Viettel Family đã đăng lúc 16:08 - 18.02.2025
Một cái áo, một cái quần, bạn mua từ cửa hàng về, nhìn ban đầu nó cũng giống như cái áo, cái quần của người khác. Nhưng để ý kỹ thì bạn sẽ thấy, có người đã làm cho cái áo, cái quần, những đồ dùng cá nhân của mình trở nên có dấu ấn riêng, không giống với áo quần của số đông khác. Có dấu ấn riêng, không phải bởi vì họ mua một phiên bản giới hạn riêng, mà bởi vì họ đã chọn được một cách phối riêng, một cách sử dụng riêng.
Trong công việc cũng vậy, cùng là vị trí trưởng phòng bán hàng, nhưng không một ai thực sự giống ai. Có người đã làm cho vị trí công việc của mình trở nên thực sự thăng hoa, vì họ đã thêm, đã bớt, đã tuỳ chỉnh danh mục công việc của họ trở nên phù hợp với năng lực cá nhân của họ, từ đó công việc của họ không ngừng mới mẻ mỗi ngày, đáng nhớ mỗi năm.
Đi làm không chỉ là giải quyết các nhiệm vụ được giao
Là một nhân viên bán hàng, nhiệm vụ của bạn là gì? Là giới thiệu những sản phẩm đang có cho khách hàng mục tiêu. Giờ hãy thử nghĩ khác đi một chút: Liệu có điều gì ngăn bạn giữ liên lạc với khách hàng ngay cả khi bạn chưa có sản phẩm phù hợp với khách hàng đó.
Hay nếu bạn làm tài chính, ai cấm bạn ứng dụng công nghệ để thiết kế một báo cáo trực quan, đầy hình ảnh thay vì chỉ dùng những con số để đồng nghiệp dễ dàng nắm bắt?
Nếu bạn là nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, ai nói rằng bạn không thể chủ động trò chuyện với khách hàng ở bên ngoài để hiểu rõ hơn về nhu cầu thực tế của họ?
Những việc làm này có thể không nằm trong bản mô tả công việc, nhưng chúng tạo ra giá trị cho bạn, cho công việc và cho cả tổ chức. Chúng giúp mở ra những công việc mới hơn mỗi ngày, kết hợp những thế mạnh của bạn, tạo ra một bản mô tả công việc độc nhất vô nhị cho bạn, và thường mang lại kết quả tốt hơn.
Và việc bạn chủ động cá nhân hóa công việc hiện tại để nó trở nên phù hợp hơn với sở thích, thế mạnh và động lực của bạn được gọi là Job Crafting, tạm dịch là chế tác công việc. Giống như cách bạn điều chỉnh quần áo để phù hợp với vóc dáng, sở thích của bạn, Job Crafting cho phép bạn tinh chỉnh công việc để nó trở nên phù hợp hơn với bản thân.
Thay vì "đi tìm một công việc lý tưởng, hãy chế tác cho mình một công việc lý tưởng" là cách bền vững hơn, và là cách mà bạn có thể chủ động. Khi bạn chủ động “chế tác", công việc sẽ không còn là một khuôn mẫu nhàm chán cứng nhắc mà sẽ trở thành một phần có ý nghĩa trong cuộc sống và là nơi bạn tìm thấy sự gắn kết, động lực và niềm vui thực sự trong những gì mình làm.
Trong tập podcast Viettel Vibes với chủ đề "21 năm làm 1 việc tại Viettel, tại sao không cũ?", chị Nguyễn Hà Thành, Phó TGĐ TCT Viễn thông Viettel, đã chia sẻ về hành trình chị tự chế tác công việc của mình tại Ban Thương hiệu và Truyền thông Tập đoàn - nơi mà chị đã gắn bó 21 năm trước khi bổ nhiệm sang vị trí mới. Chị chia sẻ rằng ban đầu công việc của chị chỉ là điểm tin báo chí, rồi dần dần, chị mở rộng sang các hoạt động truyền thông nội bộ, truyền thông đối ngoại, quản trị thương hiệu, phát triển văn hoá và gần đây là phát triển bền vững. Đây là hành trình mà chị tự trưởng thành, tự lớn dần lên bằng cách không ngừng mở rộng và sáng tạo trong công việc. Chính năng lực tự làm mới công việc này đã giúp chị luôn tràn đầy nhiệt huyết và cảm hứng làm việc sau hơn 2 thập kỷ gắn bó.
3 cách "chế tác" công việc
Task Crafting - Tái cấu trúc nhiệm vụ
Bạn có thể điều chỉnh những nhiệm vụ mình thực hiện hàng ngày bằng cách thêm, bớt hoặc sắp xếp lại công việc theo cách khiến bạn cảm thấy hứng thú hơn.
Ví dụ: Một nhân viên tài chính thay vì chỉ trình bày số liệu theo cách truyền thống, anh ấy tạo ra các báo cáo trực quan hơn với biểu đồ sinh động, giúp đồng nghiệp dễ dàng tiếp thu thông tin. Anh ấy đã nâng cấp công việc của mình lên một tầm mới, cũng có thể hiểu là anh ấy đã mở rộng phạm vi của mình, thay vì chỉ làm báo cáo, thì còn thiết kế cả báo cáo.Relational Crafting - Tái cấu trúc mối quan hệ
Bạn có thể điều chỉnh cách tương tác với đồng nghiệp, khách hàng hoặc đối tác để mở rộng mạng lưới, tạo dựng mối quan hệ bền vững và tạo cơ hội hợp tác trong công việc.
Ví dụ: Một nhân viên bán hàng không chỉ tập trung vào việc chốt đơn, mà còn chủ động giữ liên lạc với khách hàng ngay cả khi không có sản phẩm để bán. Việc duy trì kết nối này giúp xây dựng lòng tin và tạo ra cơ hội kinh doanh trong tương lai, thậm chí có thể dẫn đến việc tái định hướng lại các chiến lược bán hàng.
Cognitive Crafting - Tái cấu trúc nhận thức
Bạn có thể thay đổi cách nhìn nhận về công việc để tìm thấy ý nghĩa sâu sắc hơn trong những gì mình làm. Khi góc nhìn thay đổi, động lực và sự gắn bó với công việc cũng được cải thiện.
Ví dụ: Một nhân viên hành chính không chỉ coi công việc là xử lý giấy tờ, mà hiểu rằng mình đang góp phần duy trì bộ máy vận hành trơn tru, giúp mọi người làm việc hiệu quả hơn. Khi nhìn nhận công việc theo một cách khác thì người đó sẽ cảm thấy tự hào và có động lực hơn khi làm việc.
Chuyên gia Khánh Nguyễn cũng có chia sẻ một câu chuyện thú vị về người dọn vệ sinh ở khu phố chị. Đó không phải là người dọn vệ sinh đau khổ kiếm sống mà là một “nữ hoàng đổ rác”. Bởi vì xe rác của chị lúc nào cũng được trang hoàng lộng lẫy: Noel thì được trang trí đủ thứ từ cây thông, tuần lộc, chuông; Tết thì xe rác lại rực rỡ với hoa đào hoa mai rồi dây pháo quấn quanh. Chưa kể chị còn có chiếc loa mở nhạc, hễ xe rác của chị tới là cả xóm có thể nghe tiếng nhạc tưng bừng, thi thoảng chị còn vừa dọn rác vừa hát hò theo.
“Nữ hoàng đổ rác” là cách mọi người gọi chị ấy vì chị là một người yêu việc, biết cách làm cho công việc trở nên vui hơn, đẹp hơn, thú vị hơn và tất nhiên khi đó mọi người trong xóm ai cũng yêu mến và thấy vui mỗi khi thấy “nữ hoàng” đến thu gom rác.
Công việc không chỉ là một danh sách nhiệm vụ cố định mà bạn có thể chủ động "chế tác" nó để phù hợp hơn với thế mạnh, sở thích và giá trị của mình. Khi đó, công việc trở thành một phần có ý nghĩa trong cuộc sống, không chỉ giúp bạn tìm thấy niềm vui mà còn giúp tổ chức nhận ra giá trị mà bạn mang lại. Đây chính là một chiến lược phát triển bền vững giúp bạn thăng tiến, giữ được sự say mê trong công việc, giúp bạn vừa đóng góp được vào tổ chức, vừa tìm thấy ý nghĩa riêng cho bản thân mình.
Nếu bạn có những trăn trở, câu chuyện muốn chia sẻ về công việc hay cuộc sống, hãy gửi đến chương trình Viettel Vibes. Chúng tôi luôn sẵn sàng lắng nghe và đồng hành cùng bạn trên hành trình khám phá những góc nhìn mới, tìm kiếm động lực và nâng cao hiệu quả làm việc mỗi ngày.
Kính mời đồng chí cùng theo dõi lại Viettel Vibes với chủ đề "21 năm làm 1 nghề ở Viettel, tại sao không cũ" qua chia sẻ của khách mời là chị Nguyễn Hà Thành - Phó TGĐ TCT Viễn thông Viettel.