Chủ tịch Tào Đức Thắng đề xuất cơ chế để thúc đẩy công nghệ chiến lược
- 16:17 - 15.07.2025
Để phát triển 9 nhóm công nghệ chiến lược, Chủ tịch Tập đoàn Tào Đức Thắng đã đề xuất với Bộ Khoa học và Công nghệ một số cơ chế, chính sách đặc biệt.
Ngày 14/7/2025, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2025 và triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm dưới sự chủ trì của Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng. Phát biểu trong chương trình, Chủ tịch - TGĐ Tào Đức Thắng đã nhấn mạnh mục tiêu, quyết tâm của Viettel trong việc nghiên cứu, làm chủ các công nghệ chiến lược và đề xuất 3 giải pháp trọng tâm để đẩy nhanh tiến trình đổi mới sáng tạo quốc gia.

9 nhóm công nghệ chiến lược
Theo Chủ tịch Tập đoàn, Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đã tạo động lực mạnh mẽ cho phát triển đất nước trong giai đoạn mới, lấy đột phá phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo làm nền tảng. Một trong những trọng tâm là tạo đột phá trong việc phát triển và làm chủ các công nghệ chiến lược, nhằm nâng cao năng lực công nghệ và năng lực cạnh tranh quốc gia, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, đồng thời đảm bảo quốc phòng, an ninh.
Trong tháng 6/2025 vừa qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành danh mục 11 nhóm công nghệ chiến lược tại Quyết định số 1311/QĐ-TTg. Đây là cơ sở quan trọng giúp các doanh nghiệp định hướng đầu tư, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ phù hợp với chiến lược phát triển quốc gia.
Với định hướng trở thành tập đoàn công nghệ toàn cầu, Chủ tịch Tào Đức Thắng khẳng định Viettel đã tập trung triển khai các chương trình nghiên cứu chiến lược, đầu tư bài bản cho nguồn nhân lực trình độ cao cũng như hạ tầng phục vụ nghiên cứu, sản xuất nhằm làm chủ các công nghệ chiến lược.
Đến nay, Viettel đã chủ động tham gia phát triển 9 trên tổng số 11 nhóm công nghệ chiến lược trong Quyết định của Thủ tướng.
(1) Trí tuệ nhân tạo, bản sao số, thực tế ảo, thực tế tăng cường: Viettel tập trung nghiên cứu và phát triển mô hình ngôn ngữ lớn tiếng Việt, trợ lý ảo, bản sao số cho các đô thị.
(2) Công nghệ điện toán đám mây, lượng tử, dữ liệu lớn: Viettel nghiên cứu và phát triển dịch vụ điện toán đám mây và xây dựng các trung tâm dữ liệu quy mô lớn. Viettel cũng đang nghiên cứu định hướng và lựa chọn các sản phẩm, dịch vụ trong lĩnh vực công nghệ lượng tử.
(3) Công nghệ Blockchain: Viettel đang nghiên cứu tính khả thi về công nghệ để sẵn sàng tham gia phát triển và thử nghiệm sàn giao dịch tài sản mã hóa và tiền kỹ thuật số của Ngân hàng Trung ương theo định hướng của Nhà nước.
(4) Công nghệ mạng di động thế hệ sau (5G/6G): Viettel đã và đang nghiên cứu đầy đủ các sản phẩm trong hệ sinh thái mạng 5G/5G-Advanced.
(5) Công nghệ robot và tự động hóa: Viettel đang nghiên cứu và phát triển robot hình người và robot tự hành, trong đó có những sản phẩm robot AGV đã được ứng dụng thành công trong chia chọn hàng hoá của TCT Bưu chính Viettel.
(6) Công nghệ chip bán dẫn: Viettel tập trung nghiên cứu thiết kế chip cho thiết bị thu phát sóng 5G-Advanced/6G, chip bảo mật, chip xử lý tại biên.
(7) Công nghệ năng lượng, vật liệu tiên tiến: Viettel đang bắt đầu nghiên cứu một số công nghệ gia công vật liệu tiên tiến, xử lý bề mặt tiên tiến cho lĩnh vực hàng không vũ trụ; phát triển hệ thống pin lưu trữ công suất lớn.
(8) An ninh mạng: Viettel đã và đang nghiên cứu phát triển các giải pháp đảm bảo an ninh cho các hạ tầng trọng yếu. Một số sản phẩm tiêu biểu đã được Viettel triển khai cho các cơ quan Nhà nước và doanh nghiệp lớn như Viettel SOC Platform, Viettel Anti-DDoS.
(9) Công nghệ hàng không, vũ trụ: Viettel đang nghiên cứu vệ tinh tầm thấp; nghiên cứu phát triển thiết bị bay không người lái phục vụ lưỡng dụng.
Lợi thế của làm chủ công nghệ
Chia sẻ về quá trình làm chủ công nghệ của Viettel, Chủ tịch - TGĐ Tào Đức Thắng cho biết, sau khi thành công trong việc phổ cập dịch vụ viễn thông di động tại Việt Nam và bắt đầu mở rộng đầu tư ra các thị trường quốc tế, ngay từ đầu những năm 2010, Viettel đã xây dựng chiến lược làm chủ các thiết bị hạ tầng mạng viễn thông - CNTT.
“Chiến lược này giúp Viettel vừa nhằm bảo đảm triển khai hạ tầng mạng lưới của mình, vừa hướng đến mục tiêu xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao sang các thị trường mà Viettel đầu tư. Đây là bước đi mang tính đột phá trong hơn 36 năm qua”, Chủ tịch Tập đoàn nói.
Việc làm chủ của Viettel hướng tới mục tiêu cung cấp thiết bị hạ tầng mạng tin cậy nhằm đảm bảo an toàn thôngtin, dữ liệu và bảo mật hệ thống - một trong những yếu tố sống còn trong kỷ nguyên số; đảm bảo tiến độ cung cấp thiết bị phục vụ triển khai mạng lưới, giảm sự phụ thuộc vào các nhà cung cấp bên ngoài, rút ngắn thời gian cung cấp dịch vụ đến khách hàng và chủ động ứng cứu thông tin khi xảy ra sự cố. Nhờ làm chủ hệ thống và công nghệ, Viettel có thể tiến tới thương mại hóa, xuất khẩu các sản phẩm công nghệ cao, góp phần nâng cao vị thế Việt Nam trong chuỗi giá trị công nghệ toàn cầu.
Nghị quyết số 57 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 71 của Chính phủ đã đặt mục tiêu đến năm 2030 “phủ sóng 5G đạt 99% dân số”.
Đối với hạ tầng viễn thông, theo Chủ tịch Tào Đức Thắng, mạng 5G với tốc độ vượt trội, độ trễ thấp và khả năng kết nối hàng triệu thiết bị đầu cuối sẽ là nền tảng quan trọng để thúc đẩy chuyển đổi số, đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các chiến lược quốc gia về phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Trên cơ sở kinh nghiệm làm chủ công nghệ 4G, tới nay, Viettel đã làm chủ hoàn toàn hệ sinh thái sản phẩm ở tất cả các lớp mạng 5G.
Hệ sinh thái sản phẩm 5G đã được Viettel làm chủ:
(1) Trạm thu phát sóng gNodeB theo chuẩn ORAN
(2) Thiết bị truyền dẫn IP
(3) Các hệ thống tổng đài và hệ thống tính cước thời gian thực OCS 4.0. Các sản phẩm này được phát triển theo định hướng mở (OpenRAN, Open Network API, ONAP…), mềm hóa (SDN), ảo hóa (NFV) trên kiến trúc Cloud Native, đồng thời tăng cường ứng dụng các công nghệ AI/ML trong phân tích và xử lý dữ liệu
Các sản phẩm do Viettel phát triển đã được triển khai với quy mô lớn trên mạng lưới của Viettel tại Việt Nam và các thị trường đầu tư, trong đó có những hệ thống trên mạng lưới sử dụng 100% sản phẩm do Viettel phát triển như hệ thống tính cước thời gian thực vOCS. Các thiết bị viễn thông 5G của Viettel cũng đã bước đầu hợp tác với các doanh nghiệp tại Ấn Độ, các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất.
Bên cạnh đó, việc làm chủ thiết bị mạng 5G còn góp phần phục vụ nhiệm vụ quốc phòng, thể hiện qua việc Bộ Quốc phòng đã giao Viettel triển khai mạng 5G dùng riêng cho lĩnh vực quân sự.
Trong thời gian tới, Viettel sẽ tiếp tục đầu tư mạnh mẽ phát triển công nghệ mạng 5G-Advanced/6G, đảm bảo song hành cùng thế giới. Theo lộ trình, đến năm 2027, Viettel sẽ thương mại hóa thiết bị 5G-Advanced, triển khai theo mô hình mở, ảo hóa và có nhiều tính năng ưu việt hơn so với 5G hiện tại như tăng gấp 2 lần tốc độ và vùng phủ dữ liệu; giảm độ trễ từ ~10 ms xuống ~1 ms; nâng độ chính xác định vị từ mức sai số hàng mét xuống mức hàng centimet; giảm tiêu thụ năng lượng 10 - 30%.
Trong giai đoạn năm 2028 - 2030, Tập đoàn đặt kế hoạch sản xuất, thử nghiệm thiết bị 6G trên mạng thực tế.
Đề xuất cơ chế, chính sách để thúc đẩy công nghệ chiến lược
Chương trình thu hút nhân tài:
Tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, Tổng Bí thư Tô Lâm - Trưởng Ban Chỉ đạo - đã kết luận về việc xây dựng chương trình thu hút 100 chuyên gia hàng đầu về nước. Chương trình này có ý nghĩa rất lớn, tạo nguồn lực để phát triển khoa học và công nghệ một cách đột phá, bền vững.
Như vậy, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã xác định phát triển các công nghệ chiến lược là nhiệm vụ lớn của quốc gia. Đây là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút các chuyên gia hàng đầu thế giới về làm việc tại Việt Nam.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa mục tiêu này, Chủ tịch Tập đoàn cho rằng cần có thêm những cơ chế, chính sách đồng bộ, hiệu quả. Do đó, Viettel đề xuất Nhà nước ban hành các cơ chế, chính sách nhằm thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao theo hướng: cho phép chuyên gia được sở hữu, đồng sở hữu các kết quả nghiên cứu, phát minh, sáng chế, ngoài ra được sở hữu hoặc có cổ phần tại các doanh nghiệp hình thành từ kết quả nghiên cứu… Nội dung này xuất phát từ việc Luật Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo quy định người trực tiếp tạo ra kết quả nhiệm vụ khoa học, công nghệ có quyền tác giả; tổ chức, cá nhân đóng góp tài chính có quyền sở hữu.
Viettel được tạp chí uy tín quốc tế đánh giá là một trong những doanh nghiệp có môi trường làm việc tốt nhất châu Á, là lợi thế để Viettel thu hút các nhân tài về làm việc. “Trong thời gian tới, Viettel sẽ đóng góp cụ thể bằng việc thu hút thêm 50 nhân tài về làm việc tại Tập đoàn”, Chủ tịch Tào Đức Thắng đặt mục tiêu.
Đầu tư cơ sở hạ tầng trọng điểm:
Viettel đề xuất Nhà nước áp dụng cơ chế: Nhà nước đầu tư, doanh nghiệp vận hành các phòng thí nghiệm, cơ sở đo lường, thử nghiệm trọng điểm để đánh giá các sản phẩm công nghệ chiến lược. Đây là cơ chế tương tự như cơ chế Viettel đang đề xuất trong Đề án xây dựng nhà máy chip bán dẫn để báo cáo Chính phủ nhằm phát triển hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn.
Cơ chế kết hợp “3 nhà” - Nhà nước, nhà trường, doanh nghiệp:
Doanh nghiệp triển khai công nghệ chiến lược là môi trường thực tiễn để đào tạo sinh viên tài năng. Trong 5 năm qua, Viettel đã thực hiện chương trình Viettel Digital Talent, mỗi năm tuyển chọn khoảng 500 sinh viên đến thực tập tại Viettel, trong đó nhiều sinh viên đạt giải thưởng cấp quốc gia và quốc tế.
“Để gắn kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp và nhà trường, đồng thời mở rộng kiến thức và tăng tính thực tiễn cho sinh viên, Viettel mong muốn có cơ chế công nhận quá trình sinh viên thực tập tại doanh nghiệp như một tín chỉ trong chương trình đào tạo”, Chủ tịch Tập đoàn đề xuất với lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ.
Tại Hội nghị, Chủ tịch Tào Đức Thắng khẳng định Viettel luôn nhận thức sâu sắc về trọng trách tiên phong trong việc nghiên cứu, làm chủ những công nghệ chiến lược, đồng thời nuôi dưỡng khát vọng đổi mới sáng tạo để đóng góp cho sự phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Với sự đồng hành của các bộ, ngành, doanh nghiệp và đội ngũ nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, Việt Nam sẽ tạo nên những đột phá quan trọng trong các lĩnh vực công nghệ chiến lược, qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và gia tăng vị thế trên trường quốc tế.