Nguyễn Thương (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 18:17 - 10.07.2023
Chấn thương có thể đến với bất kỳ cầu thủ nào, đó cũng là điều rất khó tránh khỏi khi tham gia thể thao. Phía sau thành công của Viettel’s World Cup không thế vắng mặt các bác sĩ, có đội ngũ chuyên gia y tế - những người luôn sát cánh và chịu trách nhiệm chữa trị khi các VĐV không may gặp chấn thương.
Về mặt lý thuyết, bác sĩ thể thao được phân ra nhiều nhánh khác nhau. Trong một CLB, đội ngũ bác sĩ thể thao sẽ bao gồm ba thành viên. Một người chuyên lo về điều trị, hướng dẫn sử dụng thuốc, truyền dịch, xử lý VĐV bị ốm. Một người có chuyên môn về physiotherapy, lo về vật lý trị liệu, massage, bấm huyệt. Một người khác chuyên hướng dẫn tập luyện, hỗ trợ tập cho các trường hợp bị đau…“Nhóm này khi kết hợp với huấn luyện viên thể lực của đội sẽ tạo thành một đội chuyên chăm lo sức khỏe cho các VĐV”, bác sĩ Nguyễn Thị Phương - Bác sĩ Quân y đội bóng VTPost cho biết.
Tuy nhiên, với Viettel’s World Cup, bác sĩ thể thao làm tất cả. “Người bác sĩ theo đội sẽ phải chuẩn bị từ băng bó, hỗ trợ khởi động, thả lỏng đến ăn uống như thế nào. Ngoài ra, một số VĐV bị đau sẽ phải tập riêng, khi họ chấn thương, bác sĩ thể thao phải kiểm tra, xử lý tại chỗ. Một số trường hợp chấn thương nặng, bác sĩ thể thao phải đưa họ đi khám, sau đó theo sát VĐV trong thời gian sau đó”, bác sĩ Phương nói.
Khởi động được xem như phần bắt buộc trước mỗi buổi thi đấu lẫn tập luyện thể thao đối với bác sĩ bóng đá.
Chia sẻ với phóng viên, người đồng hành cùng đội bóng VTPost cho biết: “Khác với các giải đấu khác, tại Viettel’s World Cup, bác sĩ thể thao phải đảm nhiệm hầu hết công việc liên quan thể lực cũng như sức khỏe của vận động viên. Bác sĩ thể thao cũng như “anh chị nuôi” của các cầu thủ vậy. Chuẩn bị nước uống cho tập luyện và thi đấu của cầu thủ là công việc quan trọng của các bác sĩ và thành viên hậu cần. Chúng tôi đã chuẩn bị hỗn hợp gồm nước khoáng, C “sủi”, đường, muối và oresol, được pha theo tỷ lệ nhất định nhằm bổ sung nước và các chất điện giải cho cầu thủ”.
Trong hiệp 2 trận đấu giữa đội bóng VTpost và Lumitel tối 23/6. Cầu thủ số 24 của VTpost có pha va chạm nguy hiểm với cầu thủ đội bạn. Anh ngã lăn ra sân đau đớn.
Được hiệu lệnh của trọng tài, nhanh như chớp, bác sĩ Nguyễn Thị Phương cầm theo nước, dụng cụ sơ cứu phi vào sân.
Cầu thủ số 24 tuy đau nhưng vấn muốn vào sân thi đấu tiếp tục. Bác sĩ cố gắng đỡ cầu thủ đứng dậy.
Không chỉ chăm sóc sức khỏe đội bóng chủ nhà, bác sĩ cũng hỗ trợ các cầu thủ đội bạn. Nói về chuyện nghề, bác sĩ Phương chia sẻ: "Áp lực lớn nhất của bác sĩ thể thao là điều trị và phục hồi chấn thương cho các vận động viên để kịp giải đấu. Tuy nhiên, được đóng góp sức mình vào thành tích của toàn đội và cho Viettel thì việc trải qua khó khăn là xứng đáng. Khoảnh khắc cầu thủ sau khi được sơ cứu có thể trở lại sân tiếp tục thi đấu rồi ghi bàn là điều tôi tự hào nhất. Đây có lẽ là khoảnh khắc mà tôi không bao giờ quên được".
Ở một mặt sân khác, bác sĩ Trần Đăng Trung, đội bóng VTS chạy như bay vào sân sơ cứu cầu thủ bị thương trong trận bóng giữa VTS và VMC.
Chỉ trong mấy giây ngắn ngủi, hai bác sĩ đã đến cạnh cầu thủ. Họ yêu cầu các cầu thủ đang vây xung quanh đứng lùi ra xa để có không gian sơ cứu cho cầu thủ này.
Bác sĩ Trần Đăng Trung chia sẻ về cách sơ cứu trên sân bóng: "Riêng với bóng đá, khi có tính đối kháng cao, va chạm, va đập nhiều thì rõ ràng mức độ chấn thương sẽ ở tỉ lệ cao hơn. Các cầu thủ trên sân luôn luôn phải hoạt động thể lực với cường độ cao và thời gian kéo dài như thế hẳn nhiên chấn thương là điều khó tránh khỏi. Do đó, khi các vận động viên gặp chấn thương dẫn đến bị đau, tùy mức độ tổn thương sẽ có những biện pháp xử trí khác nhau. Với những trường hợp VĐV bị chấn thương, đầu tiên các bác sĩ phải đánh giá thật nhanh tình trạng và mức độ tổn thương của VĐV ở mức độ nào".
“Đối với vết thương sưng đau, bầm tím, không chảy máu, không phải vết thương hở, không gãy xương, tổn thương gân, cơ, dây chằng nhẹ…, ở mức độ cầu thủ vẫn có thể chịu đựng mà không gây ảnh hưởng nhiều về sau thì chúng tôi có thể dùng bình xịt lạnh giảm đau ngay tại chỗ”, bác sĩ Trần Đăng Trung cho hay.
Đồng hành cùng đội bóng VMC, bác sĩ Nguyễn Bá Trường chia sẻ: "Đây không phải là năm đầu tiên tôi tham gia hỗ trợ các cầu thủ tham gia thi đấu. Nhiều năm kinh nghiệm trong ngành y tế nên tôi hoàn toàn tự tin khi sơ cứu các cầu thủ gặp chấn thương. Không chỉ hỗ trợ các cầu thủ về mặt sức khỏe, tôi đồng hành, động viên để các cầu thủ có tinh thần tốt nhất trước khi bước vào trận đấu.
Tiền đạo Đào Ngọc Nghĩa đội bóng VMC được bác sĩ sơ cứu bằng bình xịt lạnh giảm đau sau pha va chạm trên sân chia sẻ: "Chạy trên sân với cường độ cao, các đội bóng đều chiến đấu quyết liệt, không thể tránh khỏi các tình huống va chạm hay căng cơ. Sự hỗ trợ kịp thời của các bác sĩ giúp cho tôi và các cầu thủ có thể kịp thời quay trở lại sân, tiếp tục trận đấu".
Một số hình ảnh của các bác sĩ tại mùa giải: