Hà Phương (TCT Mạng lưới Viettel) đã đăng lúc 11:16 - 13.01.2023
“Đó là bước ngoặt mới mẻ, khác hẳn những gì tôi làm ở Vietel trong 12 năm qua”, anh nói.
Trăn trở về tự động hóa
Thời điểm trước đây, Tổng trạm Hòa Khánh, TT Kỹ thuật KV2 (VTNet) - nơi Thế Anh làm việc có trên 60 thiết bị cấp nguồn và phụ trợ nhưng mỗi ca trực lại chỉ 2 nhân viên.
Vì số lượng nhân sự ít ỏi, việc trực vận hành, khai thác, bảo dưỡng và xử lý sự cố cũng trở nên khó khăn và mất khá nhiều thời gian hơn. Cứ 6 tiếng, các nhân sự lại phải lấy dữ liệu 1 lần, mỗi lần mất đến 30 phút, bất kể ngày hay đêm. Họ phải hoàn thành khối lượng công việc lớn khi vừa quan sát đồ thị, vừa phân tích rủi ro.
Trước giờ, các trạm vẫn sử dụng công cụ, phần mềm hỗ trợ nhưng đa số có thời gian phân tích dữ liệu khá chậm, chưa phù hợp với công việc. Tuy nhiên, xử lý, điều chỉnh phần mềm công nghệ thông tin sao cho phù hợp với yêu cầu chuyên môn lại là điều “không tưởng” với những người làm kỹ thuật.
Anh cho rằng việc phân tích dữ liệu trong thời gian ngắn cực kỳ quan trọng đối với người vận hành khai thác. “Theo quy định thời gian chuyển mạch yêu cầu tối đa của hệ thống dự phòng khẩn cấp, thời gian chạy máy nổ hay chuyển điện lưới diễn ra ngắn, dưới 110 giây, chúng tôi phải phân tích thông số chính xác trong thời gian đó để đánh giá, nhìn nhận sớm và đưa ra phương án tốt nhất khi cung cấp dịch vụ đến khách hàng”.
Hơn ai hết, anh hiểu được khó khăn của những người làm vận hành tại trạm. Anh bắt đầu tìm hiểu về ngôn ngữ lập trình từ năm 2020, ấp ủ viết ra một phần mềm đọc, phân tích dữ liệu chính xác, nhanh và nhẹ, giúp giản đơn bớt công việc nhưng vẫn đảm bảo năng suất, hiệu quả.
Cho đến khi đợt dịch Covid-19 bùng phát trở lại, anh mới có thời gian bắt tay vào việc nghiên cứu sâu và viết những dòng code đầu tiên.
“Mùa dịch, anh em được chia ca trực dài 7-14 ngày. Chúng tôi sinh hoạt, làm việc ngay tại trạm. Xa gia đình cộng với nhiều thời gian rảnh, tôi ngồi lại viết code, làm phần mềm”, anh nói về những ngày đầu tiên.
Bắt đầu với con số 0
Thế Anh lần đầu tiếp xúc với ngôn ngữ lập trình, công nghệ thông tin khi có cơ hội tham gia vào dự án xây dựng phần mềm iEMS trên nền tảng Java. “Khi đó, tôi không phải là người viết code mà phụ trách phần mô tả thiết bị, yêu cầu. Sẵn dịp, thấy thú vị, tôi tìm hiểu thêm về lập trình để nâng cao kiến thức, xây dựng cách tiếp cận vấn đề mới ứng dụng trong công việc sau này”.
Tuy nhiên, Thế Anh vấp phải khó khăn khi vừa bước chân sang lĩnh vực mới. Theo anh, làm việc trong ngành tự động hóa, anh cũng tiếp xúc với nhiều ngôn ngữ nhưng chủ yếu là lập trình logic, trực quan, hình ảnh, giản đồ... Điều này khác hoàn toàn với Java, JavaScript hay Python… trong lập trình.
“Sau khi học xong Java, tôi chỉ thấy code phức tạp quá”, anh kể. Tuy nhiên, Thế Anh không chọn cách từ bỏ, anh dành khoảng thời gian ít ỏi sau giờ làm việc để học thêm, tìm kiếm một loại ngôn ngữ, giao thức phù hợp với mình.
Có ngày, anh ngồi nghiên cứu, viết rồi sửa phần mềm tâm huyết đến 1-2 giờ sáng. Vì “ngoại đạo” nên tất cả kiến thức hay thực hành anh đều phải tìm tòi, học hỏi từ đầu, cứ làm, sai thì sửa hoặc tìm hướng đi mới.
“Tôi đã thử 3-4 ngôn ngữ trước khi quyết định chọn Node-red trên nền NodeJS”, anh bộc bạch.
Phần mềm được anh Thế Anh viết trên nền tảng Low-Code và Opensource, để những anh em dù chưa có dịp tiếp cận với công nghệ thông tin đều dễ dàng nắm bắt, sửa đổi và cập nhật tính năng sao cho phù hợp với yêu cầu công việc.
Không nghĩ tới giải thưởng lớn lao
Khi phần mềm được phép thử nghiệm và sử dụng, công việc của anh em tại Tổng trạm Hòa Khánh nhẹ bớt phần nào. Thay vì ghi chép thông số dữ liệu, đánh giá, đo đạc thủ công như trước đây, nhân viên vận hành có thể quan sát dữ liệu một cách trực quan thông qua đồ thị, thậm chí có thể thống kế theo bất kỳ thời gian nào do mình đặt ra. Công cụ đã giúp giải tỏa toàn bộ sức lao động. Bên cạnh đó, ngoài việc giám sát tự động các thông số thì các "triệu chứng bất thường" đều được hệ thống tự động ghi lại, cảnh báo, nhờ đó dễ dàng phát hiện bất thường trong ca trực.
Từ một công cụ đắc lực hỗ trợ tổng trạm Hòa Khánh, tính đến nay, dự án đã được hoàn thiện, phần mềm đã được ứng dụng rộng rãi ở các tổng trạm khác trên khắp đất nước. Trong năm 2022, trên nền tảng được sáng tạo, các phần mềm giám sát từng bình ắc quy đã được dựng thêm. Trước đây, để phục vụ công việc này, cứ 6 tháng 1 lần, anh em lại phải kiểm tra, đo đạc từng bình ắc quy tốn khoảng 6 ngày công. Giờ anh em chỉ việc lấy trên máy tính và giám sát online các thông số, giúp tiết kiệm 7,2 tỷ đồng chi phí mua phần mềm. Không dừng lại ở đó, các tính năng khác vẫn tiếp tục được nghiên cứu và cập nhật.
Trả lời câu hỏi liệu có đang tự tạo “gánh nặng” cho mình khi đảm nhận phần công việc không thuộc chuyên môn hay sự phân công, Thế Anh nói: “Tôi nhận thấy cuộc sống thời chuyển đổi số và số hóa liên tục thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến công việc của người vận hành. Nếu không bắt kịp thì dần dần, công việc của chính tôi sẽ bị suy giảm đi”.
Anh Thế Anh đưa ra ví dụ một số lĩnh vực đã chuyển đổi, thay thế sức người bằng máy móc và đó cũng là xu hướng trong tương lai. Anh hiểu rằng khoảng cách giữa người vận hành và công nghệ thông tin đang xích lại gần hơn. Con người bắt buộc cập nhật kiến thức mới, ứng dụng công nghệ thông tin vào công việc và cuộc sống.
Người đàn ông 35 tuổi cho biết phần mềm được anh viết ra xuất phát từ những trăn trở của mình chứ không đặt nặng các giải thưởng lớn lao. Anh cho rằng mình chỉ đơn giản xây dựng một mắt xích nhỏ giúp bản thân và đồng nghiệp tiếp cận công nghệ chuyển đổi số.
Điều anh mong muốn nhiều nhất là làm sao sử dụng kiến thức, kỹ năng của mình vừa phục vụ cho công việc vừa có thể tạo ra cộng đồng để anh em trong ngành cùng chia sẻ và bắt kịp sự thay đổi của công nghệ thông tin trong giai đoạn mới.
Niềm vui đến với Thế Anh khi ngày càng có nhiều người sử dụng phần mềm và để lại feedback xây dựng và cùng phát triển module mới trong tương lai.