Thông qua dữ liệu khảo sát từ hơn 1.500 nhà tiếp thị truyền thông mạng xã hội trên toàn cầu, HubSpot đã hé lộ những xu hướng then chốt trong quá trình định vị và xây dựng chiến lược thương hiệu hiệu quả.

Các nền tảng mạng xã hội hàng đầu

3 trong số 10 nền tảng truyền thông mạng xã hội được các thương hiệu sử dụng nhiều nhất lần lượt là Facebook, Instagram và Youtube, trung bình chiếm trên 50%. Tuy nhiên, theo các thương hiệu B2C, nền tảng mạng xã hội mang lại ROI tốt nhất và tỷ lệ tương tác (engagement) cao nhất đều thuộc về Youtube. Trong khi đó, đối với thương hiệu B2B, các nền tảng tương ứng lần lượt là Facebook và Instagram.

Nội dung cần chân thật, hài hước và thể hiện giá trị thương hiệu

4 trong 8 khía cạnh nội dung đã mang lại ROI cao nhất trong năm lần lượt là nội dung hài hước (24%), nội dung gần gũi (18%), nội dung tương tác (18%) và nội dung chân thật (12%).

Chiến lược “một nội dung cho tất cả các nền tảng” không còn hiệu quả

Người dùng mạng xã hội có thể dễ dàng nhận ra nội dung khng chân thực, không phù hợp với từng kênh và họ sẽ nhanh chóng lướt qua. Dưới đây là một số nền tảng đề xuất cho từng loại và độ dài video cụ thể:

Loại video Độ dài video Nền tảng đề xuất
Hướng dẫn 3-5 phút Youtube
Đánh giá sản phẩm 1-10+ phút Youtube
Giới thiệu sản phẩm mới 90 giây Instagram, Facebook, quảng cáo Youtube
Hậu trường 1-3 phút Instagram Reels, Tiktok
Livestream hội thảo hoặc chuyên đề 30+ phút Youtube, LinkedIn Live
Clip từ sự kiện hoặc podcast 1-3 phút Instagram Reel, Tiktok, Linked, Youtube Shorts

Xu hướng sử dụng AI trong truyền thông mạng xã hội

71% nhà tiếp thị đang sử dụng công cụ AI và 87% tin rằng AI đóng vai trò quan trọng trong thành công của chiến lược truyền thông thương hiệu trên mạng xã hội vào năm 2024. Đồng thời, gần 1/3 thế hệ Gen Z và Millennials đã sử dụng chatbot AI để nghiên cứu chính xác những gì họ cần trước khi chi trả cho một dịch vụ đăng ký hoặc sản phẩm mới.

Xu hướng mua sắm trên mạng xã hội bùng nổ

Mua sắm trên mạng xã hội đang tăng trưởng gần 40% mỗi năm. Khi người tiêu dùng mua sắm trực tiếp thông qua mạng xã hội, quyết định của họ bị ảnh hưởng bởi Influencers và cộng đồng, từ đó tạo nên sức mạnh khủng khiếp của nền kinh tế người sáng tạo (creator conomy).

Mạng xã hội và video thay thế công cụ tìm kiếm

Ngày nay, cứ 4 người tiêu dùng thì có một người thích tìm kiếm thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội. 22% người dùng cho biết họ tìm kiếm qua mạng xã hội nhiều hơn so với công cụ tìm kiếm, tăng 47% so với đầu năm ngoái.

Nhìn chung, trong năm 2024, các thương hiệu thành công trên mạng xã hội sẽ là những thương hiệu nắm bắt được sự thay đổi hành vi của người dùng, xây dựng chiến lược nội dung sáng tạo và phù hợp với từng nền tảng, cũng như hợp tác chặt chẽ với các nhà sáng tạo nội dung uy tín.

Nguồn: Báo cáo Global Social Media Trends của HubSpot

Sự đa dạng về độ tuổi trong các tổ chức ngày càng trở nên phổ biến. Hiện nay, một doanh nghiệp có thể có tới bốn thế hệ làm việc cùng nhau, từ thế hệ sinh năm 1960 đến 2000. Mỗi thế hệ mang đến những đặc điểm và quan điểm khác biệt, tạo ra những thách thức trong việc quản lý.

Hiểu về lực lượng lao động đa thế hệ

Lực lượng lao động đa thế hệ bao gồm các nhân sự từ nhiều thế hệ khác nhau, do quá trình lão hóa dân số và độ tuổi lao động tăng lên. Theo nghiên cứu của Bain & Company, đến năm 2030, có thể tới 150 triệu việc làm sẽ chuyển giao cho lao động trên 55 tuổi.

Các thế hệ lao động phổ biến tại Việt Nam bao gồm:

  • Baby Boomers (sinh năm 1946 - 1964)
  • Thế hệ X (sinh năm 1965 - 1980)
  • Thế hệ Y (Millennials) (sinh năm 1981 - 1996)
  • Thế hệ Z (sinh năm 1997 - 2012)

Các thế hệ khác nhau có những quan điểm khác về công việc. Sự chia sẻ kiến thức giữa các thế hệ thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Những người có kinh nghiệm có thể hướng dẫn thế hệ trẻ, trong khi thế hệ trẻ có thể hỗ trợ công nghệ cho thế hệ trước. Sự đa dạng này cũng tạo ra cơ hội tốt hơn cho kế hoạch kế nhiệm trong tổ chức.

Tuy nhiên, sự đa dạng thế hệ cũng dẫn đến thách thức, như khác biệt trong cách giao tiếp và định kiến tiêu cực có thể gây căng thẳng giữa các đồng nghiệp.

Để gia tăng gắn kết và nâng cao hiệu suất, doanh nghiệp có thể áp dụng các cách sau đây:

Xóa bỏ thành kiến về thế hệ

Thành kiến về thế hệ có thể tạo rào cản và môi trường làm việc căng thẳng. Ví dụ, thế hệ Z có thể bị coi là thiếu kiên nhẫn, trong khi thế hệ Y có thể bị xem là bảo thủ. Doanh nghiệp nên tổ chức hội thảo về thành kiến và đầu tư vào đào tạo đa dạng. Google đã triển khai chương trình “Unconscious Bias @ Work” để giảm thiên kiến và khuyến khích nhân viên đánh giá các quan điểm khác nhau.

Tập trung vào các giá trị chung và linh hoạt trong quản lý

Theo nghiên cứu của McKinsey, kỳ vọng và nhu cầu của mọi thế hệ đối với một tổ chức đều tương đồng, gồm 6 yếu tố: Sự linh hoạt; Các dự án có ý nghĩa; Lãnh đạo quan tâm; Đãi ngộ xứng đáng; Cơ hội phát triển nghề nghiệp. Chỉ có cách mỗi thế hệ thể hiện những nhu cầu này là thay đổi.

Thay vì tập trung vào các thành kiến, hãy đối xử với nhân viên như những cá nhân độc lập và tập trung vào các điểm chung để giữ chân, thu hút nhân tài. Như cách Zappos duy trì môi trường làm việc tự do, nơi nhân viên có thể thoải mái sáng tạo và thể hiện cá tính của mình, miễn là đảm bảo mục tiêu “to live and deliver WOW” (tạm dịch: Mang đến những dịch vụ vượt mong đợi cho khách hàng).

Bên cạnh đó, quản lý một lực lượng lao động đa thế hệ yêu cầu những cách tiếp cận đa dạng, linh hoạt. Khi đưa ra các trải nghiệm nhân viên, doanh nghiệp cần lưu ý tới thói quen, mong muốn của từng thế hệ đối với các kênh giao tiếp nội bộ và cách thức phản hồi, giao tiếp, hợp tác, trao quyền. 

Cụ thể, thế hệ Baby Boomers ưu tiên kết nối cá nhân. Họ đánh giá cao các cuộc gọi điện thoại và các cuộc họp. Thế hệ X thích giao tiếp đơn giản, ngắn gọn. Họ đánh giá cao email và tương tác trực tiếp nhưng cũng thích ứng tốt với các kênh giao tiếp số. Thế hệ Millennials coi trọng tính xác thực và giao tiếp cởi mở. Họ thích các nền tảng tương tác như ứng dụng nhắn tin, email và mạng xã hội. Trong khi đó, thế hệ Z thích các ứng dụng nhắn tin, hội nghị truyền hình và các công cụ cộng tác.

Thúc đẩy sự hợp tác giữa các thế hệ

Một trong những lợi ích lớn nhất của lực lượng lao động đa thế hệ là tận dụng các quan điểm, kỹ năng và kinh nghiệm đa dạng từ các thế hệ. Hãy thiết lập các chương trình cố vấn nội bộ để tạo cơ hội cho các thế hệ cố vấn lẫn nhau. Các chương trình cố vấn ngược, nơi nhân viên trẻ cố vấn cho nhân viên có thâm niên cũng sẽ giúp mang lại góc nhìn mới mẻ cho các vấn đề. Hãy thành lập các nhóm làm việc liên thế hệ để tăng cường năng suất, khuyến khích chia sẻ kiến thức và giải pháp sáng tạo.

IBM đã triển khai chương trình “Mentorship Programs” và “Reverse Mentoring” để chia sẻ kinh nghiệm và kỹ năng công nghệ giữa các thế hệ. Barclays đã thành lập đội ngũ “Digital Eagles” gồm các nhân viên trẻ đễ hỗ trợ nâng cao kỹ năng số cho nhân viên và khách hàng lớn tuổi

Khuyến khích đối thoại mở

Bất kể nhân sự thuộc thế hệ nào, khi họ cảm thấy được lắng nghe và trân trọng, họ sẽ tham gia nhiều hơn. Hãy khuyến khích các thành viên tham gia các cuộc họp, khen thưởng các ý kiến xuất sắc và đáp ứng các mối quan tâm của họ khi được nêu ra. 

Baby Boomers thường mong muốn được lắng nghe về những vấn đề liên quan đến sự nghiệp và an toàn lao động, kỳ vọng được công nhận và tôn trọng về kinh nghiệm cũng như những đóng góp dài hạn của họ trong tổ chức. Thế hệ X thích những cuộc đối thoại thẳng thắn và thực tế, đề cao tính hiệu quả và kết quả cụ thể. Thế hệ Y mong muốn được lắng nghe thường xuyên thông qua phản hồi liên tục từ cấp trên và đồng nghiệp. Thế hệ Z chú trọng đến các vấn đề về đa dạng và hội nhập trong môi trường làm việc. Họ muốn tiếng nói của mình được lắng nghe trong các vấn đề này.

Ernst & Young - công ty hàng đầu thế giới cung cấp các dịch vụ kiểm toán, thuế, giao dịch tài chính và tư vấn đã thành lập Hội đồng GenZ, nơi các nhân viên trẻ có cơ hội tham gia vào các quyết định chiến lược của công ty và đưa ra các ý kiến về các vấn đề liên quan đến thế hệ của họ.

Nguồn: NXB Harvard, báo cáo Báo cáo thường niên của SPAG Asia năm 2022

Hiệu quả sử dụng năng lượng đã trở thành một ưu tiên chiến lược cốt lõi trong toàn bộ hệ sinh thái viễn thông. Các nhà khai thác mạng di động lớn trên thế giới đã nhận ra tầm quan trọng của việc cải thiện các giải pháp mạng lưới và nhận ra rằng việc đầu tư vào thiết bị sẽ hiệu quả hơn việc tiết kiệm chi phí mua hàng.

Mạng viễn thông tiêu thụ năng lượng thế nào?

Năng lượng hiện chiếm trung bình 20 - 40% chi phí hoạt động của các công ty viễn thông và 80 - 90% chi tiêu cho mạng lưới, không bao gồm chi phí thuê địa điểm. Việc chuyển sang năng lượng tái tạo và tăng hiệu quả sử dụng năng lượng sẽ giúp giảm mức chi phí này.

Phần lớn năng lượng (87%) được tiêu thụ trong RAN. Phần còn lại là các trung tâm dữ liệu và cốt lõi (12%) và các hoạt động khác (1%).

  • RAN - năng lượng được tiêu thụ bởi mạng truy cập vô tuyến (RAN): Bao gồm BTS, Node B, eNodeB và gNodeB và tất cả năng lượng cơ sở hạ tầng liên quan như từ điều hòa không khí, bộ biến tần, bộ chỉnh lưu, bộ lặp và tất cả năng lượng tiêu thụ liên quan đến vận chuyển đường trục.
  • Tiêu thụ năng lượng cốt lõi - năng lượng được tiêu thụ bởi mạng cốt lõi liên quan đến mạng di động: Bao gồm RNC, BSC, MSC, SGSN, GGSN, HLR, SMS-C, MMS-C, MME, Serving Gateway, và tất cả các cơ sở hạ tầng liên quan sử dụng năng lượng như từ điều hòa không khí, bộ biến tần và bộ chỉnh lưu.
  • Tiêu thụ năng lượng của trung tâm dữ liệu - năng lượng được tiêu thụ bởi các trung tâm dữ liệu: Bao gồm OSS và BSS và cơ sở hạ tầng mạng nội bộ.
  • Các hoạt động khác - năng lượng được nhà điều hành di động tiêu thụ cho các hoạt động của riêng mình: Bao gồm các văn phòng, cửa hàng, hoạt động bán lẻ và hậu cần.

Hiệu quả năng lượng trong 5G

Mặc dù công nghệ 5G hiện đã cải thiện đáng kể về hiệu quả sử dụng năng lượng trên mỗi gigabyte so với các công nghệ trước đây. Tuy nhiên, điều này có thể dẫn đến việc lượng phát thải cao hơn nếu không có sự can thiệp tích cực từ các nhà khai thác. 5G là công nghệ không dây đầu tiên mà hiệu quả năng lượng đã được xem xét trong quá trình chuẩn hóa.

Một số biện pháp tiết kiệm năng lượng được tích hợp vào các tiêu chuẩn 5G, chẳng hạn như chức năng ngủ hoặc tắt máy trong các giải pháp bộ thu phát và bộ lập lịch năng lượng thấp. Các biện pháp tiết kiệm năng lượng này được tích hợp vào tiêu chuẩn vô tuyến mới 5G (NR) sẽ được bù đắp cho lưu lượng dữ liệu tăng, một điều mà sẽ dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng và phát thải cao hơn. Để giải quyết điều này, các chiến lược năng lượng của các nhà khai thác đã áp dụng bao gồm việc loại bỏ các mạng lưới cũ, tăng mức tiêu thụ năng lượng tái tạo và mua thiết bị tiết kiệm điện.

Millicom - hãng viễn thông của Thụy Điển đã có những cam kết mạnh mẽ về việc sẽ giảm phát thải carbon trong toàn bộ hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Để đạt được mục tiêu này, Millicom đã tập hợp toàn bộ các sáng kiến giảm carbon, ưu tiên triển khai trong tất cả mọi hoạt động.

Millicom thành lập nhóm chuyên gia với tên gọi “Green Team”, bao gồm thành viên đến từ các bộ phận trong tổ chức. Thực hiện phân loại các sáng kiến thành 5 loại khác nhau: hiệu quả RAN; năng lượng tái tạo; tối ưu hóa hệ thống làm mát; tối ưu hóa sử dụng điện; và các địa điểm tắt nguồn điện và di cư ra ngoài trời.

Millicom tập trung vào cải thiện hiệu suất RAN và sau đó ưu tiên các sáng kiến ​​khác theo hai đặc điểm chính: cơ hội giảm CO2 và tốc độ triển khai sáng kiến.

Tính năng tiết kiệm điện

Kích hoạt tính năng tiết kiệm điện là cách nhanh nhất để giảm CO2 đồng thời tiết kiệm chi phí. Điều này thực hiện thông qua các bản cập nhật phần mềm theo dõi hành vi lưu lượng truy cập và tắt các lớp dung lượng (ví dụ, vào ban đêm khi người dùng đang ngủ). Điều này giúp giảm 1% đến 10% mức tiêu thụ năng lượng của trang web

Việc ngừng hoạt động của cơ sở cũ

Sáng kiến ​​ngừng hoạt động của cơ sở cũ tác động lớn nhất đến việc giảm phát thải carbon và có lợi ích đáng kể về chi phí vận hành do tiết kiệm được tiền thuê, năng lượng và chi phí bảo trì. Cơ sở đầu tiên được ngừng hoạt động là các cơ sở có năng lực cũ và sau lớp phủ LTE, đó là các cơ sở có phạm vi phủ sóng cũ.

Tắt các kênh cũ

Millicom có thể tắt các kênh 2G/3G sau khi giảm lưu lượng truy cập cũ. Đây là bước đầu tiên để ngừng sử dụng các mạng cũ. Điều này dẫn đến mức tiêu thụ năng lượng tại chỗ giảm từ 10% đến 30%.

Hiện đại hóa phần cứng

Millicom tin rằng “sự tiến hóa đi kèm với hiệu quả”. Tư duy phần cứng mới trong việc áp dụng 4G và 5G là quyết định tốt nhất để hỗ trợ tính liên tục của doanh nghiệp và chuẩn bị cho các nguồn doanh thu mới. Điều này có thể dẫn đến giảm tới 40% mức tiêu thụ năng lượng

 
Nguồn: GSMA

Để tối ưu hoạt động truyền thông nội bộ, điều quan trọng là đánh giá khách quan nỗ lực và thực hiện những điều chỉnh cần thiết. Đó là đánh giá một cách toàn diện về mục tiêu, loại hình, khối lượng, kết quả, hiệu quả của truyền thông nội bộ.

Việc đánh giá cần trả lời được những câu hỏi như:

  • Kênh này hiệu quả như thế nào cho mục đích đặt ra?
  • Nhân viên có cảm thấy họ được tiếp nhận đầy đủ thông tin không?
  • Nhân viên có tương tác với thông điệp của truyền thông không?

Tại sao phải đánh giá?

  1. Xác định khoảng trống: Bằng cách đánh giá tác động của hoạt động truyền thông nội bộ, bạn có thể xác định các khu vực, vấn đề mà truyền thông còn thiếu và ít hiệu quả.
  2. Tăng cường tương tác: Đánh giá truyền thông nội bộ có thể giúp tìm ra thông điệp hoặc kênh truyền thông mà nhân viên tương tác nhiều nhất (hoặc ít nhất). Điều này giúp bạn áp dụng các chiến lược, kế hoạch hành động hiệu quả hơn.
  3. Đảm bảo liên kết: Bạn có thể đảm bảo thông điệp phù hợp với các mục tiêu và giá trị của tổ chức, đồng thời đánh giá khả năng tiếp nhận thông điệp của nhân viên. Sự liên kết này có thể giúp bạn thúc đẩy truyền thông nhất quán và gắn kết nội bộ hơn.

6 bước gợi ý quan trọng

  1. Xác định mục tiêu: Bạn mong đợi gì từ đợt đánh giá của mình? Xác định những khía cạnh nào của chương trình truyền thông nội bộ mà bạn muốn đánh giá và cải thiện. Ví dụ, mục tiêu chính của bạn là đánh giá thông điệp từ lãnh đạo đến đội ngũ quản lý và từ lãnh đạo đến nhân viên. Bạn có thể xem xét việc sử dụng các kênh khác nhau với các loại thông điệp khác nhau. Hoặc bạn muốn tìm hiểu xem nhân viên cảm thấy như thế nào về tần suất xuất hiện của thông điệp trên các kênh và có sự điều chỉnh phù hợp.
  2. Đặt câu hỏi hay và thu thập dữ liệu: Từ mục tiêu, bạn cần chuẩn bị các bộ câu hỏi và yêu cầu về dữ liệu. Bạn cần thu thập dữ liệu định lượng và định tính thông qua các cuộc khảo sát, phỏng vấn, nhóm tập trung hoặc các bộ dữ liệu hiện có. Tốt nhất là nên đặt ra một điểm chuẩn làm điểm khởi đầu để so sánh dữ liệu. Dữ liệu có thể đến từ nhóm truyền thông (VD: loại tin nhắn, khối lượng nội dung đã xuất bản), hệ thống CNTT (VD: tổng số tin nhắn được gửi từ các địa chỉ cụ thể hoặc đến các nhóm)... Giả sử bạn đang đánh giá mức độ sử dụng và hiệu quả của kênh, bạn có thể khảo sát nhân viên về các kênh truyền thông ưa thích của họ, tần suất lý tưởng và bất kỳ lĩnh vực nào mà họ cảm thấy truyền thông quá tải hoặc thiếu sót.
  3. Phân tích các phát hiện: Sau khi bạn thu thập dữ liệu, hãy phân tích các con số hoặc sắp xếp trước một người phân tích dữ liệu. Từ đó xác định kết quả cũng như xu hướng. Đầu tiên, hãy tìm kiếm những kết quả thể hiện những điểm mạnh hoặc điểm yếu nổi bật. Đối chiếu các câu trả lời khảo sát và tiến hành phân tích theo chủ đề để xác định những điểm tương đồng giữa các ý kiến và bảng hỏi khác nhau.
  4. Phát triển những insights đã có để hành động: Tiếp theo, hãy suy nghĩ về những thông tin đã có và đề xuất hành động để cải thiện dựa trên phân tích dữ liệu. VD: Bạn xem lại dữ liệu và thấy rằng hầu hết nhân viên cảm thấy mất kết nối hoặc không biết về chiến lược kinh doanh của công ty. Để khắc phục sự thiếu hụt này, bạn đề xuất chương trình truyền thông mới về định hướng của lãnh đạo và cuộc họp diện rộng định kỳ để truyền tải tới nhân viên các ưu tiên quan trọng của tổ chức và chia sẻ kết quả hoạt động của công ty.
  5. Công bố kế hoạch thực hiện: Để đảm bảo thành công, hãy đưa danh sách insights có thể hành động sang bước tiếp theo bằng cách tổ chức một kế hoạch chi tiết để triển khai các giải pháp đề xuất, bao gồm các mốc thời gian và các bên chịu trách nhiệm. Nhắc lại những thông tin mà bạn đã có và những gì dự định làm cho những nhân viên được khảo sát. Khi điều chỉnh cách truyền thông, hãy nhắc nhở mọi người rằng những thay đổi này là để phản hồi lại các phát hiện trong kỳ đánh giá.
  6. Theo dõi và đánh giá: Một cuộc đánh giá mở rộng góp phần thúc đẩy sự thay đổi, nhưng lý tưởng nhất là một quy trình cải tiến liên tục. Bạn cần các hệ thống để đo lường và giám sát hiệu quả của những thay đổi. Bạn có thể sử dụng các cuộc khảo sát để đánh giá mức độ hài lòng của nhân viên với các chương trình truyền thông đã được sửa đổi và điều chỉnh.

Nguồn: Ragan

Giới truyền thông Mỹ có câu “Không có bữa trưa nào miễn phí nhưng bạn có thể được truyền thông đưa tin miễn phí”.

Để được đưa tin miễn phí đồng nghĩa với việc hình ảnh nhận diện thương hiệu sẽ gia tăng. Tuy nhiên, để được truyền thông miễn phí chưa bao giờ là câu chuyện dễ dàng. Vậy làm thế nào để tin tức của chúng ta có thể tiếp cận đến đúng với nhóm đối tượng nhà báo, phóng viên và để họ chủ động đăng bài cho doanh nghiệp? Những tips chia sẻ ở bài viết sẽ trả lời câu hỏi này.

Chủ động tìm kiếm phóng viên và kênh truyền thông phù hợp

Đối tượng lý tưởng để được gửi TCBC là những người có sức ảnh hưởng lớn trong toà soạn. Tuy nhiên, tại các cơ quan báo chí Việt Nam, TCBC thường được gửi đến cho nhà báo. Còn đối với những trang báo nước ngoài, doanh nghiệp có thể gửi TCBC đến ban biên tập - những người lên kế hoạch và duyệt nội dung.

Một lưu ý dành cho các doanh nghiệp là thường xuyên cập nhật thông tin của phóng viên, nhà báo trước khi liên hệ, gửi tin bài vì có thể phóng viên đó đã chuyển sang chuyên mục khác, vị trí khác trong tòa soạn.

Dưới đây là một số gợi ý khi nghiên cứu các loại hình truyền thông khác nhau:

  • Ấn phẩm (Print): Nếu ấn phẩm được lưu trữ trực tuyến, hãy tìm kiếm các tin bài trước đó về lĩnh vực của doanh nghiệp. Sau đó, tìm kiếm trên Google, Yahoo… để tìm hiểu phóng viên đã viết về vấn đề gì trong quá khứ và sử dụng những thông tin đó khi liên hệ với họ.

  • Truyền hình: Xem một vài phân đoạn của chương trình mà bạn đang nhắm đến trước khi liên hệ với nhà sản xuất để hiểu hơn về phong cách của chương trình.

  • Online: Truyền thông trực tuyến thường được lưu trữ giúp bạn dễ dàng có cái nhìn tổng quan về một trang web hoặc blog trước khi liên hệ với họ.

  • Radio: Dành thời gian nghe chương trình mà bạn muốn liên hệ để có cảm nhận về phong cách của người dẫn chương trình, phong cách báo chí và định dạng chung của chương trình trước.

news.jpg

Tạo danh sách các phóng viên, nhà báo

Danh sách liên hệ giúp bạn xác định đúng người liên hệ cho từng loại phương tiện truyền thông và từng loại câu chuyện, tăng khả năng câu chuyện của bạn được đưa tin và đăng tải trên các kênh truyền thông.

Danh sách liên hệ của các phóng viên bao gồm các thông tin sau: tên, chức danh, số điện thoại, fax và địa chỉ email của các phóng viên kèm các thông tin về số lượng phát hành của ấn phẩm, các bài viết đã xuất bản và lịch sử liên hệ của doanh nghiệp với phóng viên.

Đối với các hình thức nội dung cần đăng tải khác nhau, cách tìm kiếm liên hệ sẽ khác nhau, cụ thể:

  • Ấn phẩm (Print): Các phóng viên đã đưa tin về doanh nghiệp của bạn trong quá khứ hoặc được giới thiệu bởi các biên tập viên của các chuyên mục địa phương tới người liên hệ phù hợp tại cơ quan của họ.

  • Truyền hình: Các nhà sản xuất tin tức và biên tập viên phụ trách là những người liên hệ đầu tiên của bạn. Tại các cơ quan truyền thông lớn hơn, bạn có thể được chuyển đến nhiều bộ phận trước khi gặp đúng người.

  • Online: Liên hệ với các biên tập viên, nhà văn tự do, nhà bình luận và blogger.

  • Radio: Các nhà sản xuất, các nhà quản lý vận hành chịu trách nhiệm xử lý các đề xuất và đặt lịch cho các chương trình radio.

Chu kỳ đưa tin của các cơ quan báo chí

Trước đây, chu kỳ tin tức thường kéo dài hơn, với các câu chuyện diễn ra trong vài ngày hoặc thậm chí vài tuần. Tuy nhiên, sự phát triển của phương tiện kỹ thuật số và mạng xã hội đã rút ngắn đáng kể chu kỳ tin tức trong những năm gần đây. Chu kỳ của một tin tức thường diễn ra trong vòng 24 giờ, riêng tin nóng có thể lan truyền qua các nền tảng trực tuyến chỉ trong vài phút.

Nắm được chu kỳ tin tức của các loại hình truyền thông khác nhau sẽ giúp doanh nghiệp điều chỉnh cách thức và thời điểm gửi nội dung, từ đó tăng khả năng tin tức của doanh nghiệp được chú ý và quan tâm hơn:

  • Ấn phẩm (Print): Bạn nên liên hệ với các tờ báo hàng ngày vào buổi sáng và không muộn hơn 1 giờ chiều mặc dù câu chuyện của bạn có thể bị loại bỏ do có tin tức đột xuất.
  • Truyền hình: Các chu kỳ sản xuất chương trình truyền hình, đặc biệt là đối với các đài tin tức thường là 24 giờ. Bạn nên liên hệ với các chương trình càng sớm càng tốt để đề xuất câu chuyện của bạn.
  • Online: Vì các ấn phẩm trên Internet có chu kỳ sản xuất linh hoạt nên bạn cần liên hệ với họ các ý tưởng câu chuyện nhanh chóng nhất có thể để được đưa tin sớm.
  • Radio: Các chương trình radio thường có thời gian sản xuất (leadtime) ngắn. Bạn nên xây dựng mối quan hệ với các nhà sản xuất để đảm bảo họ liên hệ với bạn khi các vấn đề của doanh nghiệp bạn được đề cập tới.

Nguồn: “Communications Campaign Best Practices” - MAP & GLAAD