TÓM TẮT VĂN BẢN PHÁP LUẬT CÓ HIỆU LỰC TỪ NĂM 2024

1. LUẬT

  • Luật Đấu thầu 2023

2. THÔNG TƯ

  • Thông tư 105/2023/TT-BQP quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng
  • Thông tư 118/2023/TT-BQP quy định và hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam
  • Thông tư 143/2023/TT-BQP quy định xử lý kỷ luật trong quân đội nhân dân Việt Nam
  • Thông tư 17/2023/TT-NHNN quy định về kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng Luật Đấu thầu 2023

3. QUYẾT ĐỊNH

  • Quyết định số 2463/QĐ-BTTTT ban hành yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật của nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu (phiên bản 1.0)
  • Quyết định số 3038/QĐ-BKHCN về việc công bố thủ tục hành chính mới ban hành, thủ tục hành chính bị bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và công nghệ
  • Quyết định số 33/2023/QĐ-TTg quy định hồ sơ, trình tự, thủ tục thực hiện giám định chất lượng và giám sát máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư

NỘI DUNG NỔI BẬT

* Luật thay thế Luật Đấu thầu số 43/2013/QH13

1. Điểm mới về phạm vi điều chỉnh

2. Bổ sung hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu

Luật 2023 bổ sung và quy định chi tiết hơn một số hành vi bị cấm trong hoạt động đấu thầu như sau:

- Thông thầu, bao gồm các hành vi:

+ Dàn xếp, thỏa thuận, ép buộc để một hoặc các bên chuẩn bị hồ sơ dự thầu hoặc rút hồ sơ dự thầu để một bên trúng thầu;

+ Dàn xếp, thỏa thuận để từ chối cung cấp hàng hóa, dịch vụ, không ký hợp đồng thầu phụ hoặc thực hiện các hình thức thỏa thuận khác nhằm hạn chế cạnh tranh để một bên trúng thầu;

+ Nhà thầu, nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm đã tham dự thầu và đáp ứng yêu cầu của hồ sơ mời thầu nhưng cố ý không cung cấp tài liệu để chứng minh năng lực, kinh nghiệm khi được bên mời thầu yêu cầu làm rõ hồ sơ dự thầu hoặc khi được yêu cầu đối chiếu tài liệu nhằm tạo điều kiện để một bên trúng thầu.

- Cản trở, bao gồm các hành vi:

+ Hủy hoại, lừa dối, thay đổi, che giấu chứng cứ hoặc báo cáo sai sự thật; đe dọa hoặc gợi ý đối với bất kỳ bên nào nhằm ngăn chặn việc làm rõ hành vi đưa, nhận, môi giới hối lộ, gian lận hoặc thông đồng với cơ quan có chức năng, thẩm quyền về giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán;

+ Cản trở người có thẩm quyền, chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu, nhà đầu tư trong lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

+ Cản trở cơ quan có thẩm quyền giám sát, kiểm tra, thanh tra, kiểm toán đối với hoạt động đấu thầu;

+ Cố tình khiếu nại, tố cáo, kiến nghị sai sự thật để cản trở hoạt động đấu thầu;

+ Có hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, an ninh mạng nhằm can thiệp, cản trở việc đấu thầu qua mạng.

3. Quy định mới về các trường hợp hủy thầu

Luật 2023 quy định mới các trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu và lựa chọn nhà đầu tư. Theo đó, có 05 trường hợp trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà thầu (Điều 17.1) và 05 trường hợp hủy thầu đối với lựa chọn nhà đầu tư (Điều 17.2)

4. Bổ sung một số gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu

Luật 2023 bổ sung một số gói thầu áp dụng hình thức chỉ định thầu, gồm:

- Gói thầu vận chuyển hàng dự trữ quốc gia để cứu trợ, viện trợ trong trường hợp phải giao hàng ngay.

- Gói thầu thuê kho lưu giữ hàng tạm giữ, gói thầu thuê vận chuyển, bốc xếp hàng tạm giữ tại các cảng biển, địa điểm kiểm tra hàng hóa tập trung trong trường hợp chỉ có duy nhất một đơn vị cung cấp dịch vụ trong cảng.

- Gói thầu nhập khẩu vũ khí thể thao phục vụ các câu lạc bộ, trường, trung tâm đào tạo huấn luyện thể thao tập luyện, thi đấu hằng năm.

5. Bổ sung gói thầu áp dụng hình thức chào hàng cạnh tranh

Luật 2023 bổ sung quy định về chào hàng cạnh tranh được áp dụng cho một số gói thầu có giá không quá 05 tỷ đồng thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

(1) Gói thầu dịch vụ phi tư vấn thông dụng, đơn giản;

(2) Gói thầu mua sắm hàng hóa thông dụng, sẵn có trên thị trường với đặc tính kỹ thuật được tiêu chuẩn hóa và tương đương nhau về chất lượng;

(3) Gói thầu xây lắp công trình đơn giản đã có thiết kế bản vẽ thi công được phê duyệt;

(4) Gói thầu hỗn hợp cung cấp hàng hóa và xây lắp, trong đó nội dung xây lắp đáp ứng quy định tại mục (3) nêu trên.

6. Bổ sung quy định về giá gói thầu

Theo Luật 2023, giá gói thầu được quy định như sau:

- Giá gói thầu là giá trị của gói thầu được phê duyệt trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu. Giá gói thầu bao gồm toàn bộ chi phí để thực hiện gói thầu, kể cả chi phí dự phòng, phí, lệ phí và thuế. Giá gói thầu được cập nhật trong thời hạn 28 ngày trước ngày mở thầu nếu cần thiết;

- Đối với gói thầu chia phần thì ghi rõ giá gói thầu và giá ước tính cho từng phần trong giá gói thầu;

- Đối với gói thầu áp dụng tùy chọn mua thêm, giá gói thầu không bao gồm giá trị của tùy chọn mua thêm.

Chính phủ quy định chi tiết về nội dung giá gói thầu trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu.

7. Về biện pháp bảo đảm dự thầu, bảo đảm thực hiện hợp đồng

Bỏ biện pháp bảo đảm “ký quỹ”; bổ sung  quy định về biện pháp bảo đảm dự thầu: “nộp giấy chứng nhận bảo hiểm bảo lãnh của doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ trong nước, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài được thành lập theo pháp luật Việt Nam”.

8. Sửa đổi mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu

Căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể, mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu được sửa đổi như sau:

(Quy định cũ tại Luật 2013): Đối với lựa chọn nhà thầu, giá trị bảo đảm dự thầu được quy định trong hồ sơ mời thầu, hồ sơ yêu cầu theo một mức xác định từ 1% đến 3% giá gói thầu căn cứ quy mô và tính chất của từng gói thầu cụ thể.

(Quy định hiện hành): Mức bảo đảm dự thầu trong hồ sơ mời thầu được quy định như sau:

- Từ 1% - 1,5% giá gói thầu: áp dụng đối với gói thầu xây lắp, hỗn hợp có giá gói thầu không quá 20 tỷ đồng, gói thầu mua sắm hàng hóa, dịch vụ phi tư vấn có giá gói thầu không quá 10 tỷ đồng.

- Từ 1,5% - 3% giá gói thầu: áp dụng đối với gói thầu không thuộc trường hợp trên.

- Từ 0,5% - 1,5% tổng vốn đầu tư của dự án đầu tư kinh doanh: áp dụng đối với lựa chọn nhà đầu tư.

9. Bổ sung quy định về sửa đổi hợp đồng

Luật 2023 bổ sung điều khoản  về sửa đổi hợp đồng liên quan đến đấu thầu như sau:

* Trường hợp được sửa đổi hợp đồng

a) Do các bên thỏa thuận trong hợp đồng,phù hợp với quy định pháp luật;

b) Hoàn cảnh thực hiện hợp đồng có thay đổi cơ bản theo quy định pháp luật dân sự;

c) Theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng mà không do lỗi của chủ đầu tư.

* Nội dung hợp đồng được sửa đổi

Khối lượng, tiến độ, giá, áp dụng tùy chọn mua thêm và các nội dung khác do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, trừ trường hợp không cần ký văn bản sửa đổi hợp đồng. Đối với việc sửa đổi về tiến độ, khối lượng, giá chỉ áp dụng trong thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng, trừ trường hợp áp dụng tùy chọn mua thêm.

* Điều chỉnh các mốc thời gian hoàn thành

Các trường hợp được thực hiện bao gồm:

a) Trường hợp bất khả kháng hoặc phát sinh các điều kiện bất lợi, cản trở nhà thầu trong việc thực hiện hợp đồng và không liên quan đến vi phạm hoặc sơ suất của các bên tham gia hợp đồng;

b) Thay đổi, điều chỉnh dự án, phạm vi công việc, phạm vi cung cấp, thiết kế, giải pháp thi công chủ đạo, biện pháp cung cấp do yêu cầu khách quan làm ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng;

c) Một hoặc các bên đề xuất sáng kiến, cải tiến thực hiện hợp đồng mà cần thay đổi tiến độ nhằm mục đích mang lại lợi ích cao hơn cho chủ đầu tư;

d) Việc bàn giao mặt bằng không đúng với thỏa thuận trong hợp đồng, tạm dừng hợp đồng do lỗi của chủ đầu tư ảnh hưởng đến tiến độ hợp đồng mà không do lỗi của nhà thầu;

đ) Tạm dừng thực hiện công việc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền mà không do lỗi của chủ đầu tư, nhà thầu.

* Sửa đổi về thời gian thực hiện, giá hợp đồng

Khi sửa đổi hợp đồng làm thay đổi thời gian thực hiện hợp đồng hoặc vượt giá gói thầu (bao gồm dự phòng) được duyệt thì phải được người có thẩm quyền cho phép. Giá hợp đồng sau khi điều chỉnh phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm. Trường hợp dự án, dự toán mua sắm gồm nhiều gói thầu, tổng giá trị hợp đồng sau khi điều chỉnh phải bảo đảm không vượt tổng mức đầu tư, dự toán mua sắm.

