Hoàng Sơn (Ban Chiến lược) đã đăng lúc 11:54 - 18.03.2025
Tại đây, chúng tôi nhìn rõ hơn các xu hướng và use case kinh doanh hữu ích cho các đơn vị của Tập đoàn, đặc biệt trong giai đoạn xây dựng chiến lược 5 năm giai đoạn 2026 - 2030.
Cảm nhận đầu tiên là sự ứng dụng sâu rộng của AI vào mọi ngóc ngách trong các lĩnh vực. Hiện nay, AI không chỉ là cuộc chơi của các ông lớn trong ngành mà đã được các start-up tại nhiều quốc gia phát triển với nhiều hình thức sáng tạo, phục vụ cho các thị trường ngách.
Tại khu vực các start-up của Hàn Quốc, chúng tôi quan sát thấy nhiều các ứng dụng AI được giới thiệu như AcademicGPT (một hình thức ChatGPT học thuật), Healing Beats (sử dụng AI phân tích nhịp sinh học con người để tạo âm thanh được siêu cá nhân hóa giúp giảm căng thẳng), i-Scream edu (dùng AI phân tích thành tích học tập, cung cấp phương pháp học phù hợp với từng năng lực),…
Tại MWC Barcelona 2025, ngoài AI tái sinh (Generative AI) đã được nhắc tới nhiều trong thời gian qua, Agentic AI là xu hướng được nhiều chuyên gia nhắc tới. Agentics AI là những hệ thống AI có khả năng tự chủ nhất định, cho phép tự hành động để đạt được các mục tiêu cụ thể do con người thiết lập. Khác với các mô hình AI truyền thống chỉ thực hiện các yêu cầu hoặc nhiệm vụ được xác định trước, Agentic AI, giống như phiên bản cấp cao của trợ lý ảo hiện nay, có thể đưa ra quyết định, lập kế hoạch hành động và học hỏi từ trải nghiệm.
Agentic AI không chỉ mô phỏng tư duy con người mà còn tạo ra các hệ thống thông minh có khả năng tự học, thích nghi và đưa ra quyết định phù hợp với môi trường để đạt mục tiêu. Các chuyên gia cho rằng AaaS (Agent as a Service) có xu hướng dần thay thế cho SaaS (Software as a Service) do sự thông minh, tính tự động và tối ưu nguồn lực của AaaS.
Chúng tôi rất ấn tượng với màn demo của công ty Zhipu - AI (Trung Quốc) khi ra lệnh trên điện thoại yêu cầu đặt vé máy bay và đặt chỗ tại một nhà hàng tại Barcelona tại những thời gian nhất định và Agentic AI đã ngay lập tức thực hiện thành công tự động trên điện thoại.
5G Adanced cũng là chủ đề nóng tại MWC năm nay. Mặc dù công nghệ 5G mang lại tốc độ kết nối vượt trội nhưng lợi nhuận thu về vẫn chưa tương xứng với kỳ vọng. Do vậy 5G-Advanced (5.5G) được kỳ vọng sẽ mở ra một kỷ nguyên mới, với tốc độ siêu tốc lên đến 10-12 Gbps và độ trễ cực thấp dưới 1ms, tạo điều kiện cho sự phát triển của các ứng dụng đòi hỏi băng thông lớn và độ trễ thấp như AI, XR, IoT công nghiệp và xe tự hành. Hiện trên thế giới mới chỉ có trên dưới 10 nhà mạng đã triển khai công nghệ này.
Ngoài ra, AI được tích hợp để tối ưu hóa mạng 5G, giúp tự động phân bổ tài nguyên và tiết kiệm năng lượng. RedCap (Reduced Capability 5G) là giải pháp tối ưu cho IoT công nghiệp, giúp giảm chi phí vận hành. Network Slicing cho phép chia mạng theo từng nhu cầu khách hàng, giúp tối ưu hóa doanh thu. Những cải tiến này không chỉ nâng cao trải nghiệm mà còn tạo nền tảng cho các ứng dụng công nghệ cao trong tương lai.
Tại đây, chúng tôi cũng quan sát nhiều nhà mạng trên thế giới đã triển khai các gói cước 5G Advanced được cá thể hóa tính năng cho từng nhóm đối tượng khách hàng cá nhân như China Mobile với các gói cước cho khách hàng thương gia di chuyển nhiều, game thủ, chuyên gia livestream.
Một xu hướng khác là sự lên ngôi của các công nghệ drone và vệ tinh. Nhiều nhà mạng và công ty công nghệ như T-Mobile, KDDI, China Telecom,… và có cả Viettel đã trình diễn drone dùng để phát sóng tại khu vực thiên tai hoặc các thời điểm khẩn cấp, vận chuyển hành khách, hàng hóa, quan trắc (chụp ảnh, an ninh, kiểm tra chất lượng tòa nhà, thân cầu), cứu nạn (phao cấp cứu) …
Qua trao đổi trực tiếp, hầu hết các ứng dụng với drone mới chỉ ở mức độ thử nghiệm hoặc triển khai diện hẹp. Tuy nhiên, đây cũng là sự khởi đầu của kinh tế không gian tầm thấp, vốn đã được phát triển tại Trung Quốc.
Ngoài drone, vệ tinh cũng đã được nhiều công ty giới thiệu nhằm cung cấp dịch vụ Internet tại các khu vực ko có sóng di động hoặc các khu vực bị thiên tai, lũ lụt và cung cấp dịch vụ viễn thám.
Chúng tôi cũng ấn tượng với buổi hội thảo của T-Mobile với chủ đề “Không còn là Thành phố thông minh”. Với xu hướng ứng dụng AI vào mọi ngóc ngách cuộc sống, khái niệm “Thành phố thông minh” sẽ được nâng lên thành “Thành phố nhận thức” (Cognitive City), là nơi mà thay vì phản ứng nhanh với những gì đã xảy ra thì có thể dự đoán trước và chủ động hành động vì người dân dựa trên quá trình học liên tục thông qua siêu dữ liệu được tạo ra liên tục thông qua sinh hoạt trong cộng đồng người dân thành phố.
Hãy tưởng tượng một thành phố mà bạn không còn lo lắng về tình trạng tắc đường hay xe hỏng nữa vì trí thông minh nhận thức đang được "hoạt động ở chế độ nền" để hỗ trợ ra quyết định thông minh, định tuyến lại hành trình của bạn hoặc phát hiện các dấu hiệu cho thấy xe của bạn cần bảo dưỡng, sau đó đặt lịch hẹn và thuê xe theo lịch trình thuận tiện nhất cho bạn.
Vai trò của các Telcos và Techcos là các nhà cung cấp siêu kết nối (Hyperconnectivity), cung cấp các nền tảng số, dịch vụ số và điều phối chung hệ sinh thái số của “Thành phố nhận thức”.
Các trải nghiệm trên đây là các bài học quý giá để các đơn vị trong Tập đoàn có thể nhận thức và sáng tạo cho các sản phẩm dịch vụ của mình. Ngoài các ấn tượng nêu trên, MWC 2025 còn chứng kiến sự phát triển của IoT trong ứng dụng công nghiệp, tự động hóa dựa trên AI, các giải pháp tối ưu mạng lõi và mạng truy cập thông qua công nghệ quang học, tương lai công nghệ 6G, chuyển đổi xanh…
Đây đều là các xu hướng quan trọng mà Ban Chiến lược Tập đoàn cùng các đơn vị trong Viettel sẽ tiếp tục bám nắm, nghiên cứu và có đề xuất phù hợp với lãnh đạo Tập đoàn.