Huy Hoàng (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 11:59 - 14.11.2022
Người dân quanh hồ Tân Xã 06 tháng qua đã quen mới hình ảnh một “chiến binh” đều đặn, bền bỉ duy trì những bước chạy mỗi sáng, bất kể mưa gió hay sương lạnh. Để có được thành tích 3h15 nội dung Full Marathon 42km (FM), người ta đâu biết được người chiến binh đã phải trải qua những gì ngoài những giọt mồ hôi để có được thành tích đó. Người chiến binh đó là Bùi Văn Sơn, Trưởng phòng Điện – Điện tử, điều khiển và giám sát động cơ, Trung tâm C10, Viện Hàng không Vũ trụ Viettel (VTX).
“Chạy bộ thì anh chưa bao giờ nghĩ đến”
Năm 2017, khi đang tràn đầy năng lượng tuổi 27, anh bị chẩn đoán K tuyến giáp và phải tiến hành cắt bỏ tuyến giáp. Sau cuộc phẫu thuật, anh phải duy trì tiêm hormone từ bên ngoài liên tục cùng với đó là một cơ thể luôn mệt mỏi và giảm khả năng vận động. Anh phải rất cố gắng để duy trì không thường xuyên những trận đá bóng cùng đồng nghiệp.
Nhưng việc không may lại tiếp tục xảy đến khi anh bị đứt dây chằng chéo và phải tiến hành phẫu thuật lấy gân bắp chân thay thế cho dây chằng đầu gối. Anh thiếu đi một bó cơ bắp chân từ đó và phải mất đển 08 tháng vật lý trị liệu hồi phục để anh có thể hoạt động bình thường như trước. Với tình trạng của anh lúc đó, các bác sĩ khuyên anh không nên tham gia các môn thể thao vận động mạnh và có yếu tố đối kháng.
“Lúc đó mình nghĩ mình chỉ còn có thể tham gia những môn nhẹ nhàng như: đạp xe, yoga,… Chứ chạy bộ thì mình chưa bao giờ nghĩ đến”
Quãng thời gian sau đó là lúc cơ thể phục hồi sau chấn thương nhưng việc không vận động cùng với công việc bận rộn khiến chàng kĩ sư khỏe mạnh ngày nào tăng cân không kiểm soát lên 80kg. Trong chuyến thang máy cùng một vài đồng nghiệp tham gia chạy bộ, thân hình có phần đồ sộ của bản thân khiến anh Sơn mất đi sự tự tin trước thân hình săn chắc của đồng nghiệp. Nhưng chính điều đó đã thôi thúc anh tìm kiếm giải pháp cho sức khỏe của bản thân.
Nhận được sự khích lệ từ đồng nghiệp, sau khi nhận được những lời khuyên từ bác sĩ, cùng những người đã tham gia môn chạy, anh Sơn đã quyết định tham gia chạy bộ với mục tiêu “thử xem thế nào”.
Xây dựng “bí kíp” cho từng bước chạy
Tháng 06 năm 2022, ngày đầu tiên thử sức, cả chạy cả đi bộ, anh chỉ hoàn thành được quãng đường 3km. Không có người hướng dẫn trực tiếp, anh Sơn chủ động tìm kiếm những giáo qua mạng trình rèn luyện theo. Song những giáo trình cho người bình thường chưa bao giờ phù hợp với thể trạng một người đã dính chấn thương nặng như chàng kỹ sư VTX.
Trong những ngày đầu tiên, mỗi bước chạy là mỗi lần cái cơn đau cắn xé cái bắp chân không lành lặn. Sau mỗi buổi chạy, chiếc chân đau như mất hết cảm giác và gần như không thể di chuyển. Nhưng mỗi ngày, với tích cách tỉ mẩn của mình, chàng kĩ sư vẫn kiên trì điều chỉnh tư thế một chút, căn kê chính xác từ góc tiếp đất, thay đổi từng nhịp thở.
Anh Sơn mô bản thân lúc đó là phải biến giáo trình cho hai người chân lành lặn để thành giáo trình cho “người một chân to, một chân bé”. Đề rồi những cơn ê ẩm ở chân dần qua đi thay vào đó là cảm giác sảng khoái. Cái cảm giác đó dần dần hình thành nên tình yêu với môm thể nào này và chiến thắng được sức ì ban đầu.
Từ đó, anh Sơn đúc rút ra khẩu quyết cho mình: “Chạy bước ngắn, tiếp đất bằng phần giữa trước bàn chân, làm chủ nhịp tim và sự kiên trì sẽ lo phần còn lại”.
“Bí kíp” cá nhân đó khiến anh tiến bộ nhanh chóng, đẩy quãng đường chạy hàng ngày của anh ngày càng thêm dài. Ban đầu là vài km quanh khu công nghệ cao Hòa Lạc, rồi đến 14km quanh hồ Tân Xã, tất cả đều dần bị chinh phục.
Chiến binh “đơn thương độc mã”
Ai đi qua hồ Tân Xã vào sáng sớm cũng sẽ thấy hình ảnh một chiến binh “đơn thương độc mã” trên những bước chạy bất kể là mưa hay nắng, nóng hay lạnh. Khác với những người luyện tập chạy bộ khác, anh Sơn chí có một mình trong quá trình luyện tập của mình. Vì chỉ có một mình, anh phải chuẩn bị các chai nước dọc bên đường từ tối hôm trước để có thể sử dụng trong quá trình chạy. Anh Sơn luôn tự mình chuẩn bị mọi thứ cho bản thân vì cũng không muốn ảnh hưởng đến gia đình với 02 con nhỏ.
Khi được hỏi có bao giờ thấy chán không, và động lực nào để tiếp tục những bước chạy, anh kỹ sư chia sẻ: “Chán chứ, sau một thời gian chạy ai cũng sẽ có cảm giác chán. Nhưng với tình trạng của mình lúc đó, chỉ có chạy mới có thể giải quyết được. Chính vì thế mình cố gắng duy trì từng ngày, cứ thế một thời gian mọi thứ sẽ ổn”.
Mọi thứ đã ổn đối bằng đúng câu khẩu quyết, “sự kiên trì sẽ lo phần còn lại”. 21km đầu tiên, anh hoàn thành với thành tích 2h18 phút, một thành tích vượt xa kỳ vọng của anh. Và điều quan trọng là sức khỏe của anh Sơn đã cải thiện rõ rệt cùng với những thói quen mới, tốt cho sức khỏe cũng được hình thành.
Chàng kĩ sư mô tả lại thói quen bằng chia sẻ dí dỏm: “Và bằng một cách kỳ lạ nào đó, quỹ thời gian tự nhiên sẽ có đủ cho các buổi chạy, mặc dù một ngày vẫn chẳng dài hơn 24 giờ”.
Thành tích đáng nể của một tân binh
Thành tích đáng nể của một tân binh Trước khi tham gia cự ly FM đầu tiên, quãng đường tốt nhất của anh từng chạy là 32km. Sau khi nghe có một giải chạy FM, anh Sơn quyết định đăng kí tham gia, thay vì cuối tuần chạy một mình ở Hòa Lạc. Giữa tháng 10 mùa thu Hà Nội, người chiến binh thực hiện 32km đầu tiên khá trơn tru, nhưng 10km cuối cùng lại mang đến những thử thách khủng khiếp. Cơn đau và sự mệt mỏi xâm chiếm từng bó cơ báo hiệu cơ thể đã sắp tới giới hạn khiến cho đầu óc chỉ có hai chữ “từ bỏ”. Nhưng bản thân anh muốn chứng minh rằng những vấn đề về sức khỏe của bản thân đã hoàn toàn biến mất. Sự thôi thúc đó kết hợp với ý chí và sự bền bỉ như tiếp thêm năng lượng cho mỗi bước chạy về hướng vạch đích và người chiến binh đã làm được.
“Lúc về đích, đồng hồ chỉ 3h28p vượt xa kì vọng 3h50p trước cuộc thi. Mình rất vui và tự hào về bản thân nhưng mệt quá cười không được mà khóc cũng không xong.” Anh Sơn nghĩ lại về lần đầu hoàn thành cự ly FM.
Sau đó 2 tuần, chiến binh Sơn tiếp tục đạt cột mốc mới 3h15p cho cự ly FM tại Long Bien Marathon, đứng thứ 29/983 lứa tuổi, 78/3054 chung cuộc. Đề đạt hành tích 3h15p, người luyện tập nghiệp dư trung bình mất khoảng 1,5 năm rèn luyện liên tục nhưng chàng kĩ sư với 2 chân không đều chỉ mất chưa đầy 6 tháng. Những nỗ lực của anh Sơn đã được đền đáp xứng đáng bằng những thành tích khiến rất nhiều đồng đội khâm phục.
Đích đến không phải là điểm kết của hành trình
Với chàng kĩ sư của VTX, đích đến không phải là điểm kết của hành trình, chạy bộ là hành trình cải thiện sức khỏe, cải thiện bản thân. Song hành cùng những bước chạy là một thói quen ăn uống, sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Sự kiên trì, bền bỉ trên đường chạy được Trưởng phòng Sơn áp dụng vào công việc và cuộc sống. Từ những bài học từ việc chạy bộ, những công việc ở VTX đã không còn làm anh gặp nhiều stress như trước, hiệu suất công việc cũng được nâng cao.
Anh Sơn chia sẻ về bài học anh rút ra được từ chạy bộ: “Không nên nhìn vào quãng đường dài mà hoảng sợ. hãy cứ chia nhỏ quãng đường và bước từng bước. Thêm một bước là bạn sẽ khám phá thêm một phần sức mạnh tiềm tàng của bản thân. Nếu mình không bắt đầu thì mình sẽ luôn nghĩ mình không thể.”