* Trường hợp sửa đổi không cần ký văn bản sửa đổi hợp đồng

Các bên không phải ký kết văn bản sửa đổi hợp đồng đối với trường hợp thay đổi giá hợp đồng, khối lượng và nội dung khác đã được quy định trong hợp đồng khi đáp ứng đủ các điều kiện sau đây:

a) Không vượt giá gói thầu ghi trong kế hoạch lựa chọn nhà thầu; trường hợp dự toán gói thầu được phê duyệt sau khi có kế hoạch lựa chọn nhà thầu thì không vượt dự toán gói thầu;

b) Không vượt thời gian thực hiện gói thầu ghi trong hợp đồng;

c) Phương pháp, công thức, hạng mục và các nội dung cần thiết để điều chỉnh đã quy định trong hợp đồng.

10. Bổ sung quy định về ưu đãi trong lựa chọn nhà thầu (Điều 10)

11. Về lộ trình thực hiện đầu thầu qua mạng

Đấu thầu rộng rãi, đấu thầu hạn chế, chào hàng cạnh tranh trong nước phải thực hiện trên Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia theo lộ trình sau đây:

-  Từ ngày 01/01/2014 đến hết ngày 31/12/2024, việc đấu thầu qua mạng hoặc không qua mạng thực hiện theo quy định của Chính phủ.

- Từ ngày 01/01/2025, áp dụng đấu thầu qua mạng đối với tất cả các gói thầu (trừ một số trường hợp theo quy định của Chính phủ).

NỘI DUNG NỔI BẬT

Thông tư thay thế Thông tư liên tịch số 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định việc khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự

1. Phạm vi điều chỉnh của Thông tư

Thông tư này quy định tiêu chuẩn sức khỏe, khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng, bao gồm:

- Tiêu chuẩn và phân loại khám sức khỏe;

- Khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự;

- Quản lý và kiểm tra sức khỏe quân nhân dự bị;

- Khám sức khỏe tuyển sinh quân sự;

- Khám sức khỏe tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ; tuyển dụng, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng;

- Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cá nhân trong khám sức khỏe cho các đối tượng thuộc phạm vi quản lý của Bộ Quốc phòng.

2. Tiêu chuẩn sức khỏe theo Thông tư 105/2023/TT-BQP

- Tiêu chuẩn sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự như sau:

+ Tiêu chuẩn chung:

  • Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP;

  • Không gọi nhập ngũ đối với công dân nghiện các chất ma túy, tiền chất ma túy được quy định tại Nghị định 57/2022/NĐ-CP quy định các danh mục chất ma túy và tiền chất.

+ Tiêu chuẩn riêng: Một số tiêu chuẩn sức khỏe riêng trong tuyển chọn thực hiện nghĩa vụ quân sự do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

- Tiêu chuẩn sức khỏe tuyển dụng vào đội ngũ cán bộ; đào tạo sĩ quan dự bị gọi vào phục vụ tại ngũ:

+ Tiêu chuẩn chung: Đạt sức khỏe loại 1, loại 2 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP;

+ Tiêu chuẩn riêng: Đối với chức danh cán bộ chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành hẹp, khó thu hút nguồn nhân lực cho quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

- Tiêu chuẩn sức khỏe tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng:

+ Tiêu chuẩn chung: Đạt sức khỏe loại 1, loại 2, loại 3 theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư 105/2023/TT-BQP;

+ Tiêu chuẩn riêng: Đối với chức danh tuyển dụng quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng chuyên môn kỹ thuật chuyên ngành hẹp, khó thu hút nguồn nhân lực cho quân đội do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định.

NỘI DUNG NỔI BẬT

Thông tư thay thế Thông tư 151/2018/TT-BQP ngày 12/10/2018 quy định chi tiết và hướng hướng dẫn thi đua, khen thưởng trong Quân đội nhân dân Việt Nam

1. Phạm vi điều chỉnh:

Thông tư quy định và hướng dẫn về nguyên tắc xét tặng danh hiệu thi đua, tổ chức khen thưởng; trách nhiệm, quyền hạn của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng; tổ chức thi đua, danh hiệu thi đua, tiêu chuẩn danh hiệu thi đua; hình thức, đối tượng, tiêu chuẩn khen thưởng; thẩm quyền quyết định khen thưởng; trao tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; quy trình, hồ sơ đề nghị xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng; hội đồng thi đua – khen thưởng, tổ thi đua – khen thưởng; khối, cụm thi đua trong Quân đội nhân dân Việt Nam. 

2. Đối tượng áp dụng:

2.1. Cá nhân

- Quân nhân, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng và người lao động thuộc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp trong Quân đội.

- Dân quân thường trực, dân quân tự vệ cơ động; quân nhân dự bị, cá nhân giữ chức vụ chỉ huy dân quân tự vệ, chiến sĩ dân quân tự vệ trong thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng hoặc nhiệm vụ khác được Bộ Quốc phòng giao; ...

2.2. Tập thể

- Bộ Quốc phòng; Doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Quốc phòng, doanh nghiệp thuộc Ban Cơ yếu Chính phủ; Đơn vị dân quân tự vệ, dự bị động viên trong thời gian tập trung thực hiện nhiệm vụ quân sự, quốc phòng hoặc nhiệm vụ khác được Bộ Quốc phòng giao; ...

3. Nguyên tắc xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng

Thực hiện theo quy định tại các Điều 5, 7 và Điều 10 của Luật Thi đua, khen thưởng. So với Thông tư 151/2018/TT-BQP, nguyên tắc xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng quy định tại Thông tư số 118/2023/TT-BQP thiết thực và khả thi hơn với những nội dung sau:

- Tổng kết phong trào thi đua hằng năm, chỉ khen thưởng cán bộ chủ trì khi đơn vị được khen thưởng hoặc hoàn thành tốt nhiệm vụ trở lên.

- Cá nhân được cử tham gia học tập, bồi dưỡng ngắn hạn dưới 01 năm, chấp hành tốt quy định và đạt kết quả từ loại khá trở lên thì kết hợp với kết quả công tác tại đơn vị để bình xét danh hiệu thi đua.

- Đơn vị tiếp nhận cá nhân chuyển đến công tác xét tặng danh hiệu thi đua cho cá nhân đó, trên cơ sở kết quả hoàn thành nhiệm vụ ở đơn vị mới và kết quả hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị trước khi chuyển đến.

- Không xét tặng danh hiệu thi đua đối với cá nhân mới tuyển dụng, tập thể mới được thành lập dưới 09 tháng.

- Chưa khen thưởng hoặc đề nghị khen thưởng đối với cá nhân đang trong thời gian thi hành kỷ luật; cá nhân, tập thể đang xem xét thi hành kỷ luật hoặc điều tra, thanh tra, kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm hoặc có đơn, thư khiếu nại, tố cáo đang được xác minh làm rõ, chưa kết luận.

- Khen thưởng trong sơ kết, tổng kết phong trào thi đua theo chuyên đề, cuộc vận động, thực hiện nhiệm vụ chủ yếu sử dụng hình thức khen thưởng theo thẩm quyền của thủ Trưởng đơn vị. Trường hợp cá nhân, tập thể có thành tích xuất sắc tiêu biểu, phạm vi ảnh hưởng trong toàn quân, toàn ngành cơ yếu, toàn quốc thì đề nghị Bộ trưởng Bộ Quốc phòng xem xét, khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng.

4. Trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong công tác thi đua, khen thưởng:

- Cơ quan chính trị các cấp, trợ lý chính trị, cán bộ đảm nhiệm công tác thi đua, khen thưởng (nơi không có cơ quan chính trị):

+ Tham mưu, đề xuất với cấp ủy, chính ủy, chính trị viên (bí thư cấp ủy), người chỉ huy lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng;

+ Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả công tác thi đua, khen thưởng;

+ Tham mưu, đề xuất xét tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng theo quy định.

- Ngành chuyên môn nghiệp vụ, các tổ chức quần chúng phối hợp tuyên truyền, động viên cán bộ, chiến sĩ, công nhân, công chức, viên chức quốc phòng, người lao động, đoàn viên, hội viên tham gia phong trào thi đua.

- Ban chỉ đạo, cơ quan thường trực ban chỉ đạo phong trào thi đua theo chuyên đề; cơ quan thường trực sơ kết, tổng kết nhiệm vụ chủ trì phối hợp với cơ quan chính trị cùng cấp tham mưu, chỉ đạo, hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành, lĩnh vực phụ trách.

- Cơ quan chức năng có liên quan phối hợp với hội đồng thi đua - khen thưởng cùng cấp tổng hợp, đánh giá, nhận xét kết quả công tác thi đua, khen thưởng; cho ý kiến về việc tặng danh hiệu thi đua, hình thức khen thưởng đối với cá nhân, tập thể theo phạm vi, nhiệm vụ ngành, lĩnh vực phụ trách.

5. Danh hiệu thi đua:

Ngoài một số danh hiệu thi đua được kế thừa quy định cũ, Thông tư còn bổ sung một số danh hiệu thi đua khác như: Cờ thi đua của Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, tổng cục, quân khu, quân đoàn, quân chủng, binh chủng và tương đương trực thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ; Đơn vị vững mạnh toàn diện “Mẫu mực, tiêu biểu”; “Đơn vị huấn luyện giỏi”; “Đơn vị văn hóa tiêu biểu”.

6. Các hình thức khen thưởng:

Thực hiện theo quy định tại Điều 9 và Điều 76 của Luật Thi đua, khen thưởng 2022

NỘI DUNG NỔI BẬT

Thông tư Thay thế Thông tư 16/2020/TT-BQP ngày 21/02/2020 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định việc áp dụng các hình thức kỷ luật, trình tự, thủ tục, thời hiệu, thời hạn và thẩm quyền xử lý kỷ luật trong Bộ Quốc phòng.

1. Phạm vi điều chỉnh: Thông tư quy định về nguyên tắc, thời hiệu, thời hạn; hình thức và thẩm quyền xử lý kỷ luật; hành vi vi phạm và áp dụng hình thức kỷ luật; trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật đối với người vi phạm kỷ luật Quân đội, pháp luật Nhà nước trong Quân đội nhân dân Việt Nam. 

2. Đối tượng áp dụng:

- Sỹ quan, quân nhân chuyên nghiệp, hạ sỹ quan, binh sĩ (sau đây gọi chung là quân nhân), công chức quốc phòng, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng (sau đây gọi chung là công chức, công nhân và viên chức quốc phòng); các cơ quan, đơn vị, ca nhân có liên quan.

- Người làm việc trong tổ chức cơ yếu của Ban Cơ yếu Chính phủ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng;

- Lao động hợp đồng đang phục vụ trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Ban Cơ yếu Chính phủ....vv.

3. Các nội dung khác

* Hình thức kỷ luật: So với Thông tư 16/2020/TT-BQP, Thông tư 143/2023/TT-BQP tách riêng hình thức kỷ luật Sỹ quan với hình thức kỷ luật Quân nhân chuyên nghiệp. Theo đó, hình thức xử lý kỷ luật của quân nhân chuyên nghiệp không có hình thức “Tước quân hàm sỹ quan”; Bổ sung thêm hai hình thức kỷ luật đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng: Giáng chức; Cách chức. Chi tiết:  

- Hình thức kỷ luật đối với sỹ quan: Khiển trách; Cảnh cáo; Hà bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Giáng cấp bậc quân hàm; Tước quân hàm sỹ quan; Tước danh hiệu quân nhân.

- Hình thức kỷ luật đối với quân nhân chuyên nghiệp: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Hạ bậc lương; Giáng cấp bậc quân hàm; Tước danh hiệu quân nhân.

- Hình thức kỷ luật đối với hạ sĩ quan-binh sĩ: Khiển trách; Cảnh cáo; Giáng chức; Cách chức; Giáng cấp bậc quân hàm; Tước danh hiệu quân nhân.

- Hình thức kỷ luật đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng: Khiển trách; Cảnh cáo; Hạ bậc lương; Giáng chức; Cách chức; Buộc thôi việc.

* Thời hiệu xử lý vi phạm: Theo Thông tư 16/2020/TT-BQP, thời hiệu xử lý kỷ luật là 60 tháng, kể từ thời điểm có hành vi vi phạm. Tuy nhiên, theo Thông tư 143/2023/TT-BQP, Thời hiệu xử lý kỷ luật khiển trách là 05 năm; cảnh cáo, hạ bậc lương, Giáng chức, Cách chéc, Giáng cấp bậc quân hàm là 10 năm.

* Thời hạn xử lý kỷ luật: Không quá 90 ngày. Trường hợp vụ việc có những tình tiết phức tạp cần có thời gian thanh tra, kiểm tra, xác minh làm rõ thì thời hạn xử lý kỷ luật có thể kéo dài nhưng tối đa không quá 150 ngày.

* Trình tự, thủ tục xử lý kỷ luật: 1. Tổ chức sinh hoạt (họp) kiểm điểm; 2. Xác minh, kết luận về hành vi vi phạm kỷ luật; 3. Báo cáo cấp ủy (chi bộ) đảng có thẩm quyền xem xét, thông qua; 4. Ra quyết định kỷ luật hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền ra quyết định theo quyền hạn phân cấp; 5. Công bố quyết định kỷ luật, báo cáo lên trên và lưu trữ hồ sơ ở đơn vị.

* Vi phạm pháp luật bị truy cứu TNHS và áp dụng hình thức kỷ luật:

- Vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên phạt cảnh cáo, phạt tiền, cải tạo không giam giữ:

+ Người nào vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên phạt cảnh cáo, phạt tiền thì bị kỷ luật từ cảnh cáo đến hạ bậc lương.

+ Người nào vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên phạt cải tạo không giam giữ thì bị kỷ luật từ giáng chức, cách chức đến giáng cấp bậc quân hàm.

- Vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên phạt tù nhưng cho hưởng án treo: Người nào vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên phạt tù nhưng cho hưởng án treo thì bị kỷ luật từ cách chức, giáng cấp bậc quân hàm đến tước quân hàm sĩ quan (trừ các hành vi quy định tại Điều 40 của Thông tư này).

- Vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên phạt tù có thời hạn và phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ hoặc tù chung thân, tử hình: Người nào vi phạm pháp luật bị tòa án tuyên phạt tù có thời hạn và phải chấp hành hình phạt tại cơ sở giam giữ hoặc tù chung thân, tử hình thì đương nhiên bị tước danh hiệu quân nhân (đối với quân nhân), buộc thôi việc (đối với công chức, công nhân và viên chức quốc phòng) kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật.

NỘI DUNG NỔI BẬT

1. Thẩm quyền kiểm tra tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng

- Ngân hàng Nhà nước chi nhánh, Thanh tra, giám sát Ngân hàng Nhà nước chi nhánh kiểm tra việc chấp hành chính sách, pháp luật về tiền tệ và ngân hàng đối với tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng thuộc địa bàn nơi đặt trụ sở của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh.

- Các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước thực hiện kiểm tra việc chấp hành chính sách, thực hiện văn bản quy phạm pháp luật thuộc phạm vi chức năng tham mưu, giúp Thống đốc Ngân hàng Nhà nước thực hiện quản lý nhà nước của Tổ chức cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán không phải là ngân hàng.

2. Nguyên tắc kiểm tra

- Việc kiểm tra được tiến hành thường xuyên theo kế hoạch hoặc đột xuất.

- Bảo đảm không chồng chéo, trùng lặp về nội dung, thời gian, đối tượng kiểm tra giữa hoạt động kiểm tra của các đơn vị kiểm tra, giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra. Khi tiến hành hoạt động kiểm tra, nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp giữa hoạt động kiểm tra với hoạt động thanh tra thì thực hiện hoạt động thanh tra; nếu phát hiện chồng chéo, trùng lặp trong hoạt động kiểm tra, thủ trưởng các đơn vị kiểm tra thống nhất để thực hiện một cuộc kiểm tra.

3. Kế hoạch kiểm tra hàng năm

a) Thẩm quyền ban hành kế hoạch kiểm tra hàng năm:

- Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra cho năm tiếp theo trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, gửi kế hoạch kiểm tra đã được ban hành cho các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước;

- Các đơn vị hành chính khác thuộc Ngân hàng Nhà nước xây dựng, ban hành kế hoạch kiểm tra cho năm tiếp theo trước ngày 25 tháng 12 hàng năm.

b) Kế hoạch kiểm tra hàng năm có thể sửa đổi, bổ sung khi cần thiết.

c) Kế hoạch kiểm tra hàng năm phải có tối thiểu các nội dung sau đây: (i) Căn cứ ban hành kế hoạch kiểm tra; (ii) Mục đích, yêu cầu kiểm tra; (iii) Đối tượng kiểm tra; (iv) Nội dung kiểm tra; (v) Thời gian tiến hành kiểm tra.

d) Kế hoạch kiểm tra hàng năm và văn bản sửa đổi, bổ sung kế hoạch kiểm tra hàng năm phải được gửi cho đối tượng kiểm tra chậm nhất là 05 ngày làm việc kể từ ngày được ban hành.

4. Kiểm tra đột xuất: Đơn vị kiểm tra thực hiện kiểm tra đột xuất trên cơ sở yêu cầu quản lý và tình hình thực tế hoặc trên cơ sở yêu cầu, đề nghị, phản ánh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, của tổ chức, cá nhân hoặc khi có yêu cầu, chỉ đạo của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

5. Thời hạn kiểm tra tối đa là 10 ngày làm việc kể từ ngày công bố Quyết định kiểm tra và có thể gia hạn thêm thời hạn kiểm tra không quá 05 ngày làm việc.

6. Quyền của đối tượng kiểm tra

a) Được đưa ra ý kiến giải trình liên quan đến nội dung kiểm tra;

b) Các quyền khác theo quy định tại Thông tư này và theo quy định của pháp luật có liên quan.

7. Trách nhiệm của đối tượng kiểm tra

a) Chấp hành Quyết định kiểm tra của đơn vị kiểm tra;

b) Cử người đúng thành phần, chức trách, nhiệm vụ để tham gia buổi làm việc với đoàn kiểm tra;

c) Phối hợp và tạo điều kiện cho đoàn kiểm tra thực hiện nhiệm vụ trong quá trình kiểm tra;

d) Thực hiện việc báo cáo, giải trình, cung cấp kịp thời, đầy đủ, chính xác các thông tin, hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung kiểm tra theo yêu cầu của đoàn kiểm tra và chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính chính xác, trung thực của thông tin, hồ sơ, tài liệu đã cung cấp;

đ) Thực hiện kịp thời, đầy đủ các kiến nghị nêu tại kết luận kiểm tra và báo cáo việc thực hiện các kiến nghị nêu tại kết luận kiểm tra theo thời hạn yêu cầu;

e) Cung cấp các hồ sơ, thông tin, tài liệu liên quan đến nội dung dự kiến kiểm tra trong trường hợp đơn vị kiểm tra có yêu cầu để làm cơ sở ban hành Quyết định kiểm tra;

g) Các trách nhiệm khác theo quy định tại Thông tư này và theo quy định của pháp luật có liên quan.

NỘI DUNG NỔI BẬT

1. Mục đích ban hành:

Hướng dẫn việc xây dựng, đánh giá, lựa chọn nền tảng thuộc Chương trình thúc đẩy phát triển và sử dụng các nền tảng số quốc gia phục vụ chuyển đổi số, phát triển Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số của Bộ Thông tin và Truyền thông.

Các tổ chức, cá nhân có nhu cầu xây dựng, triển khai Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu chủ động xem xét, áp dụng.

2. Yêu cầu cơ bản về chức năng, tính năng kỹ thuật của nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu:

a) Yêu cầu chung

- Đảm bảo không vi phạm các quy định về quyền tác giả, quyền sở hữu trí tuệ và các quyền liên quan theo Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29/11/2005 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ ngày 19/6/2009.

- Sẵn sàng hỗ trợ địa chỉ Internet thế hệ mới IPv6.

- Đảm bảo khả năng kết nối, chia sẻ dữ liệu theo quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP ngày 09/4/2020 của Chính phủ về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu số của cơ quan nhà nước.

- Tuân thủ khung Kiến trúc Chính phủ điện tử Việt Nam, Kiến trúc Chính phủ điện tử cấp bộ hoặc Kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh hiện hành.

b) Yêu cầu về chức năng: Yêu cầu về quản lý tài khoản, dữ liệu, quản lý cấu hình trình diễn dữ liệu; Yêu cầu về trình diễn dữ liệu; Yêu cầu về nhóm chức năng mở rộng

c) Yêu cầu về hiệu năng: Thời gian phản hồi trung bình, thời gian phản hồi chậm nhất, truy cập đồng thời, số người dùng hoạt động đồng thời

d) Yêu cầu an toàn thông tin mạng:

- Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu có phương án xác định và phê duyệt Hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn hệ thống thông tin theo quy định.

- Phương án bảo đảm an toàn thông tin cho Nền tảng tổng hợp, phân tích dữ liệu đáp ứng các yêu cầu tại Điều 19 Nghị định số 85/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ; Điều 9, 10, 11, 12 Thông tư số 12/2022/TT-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông và Tiêu chuẩn quốc gia TCVN 11930:2017 hoặc các văn bản quy phạm pháp luật quy định về an toàn thông tin có hiệu lực tại thời điểm áp dụng.

- Không tồn tại lỗ hổng, điểm yếu về an toàn thông tin trước khi đưa vào vận hành, khai thác nền tảng.

- Nền tảng đáp ứng các yêu cầu an toàn thông tin cơ bản khác về xác thực, kiểm soát truy cập, nhật ký hệ thống, an toàn phần mềm và mã nguồn, sao lưu dự phòng

e) Yêu cầu về tính năng kỹ thuật khác: Yêu cầu phi chức năng và Yêu cầu về kết nối, chia sẻ dữ liệu với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số

NỘI DUNG NỔI BẬT

Ban hành mới 09 thủ tục hành chính cấp trung ương quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005 và các văn bản sửa đổi, bổ sung Luật Sở hữu trí tuệ.

Bãi bỏ 08 thủ tục hành chính cấp trung ương trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ đã được công bố tại Quyết định số 3675/QĐ-BKHCN ngày 25/12/2017.

Danh mục thủ tục hành chính mới ban hành trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ

TT

Tên thủ tục hành chính

Biểu mẫu

1

Thủ tục đăng ký sáng chế

Tờ khai đăng ký sáng chế theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

Đối với đơn đăng ký sáng chế mật ngoài các tài liệu quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ, Nghị định 65/2023 và Thông tư 23/2023, người nộp đơn cần nộp văn bản xác nhận đối tượng đăng ký trong đơn là bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật nhà nước.

2

Thủ tục yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định đơn đăng ký sáng chế của nước ngoài

Tờ khai yêu cầu sử dụng kết quả thẩm định của nước ngoài theo Mẫu quy định tại Phụ lục của Thông tư số 23/2023/TT-BKHCN.

3

Thủ tục xử lý đơn PCT vào giai đoạn quốc gia

Tờ khai đăng ký sáng chế làm theo Mẫu số 01 tại Phụ lục I Nghị định 65/2023/NĐ-CP.

4

Thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn

Tờ khai đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn theo Mẫu số 06 tại Phụ lục I Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

5

Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp

Tờ khai đăng ký kiểu dáng công nghiệp theo Mẫu số 07 tại Phụ lục I Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

6

Thủ tục đăng ký nhãn hiệu

Tờ khai đăng ký nhãn hiệu theo Mẫu số 08 tại Phụ lục I Nghị định số 65/2023/NĐ-CP.

7

Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý

Tờ khai đăng ký chỉ dẫn địa lý theo Mẫu số 09 tại Phụ lục I Nghị định số 65/2023/NĐ-CP

8

Thủ tục xử lý ý kiến phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

Không có mẫu tờ khai. Bên phản đối chuẩn bị hồ sơ theo Điều 112a Luật Sở hữu trí tuệ và Điều 11 Thông tư 23/2023/TT-BKHCN.

9

Thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp

Đơn khiếu nại được làm theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định số 124/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Khiếu nại.

*Chi tiết về trình tự thực hiện, cách thức thực hiện, thành phần hồ sơ, phí, lệ phí, yêu cầu, điều kiện thực hiện thủ tục hành chính nêu trong Quyết định này.

Danh mục thủ tục hành chính được bãi bỏ trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ

VBQPPL quy định thủ tục hành chính bị bãi bỏ: Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN; Thông tư số 263/2016/TT-BTC.

8 thủ tục bị bãi bỏ: Thủ tục đăng ký sáng chế; Thủ tục đăng ký sáng chế theo Hiệp ước PCT có chỉ định Việt Nam; Thủ tục đăng ký kiểu dáng công nghiệp; Thủ tục đăng ký nhãn hiệu; Thủ tục đăng ký chỉ dẫn địa lý; Thủ tục đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn; Thủ tục giải quyết khiếu nại liên quan đến sở hữu công nghiệp; Thủ tục yêu cầu cấp bản sao tài liệu

luat-so-huu-tri-tue-moi-nhat.jpg

NỘI DUNG NỔI BẬT

1. Quyết định này hướng dẫn quy định tại điểm d khoản 5 Điều 28 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư.

4.2. Hồ sơ yêu cầu giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư:

- Văn bản yêu cầu tổ chức việc giám định (Mẫu số 01 Quyết định này)

- Các tài liệu cung cấp thông tin về dấu hiệu vi phạm trong dự án đầu tư

3. Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Cơ quan yêu cầu giám định gửi yêu cầu đến cơ quan có thẩm quyền

Bước 2: Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền xem xét các căn cứ để thực hiện giám định và sự cần thiết của việc tổ chức giám định.

  •  Cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản gửi cơ quan yêu cầu giám định, nêu rõ lý do không tổ chức việc giám định. Hoặc,
  • Cơ quan có thẩm quyền gửi nhà đầu tư Văn bản đề nghị báo cáo và cung cấp hồ sơ, tài liệu (Mẫu số 02 Quyết định này) đề nghị báo cáo và cung cấp các hồ sơ, tài liệu liên quan đến chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ của dự án.

Bước 3: Trong thời hạn 15 ngày kể từ khi nhận được văn bản đề nghị của cơ quan có thẩm quyền, nhà đầu tư cung cấp 01 bản báo cáo kèm theo bản sao có chứng thực (hoặc có xác nhận sao y bản chính của nhà đầu tư) các hồ sơ, tài liệu liên quan đến chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư cho cơ quan có thẩm quyền.

Bước 4: Trong thời hạn 30 ngày, kể từ khi nhận được báo cáo và các hồ sơ, tài liệu của nhà đầu tư, cơ quan có thẩm quyền quyết định thành lập Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ và tổ chức họp Hội đồng để xem xét, cho ý kiến về chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.

Bước 5: Trong trường hợp chưa đủ căn cứ để cho ý kiến hoặc có nhiều ý kiến không thống nhất để cho ý kiến về chất lượng và giá trị của máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, theo ý kiến tư vấn của Hội đồng, trong vòng 30 ngày, Cơ quan có thẩm quyền tổ chức lựa chọn tổ chức giám định, ban hành văn bản đề nghị giám định và cấp chứng thư giám định (Mẫu số 03 Quyết định này).

Bước 6: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được Chứng thư giám định (Mẫu số 04 Quyết định này) do tổ chức giám định được chỉ định cấp, cơ quan có thẩm quyền tổ chức họp Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ lần thứ hai.

Bước 7: Trong thời hạn 15 ngày, kể từ khi nhận được ý kiến của Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ, cơ quan có thẩm quyền xem xét các nội dung kiến nghị của Hội đồng để kết luận về chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư, gửi cơ quan yêu cầu giám định và các cơ quan, đơn vị có liên quan để thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp cần thiết, cơ quan có thẩm quyền lấy thêm ý kiến của chuyên gia độc lập để xem xét, kết luận.

4. Thành phần Hội đồng tư vấn khoa học và công nghệ

- Chủ tịch, Phó Chủ tịch và thư ký Hội đồng;

- Đại diện cơ quan có thẩm quyền, cơ quan quản lý nhà nước có liên quan và các chuyên gia có chuyên môn phù hợp với lĩnh vực máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ cần giám định, số lượng chuyên gia không nhỏ hơn 1/3 số lượng thành viên Hội đồng;

- Đại diện cơ quan chuyên môn về khoa học và công nghệ thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi thực hiện dự án trong trường hợp cơ quan có thẩm quyền là Bộ Khoa học và Công nghệ.

5. Trách nhiệm của nhà đầu tư

- Báo cáo và cung cấp đầy đủ, đúng thời hạn các hồ sơ, tài liệu liên quan đến chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền.

- Phối hợp với cơ quan có thẩm quyền trong quá trình tổ chức thực hiện giám định chất lượng và giá trị máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.

- Thực hiện các yêu cầu liên quan đến hoạt động giám định của tổ chức giám định được chỉ định trong quá trình thực hiện giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ trong dự án đầu tư.