“Viettel rất khác so với những Tập đoàn trước đây mình triển khai ERP vì Viettel hoạt động trên rất nhiều ngành nghề, nhiều lĩnh vực và có tới hơn 40000 nhân sự. Khi đó, mình đoán chắc đây sẽ là hệ thống ERP lớn nhất mình được triển khai”, anh Hoạt kể về lý do mình đến với Viettel.

Hơn 10 năm triển khai hệ thống ERP tại các doanh nghiệp lớn, anh Hoạt đã giúp nhiều Tập đoàn lớn trong nước giải quyết nhiều bài toán quản lý nan giải, nâng cao hiệu quả vận doanh nghiệp. Đầu năm 2020, anh Hoạt kết thúc công việc cũ, trùng đúng lúc Tập đoàn có nhu cầu tuyển dụng nhân sự có kinh nghiệm cho V.I Project. Như là cái duyên, anh Hoạt chính thức gia nhập Viettel vào tháng 5 năm 2020, trước khi V.I Project khởi động 3 tháng.

Viettel là đơn vị làm chủ tất cả các khâu của viễn thông từ nghiên cứu, sản xuất, lắp đặt, quản lý và khai thác. Chuỗi công việc trên vận hành trên 12 đơn vị phụ thuộc và 63 chi nhánh, tất cả xoay quanh trung tâm là hạ tầng viễn thông – tài sản viễn thông. Anh Hoạt đánh giá đây là chuỗi quy trình phức tạp nhất, dàn trải ở nhiều cơ quan đơn vị nhất.

“Hệ thống của SAP có thể dễ dàng tối ưu cho các doanh nghiệp viễn thông nước ngoài. Những doanh nghiệp mà trạm của họ không có các hoạt động nâng cấp, thay đổi, điều chuyển thiết bị. Viettel khác hoàn toàn các doanh nghiệp viễn thông khác”.

“Các cột sóng của Viettel được sử dụng để phát nhiều loại sóng trải dài từ 2G đến 5G nên có đến hàng nghìn thiết bị con bên trong, liên quan trực tiếp đến vòng đời sản phẩm. Để quản lý tốt được vòng đời thì phải quản lý được từng thiết bị con ấy”, anh Hoạt thuật lại vấn đề khi đó.

Chủ trương của ban Giám đốc dự án là làm triệt để đến chi tiết nên anh Hoạt muốn bóc tách từng thiết bị con và số hóa chúng. Với mỗi thiết bị con được bóc tách ra, chúng sinh ra một tiêu chuẩn, một quy trình quản lý cho chúng. Và như vậy là hàng nghìn quy trình được sinh ra.

“Có thể mô tả dễ hiểu nhiệm vụ của anh tại V.I Project là trở thành cầu nối, trung gian giữa 3 bên: đội ngũ nghiệp vụ, đội ngũ triển khai, đối tác; giữa 4 Ban Khối Cơ quan trực tiếp tham gia; và giữa gần 900 nhân sự thực hiện”, anh Hoạt tóm tắt nhiệm vụ của mình trong dự án.

Với một nhiệm vụ như vậy, điều quan trọng nhất đối với anh là phải hiểu hết tất cả công việc của các đơn vị liên quan. Đã có kinh nghiệm triển khai SAP ERP, anh Hoạt dành trọn vẹn 3 tháng trước dự án để đi đến từng Ban, xuống từng đơn vị để tìm hiểu quy trình làm việc, nghiệp vụ của từng vị trí liên quan đến hệ thống.

Trong thời gian đó, anh hoạt động giống như một điều tra viên đi chỗ này, sang cho kia để khảo CBNV về quy trình nghiệp vụ, xin tài liệu hướng dẫn, hỏi đáp các vấn đề cần giải quyết với chỉ huy cơ quan, đơn vị. Khi đó, nếu không giải thích, nhiều người nghĩ anh đến từ Ban Thanh tra – Kiểm toán.

 “Khối lượng dữ liệu, quy trình lớn hơn nhiều so với mình dự đoán. Nhưng, trong 3 tháng đó, mình đã hiểu được văn hóa làm việc của Viettel, điều quan trọng để công việc hanh thông về sau”, anh Hoạt nhớ lại 3 tháng đầu tiên tại Viettel. 

Trong thời gian đó, anh Hoạt cũng nhận ra, V.I Project là dự án rất lớn, quy mô toàn bộ Tập đoàn. Với một sự thay đổi lớn như vậy, các bên liên quan sẽ đặt ra câu hỏi “tại sao phải thay đổi khi Viettel vẫn đang thành công?”. Rào về mặt tư tưởng này của dự án cũng lớn không giác gì rào cản về chuyên môn.

Từ đó “điều tra viên”, anh chuyển sang đóng vai “phiên dịch viên”.

Mỗi khi họp với mỗi ngành liên quan, anh Hoạt lại đứng ở góc độ của các bên còn lại để giải thích vấn đề. Sau đó, những vấn đề được thống nhất một lần nữa được anh “gói ghém” lại vừa với hệ thống của SAP và ngôn ngữ lập trình cho đội ngũ phát triển phần mềm. Cứ mỗi lần như vậy, khoảng cách giữa cách bên dần hẹp lại, “tuyến đường cao tốc” kết nối các ngành dọc, liên thông các quy trình dần dần được hoàn thiện.

Theo anh Hoạt, nút thắt lớn nhất chính là đầu vào của tài sản. Riêng phần đầu vào của tài sản, anh Hoạt đã họp hơn 10 cuộc với Ban Đầu tư - Xây dựng trong hơn 5 tuần. Riêng công đoạn này, đội dự án phải thống nhất giải quyết 116 quy trình, gần 3 triệu tài sản, chi tiết cần quản lý.

Qua mỗi cuộc họp, “phiên dịch” phải kiên trì giải thích cho mọi người từng quy trình, từng cấu phần tài sản có lợi ích gì, làm lợi về sau ra sao. Rất nhiều lần trong số đó, anh đã phải dẫn chứng chi tiết các thiết bị cha và thiết bị con để thuyết phục mọi người. Công đoạn này không khác gì bê cả nhà trạm, cột sóng Viettel vào buổi họp rồi bóc tách từng chi tiết, tài sản bên trong.

Cuối cùng, tuần thứ 6, tại cuộc họp được chủ trì bởi Giám đốc dự án khi đó là anh Nguyễn Thế Nghĩa, tất cả các bên liên quan đã cùng thống nhất triển khai. Kế đến, hai Ban còn lại gồm Tổ chức nhân lực và Tài chính – Kế toán đều được anh dùng sự kiên trì, kiến thức và khả năng diễn thuyết của anh Hoạt chinh phục.

“Đầu xuôi đuôi lọt”, với sự khởi đầu đó, nhóm dự án đã đưa SAP Ariba, phân hệ quản lý đấu thầu, vào ngày ngày 15/4/2021. Tiếp đà chiến thắng, lượng dữ liệu khổng lồ được tích tụ 10 năm trong 10 phần mềm ở 3 ngành dọc đã được đội dự án chuyển đổi sang phần mềm mới.

“Tổng số thiết bị, tài sản, dữ liệu gấp hàng nghìn lần so với các dự án trước đây mình triển khai. Dữ liệu của Viettel là khối lượng dữ liệu doanh nghiệp lớn nhất mà mình gặp”, anh Hoạt chia sẻ.

Ngày 16/2/2023, V.I Project chính thức đi vào hoạt động Đây là những dấu mốc quan trọng trong quá trình chuyển đổi số nội bộ Tập đoàn. Tại sự kiện Golive V.I Project, Trưởng ban Đầu tư – Tài chính Lưu Mạnh Hà chia sẻ:

“Hệ thống ERP được áp dụng là cơ hội để ngành chúng tôi “tái sinh”. Hệ thống này đã liên thông toàn bộ hệ thống trong nội bộ ngành Đầu tư – Tài chính, kết nối với 2 ngành Tài chính – Kế toán và Tổ chức nhân lực”.

“Là ngành được hưởng lợi nhiều nhất từ V.I Project, tôi xin cảm ơn lãnh đạo Tập đoàn, đội dự án và đối tác đã triển khai thành công tốt đẹp”, Trường Ban Đầu tư Xây dựng nói.

Với anh Hoạt, bên cạnh thành công của dự án thì sự ghi nhận trên cũng mang lại niềm vui khó tả. Vui vì đã đóng góp được công sức giảm tải công việc của anh chị em, nhưng cũng vui vì đã thuyết phục được mọi người.

“Theo mình, yếu tố quan trọng nhất để thuyết phục mọi người là phải hiểu mọi người muốn gì. Từ đó, mình sẽ là trung gian xóa bỏ giữa 3 bên: đội ngũ nghiệp vụ, đội ngũ triển khai, đối tác”, anh Hoạt chia sẻ bí quyết.

Huy Hoàng (Ban Thương hiệu & Truyền thông)

15.03.2023

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua