu Phi, Ấn Độ và châu Á, nơi mà việc truy cập lưới điện chính cũng không ổn định và dầu diesel vẫn được sử dụng ở các vùng nông thôn không có lưới điện.

Bài học thực tế: Verizon

Hơn 90% lượng phát thải carbon trong hoạt động của Verizon đến từ việc sử dụng điện để vận hành mạng lưới. Verizon tập trung vào 2 yếu tố chính: tối đa hóa hiệu quả năng lượng của mạng lưới và cơ sở vật chất, đồng thời chuyển sang năng lượng tái tạo.

Kể từ năm 2019, Verizon đã ký 24 hợp đồng mua bán năng lượng tái tạo (REPA) cho hơn 3,0 GW công suất năng lượng tái tạo dự kiến, tương đương với khoảng 8,4 triệu megawatt giờ (MWh) sản lượng điện hàng năm. Các hoạt động của mạng di động nằm trên khắp cả nước và đòi hỏi nguồn cung cấp điện liên tục.

Vì không thể vận hành mạng chỉ dựa vào năng lượng mặt trời hoặc gió, Verizon phụ thuộc vào việc lấy điện từ các lưới điện quốc gia. Để đạt được mục tiêu trung hạn về năng lượng tái tạo và mục tiêu dài hạn về phát thải ròng bằng 0 trong hoạt động, các nguồn lực đang được tập trung vào việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang lưới điện xanh hơn trên khắp Hoa Kỳ.

Công suất năng lượng tái tạo bổ sung đang được đưa vào lưới điện thông qua việc ký kết các hợp đồng mua điện dài hạn từ các nguồn năng lượng mặt trời và gió hiện đang được phát triển. Những hợp đồng này, được gọi là hợp đồng mua bán điện ảo (VPPA), được thanh toán tài chính và có thể giúp Verizon giảm sự biến động giá năng lượng trong dài hạn.

Vào tháng 1/2023, Verizon công bố rằng họ đã tiếp tục tăng thêm công suất năng lượng tái tạo bằng cách ký thêm 4 hợp đồng mua bán năng lượng tái tạo dài hạn (REPA) mới với tổng công suất lên tới 410 MW. Với các hợp đồng mới này, Verizon đã vượt qua 3,0 GW công suất năng lượng tái tạo dự kiến, tiếp tục là một trong những khách hàng mua năng lượng tái tạo hàng đầu tại Hoa Kỳ. Các thỏa thuận này cũng giúp công ty đạt được mục tiêu sử dụng hoặc sản xuất năng lượng tái tạo tương đương 50% tổng lượng điện tiêu thụ hàng năm vào năm 2025.

Nguồn: GSMA

Biến thách thức thành cơ hội. Những người làm truyền thông nội bộ phải giải quyết nhiều khó khăn trong đặc thù công việc của họ.

Thiếu phân tích dữ liệu

Nếu những người làm truyền thông nội bộ không biết có bao nhiêu nhân viên đang mở email hoặc đọc các tài liệu quan trọng, họ sẽ không biết được các thông tin đang được truyền thông như thế nào. Điều này có thể dẫn đến sự bối rối, chậm trễ, sự luân chuyển nhân sự, năng suất kém.

Ngày nay, các doanh nghiệp hầu hết đưa ra quyết định dựa trên dữ liệu, những người làm truyền thông nội bộ sẽ bị thụt lùi nếu không có những chiến lược dựa trên dữ liệu. Những con số cụ thể giúp tạo ra một chiến lược truyền thông vững chắc và hiệu quả.

huong-nghiep-40-chuyen-gia-phan-tich-du-lieu-3-scaled.jpg

Quá tải thông tin

Mỗi nhân sự thường dành gần 9 tiếng/tuần để xử lý email. Việc xếp đống thông tin vào danh sách email đẩy nhân sự gần hơn với tình trạng kiệt sức. Điều này một lần nữa lý giải tại sao đội ngũ truyền thông cần sử dụng dữ liệu để tìm điểm cân bằng giúp nhân sự được cập nhật thông tin mà không bị quá tải.

Khi đối mặt với vấn đề này, những người làm truyền thông nội bộ cần quay lại với những điều cơ bản. Điều gì bạn đang muốn đo lường và tại sao? Sự thu gọn trong nội dung và các kênh truyền thông là điều quan trọng đối với truyền thông nội bộ.

Theo nghiên cứu của PoliteMail từ 4 tỷ email nội bộ gửi tới 15 triệu nhân sự toàn cầu, trung bình hàng tháng, đội ngũ truyền thông thường gửi 61 email và tỷ lệ mở email trung bình nên ở mức 68% trở lên.

1570245205628-2450852-1.jpg

Danh sách đối tượng không chính xác

Những người làm truyền thông nội bộ nên ưu tiên cập nhật danh sách người nhận chính xác nhất có thể. Có thể cân nhắc đến việc phân loại nhân sự theo vị trí, cấp bậc, địa điểm hay phòng ban. Truyền thông có mục tiêu sẽ xây dựng niềm tin, giảm thiểu quá tải email, coi sự tương tác của nhân sự là ưu tiên. Có thể tham khảo ý kiến từ bộ phận HR để biết thông tin nào sẽ ảnh hưởng đến nhóm nhân sự nào.

Khi đã hiểu rõ nhóm nhân sự đang hướng đến, sẽ dễ dàng hơn cho người làm truyền thông viết những tiêu để hay chủ đề tối ưu cho từng nhóm. Danh sách đối tượng mục tiêu càng chi tiết, bạn sẽ càng dễ tạo ra cách truyền tải thông tin phù hợp với từng nhóm đối tượng.

target-potential-customers.jpg

Thu hút những nhân sự làm việc từ xa

Tại nhiều doanh nghiệp, đội ngũ tuyến đầu, không thường xuyên ngồi ở văn phòng là lực lượng chiếm tỷ lệ lớn. Vấn đề mà những người làm truyền thông nội bộ cần hóa giải là làm sao để nhóm nhân sự này vẫn duy trì kết nối với doanh nghiệp.

Câu trả lời tốt nhất là thử nghiệm và rút kinh nghiệm. Khám phá xem hình thức truyền thông nào sẽ mang đến kết quả tốt nhất, có thể là email, tin nhắn, cổng thông tin của doanh nghiệp, hoặc hình thức video trực tuyến.

Sự thử nghiệm chỉ có giá trị khi bạn theo dõi hiệu quả ứng dụng của từng hình thức. Một số công cụ đo lường thường gặp như Google Analytics để biết lượt xem trang và SurveyMonkey để biết phản hồi của nhân viên.

duc4871-copy-2.jpg

Sự tương tác của nhân viên thấp

Nhân sự thiếu sự nhiệt tình với hoạt động truyền thông nội bộ có thể vì một số lý do. Ví dụ như nhân sự cảm thấy không được lắng nghe, một số cảm thấy công việc của họ không phục vụ chiến lược chung, một số khác không tin tưởng tổ chức sẽ làm đúng cam kết.

Dù là lý do gì, những người làm truyền thông nội bộ có thể hóa giải tình trạng tương tác thấp với nhân viên qua 2 cách.

Đầu tiên, thử sử dụng GenAI. Khi bạn thiếu cảm hứng và không chắc sẽ bắt đầu viết một nội dung mới từ đâu, công cụ ChatGPT và Google’s Gemini có thể giúp bạn bắt đầu, mang lại tiếp cận sáng tạo cho những chủ đề phức tạp.

Thứ hai, khai thác sức mạnh từ dữ liệu. Dựa vào các số liệu thống kê, đội ngũ truyền thông có thể tìm ra loại thông tin hay cách thức truyền thông mới hiệu quả để tạo dựng mối quan hệ tốt đối với nhân sự trong tổ chức.

z4752226368389-507ec706ec8295eb6d5c93d54f29502e.jpg

Nguồn: Ragan

Kỹ năng trả lời phỏng vấn báo chí là yếu tố quan trọng giúp người được phỏng vấn truyền tải thông điệp một cách rõ ràng, hiệu quả và tránh những sai lầm không đáng có. Những kinh nghiệm dưới đây sẽ giúp các nhân sự của Viettel trả lời tự tin hơn cũng như đội ngũ truyền thông chuẩn bị nội dung đầy đủ hơn.

Chuẩn bị phỏng vấn

Phóng viên, nhà báo không bắt buộc gửi câu hỏi trước khi buổi phỏng vấn diễn ra cho người trả lời phỏng vấn. Song, để ứng phó khéo léo với các câu hỏi, người trả lời phỏng vấn cần nắm được những thông tin cơ bản sau:  

  1. Chủ đề và trọng tâm của cuộc phỏng vấn là gì? 
  2. Thời lượng của cuộc phỏng vấn là bao lâu? 
  3. Hình thức của cuộc phỏng vấn là gì? (Được ghi âm hay phát sóng trực tiếp)
  4. Khi nào và ở đâu cuộc phỏng vấn sẽ diễn ra?
  5. Khi nào cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng? 
  6. Cuộc phỏng vấn sẽ được phát sóng toàn bộ hay chỉ để trích xuất thông tin và phát ngôn? 

Bạn nên chuẩn bị một số câu trả lời ngắn gọn trước khi buổi phỏng vấn diễn ra. Để làm được điều này, bạn cần xác định 2 - 3 thông điệp muốn truyền tải. Sau đó, chắt lọc những thông điệp này thành các đoạn ngắn gọn và hấp dẫn bằng cách sử dụng các cụm từ súc tích, dễ nhớ nhằm thể hiện rõ quan điểm của bạn về vấn đề. Một câu trả lời tốt, ngắn gọn sẽ đem lại hiệu quả cao hơn, tạo được thiện cảm cho người nghe tốt hơn so với câu trả lời quá dài hoặc chi tiết.

Nội dung thông điệp nên truyền tải trong 1 trong số 3 loại nội dung như: câu chuyện cá nhân, thông điệp chung tích cực hoặc các dẫn chứng, số liệu bổ trợ cho quan điểm của bạn. Việc chia sẻ những câu chuyện cá nhân là minh chứng rõ ràng và sinh động cho thấy vấn đề đã gây ảnh hưởng như thế nào trên thực tế, đồng thời liên kết và mở rộng câu chuyện cá nhân đó với một thông điệp rộng hơn.

Nguyên tắc khi trả lời

  1. Luôn nhớ và duy trì thông điệp xuyên suốt buổi phỏng vấn: Bạn không cần nói về bất cứ điều gì không liên quan đến các thông điệp của bạn. Điều hướng cuộc trò chuyện trở lại thông điệp của bạn mỗi khi người phỏng vấn đi lệch khỏi nó.
  2. Chỉ nói những gì bạn muốn nói: Bạn chỉ trả lời những câu hỏi bạn muốn trả lời.
  3. Không lặp lại những từ ngữ tiêu cực: Không bao giờ lặp lại câu trả lời mang tính định kiến hoặc tiêu cực của đối thủ.
  4. Không gật đầu với mọi điều được nói: Khi tham gia phỏng vấn, hành động ấy lại vô tình thể hiện sự đồng tình của bạn.
  5. Mỉm cười: Trong hoàn cảnh thích hợp, một nụ cười có thể khiến bạn trông dễ mến và tạo được thiện cảm.
  6. Thở: Hít thở sâu trong khi lắng nghe câu hỏi tiếp theo sẽ giúp bạn luôn bình tĩnh và duy trì độ tập trung cao.

Các kỹ thuật trả lời

Để duy trì thông điệp của mình, bạn không cần ép buộc phải trả lời câu hỏi mà phóng viên đưa ra. Bạn có thể cần phải quyết đoán hơn bình thường để tránh bị hỏi quá nhiều làm xao nhãng đến câu trả lời, thông qua một số kỹ thuật có thể áp dụng và luyện tập sau:

  1. Kỹ thuật Cầu nối: Kỹ thuật này liên kết câu hỏi được hỏi với thông điệp bạn muốn truyền tải. Ví dụ: “Điều tôi thực sự muốn nói là...”
  2. Kỹ thuật Đánh dấu: Làm nổi bật một đoạn ngắn gọn cụ thể để tăng tầm quan trọng của nó. Ví dụ: “Điều quan trọng nhất cần nhớ là...”
  3. Kỹ thuật Móc câu: Cố gắng “treo một cái móc” dẫn người phỏng vấn đến câu hỏi tiếp theo. Ví dụ: “Nhưng đó không phải là vấn đề quan trọng duy nhất...”
  4. Kỹ thuật Sửa chữa những hiểu lầm: Đừng ngại phản đối những quan niệm sai lầm hoặc thông tin không chính xác. Ví dụ: “Nhiều người có quan niệm sai lầm đó nhưng...”.

Nguồn: “Communications Campaign Best Practices” - MAP & GLAAD