Hoàng Nam (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 07:45 - 01.04.2024
“Tôi vẫn nhớ cây cột này được dựng lên từ khi tôi còn bé, cũng hơn 10 năm rồi. Nhờ có điện thoại mà cuộc sống bây giờ dễ dàng hơn nhiều, mọi người đều dùng điện thoại để bán nông sản, mua đồ dùng cần thiết hay giải trí buổi tối”, chị Reong Mao, người dân tại thôn Bakneom (huyện Samraong, tỉnh Oddar Meanchey), nói về trạm thu phát sóng duy nhất trong khu vực do Metfone dựng lên vào khoảng 2010.
Bakneom là một thôn nông nghiệp cách trung tâm Oddar Meanchey, tỉnh biên giới Campuchia – Thái Lan, chỉ khoảng một giờ đi xe. Dù vậy, nơi này chưa được kết nối lưới điện quốc gia hay mạng lưới cấp nước. Nguyên nhân là tỉnh có mật độ dân cư thưa thớt, khoảng 300.000 cư dân trên diện tích hơn 6.000 km2, khiến cho các ngành kinh doanh hạ tầng gần như không thể có lãi.
“Trạm ở Bakneom từ trước đến nay đều chạy máy nổ, đến bây giờ mới chuẩn bị có điện lưới, trong khi số người dùng không lớn. Ngoài Metfone cũng không có nhà mạng nào nghĩ đến việc phủ sóng ở khu vực này hay những vùng hẻo lánh trong tỉnh”, anh Nguyễn Huy Hoà, Giám đốc chi nhánh Oddar Meanchey của Metfone, cho biết.
“Campuchia là đất nước có diện tích rộng, dân số thưa thớt với mật độ dân số thấp, khiến lĩnh vực viễn thông gặp khó khăn về phát triển hạ tầng”, Tổng Giám đốc Metfone Cao Mạnh Đức trả lời Viettel Family. “Nhưng chúng tôi luôn nghĩ rằng khi người dân Campuchia đã cần thì mình càng phải nỗ lực hơn. Metfone luôn tiên phong hiện diện tại những vùng sâu vùng xa, những nơi mà đối thủ ngại ngần không đặt chân đến”.
Đến nay khoảng 3% cư dân Oddar Meanchey tiếp cận được điện lưới. Trong khi đó, Metfone phủ sóng đến 98% dân số Campuchia. “Đây là cách làm khác biệt của Viettel ở trong nước cũng như ở các thị trường để phục vụ người dân”, anh Hoà nói thêm.
Cách Bakneom khoảng 600 km, ở một phía khác của đất nước, tại đảo Koh Thansour (tỉnh Sihanouk) là bức tranh tương tự. “Trước đây, tôi phải tự đi thuyền vào bờ khi cần mua nhu yếu phẩm cho gia đình hoặc mua vật tư xây dựng, mất nhiều thời gian. Từ khi có sóng điện thoại, tôi chỉ cần gọi điện”, anh Roth Vuthy, một trong số ít hộ dân tại hòn đảo này, cho biết.
Anh Vuthy làm công việc trông coi đất đai và làm nông nghiệp trên đảo. Vật tư xây dựng, phân bón và gần như mọi đồ dùng đều phải được vận chuyển vào đảo từ Sihanouk, cách đảo hơn một giờ đi thuyền. “Không có điện thoại, tôi chỉ có cách vào đất liền để đặt hàng. Phụ thuộc vào lịch thuyền, việc đi lại cũng có thể mất cả ngày”, ông nói, cho biết thêm rằng ông và vợ mới có 2 con nhỏ, do đó việc có thể dễ dàng liên lạc với bên ngoài cũng giúp gia đình ông yên tâm hơn khi gặp các vấn đề về sức khoẻ.
Trên trạm phát sóng cách nhà ông Vuthy khoảng 2 km về phía trung tâm đảo vẫn còn một phòng vốn được thiết kế để đặt máy phát điện, mới bỏ trống cách đây vài năm khi khu vực này bắt đầu có điện lưới. Trước đó, đội ngũ Metfone phải định kỳ có mặt tại đảo, “xách tay” nhiên liệu qua đường mòn trong rừng đến một trạm BTS phục vụ khoảng 100 người dùng thường xuyên trong khu vực.
Tương tự như Bakneom, không nhà mạng nào khác dựng trạm để kinh doanh tại hòn đảo này khi số lượng người dùng quá thưa thớt, trong khi vận hành khó khăn. Đối với Metfone, đây mới chỉ là một trong số hàng chục trạm phục vụ người dân Campuchia trong khu vực vịnh Thái Lan, và cũng không phải là trạm có vị trí khó tiếp cận nhất.
Khi phóng viên Viettel Family có mặt tại Bakneom, ông Pres Phorn, trưởng thôn, cho biết đã quen với việc đội ngũ Metfone thường xuyên có mặt tại đây để bảo trì trạm. Ông cho biết cả cuộc sống và việc kinh doanh của các hộ gia đình ở đây đều dễ dàng hơn kể từ khi có “097” – đầu số đầu tiên nhiều khi được gọi thay cho tên Metfone. “Nông sản của chúng tôi dễ bán ra bên ngoài hơn, tránh bị hỏng lưu trữ lâu ngày. Liên lạc với gia đình, họ hàng cũng thường xuyên hơn rất nhiều”, ông Phorn nói.
“Kể từ ngày có đường nhựa vào gần thôn hơn, việc vận chuyển nhiên liệu vào trạm thuận tiện hơn nhiều. Trước đây, nhất là vào mùa mưa, đường sình lầy thậm chí trơn trượt đến mức nguy hiểm nhưng chúng tôi vẫn phải tìm mọi cách đưa được nhiên liệu vào để duy trì trạm, kể cả phải xách tay đi nhiều cây số”, anh Hoà kể lại.
Với tinh thần sẵn sàng phục vụ khách hàng ở những nơi khó khăn nhất, Metfone hiện có 5.200 vị trí phát sóng 4G, là nhà mạng có nhiều trạm BTS nhất ở Campuchia. Ở bất kỳ bản làng nào trên đất nước, người dân cũng có thể tiếp cận các điểm bán của Metfone.
Nếu như ở Koh Thansour, cư dân vẫn có thuyền hàng ngày để vào đất liền thì tại thôn này, thuộc tỉnh rìa ngoài cùng của đất nước và không có các điểm du lịch, gần như không có các tuyến xe đi qua. Đội ngũ Metfone, cùng với những chuyến xe chở nước sinh hoạt, là những “vị khách” thường xuyên nhất của thôn.
“Từ những việc như vậy, Metfone đã gây dựng được niềm tin yêu với người dân Campuchia suốt 15 năm qua. Đó là thành quả lớn nhất của doanh nghiệp mà những con số không thể miêu tả hết. Với tinh thần ‘cho đi trước, nhận lại sau’, chúng tôi trở thành nhà mạng ngày càng được yêu mến tại xứ chùa tháp và trở thành một hình mẫu, cầu nối cho tình hữu nghị, đoàn kết giữa hai quốc gia, dân tộc”, Tổng Giám đốc Metfone cho biết.
“Điều ấn tượng nhất với tôi là Metfone hoạt động không chỉ vì lợi nhuận. Công ty mở rộng phạm vi phủ sóng đến các khu vực xa xôi dù biết làm như vậy sẽ không thu được lợi nhuận gì. Khi Campuchia cần sự giúp đỡ trong việc mở rộng phạm vi phủ sóng, Metfone luôn đáp ứng.
Chúng tôi tin tưởng rằng với Metfone, Campuchia sẽ được phủ sóng ngay cả trên núi cao, hải đảo”, ông với Samdech Pichey Sena Tea Banh, cựu Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia tại thời điểm Viettel bắt đầu đầu tư cho đến năm 2023, trả lời phỏng vấn Viettel Family.
“Các công ty khác trong lĩnh vực viễn thông cũng phải ghi nhận Metfone về điều này. Công ty chia sẻ mọi khó khăn của khách hàng và đó là một trong những điều tốt đẹp của Viettel Group và khoản đầu tư mà họ dành cho Campuchia”, ông nói thêm.