Chuyển đổi số đô thị: Liên tục nâng cấp để dẫn đầu

Hoàng Kỳ đã đăng lúc 15:29 - 14.02.2024

5 năm ra mắt, Trung tâm điều hành thông minh do TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) phát triển đã có mặt tại 35 tỉnh và không ngừng cải tiến để giữ vai trò chủ lực chuyển đổi số đô thị.

Trong 4 bảng xếp hạng chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin (Việt Nam ICT Index) gần đây nhất, Thừa Thiên – Huế liên tục chiếm top 5. Trước đó, thành phố này nằm ở vị trí thứ 15. Bước nhảy vọt ở Thái Nguyên còn rõ rệt hơn, năm 2020 địa phương này xếp đứng thứ 44/63 trên bảng xếp hạng và vươn lên vị trí thứ 12 chỉ một năm sau. Điểm chung giữa 2 thành phố ở thời điểm “vượt hạng” là cùng bắt đầu sử dụng trung tâm điều hành thông minh (IOC) do VTS phát triển.

Đến nay, hệ thống IOC của VTS được 35 địa phương lựa chọn triển khai ở cấp tỉnh và cấp thành phố/huyện. Không dừng lại ở số lượng, sau 5 năm, khi các IOC đã đạt độ phủ cao thì mục tiêu các kỹ sư VTS đang đặt ra là tạo ra giải pháp chuyển đổi số đô thị “thông minh” hơn, tích hợp dữ liệu lớn và AI, để đem lại giá trị cao hơn nữa.

VTS Anh 3

Bài toán mới 

IOC ra đời từ nhu cầu của các chính quyền, cần một trung tâm điều khiển tập hợp các dữ liệu của thành phố để có thể ra quyết định một cách kịp thời và dựa trên dữ liệu. IOC tiêu chuẩn của VTS bao gồm 14 phân hệ ở các lĩnh vực từ dịch vụ công, thủ tục hành chính, các chỉ số kinh tế - xã hội, đến thông tin môi trường, quy hoạch đô thị, xử lý nước thải hay an toàn trật tự, thông tin y tế… 

2023, khi các trung tâm đã tương đối phổ biến thì bài toán tiếp theo đặt ra là tích hợp vào nền tảng này các công nghệ mới như phân tích dữ liệu thời gian thực, thị giác máy tính để tạo ra các tính năng tự động điều tiết, tự động cảnh báo về giao thông đô thị, trật tự, môi trường.

“Mục tiêu của VTS là dựa trên IOC tạo ra các giải pháp, ứng dụng dựa trên dữ liệu toàn diện hơn, đem lại cho địa phương khả năng vận hành hiệu quả hơn ở các lĩnh vực quan trọng”, anh Nguyễn Ngọc Khoa – Phó Giám đốc Trung tâm Đô thị thông minh cho biết. 

Số hoá và tự động hoá các hoạt động quan trọng của một đô thị như cảnh báo thiên tai, môi trường, điều tiết tài nguyên… đang được VTS đặc biệt chú trọng. Có độ phủ về IOC, VTS tiếp tục ký kết thỏa thuận hợp tác với 53 địa phương về các ứng dụng số hoá và tự động hoá một số hoạt động, như trung tâm quản trị thực thi tại TP. HCM hay cảng điện tử tại Hải Phòng. Riêng trong năm 2023 con số này là 22 địa phương, trong đó có các thành phố trực thuộc Trung ương và các thành phố du lịch lớn. Các ứng dụng này không nhất thiết đòi hỏi tỉnh/thành phố đã có IOC của Viettel.

VTS anh 2

Khó khăn lớn nhất trong việc tạo ra các IOC không phải là kỹ thuật công nghệ, mà làm thế nào để các ngành khác nhau trong một địa phương chia sẻ, liên thông dữ liệu của mình. “Đây không phải việc dễ dàng và cũng không phải đặc thù của Việt Nam, đặc biệt với các cơ quan y tế, an ninh, họ sẽ lo ngại về việc lọt lộ dữ liệu nhạy cảm, sẽ phải chứng minh rất nhiều về tính an toàn của hệ thống”, anh Khoa cho biết. 

Một điểm hấp dẫn mà VTS đem lại cho khách hàng là khả năng “thông minh hoá” thành phố theo những cách khác nhau tuỳ theo nhu cầu. Có những thành phố đòi hỏi hệ thống ứng dụng phục vụ người dùng cuối như tra cứu địa điểm, cảnh báo tự động; có những thành phố yêu cầu theo dõi các chỉ số kinh tế - xã hội theo thời gian thực. Mỗi IOC sẽ được các kỹ sư thiết kế với số phân hệ tuỳ theo nhu cầu và khả năng chi trả của địa phương, cũng như điều kiện dữ liệu thực tế.

“IOC giống như một hạt nhân, từ đó có thể tích hợp công nghệ để phát triển ra các ứng dụng khác nhau tuỳ nhu cầu khách hàng để tạo thành một hệ sinh thái thành phố thông minh”, anh Dương Công Đức, Giám đốc Trung tâm đô thị thông minh thuộc VTS, cho biết.

“Một hệ thống đang hoạt động rất hiệu quả của TP. HCM là hệ thống quản trị thực thi, cập nhật các chỉ số kinh tế - xã hội theo thời gian thực, cũng là một biến thể của IOC”, anh Khoa giải thích. Tương tự, trong giai đoạn Covid-19 bùng phát, IOC cũng được sử dụng để tổng hợp thông tin tiêm chủng, bản đồ ca nhiễm ở một số tỉnh thành. 

Thế hệ IOC tiếp theo

Nếu như IOC tại Huế cách đây 5 năm là sản phẩm khai phá thị trường, thì IOC ra mắt tháng 8 vừa qua tại Đà Nẵng là trung tâm lớn và nhiều phân hệ bậc nhất ở Việt Nam. Vừa qua, Đà Nẵng liên tục gặp mưa vào giờ cao điểm dẫn đến ngập cục bộ, cản trở giao thông. Mở ứng dụng Dannang Smart City trước khi ra đường để xác định tuyến đường trở thành thói quen của nhiều người dân. Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Lê Trung Chinh cho biết, thông qua các dữ liệu từ nhiều nguồn khác nhau được tập hợp tại IOC, thành phố dễ phát hiện và cảnh báo sớm đến người dân và cơ quan chức năng các vấn đề, sự kiện bất thường của đô thị như tình huống khẩn cấp, thiên tai, dịch bệnh…

Trung tâm IOC cho biết trong thời gian tới sẽ tiếp tục tư vấn, nâng cấp các hệ thống IOC để tích hợp các tính năng tự động, tạo thành hệ sinh thái thành phố thông minh, ví dụ như AI nhận diện lưu lượng giao thông để tự động điều chỉnh đèn tín hiệu phù hợp hơn với từng khung giờ, mật độ xe cộ trên từng tuyến đường. Hệ thống xử lý tại IOC còn có thể tự động theo dõi camera để thống kê lượng xe đi qua nút giao thông, những xe vượt đèn đỏ, lấn làn…  

Giải thích kỹ hơn, chuyên gia cho biết các giải pháp điều tiết hoặc cảnh báo tự động hoá đều có thể được thiết kế bằng cách truyền dẫn từ cảm biến tại hiện trường về một đơn vị riêng lẻ tại cơ quan chuyên trách, sau đó xử lý và đưa ra kết quả. 

“Nhưng giá trị của IOC là đầu mối đem lại bức tranh tổng thể của đô thị cho lãnh đạo địa phương”, anh Khoa lưu ý. 

Ví dụ, ngập lụt không phải việc riêng của quản lý và quy hoạch đô thị, mà còn cần phải cảnh báo cho lực lượng giao thông, cứu hộ và cả người dân. Nếu thiết kế mọi khía cạnh của đô thị thành ứng dụng riêng lẻ thì sẽ rất manh mún, khó chia sẻ giữa các bên. Tương tự, dữ liệu giao thông không chỉ có ý nghĩa điều tiết hay xử lý vi phạm ngay lập tức, mà còn giúp ích cho các quyết định quy hoạch đô thị, đường xá.

Anh Đức cho biết “Khi đã hoàn thiện các yếu tố cơ bản của công cụ, bây giờ chúng tôi hướng đến thiết kế IOC trở thành cốt lõi để phát triển các hệ sinh thái số cho các địa phương”.

Thành tựu 5 năm chuyển đổi số của VTS:

- Hỗ trợ thực hiện thúc đẩy chuyển đổi số: 20 cơ quan, đơn vị Bộ Quốc phòng.

- Triển khai Trung tâm điều hành thông minh (IOC): 35 tỉnh thành; Trung tâm giám sát an toàn thông tin (SOC): hơn 30 tỉnh thành.

- Kiến tạo nền tảng cho các Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch, cơ sở dữ liệu Quốc gia về đất đai, Cơ chế một cửa Quốc gia phục vụ 13 bộ ngành; Hệ thống đăng ký và quản lý hộ tịch trên toàn quốc; Hệ thống CSDL Quốc gia về đất đai; Trung tâm giám sát và điều hành Toà án nhân dân tối cao; Phát triển Đô thị thông minh gắn liền với Chính quyền số…

- Cung cấp giải pháp chuyển đổi số: Top 500 doanh nghiệp lớn tại Việt Nam; ký kết 37 hợp đồng cung cấp dịch vụ số cho 19 Tập đoàn, Tổng Công ty.

- Chuyển đổi số ngành Y tế: Hệ sinh thái y tế số kết nối gần 1.500 cơ sở y tế, 14.000 cơ sở tiêm chủng, 38.000 cơ sở cung ứng thuốc, 250 bệnh viện, 30 triệu hồ sơ sức khỏe, 3.500 xã.

- Chuyển đổi số ngành Giáo dục: Giải pháp SMAS, Viettel Study, K12Online phục vụ 4 triệu học sinh.

  • 1933
  • 1

'Làm việc khó nhất tạo ra giá trị cao nhất'

  • 1181

'Ở đâu có Viettel, ở đó cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn'

  • 2505

'Con người là mục tiêu chiến lược của Viettel'

  • 1481

'Khát khao của người Viettel chưa bao giờ dừng lại'

  • 1803
  • 1

'Viettel phải tốt hơn, nhanh hơn, hiệu quả hơn, an toàn hơn'

  • 3131
  • 2

Bí quyết vượt chỉ tiêu từ ‘chiến binh điểm bán’ của Viettel Ninh Bình

  • 149

Người giữ ‘lửa’ và số điểm tuyệt đối tại Công trình Viettel Sóc Trăng

  • 842
  • 2

Người Viettel dùng mồ hôi tự làm mát ở nơi nóng nhất cả nước

  • 918
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua