Công xưởng đặc biệt dưới gốc xoài

Tuấn Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 11:53 - 13.06.2023

Những ngày đầu tháng 6/2023, một góc làm việc mới xuất hiện tại tòa nhà Viettel Nghệ An. Nơi đây, dưới bóng mát của 4 cây xoài, tiếng nguyên vật liệu va đập vào nhau, tiếng máy nổ “cành cạch” và tiếng trao đổi, thảo luận vang lên không ngớt cả đêm ngày.

Không gian trên là khu vực sửa chữa máy phát điện, mới được bố trí tại tòa nhà Viettel Nghệ An từ ngày 1/6. Đây là thời điểm toàn tỉnh bắt đầu trải qua đợt cắt điện luân phiên khi nhu cầu sử dụng của người dân tăng cao. Vì mất điện diện rộng, những chiếc máy phát là nguồn năng lượng chính của các trạm BTS, giữ cho “mạch máu” thông tin thông suốt, khách hàng không bị gián đoạn dịch vụ.

upcms-may-phat1

“Công xưởng” sửa chữa máy phát

Theo Chi nhánh kỹ thuật Nghệ An, chưa năm nào xứ Nghệ trải qua quãng thời gian mất điện kéo dài và bất ngờ như năm nay. Với tình trạng cắt điện và số trạm mất điện nhiều như vậy, chi nhánh phải xin viện trợ thêm 15 máy phát từ Hà Tĩnh vào Nghệ An, cùng 11 xe chuyên để chở máy phát cũng tới Nghệ An để liên tục đưa máy phát tới trạm.

Tuy nhiên những ngày qua, loạt máy phát điện đều đang hoạt động quá công suất. Mỗi ngày, chi nhánh kỹ thuật nhận hàng chục chiếc máy phát bị hỏng được chở từ huyện về nhờ sửa chữa.

Anh Hoàng, nhân viên kỹ thuật được điều động từ Hà Tĩnh, trong nhóm 6 đồng chí phụ trách sửa máy phát điện chia sẻ: “Chúng tôi không thể nhớ số lượng máy hỏng mỗi ngày là bao nhiêu vì cứ sửa xong máy này, chuyển lên huyện, là lại có máy khác tới. Mình chỉ biết máy phát hỏng ra/vào liên tục, ngày cao điểm, số máy phát hỏng xếp kín khoảng sân này”. Tự nhẩm lại, anh Hoàng ước lượng ngày cao điểm nắng nóng nhất có thể lên tới 50 máy dưới gốc 4 cây xoài này.

upcms-may-phat-2

“Những ngày qua, lượng máy “gục” rất nhiều. Máy cũng như con người, hoạt động liên tục còn phải kiệt sức. Hơn nữa, máy phát vốn phải hoạt động trong điều kiện mát thì nay lại chạy dưới nhiệt độ cao. Nhiều khi xăng trong máy còn sôi sùng sục như nước lã đun sôi”, anh Hoàng bày tỏ.

Cũng theo anh kỹ thuật được điều động để hỗ trợ Nghệ An, anh em FT trên tuyến đã được trang bị cơ bản kỹ năng sửa máy phát nên loạt máy được chuyển về đây là những lỗi không thể sửa chữa ngay, cần vật tư đặc thù và rất nhiều thời gian nghiên cứu, tìm hiểu. Có những chiếc hỏng nhẹ, anh Hoàng chỉ mất hơn 1 giờ đồng hồ để khắc phục như hỏng chế, nhưng có những trường hợp máy hỏng nặng như đứt cuộn, gãy tay biên, hai ba anh em phải mổ phanh ra và sửa chữa hết cả buổi.

Cứ như vậy, từ ngày 1/6 tới nay, 6 anh em bao  gồm 4 nhân sự kỹ thuật và 2 đồng chí đối tác sửa máy, kết hợp với hàng chục máy phát chờ “chữa bệnh” tạo nên công xưởng thu nhỏ dưới gốc 4 cây xoài. Anh Bảo, nhân viên kỹ thuật Chi nhánh Nghệ An vừa cười, vừa thổ lộ rằng nếu không có bóng mát của những cây xoài ấy thì “không khéo có thằng đi truyền nước”.

Với những anh em kỹ thuật sửa máy phát, thách thức lớn nhất không phải là những lỗi hỏng nằm trong máy mà chính là cái nóng như lửa “thiêu đốt” Nghệ An suốt những ngày qua. Nổi tiếng là địa phương nóng nhất cả nước, có huyện tại Nghệ An thậm chí ghi nhận nhiệt độ tới hơn 44 độ C. Thành phố Vinh không nắng “cháy da cháy thịt” như vậy, nhưng cũng ghi nhận mức nhiệt cao điểm hơn 40 độ C – là thách thức với bất kỳ ai phải làm việc ngoài trời và làm bất kể thời gian như nhóm anh Hoàng, anh Bảo. 

upcms-may-phat-3

Máy gục, người không được gục

Và dù nắng nóng, vất vả như vậy, nhưng anh Hoàng, anh Bảo luôn tâm niệm rằng “máy gục nhưng người không được gục”. Người lính kỹ thuật bảo nhau phải luôn luôn cố gắng vì chỉ cần vài giây phút tự cho mình ngơi nghỉ, tự cho mình sự thảnh thơi là bao nhiêu vất vả dồn lên anh em FT tuyến huyện, là những trạm BTS mòn mỏi chờ nguồn điện nhưng không thấy đâu.

“Anh em tuyến huyện gọi ời ời. Mình mà nghỉ, anh em lấy đâu ra máy để đưa lên trạm”, anh Hoàng thổ lộ. Và không chỉ tiếng gọi của anh em. Và mỗi ngày, cả chục xe từ huyện ra vào “gốc cây xoài” liên tục, từ xe tải, xe bán tải, xe thùng, xe nâng để chờ anh em sửa xong máy nổ để chở đi các trạm – như một sự thúc giục anh Hoàng phải nhanh lên, khẩn trương lên vì có nhiều trạm đang chờ điện, bà con đang cần sóng.

upcms-may-phat-4

Song với những anh lính kỹ thuật sửa chữa máy phát, nhanh phải đi kèm với cẩn thận. Mỗi chiếc máy phát sửa xong phải là phiên bản tốt nhất trao cho anh em FT, nếu không nó sẽ trở thành gánh nặng. Số lượng máy nhiều, lại phải sửa chữa cẩn thận nên phương châm của anh em là "tranh thủ": tranh thủ giờ ăn để sửa chế, tranh thủ giờ ngủ để chữa cuộn dây, tranh thủ lúc vệ sinh cá nhân để kiểm tra bo mạch... Giai đoạn cắt điện cao điểm, nhóm 6 anh em phải thức gần như cả đêm và ăn 2 bữa một ngày, liên tục trong 3 ngày liên tiếp.

Và bạn cũng đừng ngạc nhiên nếu thấy anh Hoàng, anh Bảo cùng anh em làm việc với trang phục… quần đùi, áo cộc. Hỏi ra mới biết những bộ đồng phục người lính công trình đã ướt nhẹp mồ hôi từ khi nào. Cứ mặc vào là ướt, mặc vào là đẫm mồ hôi. Cứ mặc được một buổi là phải phơi cho khô.

Khi được hỏi sao không giặt áo cho sạch sẽ để mặc, anh em kỹ thuật kể rằng đã mấy ngày rồi chưa tắm. Bởi vì thời gian ăn, ngủ còn chưa có thì tắm chỉ là thứ yếu thôi. Những đôi tay dầu mỡ của anh em cứ "dầu mỡ" như thế được nhiều ngày rồi.

Những ngày tới, Nghệ An sẽ còn nắng nóng và vẫn sẽ xảy ra cắt điện. Những chiếc máy phát điện sẽ tiếp tục phải hoạt động hết công suất và anh Hoàng, anh Bảo cũng sẽ chưa thể nghỉ ngơi...

upcms-may-phat-5
upcms-may-phat-6
upcms-may-phat-7
upcms-may-phat-8
up-cms-may-phat-9

Ảnh: Tuấn Minh.

  • 3720
  • 26
  • 7

VTFR: Người Viettel tại 'chảo lửa' Nghệ An

  • 2107

Movitel: Những bước chân không mỏi từ Zero thành Hero

  • 53

Ký ức những người cùng Viettel ‘nếm mùi' khủng hoảng lần đầu tiên

  • 174

Người Viettel kể chuyện băng sông cá sấu ứng cứu thông tin

  • 536
  • 1

Lumitel: Thấu hiểu - Hành động và phục vụ khách hàng bằng cả trái tim

  • 116
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua