5G Viettel: Sinh ra trong lab, hoàn thiện trên lưới

My Vũ (TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel) đã đăng lúc 14:43 - 14.02.2024

Di chuyển từ trung tâm Hà Nội khoảng 50km về phía Nam, ngay khi đến địa phận tỉnh Hà Nam, ký hiệu 5G lập tức xuất hiện trên góc màn hình các thiết bị điện thoại tương thích.

Một ký hiệu nhỏ báo hiệu thế hệ tiếp theo của công nghệ viễn thông đã sẵn sàng, do chính người Viettel nghiên cứu, sản xuất và làm chủ toàn trình.

Từ phòng lab đi ra thực địa…

- “Con gái đã ăn cơm chưa? Giờ mẹ con mình tranh thủ học toán nhé!"

- “Con tự làm gần hết rồi! Chỉ còn 1 bài hơi khó để dành hỏi mẹ thôi ạ! Thứ 7 mẹ về chưa?”

- “Mẹ chưa, bao giờ xong việc mẹ về! Giờ con đọc đề bài mẹ nghe đi…!”

8 giờ tối, một ngày giữa tháng 9/2023, tại Ninh Thuận, chị Nguyễn Thị Tuyền, Trưởng Phòng Kiểm thử, TT Vô tuyến băng rộng, TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) tranh thủ gọi về nhà hỏi han và hướng dẫn con gái học bài sau ngày dài làm việc. Chị Tuyền là một trong những kỹ sư VHT tham gia nhiệm vụ tối ưu thiết bị tại cả 4 tỉnh thành Hà Nội, Hà Nam, Ninh Thuận và Đà Nẵng.

Đã gần một năm, chị Tuyền cùng các đồng nghiệp quen với việc lo toan việc nhà từ xa để dành phần lớn tâm sức vào việc nâng cao chất lượng thiết bị 5G đang được Viettel thử nghiệm. Đó là một việc dường như chưa định ngày kết thúc. Vì với họ, để có kết quả tốt nhất là tối ưu không ngừng.

Sản phẩm có hoàn hảo đến mức nào trong phòng lab, khi ra thực tế đều cần tiếp tục hoàn thiện. Với nền tảng hạ tầng 5G, có chỉ tiêu kỹ thuật phức tạp, lại càng cần phải “thả” vào thực tế để có thể nhìn thấy những sai số nhỏ nhất. Sinh ra và trưởng thành trong lòng một nhà cung cấp viễn thông lớn có lẽ là lợi thế độc đáo nhất của của VHT khi so với các nhà nghiên cứu phát triển thiết bị hạ tầng viễn thông trên thế giới. 

aaaaaa

Để tìm ra lỗi, các kỹ sư tối ưu buộc phải làm việc trong mọi thời điểm và điều kiện thời tiết. Tại Hà Nội, vị trí các trạm thử nghiệm gần nhau, việc di chuyển đo đạc và các điều kiện đảm bảo khá dễ dàng. Còn tại Hà Nam, Ninh Thuận, các trạm cách nhau xa hàng chục km. Quá trình tối ưu mạng 5G tại Hà Nam diễn ra xuyên suốt mùa hè oi nóng của đồng bằng Bắc Bộ. Còn tại Ninh Thuận là vùng đất vốn gần như quanh năm “gió như phang, nắng như rang”, các kỹ sư trẻ của TT Vô tuyến băng rộng liên tục phải làm việc dưới cái nắng nóng giữa trưa lên đến 40 độ C trên các cung đường để đo kiểm các khung giờ cao tải. Có những ngày, các kỹ sư VHT bắt đầu ngày làm việc từ 6 giờ sáng và kết thúc lúc 1 giờ đêm.

Việc triển khai mạng 5G theo chế độ Non-Standalone (mạng 5G không độc lập, hoạt động cùng với mạng 4G) với tải thực, người dùng thực trong phạm vi càng rộng, số lỗi phát hiện càng nhiều… Như tại Ninh Thuận, cuộc gọi thoại 5G chất lượng cao bị lỗi với tỷ lệ khách hàng báo về lên tới 20%. Trong khi đó, tiêu chuẩn đo kiểm VHT đặt ra là tỷ lệ các cuộc gọi thành công đạt 98%, các cuộc gọi lỗi phải dưới 2%.

Tối ưu thiết bị trên mạng lưới là công việc hàng ngày của các đồng nghiệp tại VTNet hay VCC nhằm “bắt lỗi đã biết” của thiết bị theo tiêu chuẩn công bố. Còn các kỹ sư VHT lại phải bám lưới, “bắt lỗi chưa từng biết” của thiết bị thế hệ công nghệ mới đang trong quá trình nghiên cứu phát triển. 

… Từ thực địa quay về phòng lab

Từ các cung đường ấy, thông tin gửi về sẽ được đội ngũ kỹ sư của VHT tại Hòa Lạc nhanh chóng đưa vào đánh giá, tái hiện trong phòng lab và tìm hướng khắc phục. Phạm Kim Anh Dũng, Trưởng phòng Phát triển phần mềm giao thức - TT Nghiên cứu thiết bị Vô tuyến băng rộng chia sẻ: "Người đi trên tuyến còn thức thì người nơi phòng lab nhất định chưa ngủ!".

Chính sự khắc nghiệt của thực tế vận hành, và tinh thần “chưa thấy lỗi chưa về”, sau khi thực hiện hàng ngàn bài kiểm đánh giá, kỹ sư VHT phát hiện và khắc phục được một số tồn tại của thiết bị mà trong lab không thể phát hiện ra. Tại Ninh Thuận, chỉ sau 2 tuần tập trung cao độ, kết quả sau tối ưu cuộc gọi thoại 5G giảm từ 20% về còn 1% và đang tiếp tục được nhóm xử lý triệt để. Tại Hà Nam, sau 2 tháng, chất lượng vùng phủ sóng 5G đã có sự cải thiện lớn. Khi mới triển khai, ở vùng sóng yếu với mức thu chỉ từ -110dBm rất khó dùng dịch vụ 5G, thì nay vẫn mức thu đó tốc độ tải xuống đã lên đến 100Mbps.

5G_112233

Sau khi khắc phục các tồn tại và tối ưu tham số của 117 trạm 5G tại TP Phủ Lý và huyện Lý Nhân, tốc độ tải xuống trung bình đạt 311Mbps tốt hơn chỉ tiêu kỹ thuật 15%, tốc độ tải lên trung bình đạt 35.3Mbps tốt hơn chỉ tiêu 17.7%, Chủ tịch kiêm TGĐ Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng đã cho phép phát sóng 5G Non-Standalone tại toàn bộ tỉnh Hà Nam nhằm mở rộng phạm vi để tăng khả năng phát hiện lỗi.

Hiện nay, hệ thống mạng 5G tại Hà Nam và Ninh Thuận đã chạy toàn bộ trên nền tảng do VHT nghiên cứu, sản xuất gồm mạng lõi, 5G, Site Router, gNodeB.

Thừa nhận công việc của mình khá vất vả, nhưng chị Tuyền cũng không giấu nổi sự tự hào: “Chúng tôi tự hào khi là đơn vị duy nhất tham gia nghiên cứu, phát triển mạng 5G hoàn chỉnh tại Việt Nam. Những ngày tại thực địa, chúng tôi trưởng thành hơn khi vừa tối ưu, vừa tiếp thu kiến thức, tiếp xúc thêm trường hợp thực tế từ khách hàng”.

5G Viettel đã sẵn sàng cho một cuộc bùng nổ mới

Cuối năm 2018, Viettel tuyên bố sẽ tham gia thử nghiệm công nghệ 5G và nghiên cứu sản xuất thiết bị trạm phát sóng 5G.

Tháng 4/2019, Viettel đã hoàn thành tích hợp hạ tầng phát sóng 5G đầu tiên tại khu vực Hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội) và phát sóng thử nghiệm thành công trên mọi băng tần được Bộ TT&TT cấp phép.

Đầu năm 2020, Viettel thực hiện cuộc gọi 5G đầu tiên trên thiết bị 5G do chính mình nghiên cứu, sản xuất. Lần đầu tiên một doanh nghiệp Việt Nam chính thức làm chủ công nghệ mạng tiên tiến nhất thế giới.

Đầu năm 2023, Viettel công bố nghiên cứu, sản xuất thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G (32T32R) đầu tiên trên thế giới sử dụng chipset ASIC theo tiêu chuẩn Open Ran của Qualcomm. Tháng 11 vừa qua, Viettel triển khai thành công khối vô tuyến trạm thu phát sóng 5G trên mạng lưới. Như vậy, Viettel đã thực sự làm chủ được một hạ tầng viễn thông 5G được bảo vệ mạnh mẽ, trọn vẹn từ bên trong.

DSC_6122

Theo thông tin từ Ban Kỹ thuật Tập đoàn Viettel, thiết bị gNodeB 8T8R do Viettel phát triển đảm bảo chất lượng phần cứng và đáp ứng quy chuẩn của Bộ T&TT, đồng thời hiệu suất phần cứng ngang bằng các nhà cung cấp thiết bị mạng lớn trên thế giới như Nokia, Ericsson.

Từ một nước đi sau trong các thế hệ công nghệ viễn thông trước đó, Việt Nam trở thành quốc gia thứ 6 có năng lực sản xuất thiết bị mạng 5G. Và Viettel trở thành doanh nghiệp duy nhất trên thế giới vừa là nhà khai thác mạng viễn thông vừa nghiên cứu sản xuất thiết bị, đặc biệt là thiết bị mạng 5G.

Việt Nam đã có thể bước vào kỷ nguyên 5G bằng toàn bộ hệ thống hạ tầng thiết bị mang quốc tịch của mình.

5G Make in Vietnam, Made by Viettel đã sẵn sàng cho một cuộc bùng nổ viễn thông mới.

  • 3982

'Làm việc khó nhất tạo ra giá trị cao nhất'

  • 1413

'Ở đâu có Viettel, ở đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn'

  • 2703

'Con người là mục tiêu chiến lược của Viettel'

  • 2224

'Khát khao của người Viettel chưa bao giờ dừng lại'

  • 2171
  • 1

'Viettel phải tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn'

  • 3834
  • 2

Tinh thần 'quyết thắng' giúp cô gái Viettel không bị đánh gục

  • 1069
  • 2
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua