Như Hoa (TCT Viễn thông Viettel) đã đăng lúc 19:51 - 11.10.2024
Thấy có người lạ đi về phía trạm phát sóng, ông Út Nhỏ lập tức xách đèn đi sang dù trời đang sầm sập mưa lớn. Ông Út Nhỏ tên thật là Nguyễn Lạc Hồng, người ở xã Đông Hải, huyện Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh. Hơn 70 tuổi, việc hàng ngày của ông là ban ngày vào xóm nhậu với mấy ông bạn chí cốt, tối ra lều trông mấy cái đìa tôm cho con cháu.
Từ khi chiếc cột phát sóng tầm xa hướng biển của Viettel dựng ở miếng đất bên cạnh, ông đâm mê mẩn cái cột này. Hàng ngày ông vẫn sang quét tước, dọn dẹp xung quanh cái nhà trạm dù chẳng ai nhờ. Hễ thấy người lạ đi đến là ông phải sang xem sao vì sợ bọn xấu làm hỏng cột. Khi biết là người Viettel thì ông lại tay bắt mặt mừng, hỏi chuyện rôm rả.
Chinh phục trái tim Việt Nam…
“Tao biết cái cột này của bộ đội Viettel làm hay lắm, đi ra ngoài đánh cá xa mấy cũng có thể gọi điện về nhà được. Giờ lên thuyền, điện thoại của Viettel cứ phải giữ như bảo bối”, ông Út Nhỏ nói. Từ tình yêu giản dị đó mà sau này con cái, người quen, cứ biết ai muốn dùng điện thoại là ông Út Nhỏ lại khuyên dùng Viettel. Con cháu ông cả chục người dùng Viettel, người đi làm nhà nước có, người đi biển cũng có.
“Tụi bây làm thật, ăn thật nên tao ưng. Trước cứ nghĩ cả đời tao loanh quanh ở cái xóm này, họ hàng người quen ở hết đây rồi, có cần đi đâu mà điện thoại. Nhưng rồi mỗi lần sắp nhỏ ra biển, cả làng vắng hoe. Có cái điện thoại thỉnh thoảng gọi chúng nó cũng vui”, lão nông già cười nói.
Chắc chắn, những kỳ tích của Viettel được xây lên bởi những tình yêu mộc mạc như của ông Út Nhỏ. “Gọi chúng nó cũng vui” – lời mộc mạc của một lão nông minh chứng cho nhu cầu thiết yếu nhất của con người: kết nối và giao tiếp. Chinh phục được ông lão chỉ quanh quẩn trong xóm làng cũng có nhu cầu gọi điện thoại, người nông dân có khả năng chi trả cho nhu cầu đó mà không bận tâm, và có thể thực hiện ở một làng chài ven biển xa lắc, người Viettel có thể chinh phục trái tim của bất cứ khách hàng nào.
Hơn 50 triệu khách hàng Việt Nam được chinh phục theo cách như thế, dù mỗi người có một nhu cầu khác nhau. Có người cần một chiếc sim giá rẻ để liên hệ công việc. Có người chọn Viettel vì công việc thường xuyên đến những nơi vùng sâu, vùng xa mà chỉ Viettel mới có sóng. Cũng có người chỉ vì thích dùng thêm một chiếc sim giống ngày tháng năm sinh, hoặc các con số theo sở thích cá tính. Khi mạng Viettel lên sóng, mọi thứ được bùng nổ.
Đến bây giờ, người Viettel vẫn kể cho nhau câu chuyện cửa hàng ở 22 Láng Hạ (Hà Nội) bị vỡ cửa kính 3 lần vì khách hàng ùa vào để sở hữu chiếc sim Viettel đầu tiên. Trụ sở ở Pháo Đài Láng khi đưa vào hoạt động được dự tính “phải 3 năm mới ngồi hết”, chỉ đáp ứng được chỗ ngồi làm việc trong 1 năm là kín. Liên tục trong 4 năm trời, tốc độ tăng trưởng của Viettel luôn ở mức năm sau cao gấp đôi năm trước. Trong 3 năm, Viettel trở thành mạng di động có nhiều người dùng nhất Việt Nam với 11 triệu thuê bao.
Điều tuyệt vời nhất là khi chúng ta thấy có những thứ bền vững hơn lợi ích hữu hình. Sự phát triển vượt bậc của Viettel là động lực để các mạng di động khác chuyển mình theo hướng có lợi cho khách hàng. Sau 3 năm, các lợi thế ban đầu thường được nhắc đến của Viettel không còn nữa. Cách tính cước block 6 giây được tất cả các nhà mạng áp dụng. Giá cước cũng không khác biệt nhiều, tính năng gói cước hay chọn sim số theo sở thích cũng được các mạng di động khác triển khai.
Nhưng khách hàng không những không rời đi, mà tiếp tục chọn gắn bó với Viettel ngày càng nhiều hơn. Năm 2007, thị trường dịch vụ điện thoại di động Việt Nam vẫn ở thế “chia ba”. Ba nhà mạng sử dụng công nghệ GSM có thị phần chiếm lĩnh tương đối cân bằng. Theo Sách trắng về CNTT – TT năm 2023 được Bộ TT&TT phát hành, thị phần của Viettel đã lên tới 56,38%, lớn hơn tất cả các mạng khác cộng lại, gấp 2,5 lần mạng di động kế tiếp.
Điều đó minh chứng cho một sự thật: Có một thứ tuyệt vời hơn giá cước, vùng phủ hay công nghệ. Một thứ mà chỉ Viettel mới có, tạo nên sự khác biệt trong lòng tin của khách hàng.
… bằng chính trái tim Việt Nam
“Khi chúng tôi về quê, chúng tôi bỗng trở thành tâm điểm vì chỉ có điện thoại của chúng tôi đổ chuông thôi. Cái cảm giác trạm lên, bà con đổ xô vào mua sim của mình, hạnh phúc lắm”, anh Nguyễn Ngọc Hùng, nguyên Trưởng đại diện tại tỉnh Trà Vinh, Trung tâm Điện thoại cố định, Công ty Viễn thông Quân đội, chia sẻ về những ngày đầu tiên mạng Viettel lên sóng.
Phủ sóng hết nông thôn, hải đảo, miền núi, người Viettel phải đi xa hơn, làm nhiều hơn để lắp đặt trạm phát sóng. Có những bản làng heo hút chỉ vài chục hộ dân, nhưng sóng Viettel vẫn căng tràn, đầy đủ công nghệ 4G mới nhất. Những đường tuần tra biên giới ngày thường không bóng người vẫn luôn căng sóng. Có những cuộc chiến nảy lửa để có được kết nối trực tiếp, giảm được 200 đồng mỗi phút, để giá cước viễn thông có thể dễ tiếp cận với số đông người dân. Những gói cước phá bỏ đi áp lực phải tiêu dùng như TOMATO, hay tạm ứng tiền tiết kiệm mỗi khi giáp hạt như gói Buôn làng giúp khách hàng yên tâm giữ kênh liên lạc bên mình. Những chính sách này đi ngược lại tất cả các nguyên tắc kinh doanh viễn thông. Nó giống như cách người thân chăm sóc, lo lắng cho nhau.
Nhưng tại sao người Viettel phải chọn cách đi khó khăn hơn người khác? Với một nhà mạng tham gia thị trường sau với “lưng vốn” 15 triệu USD - chỉ bằng 1/10 so với các dự án tương tự, mỗi hành động đều phải được tính toán chi tiết. Sự thiếu thốn ban đầu được bù đắp bởi nỗ lực vượt bậc của cả một tập thể chung khát vọng lớn: Xây dựng được một mạng di động của người Việt Nam!
“Cái này chúng ta có tự làm được không?” là câu hỏi thường trực của Trung tướng Hoàng Anh Xuân, nguyên TGĐ Tập đoàn, khi dẫn dắt các quyết sách chiến lược của Viettel. Nó vừa là định hướng, đồng thời là tiêu chuẩn hành động thể hiện khát vọng của người Viettel, mang theo cả niềm kiêu hãnh của Quân đội Nhân dân Việt Nam.
Khát vọng đó là động lực của những người làm công với đồng lương tháng 384.000 đồng chia 2 kỳ sẵn sàng làm việc miệt mài cả ngày ở cơ quan, lại tiếp tục đi thu cước vào buổi tối. Đó cũng là động lực để những người thợ kỹ thuật liên tục kéo cáp, dựng trạm, không để vật tư tồn trong kho quá 24 giờ. Đó cũng là động lực để những người nhân viên kinh doanh sẵn sàng đi xe máy hàng trăm kilomet đường đèo núi, để đưa sim số vào tới phiên chợ ở bản xa, hoặc đổi sim 4G cho người dân bản. Bất cứ nhu cầu thiết thực nào của người dân đều được đáp ứng bằng cách nào đó, rất sáng tạo, với mạng Viettel.
Với nhiều người, Viettel không chỉ là chiếc sim điện thoại. Đó là phương tiện tin cậy để duy trì các liên lạc trong công việc. Đó là tấm “bùa hộ mệnh” mỗi lúc đi xa. Hoặc cũng có thể là kênh kết nối, giãi bày tình cảm thâu đêm. Hay đơn giản chỉ là một thứ vật phẩm tạo dựng cảm giác an toàn khi có kết nối với cộng đồng, xã hội, người thân. Kích hoạt cuộc cách mạng viễn thông, giá rẻ sóng khỏe, điện thoại di động trở thành vật thân thiết, không còn là vật dụng thông thường. Nền tảng cho tình yêu chớm nở từ đó.
Từ nhà khai thác viễn thông, Viettel trở thành nhà cung cấp dịch vụ với hệ sinh thái dịch vụ đa dạng Made by Viettel, trước khi trở thành nhà cung cấp dịch vụ số hiện nay. Trên nền tảng viễn thông, các ứng dụng CNTT, viễn thông len lỏi vào mọi ngõ ngách cuộc sống, phục vụ người dân, doanh nghiệp, chính quyền địa phương, chính phủ thay đổi cuộc sống, đem lại những lợi ích bền vững cho khách hàng.
“Từ những ngày đầu kinh doanh, cách đặt mục tiêu của Viettel đã rất khác các doanh nghiệp khác. Chúng ta đã luôn đặt các mục tiêu hướng đến toàn bộ cộng đồng, toàn bộ xã hội, toàn bộ người dân. “Mỗi người có một chiếc điện thoại di động”, “Mỗi người có một chiếc smartphone”, “Mỗi hộ gia đình một đường internet băng rộng”,… Khi đặt mục tiêu 100% người dân, tức là sẽ luôn có một bộ phận người yếu thế, khó tiếp cận hơn những người khác. Và Viettel luôn sẵn sàng dành nguồn lực đáng kể cho những khách hàng này”, anh Cao Anh Sơn, TGĐ VTT, chia sẻ.
Sau 20 năm, quy mô và vị thế của Viettel đã khác xưa. Với vị thế hiện tại, Viettel đã chuyển dịch sang hợp tác thay cho cạnh tranh. Các nền tảng số công nghệ mở được chia sẻ để tất cả doanh nghiệp, cá nhân sáng tạo dịch vụ, phục vụ người dân Việt Nam.
Chỉ có sự tận tâm, bền bỉ vẫn thế. Nếu trước đây, đội nhân viên kinh doanh đi gõ cửa từng nhà để giới thiệu sim số, điện thoại, thì nay đã có các cửa hàng online trên smartphone gánh vác. Nhưng vẫn còn những người Viettel lặn lội đến từng nhà đổi sim, đổi điện thoại cho khách hàng lên 4G, phục vụ chiến lược chuyển đổi số quốc gia. Người yếu thế vẫn có những hỗ trợ chuyển điện thoại mới để tiếp tục giữ liên lạc sau khi tắt sóng 2G. Đội ngũ điện thoại viên không phải ngồi nghe trực tiếp hàng triệu cuộc gọi mỗi ngày, mà đã có các phần mềm hỗ trợ. Đội ngũ CNTT vẫn miệt mài ngày đêm cho các giải pháp phân tích dữ liệu, nhận biết thái độ khách hàng,… để phục vụ tốt hơn, chủ động hơn. Chắc chắn, Viettel sẽ còn kích hoạt thêm những cách mạng mới trong kỷ nguyên kết nối thông minh. Bởi khi đã có được niềm tin yêu của đồng bào, chúng ta có thể chinh phục bất cứ thách thức nào để lập những kỳ tích mới.
20 năm phát triển, thành tựu lớn nhất của mạng di động Viettel đem lại có lẽ chính là trái tim của hơn 50 triệu khách hàng. Tình yêu đó được xây lên bởi sự tận tâm, chân thành và được thử thách qua tháng năm.
Điều giản dị đó là phụng sự nhân dân. Và đó chính là tình yêu Tổ quốc!