Với anh Huỳnh Thanh Tuyền, lái xe không chỉ đơn thuần là một công việc mà còn là một sứ mệnh gắn liền với tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng dấn thân và sự tận tâm không ngừng nghỉ.
Gia nhập đại gia đình Viettel từ năm 2002, anh Tuyền đã gắn bó hơn 23 năm, trong đó có 5 năm đồng hành cùng Chi nhánh Công trình Viettel Đồng Tháp. Là Đội trưởng Đội xe của Chi nhánh, song những gì mọi người thấy ở anh còn nhiều hơn công việc liên quan đến nghề lái xe.
Là tài xế tại Viettel, anh Tuyền chẳng khác nào một người lính kỹ thuật, luôn trong tư thế sẵn sàng nhận nhiệm vụ. Dù ngày hay đêm, chỉ cần nhận cuộc gọi, có khi chỉ 15 phút sau anh đã có mặt để lên đường ứng cứu cùng đồng đội. Đó cũng chính là “Truyền thống và cách làm người lính” - 1 trong 8 giá trị văn hoá cốt lõi của người Viettel.
Theo anh Tuyền, sự cố thường xuyên nhất mà cần anh em lái xe hỗ trợ ngay chính là khi nhà trạm hỏng thiết bị và mất điện. Anh vẫn thường được nhận được những thông tin như vậy từ Ban Giám đốc hoặc từ anh Đinh Ngọc Liệt, nhân sự điều hành KPI của Chi nhánh.
“Anh Liệt gọi bất kể giờ giấc nào, dù có 1 - 2 giờ sáng thì anh em trong đội xe cũng cần bố trí lên đường ngay. Gần đây nhất là anh đi lấy thiết bị ứng cứu cho một trạm bị gián đoạn thông tin. Việc gián đoạn có thể làm mất sóng di động và Internet của toàn bộ bà con tại khu vực đó, vậy nên không thể chờ đến sáng hôm sau mới đi lấy thiết bị cho anh em kỹ thuật ứng cứu được”, anh Tuyền cho biết.
Đồng Tháp là tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, chia làm 2 mùa rõ rệt là mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa thường bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 11, vào thời điểm này mưa, nắng thất thường nên việc di chuyển của anh em Viettel cũng gặp nhiều khó khăn, nhất là khi nhận cuộc gọi lúc nửa đêm hay lúc thời tiết mưa gió.
Những tình huống như vậy đã quá quen thuộc với anh Tuyền trong suốt bao nhiêu năm làm nghề. Nhưng anh cũng nhấn mạnh rằng, tình huống dù gấp gáp đến đâu thì yếu tố an toàn vẫn phải đặt lên hàng đầu. Hàng ngày, anh Tuyền thường nhắn tin trong nhóm hoặc trao đổi trực tiếp để nhắc nhở thành viên trong đội về an toàn là trên hết.
“Để an toàn, ngoài việc tuân thủ các quy định giao thông, kiểm tra, bảo dưỡng xe định kỳ thì tôi cũng yêu cầu anh em cần cập nhật kiến thức và kỹ năng lái xe để xử lý kịp thời các tình huống bất ngờ”, anh Tuyền chia sẻ.
Định kỳ vào mỗi ngày thứ 5, Ban xe của anh Tuyền cũng tổ chức cho đội ngũ lái xe thực hiện nghiêm Ngày Kỹ thuật xe. Anh kiểm tra cẩn thận hồ sơ giấy tờ pháp lý trước, trong, sau từng chuyến xe, đồng thời đánh giá công tác chăm sóc bảo quản, bảo dưỡng xe ô tô của từng cá nhân. Anh Tuyền chia sẻ: “Để anh em thấm thì anh nhắc đều đặn hàng ngày. Tất cả phải cùng nhau nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành vì bản thân, vì anh em đơn vị và vì cả người dân nữa”.
Năm 2024, đội ngũ lái xe của Chi nhánh Công trình Viettel Đồng Tháp đã di chuyển 450.888 km để hỗ trợ công tác kỹ thuật và kinh doanh, trong đó riêng anh Tuyền đã di chuyển 38.945 km. Hành trình lái xe an toàn tuyệt đối, không để xảy ra mất an toàn giao thông do lỗi chủ quan hay khách quan. Con số là minh chứng rõ ràng nhất cho việc tuân thủ các quy định và cho anh Tuyền cùng các đồng đội của mình.
Tinh thần người lính sẵn sàng nhận và thực hiện nhiệm vụ của các anh em lái xe Đồng Tháp không chỉ được thấy khi Chi nhánh cần mà ngay cả khi các tỉnh bạn gặp khó khăn.
Anh Tuyền nhớ lại lần ứng cứu gần đây nhất là hỗ trợ 2 tỉnh Long An và Tiền Giang đầu tháng 9/2024. “Tôi nhận được điện thoại của anh Liệt trong lúc đang lái xe chở anh em Phòng Xây dựng đi khởi công nhà dân. Qua giọng nói là tôi biết tình thế đang rất gấp rút và căng thẳng. Chỉ 15 phút sau khi tắt máy, tôi đã có mặt tại Chi nhánh, lúc đến nơi đã thấy anh Nam, anh Doanh có mặt, dưới chân là túi đồ nghề”, anh Tuyền kể.
Cho vật tư, đồ đạc lên xe, anh Tuyền cùng anh Trần Hoàng Nam - Nhân viên cơ điện và anh Hồ Tuấn Doanh - Nhân viên kỹ thuật nhà trạm cùng khuân chiếc máy nổ nặng gần 200kg lên xe và bắt đầu lên đường.
Một trạm biến áp lớn 220KV trên địa bàn huyện Cái Bè, Tiền Giang bị chập cháy. Là trạm biến áp lớn nên đã gây mất điện toàn bộ tỉnh Tiền Giang và vài huyện của Long An. Sự cố khiến hơn 200 trạm chỉ riêng ở Tiền Giang phải chạy máy phát điện duy trì. Anh Tuyền ban đầu chỉ nhận lệnh chở nhân sự kỹ thuật và máy nổ đi hỗ trợ, nhưng khi thực tế chứng kiến anh em kỹ thuật phải căng mình ứng cứu liên tục suốt 6 - 8 giờ nên anh Tuyền chủ động gọi điện trực tiếp báo cáo Giám đốc Chi nhánh để xin ở lại hỗ trợ cả 2 tỉnh bạn.
“Hôm sau là bắt đầu kỳ nghỉ lễ Quốc khánh 2/9. Không phải ca trực của mình và cũng đã hứa với vợ cùng mấy đứa nhỏ là sẽ đưa cả nhà đi chơi nhưng vì nhiệm vụ thì lại báo hoãn thôi. May là vợ cũng quen với việc mình thất hứa rồi nên cũng không sao”, anh Tuyền tếu táo nói.
Đội xe của Chi nhánh Công trình Viettel Đồng Tháp gồm 8 nhân sự do anh Tuyền phụ trách. Hàng ngày, công việc chính của các anh là chở nhân sự kỹ thuật cùng thiết bị đi ứng cứu giữ “mạch máu” thông tin, hỗ trợ các hoạt động kinh doanh,… Ngoài công việc lái xe, công việc hàng ngày của anh Tuyền còn là điều hành phân bổ chuyến xe sao cho “hợp người, hợp xe”, đặc biệt là để tối ưu chi phí xăng dầu trong quá trình di chuyển.
Theo anh Đoàn Phước Tiến - Giám đốc Chi nhánh, trước khi có chỉ đạo từ Tổng Công ty thì anh Tuyền là người đã chủ động tối ưu chi phí xăng dầu hàng tháng. Anh cố gắng bố trí các chuyến xe làm sao để cùng một cung đường di chuyển sẽ có thể giải quyết được nhiều công việc cùng lúc, trừ những tình huống ứng cứu thông tin.
Hơn 5 năm gắn bó, anh Tuyền cũng tự nhận mình thông thuộc địa bàn tỉnh Đồng Tháp “như lòng bàn tay”. Việc ghi nhớ những cung đường cũng giúp ích đáng kể cho anh mỗi khi phân công nhân sự. “Nếu chẳng may không nhớ, không biết thì tìm hiểu, tra cứu để lựa chọn cung đường ngắn, thuận tiện nhất sao cho chi phí tối ưu mà nhiệm vụ và yêu cầu công việc vẫn hoàn thành tốt”, anh tâm sự.
Ngoài công việc chuyên môn, những khi đi ứng cứu cùng với anh em kỹ thuật, anh Tuyền cũng như anh em lái xe ở đội cũng thường hỗ trợ, giúp anh em từ khâu vận chuyển máy nổ, tìm vị trí đứt cáp, rải cáp,… Khi trò chuyện và hỏi về những chuyến đi ứng cứu, nhiều người sẽ ngạc nhiên khi anh Tuyền nắm rõ thông tin, am hiểu và rành rọt như một nhân viên kỹ thuật nhà trạm thực thụ.
Tham gia ứng cứu thông tin từ những năm 2019 khiến anh không còn xa lạ với mọi kiểu “ăn vạ” của máy nổ. Anh Tuyền bảo tiếng nổ nói lên nhiều điều, tiếng yếu dần hoặc tiếng nổ không đều là thể hiện các vấn đề khác nhau. Đến giờ cũng “kha khá” máy nổ đã qua tay anh Tuyền sửa chữa để có thể tiếp tục chạy trở lại.
Chưa hết, nào chỉ có kỹ thuật, anh Tuyền còn được biết đến là nhân sự bán hàng tích cực tại Đồng Tháp. Các đồng nghiệp đều bất ngờ khi anh Tuyền có kết quả doanh thu bán hàng trung bình khoảng 20 triệu đồng/tháng.
“Đấy là hàng hoá tôi trực tiếp bán lẻ, ngoài ra tôi cũng từng giới thiệu được nhiều khách hàng tiềm năng cho anh chị em Chi nhánh tiếp xúc”, anh Tuyền cho biết.
Theo bác tài Huỳnh Thanh Tuyền, có rất nhiều cách để anh quảng bá thương hiệu cũng như giới thiệu các sản phẩm dịch vụ của Công trình Viettel tới bà con ở đây. Anh tiết lộ: “Tranh thủ mọi lúc mọi nơi thôi! Chẳng hạn lúc chờ anh em kỹ thuật làm nhiệm vụ mà không cần tới mình trợ giúp là có thể trò chuyện với bà con gần đấy, cả chủ nhà trạm nữa. Qua trò chuyện dần già làm quen thì mình mới giới thiệu được. Mà không nói bà con lại tưởng Viettel chỉ bán sim số thôi”.
Anh Tuyền cho biết tờ rơi cũng là “vật bất ly thân” của anh em lái xe. Để có thể bán hàng, anh Tuyền và anh em lái xe tại Đồng Tháp cũng chủ động tìm hiểu các thông tin cơ bản như: Giá cả, tính năng nổi trội của sản phẩm… “Tôi cũng động viên anh em tích cực tham gia các buổi roadshow cùng anh em kinh doanh. Nắm, hiểu thông tin về sản phẩm để tự tin khi giới thiệu cho bà con. Việc này chỉ cần tranh thủ, quan trọng có muốn làm hay không thôi!”, anh Tuyền bộc bạch.
Bản thân anh Tuyền luôn ý thức được việc đóng góp tăng trưởng doanh thu cho đơn vị cũng như tăng thu nhập cho chính bản thân nhờ hoa hồng bán hàng. Ngay trong lúc đang chia sẻ với Viettel Family, anh Tuyền cũng hồ hởi khoe vừa “chốt đơn” được 2 máy lạnh qua app AIO.
Vừa kết thúc kỳ nghỉ lễ 2/9, anh Tuyền bước vào một “trận chiến” cùng với anh em các tỉnh phía Bắc bảo vệ và khắc phục mạng lưới Viettel sau siêu bão Yagi. Thời điểm đó, anh nghe dự báo thời tiết là đã biết các tỉnh miền Bắc chuẩn bị đối mặt với một cơn bão khủng khiếp, sau khi nhận lệnh từ Giám đốc Chi nhánh là cử 1 nhân sự lái xe đi cùng đội ứng cứu thì anh đã xin được trực tiếp tham gia.
“Mấy năm làm việc ở Công trình Viettel, tôi từng đi hỗ trợ các tỉnh gặp thiên tai, đặc biệt là những trận bão lớn như tại Khánh Hoà, Hà Tĩnh. Thế nên khi đề xuất ý kiến với anh Tiến, Giám đốc Chi nhánh là anh ấy đồng ý ngay. Mình cũng được anh ấy tin tưởng vì là người có kinh nghiệm”, anh Tuyền nhớ lại.
Chỉ 2 tiếng sau, anh cùng các đồng nghiệp được huy động đã có mặt tại Chi nhánh. Ban Giám đốc trực tiếp giao nhiệm vụ và dặn dò trước khi anh em lên đường. Theo phân công, đội của anh Tuyền sẽ đi hỗ trợ tại Hải Phòng - 1 trong 2 tỉnh tâm bão. “Cũng như những lần đi hỗ trợ trước đây, tôi không nghĩ là đi giúp Chi nhánh bạn ứng cứu mà luôn nghĩ rằng ở đâu cũng là mạng lưới Viettel nên sẽ nhận và triển khai nhiệm vụ như là đang ở Đồng Tháp thôi!”, Đội trưởng Đội xe ở Đồng Tháp nói.
Hành trình của anh Tuyền cùng 2 đồng nghiệp Cao Quốc Sự - nhân viên cơ điện và Nguyễn Công Bằng - nhân viên kỹ thuật nhà trạm bắt đầu.
Khoảng cách từ Thành phố Tháp Mười đến Hải Phòng được anh Tuyền ước tính khoảng 2.000 cây số. Chuyến xe xuất phát từ 9h30 sáng ngày 5/9 và anh biết để đến nơi kịp thời thì xe cũng cần di chuyển liên tục. Vừa đi, 3 anh em vừa nghe dự báo thời tiết và cũng động viên nhau đi nhanh nhất có thể, nhưng phải đảm bảo an toàn là trên hết.
Hơn 12 giờ đêm, anh Tuyền cùng đồng đội đã tới địa phận tỉnh Hải Phòng, lúc này cơn bão số 3 đã đổ bộ. Theo lời kể của anh Tuyền, khi đó, trời tối thui vì mất điện, nhưng qua ánh đèn xe rọi cũng thấy Hải Phòng đã rất tan hoang sau khi bão Yagi càn quét, quần thảo trong suốt nhiều giờ. Theo bố trí, đội anh Tuyền đã di chuyển luôn xuống huyện Thuỷ Nguyên, địa bàn ảnh hưởng nặng nề nhất nhì ở đây.
Qua lời anh Bằng, khi cả đội về được chỗ nghỉ, gương mặt anh Tuyến hiện rõ sự mệt mỏi vì đã lái xe liên tục cả chặng đường hơn 2.000 cây số, nhưng anh vẫn động viên chúng tôi tranh thủ chợp mắt để xuất phát sớm.
“Không liên lạc được với gia đình, mình thấy rất sốt ruột. Bản thân mình còn vậy nên càng hiểu tâm trạng lo lắng của bà con ở Hải Phòng lúc đấy”, anh bày tỏ.
5 giờ sáng, anh Tuyền đã có mặt tại Trung tâm huyện Thuỷ Nguyên để gặp Giám đốc kỹ thuật nhận nhiệm vụ và nhận cáp, măng xông rồi tiếp tục lên tuyến. Việc khó khăn chung của các đội về giúp sức cho tỉnh là không thông thạo địa hình nên việc tìm trạm và ứng cứu thường mất thời gian gấp đôi, gấp ba so với ngày thường.
Ngoài việc làm tài xế chở các nhân sự ứng cứu, anh Tuyền cũng xốc vác làm nhiều việc khác như vận chuyển máy nổ, rải cáp và giúp sức cho đội kỹ thuật đẩy nhanh tiến độ ứng cứu thông tin.
Anh nhớ nhất là khi ứng cứu liên tiếp tại mấy trạm HPG0717, HPG0168,… Cung đường đến trạm hình vòng cung, khác xa với những con đường bằng phẳng và thẳng tắp tại Đồng Tháp, nên khi di chuyển phải rất cẩn trọng quan sát, nhất là khi đến trạm trời đã tối và anh Tuyền cũng không quen đường.
Đến được trạm, anh Tuyền cũng tham gia tìm vị trí cáp đứt cùng đồng đội, phải mất gần 40 phút anh Bằng mới gọi to vì đã tìm được điểm đứt đầu tiên. Khi đó cũng khoảng 7 giờ tối, cả 3 anh em chia nhau mỗi người một việc, người rải cáp, người hàn, người kéo. Cứ như vậy, 8 điểm đứt lần lượt được xử lý. Các trạm BTS dần “sống lại”, anh em nghỉ tay khi đó cũng đã 9 giờ tối. Cả đội di chuyển hơn 10km số về Trung tâm huyện lấy thiết bị.
Cứ thế ròng rã hơn 2 tuần, anh Tuyền cùng anh em căng mình “ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương” cùng các đồng nghiệp tại Hải Phòng khôi phục mạng lưới Viettel sau trận thiên tai lịch sử.
Thế nhưng trước khi kết thúc đợt hỗ trợ 2 ngày thì anh Tuyền và anh em tiếp tục được Chi nhánh tin tưởng giao nhiệm vụ… ở lại hỗ trợ Hải Phòng lắp đặt thiết bị 5G cho kịp tiến độ phát sóng trước ngày 15/10 - khai trương dịch vụ.
“Vợ bảo đã đi cả tháng rồi, anh ở lại thêm 2 tuần nữa cũng được. Nghe giọng cũng buồn nhưng may là anh cũng được chị rất cảm thông. Làm vợ người Viettel cũng quen với điều này rồi!”, anh Tuyền bộc bạch.