Tiêu đề cuốn sách sẽ ngay lập tức thu hút những nhà quản trị doanh nghiệp tìm đọc để tìm kiếm kinh nghiệm, bài học từ những “CEO xuất chúng” để học hỏi, áp dụng và giúp cho đơn vị mình phát triển hơn.

Cuốn sách được nhóm tác giả viết sau khi tiến hành nghiên cứu 200 CEO, đảm bảo đại điện đa dạng ngành nghề, khu vực địa lý, giới tính, chủng tộc và cơ cấu sở hữu doanh nghiệp.

Cuốn sách đưa ra những phương pháp, bài học, hướng dẫn mà các CEO xuất chúng áp dụng trong nhiệm kỳ thành công của mình:

ceo-xuat-chung-02.png

Việc đầu tiên CEO cần làm là xây dựng tầm nhìn, định hướng. Để xác định tầm nhìn, định hướng thì cần phải hiểu nhu cầu của thị trường, khách hàng; xác định sứ mệnh của công ty với khách hàng và phải đặt mục tiêu cao, thách thức, đột phá.

Các CEO xuất chúng thường xác định “làm việc không chỉ vì tiền”. Họ xác định mục tiêu của công ty không phải là kiếm tiền. Mục tiêu là hoàn thành sứ mệnh, tầm nhìn, đem lại giá trị cho khách hàng, xã hội và từ đó tài chính sẽ tự theo sau. Đây cũng chính là tư duy “cống hiến, phụng sự xã hội” mà Viettel theo đuổi.

Các CEO xuất chúng cũng thu hút sự tham gia của các nhóm lãnh đạo key vào xây dựng tầm nhìn, mục tiêu. Bởi khi mọi người tham gia cùng thiết kế từ đầu, họ sẽ sẵn sàng chiến đấu để đạt được nó.

Sau khi đã có tầm nhìn, việc thực thi chiến lược nên triển khai như nào để đạt hiệu quả tốt nhất?

CEO xuất chúng thường xuyên triển khai những bước đi chiến lược vĩ đại, những bước chuyển mình mạnh mẽ trong suốt nhiệm kỳ của họ. Họ là những nhà tiên phong kiến tạo tương lai. Họ theo dõi tỉ mỉ các thay đổi công nghệ, thay đổi trong sở thích, hành vi khách hàng, đối thủ cạnh tranh mới và mối đe dọa tiềm ẩn. Họ cũng thường xuyên đánh giá rủi ro, cân nhắc giữa cơ hội và rủi ro để quyết định, bởi đôi khi chờ đợi thông tin hoàn hảo thì cơ hội đã trôi đi.

Đặc biệt, họ nắm chắc “nhịp chuyển đổi”, cân nhắc giữa ngắn hạn và dài hạn bởi “quick win” là rất quan trọng. Họ duy trì việc chuyển đổi diễn ra thường xuyên và liên tục hàng năm để công ty luôn cải tiến và tiến lên.

ceo-xuat-chung-03.png

 

Các CEO xuất chúng rất quan tâm việc thực hiện phân bổ nguồn lực. Phân bổ nguồn lực là đòn bẩy chính cho sự tăng trưởng. Khi các phân bổ nguồn lực không phù hợp với tầm nhìn và chiến lược công ty thì tầm nhìn và chiến lược chỉ là lý thuyết sáo rỗng. Họ không để ngân sách (budget) năm cản trở việc đưa ra quyết định kinh doanh. Nếu chiến lược đúng, cần phải đầu tư thì phải đầu tư kể cả vượt ngân sách.

Và một việc rất quan trọng mà các CEO xuất chúng dũng cảm làm là “giết càng nhiều càng tốt”. Bên cạnh việc tạo ra các lĩnh vực kinh doanh mới, CEO cần thường xuyên cắt tỉa các việc, lĩnh vực, dự án không còn hiệu quả hoặc không còn đúng với chiến lược.

Việc này có lẽ đang là điều mà Viettel chưa thực sự tốt, chúng ta tạo ra rất nhiều sản phẩm, dịch vụ, nhưng hiếm khi chúng ta dũng cảm dừng sản phẩm, dịch vụ đó.

ceo-xuat-chung-04.png

 
CEO xuất chúng tập trung vào xây dựng văn hóa doanh nghiệp bằng cách tập trung vào 1 điều duy nhất, quan trọng nhất. Họ hiểu để thay đổi văn hóa thì lãnh đạo phải làm gương. CEO xuất chúng củng cố văn hóa thông qua lời nói và hành động thay đổi bản thân. CEO xuất chúng xây dựng công ty có cả 2 yếu tố “ổn định” và “linh hoạt”: chiến lược ổn định, cấu trúc tổ chức nhất quán, văn hóa độc đáo nhưng có sự đổi mới, thử nghiệm và linh động trong kinh doanh, hoạt động. Họ tạo ra các nhóm nhỏ tạm thời, đa chức năng và trao quyền tự chủ đáng kể để chạy nhanh và đạt các mục tiêu cụ thể. Áp dụng mô hình “agile”, “lean process” để nhanh chóng ra sản phẩm, dịch vụ ở mức khả dụng tối thiểu và lấy phản hồi để hoàn thiện. Các Tổng Công ty, công ty làm sản phẩm của Viettel nên áp dụng phương pháp này vào làm sản phẩm.

ceo-xuat-chung-05.png

 

Về xây dựng tổ chức, CEO xuất chúng xây dựng tổ chức không bắt đầu từ con người mà bắt đầu từ vai trò họ đảm nhận. Họ xác định rõ các vai trò, vị trí nòng cốt trước; vị trí đó làm việc gì và các kỹ năng cần thiết cho vị trí đó; sau đó mới đến tuyển người phù hợp.

Đây là điều ta nên học, bởi trong văn hóa của châu Á và Việt Nam, khi ta bố trí nhân sự vẫn còn sự bố trí dựa trên con người cụ thể. Họ cũng dành thời gian để huấn luyện và giữ nhân tài, lập kế hoạch kế nhiệm cho những vị trí nòng cốt.

Các CEO xuất chúng lựa chọn nhân sự cho nhóm dựa trên năng lực và thái độ của họ. Khi đưa ra quyết định liên quan đến con người, họ đánh giá công bằng và khách quan. Nếu phải loại bỏ ai đó ra khỏi đội hình, họ cũng quyết định và xử lý rất dứt khoát.

CEO thường xuyên tương tác, đưa ra góp ý cho nhân viên cấp dưới để họ cải thiện. Bởi nếu bạn dành thời gian cho nhân sự cấp dưới và quan tâm họ, họ sẽ đền đáp gấp đôi, gấp ba. Tuy nhiên, CEO cũng không nên quá gần gũi với nhân viên vì có thể bạn sẽ không đưa quyết định chính xác và sẽ thỏa hiệp với mọi người khi quá thân thiết.

Họ cũng cố gắng xây dựng nguyên tắc, quy trình ủy quyền để CEO đưa ra quyết định ít hơn. Giai đoạn đầu, CEO phải điều hành nhiều hơn, đồng hành cùng tổ chức để loại bỏ khó khăn; trong giai đoạn tiếp theo - khi công ty đã ổn định, đã phát triển, cần ủy quyền để giải phóng tiềm năng.

Cuốn sách cũng hướng dẫn các CEO cần tạo niềm tin giữa họ và HĐQT. Để tạo niềm tin từ HĐQT, CEO cần phải minh bạch triệt để. Ngoài Chủ tịch HĐQT, CEO cũng cần xây dựng các mối quan hệ cá nhân với từng thành viên HĐQT. CEO cần khai thác tối đa sự hỗ trợ, ủng hộ từ HĐQT để triển khai công việc. Các CEO thị trường nơi có HĐQT và nhiều cổ đông góp vốn nên đọc và tham khảo kỹ phần này.

CEO phải là người liên kết nữa nội bộ và các bên liên quan khác như nhà đầu tư, khách hàng, đối tác, chính quyền, giới truyền thông… Đa số các CEO dành 30% quỹ thời gian cho các bên liên quan ngoài. Thông qua đó, CEO sẽ thu thập các ý tưởng mới từ chính khách hàng, đối tác, nhà cung cấp, chuyên gia,…

Đây là điều mà các cán bộ quản lý của Viettel cần suy nghĩ, bởi theo nhìn nhận chủ quan thì có một số cán bộ quản lý đang bị đóng trong các mối quan hệ. Chúng ta đang dành thời gian cho nội bộ quá nhiều và networking bên ngoài ít đi.

Đặc biệt trong phần này, cuốn sách cũng đưa ra các phương pháp để CEO đối phó với khủng hoảng. Một ý rất đặc biệt là “đừng lãng phí một cuộc khủng hoảng”, bởi đó là thời điểm tốt để bạn thay đổi công ty hoặc theo đuổi một hướng đi mới.

ceo-xuat-chung-06.png

CEO xuất chúng kiểm soát tốt thời gian và năng lượng của mình. Họ kỷ luật, duy trì lịch trình chặt chẽ nhưng cũng đủ linh hoạt khi cần thiết. Họ phân chia cảm xúc cho từng việc, không để cảm xúc của việc trước ảnh hưởng đến việc sau đó. Họ cũng trọn vẹn từng khoảnh khắc với gia đình, người thân. Họ cũng để ý việc phục hồi, sạc lại năng lượng cho bản thân và nhân viên.

CEO xuất chúng nhất quán trong lời nói và hành động vì họ hiểu sự không nhất quán ảnh hưởng tới cả cấp dưới và hình thành thói quen vô tổ chức của cty.

Họ không ngừng học hỏi từ cấp trên, cố vấn, từ các doanh nghiệp ngoài và các CEO khác. Họ tìm cách lắng nghe và thu thập phản hồi để cải tiến vì CEO ngày càng bị cô lập bởi các lời phê bình mang tính xây dựng.

Đặc biệt, các CEO xuất chúng luôn giữ thái độ khiêm tốn. Họ ít nói về bản thân mình, điều này là không dễ dàng bởi bản chất của con người là muốn được công nhận. Họ xác định vai trò “lãnh đạo phục vụ”, coi tổ chức như 1 kim tự tháp ngược với khách hàng và nhân viên ở trên cùng kim tự tháp và người lãnh đạo ở dưới cùng.

ceo-xuat-chung-07.png

 
Và cuối cùng CEO xuất chúng “luôn biết ơn”, lòng biết ơn sâu sắc và chân thành đối với cơ hội lãnh đạo và nhận thức sâu sắc về các nghĩa vụ đi kèm với vị trí đó. Cuối sách, nhóm tác giả cũng thể hiện rõ CEO không phải người giỏi nhất trong một lĩnh vực cụ thể, nhưng họ là những người giỏi nhất trong việc tích hợp mọi thứ để đạt hiệu quả cao nhất. Và cuối cùng, CEO xuất chúng là những người biết thời gian nào nên dừng, họ không ngồi ở một vị trí qua lâu. Khi đến lúc cần, họ sẵn sàng và lên kế hoạch chuyển giao cho người mới để đảm bảo tổ chức phát triển, phù hợp với tình hình mới.