'Ánh mắt thầy và trò khiến chúng tôi nhớ mãi'

Ánh Hồng (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 08:36 - 23.01.2025

Với những người Viettel mang Internet đến cho học sinh nghèo, chứng kiến sự thay đổi của học sinh, thầy cô và nhà trường là điều khiến tất cả thấy tự hào, vất vả trở nên không đáng kể.

“Tôi vẫn nhớ lần đi công tác cùng các chuyên viên Cục Tin học, Bộ Giáo dục và Đào tạo. Chúng tôi xuống xem xét chất lượng Internet tại một trường cấp 2 ở Mường Nhé, Điện Biên vào năm 2009. Khi đó, đoàn chúng tôi đều là những nhân viên, chuyên viên bình thường thôi chứ không phải lãnh đạo cấp cao nhưng nhận được sự đón tiếp rất trang trọng. Thầy, cô và các em học sinh đứng đón chúng tôi từ ngoài sân. Qua ánh mắt mọi người, chúng tôi nhận thấy sự trân trọng, tình cảm thầy và trò dành cho mình”, anh Đào Trọng Trình, Giám đốc Trung tâm Kinh doanh viễn thông thuộc TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) nhớ lại.

Hành trình để những cú click chuột mở ra thế giới cho học sinh nghèo

Quá trình triển khai chương trình “Kết nối mạng giáo dục”, hay thường được biết đến với tên gọi Internet trường học đến từng điểm trường gồm nhiều bước. Đầu tiên, đội ngũ Viettel cần khảo sát và đánh giá hiện trạng về cơ sở hạ tầng, khoảng cách địa lý, địa hình, thiết bị hiện có, từ đó tính toán, lập báo cáo về các yếu tố ảnh hưởng đến lắp đặt.

Trên cơ sở đó, nhóm xác định giải pháp công nghệ phù hợp; ví dụ như kéo cáp quang cho nơi có hạ tầng hoặc sử dụng data cho nơi hẻo lánh, cáp quang chưa thể kéo đến. Sau khi lắp đặt xong và cấu hình thiết bị, bước tiếp theo là đào tạo và hướng dẫn giáo viên, nhân viên nhà trường cách sử dụng, cách kết nối mạng và khai thác tài nguyên trực tuyến. Cuối cùng là khâu kiểm tra chất lượng kỹ thuật trước khi đưa vào hoạt động.

Suốt 16 năm qua, Viettel thực hiện duy trì chất lượng mạng ổn định, tốc độ cao và liên tục mở rộng cho các cơ sở giáo dục mới. Từ đầu năm 2024, băng thông gói cước được tăng lên gấp đôi, giúp tốc độ truyền tải nhanh hơn.

Quay lại giữa thập niên 2000, Viettel mới đạt được những thành quả bước đầu trong lĩnh vực viễn thông, còn rất nhiều thứ cần làm để mở rộng kinh doanh, lợi nhuận. Tuy nhiên, lãnh đạo Viettel lại đặt ra mục tiêu phổ cập Internet cho 100% số trường học ở Việt Nam, mục tiêu mang lại cơ hội học tập bình đẳng cho mọi trẻ em Việt Nam, điều chưa từng doanh nghiệp nào dám thực hiện.

“Các lãnh đạo Viettel luôn điều hành rất sát. Thậm chí, một trong những tiêu chí đánh giá cán bộ khi ấy chính là tỷ lệ triển khai Internet trường học. Mọi người cùng nhìn về một hướng để thực hiện chương trình, quyết tâm giúp học sinh nghèo vùng sâu, vùng xa có cơ hội thu hẹp khoảng cách trong giáo dục với bạn bè nơi thành thị”, anh Trình kể lại.

Internet trường học 1
Internet trường học của Viettel ra đời từ năm 2008, đến nay vẫn duy trì chất lượng mạng ổn định cho hệ thống cơ sở giáo dục ở Việt Nam.

Thời điểm đó, hầu hết các trường học ở vùng sâu, vùng xa Việt Nam chưa có Internet và ngay cả tại các thành phố lớn, số trường kết nối mạng cũng rất hạn chế. Thầy cô chỉ có thể sử dụng tài liệu cũ, trong khi học sinh chỉ biết về thế giới qua lời giảng của giáo viên.

Anh Nguyễn Trung Hiệp, nhân sự của Trung tâm Giải pháp Giáo dục số ở VTS, cho hay chính hình ảnh các thầy cô vùng cao phải vượt hàng chục km đường rừng để gửi báo cáo qua mạng đã khiến anh gắn bó với dự án Internet trường học. Những điều đơn giản ở thành phố lại trở thành hành trình gian nan đối với những người “gieo chữ” nơi vùng cao.

“Chương trình chính thức khởi động năm 2008 và tổng kết năm 2010 nhưng quãng thời gian chúng tôi thực sự phủ Internet cho hầu hết toàn bộ trường học trên lãnh thổ Việt Nam chỉ trong khoảng hơn 1 năm. Lúc làm, chúng tôi chỉ biết nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ nhưng càng về sau này, chúng tôi lại càng thấy Internet trường học lại càng có giá trị to lớn đến thế nào, từ những hành động nhỏ nhất như giúp các giáo viên không cần lặn lội đường xa”, anh Hiệp chia sẻ.

Thành tựu vượt ngoài những con số

Trải qua hơn 20 năm công tác trong ngành Giáo dục, từ khi còn là giáo viên đứng lớp cho đến khi lên cấp quản lý, thầy Lê Văn Lực, Hiệu trưởng trường THPT Việt Yên số 2 (Bắc Giang) có thể quan sát rõ cách Internet đã thay đổi bộ mặt dạy và học ra sao.

Internet trường học 2
Từ ngày Internet về đến bản, không còn cảnh thầy cô phải vất vả đi cả quãng đường xa để hứng sóng, gửi văn bản về cho miền xuôi.

Để so sánh, thầy Lực cho hay ngoài việc luôn có sẵn một nguồn tham khảo vô tận trên mạng, câu chuyện tương tác, phối hợp giữa các cá nhân cũng hưởng lợi rất lớn. Đơn cử như trước kia, giáo án cần soạn tay, rồi đem đến trường để tổ trưởng bộ môn duyệt trực tiếp thì giờ công đoạn được rút ngắn nhờ giáo án điện tử. Người làm hay người duyệt đều thao tác trên máy, tiết kiệm cả công sức và tài nguyên. Hay ngày xưa, quá trình tương tác với phụ huynh gặp nhiều hạn chế khi các nền tảng nhắn tin, nhóm chat chưa có sẵn. Thầy cô và cha mẹ chủ yếu gặp gỡ, trao đổi qua các buổi họp. Ngay cả khi điện thoại di động sẵn có, việc trao đổi đến tất cả vẫn tốn thời gian, công sức hơn.

Trong quản lý, trước khi có Internet, việc triển khai chương trình từ cấp sở xuống các trường và giáo viên chỉ có thể thực hiện thủ công qua giấy tờ, gây khó khăn khi cần gấp. Internet đã giải quyết vấn đề này, cho phép thông tin truyền tải nhanh và đồng thời đến nhiều người.

“Internet giờ đã là công cụ không thể thiếu trong vận hành trường học mỗi ngày”, thầy Lực đúc kết.

Lãnh đạo Viettel từng nhấn mạnh về tầm vóc của dự án Internet trường học: “Chúng ta đang thực hiện một điều mà ngay cả nước Mỹ cũng đặt mục tiêu phấn đấu. Trong nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, Mỹ đã triển khai sáng kiến 'ConnectED' với tham vọng đưa Internet băng rộng đến 15.000 trường học. Điều khác biệt là, ở Việt Nam, toàn bộ kết nối này được doanh nghiệp cung cấp miễn phí”.

Sáng kiến "ConnectED" ra mắt vào năm 2013, đặt mục tiêu trong 5 năm sẽ giúp 99% học sinh, sinh viên Mỹ tiếp cận Internet tốc độ cao qua mạng không dây và băng thông rộng, đánh dấu bước tiến lớn trong công nghệ giáo dục toàn cầu.

Internet trường học 3
Thế giới quan của những đứa trẻ vùng cao thêm rộng mở khi Internet mở ra hình ảnh sống động về cuộc sống bên ngoài, nơi lũ trẻ chưa được đặt chân đến.

Trải qua hành trình 16 năm, Viettel đã cung cấp Internet cáp quang miễn phí cho 46.000 cơ sở giáo dục trên quy mô thế giới (bao gồm Việt Nam và 10 thị trường nước ngoài). Số giáo viên, học sinh và sinh viên được hỗ trợ tiếp cận Internet lên tới 25 triệu người.

Thành tựu đó đã được thế giới công nhận. Internet trường học đã được vinh danh ở vị trí top 3 bảng xếp hạng “Change the World” của Tạp chí Fortune cuối tháng 9/2024. Bảng xếp hạng này suốt 10 năm qua tôn vinh các tập đoàn giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội và môi trường toàn cầu. Thứ hạng của Viettel chỉ đứng sau nhóm sáng kiến liên quan đến vũ trụ của liên danh GHGSat, Rocket Lab và SpaceX; phương án giải quyết rào cản tiếp cận tài chính ở Đông Nam Á của Grab.

Với sự ra đời và bùng nổ của mạng 5G, chương trình hứa hẹn mang lại cơ hội học tập lớn hơn cho học sinh ở vùng sâu, vùng xa. Kết nối tốc độ cao, độ trễ thấp của 5G sẽ mở ra bước ngoặt trong giáo dục trực tuyến, từ đó quyền bình đẳng trong tiếp cận giáo dục càng được đẩy mạnh.

  • 176

Chủ tịch Tập đoàn phát động phong trào trồng cây trong năm 2025

  • 644

'Nhắc nhẹ' đồng nghiệp Viettel trong những ngày đón Tết

  • 412

Tạp chí Tết Viettel Family: Bức tranh công nghệ 'len lỏi' ngõ ngách cuộc sống

  • 1683
  • 2

Viettel Money ‘đốn tim’ khách hàng bằng bộ đôi công nghệ AI

  • 258

Tiên phong công nghiệp bán dẫn và những 'bài học Viettel'

  • 205

'Ánh mắt thầy và trò khiến chúng tôi nhớ mãi'

  • 176

'Khi bạn học, hãy đi dạy. Khi bạn nhận, hãy cho đi'

  • 299
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua