CEO Unitel: 'Chiến lược về chuyển đổi số của chúng tôi tại Lào đã thay đổi rất lớn'

Thanh Thanh (TCT Đầu tư Quốc tế Viettel) đã đăng lúc 11:30 - 15.10.2022

Trao đổi với chúng tôi vào dịp kỷ niệm 13 năm kinh doanh tại Lào của Unitel, đồng chí Trần Trung Hưng, Tổng giám đốc (CEO) Unitel cho biết: “Từ việc xây dựng chiến lược phát triển các giải pháp, chúng tôi chuyển sang chiến lược phát triển nền tảng”.

- Unitel, cũng như tất cả các công ty khác của Viettel ở nước ngoài đều vừa trải qua 2 năm đại dịch, với những thay đổi rất lớn cả về kinh tế và xã hội ở các thị trường. Đại dịch đã tác động như thế nào đến việc kinh doanh của Unitel hiện nay?

- Trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Unitel luôn giữ được sức chiến đấu mạnh mẽ, kể cả trong dịch vẫn có thể tổ chức bán hàng được. Hiện tại, những khó khăn về mặt kinh tế ở Lào đang tạo ra nhiều khó khăn cho chúng tôi, vì Unitel là nhà mạng lớn nhất, nên cũng bị ảnh hưởng mạnh nhất.

Thứ nhất, tình trạng khan hiếm xăng dầu vẫn tồn tại, điều này sẽ ảnh hưởng đến chất lượng mạng lưới hạ tầng. Tình hình này đòi hỏi Unitel phải có những bước đi dài hạn, bằng cách sớm ký hợp đồng với các nhà cung ứng xăng dầu, để đảm bảo rằng nguồn nhiên liệu không bị ảnh hưởng nhiều quá nhiều.

Thách thức thứ hai là làn sóng di dân đảo chiều do đồng nội tệ của Lào mất giá. Trước đây, người Trung Quốc, người Việt Nam sang Lào làm việc rất nhiều. Lượng thuê bao đến từ Trung Quốc và Việt Nam chiếm tới 600-700 nghìn thuê bao, và đang về nước, đồng thời người Lào lại sang Thái Lan hoặc sang các nước xung quanh để kinh doanh.

Yếu tố nữa, là khi lạm phát tăng cao, đồng tiền mất giá, hàng hóa đầu vào nhập vào Lào rất hạn chế, nên sẽ gây ra tình trạng người dân thắt chặt chi tiêu. Trước kia người dân sử dụng gói cước tháng, nhưng bây giờ họ hạn chế về kinh tế nên lại sử dụng các gói ngày rất nhiều.

- Như thế có tạo ra áp lực cho công ty để duy trì tăng trưởng trong giai đoạn tới, khi tình hình hiện tại thì khó khăn, mà giai đoạn trước lại có tăng trưởng tốt?

- Đúng là cũng có áp lực, nhưng cũng có thuận lợi. Mục tiêu duy trì được mức tăng trưởng cao, trong bối cảnh nền kinh tế Lào đang suy giảm mạnh, đồng nội tệ mất giá và lạm phát cao, sẽ là áp lực lớn.

Tuy nhiên, vẫn có sự thuận lợi ở chỗ, thứ nhất, kinh doanh viễn thông là sự kế thừa. Các năm trước, các vấn đề cốt lõi đã được hoàn thiện: tập trung mạnh vào phát triển thuê bao và đã chiếm được tới 57% thị phần. Chúng tôi cũng coi đó là một cơ hội, để kinh doanh các dịch vụ gia tăng, đặc biệt là triển khai các sản phẩm, dịch vụ mới liên quan đến các giải pháp số, chuyển đổi số cho xã hội.

Thứ hai, là bản chất anh em Unitel cũng đã trưởng thành qua thách thức. Khó khăn trong đại dịch đã trau dồi cho người Unitel sự bản lĩnh, và nhiều bài học.

Một thuận lợi nữa, là trong giai đoạn khó khăn, Unitel đã đóng góp rất nhiều cho việc phòng, chống Covid-19 cũng như là đảm bảo an sinh xã hội cho người dân Lào, nên hình ảnh của Unitel với người dân Lào, hay đối với lãnh đạo Đảng, Nhà nước và Chính phủ Lào cũng đều được đánh giá rất cao. Có thể nói, Chính phủ và người dân Lào quý mến thương hiệu Unitel và đó là thuận lợi to lớn để tiếp tục tăng trưởng.

- Unitel đã có nhiều năm là nhà cung cấp viễn thông số 1 tại Lào nhưng câu chuyện về kiến tạo xã hội số thì vẫn ở giai đoạn đầu. Điểm đáng chú ý nhất của việc kiến tạo xã hội số trong thời gian vừa qua ở Unitel là gì?

- Gần đây, chiến lược về chuyển đổi số của chúng tôi tại Lào đã thay đổi rất lớn. Cách tiếp cận đã khác so với trước đây.

Trước đây, chúng tôi tiếp cận theo hướng cung cấp các giải pháp cho cơ quan Chính phủ, địa phương và từ đó là cung cấp các giải pháp cho người dân. Nhưng sau đó, chúng tôi thấy rằng, điều kiện kinh tế Lào đang rất là khó khăn, đặc biệt là Chính phủ Lào cũng thắt chặt chi ngân sách. Do đó, từ việc xây dựng chiến lược phát triển các giải pháp, chúng tôi chuyển sang chiến lược phát triển nền tảng.

Điều này có nghĩa là chúng tôi sẽ xây dựng các hạ tầng từ máy chủ, phần mềm, đến triển khai, và phối hợp với Chính phủ Lào. Nền tảng sẽ tặng cho Chính phủ và địa phương, và thu một phần phí của người dân. Như thế, chúng tôi coi người dân sử dụng nền tảng là khách hàng, còn Chính phủ là đối tượng sẽ thực hiện hỗ trợ 100%. Như vậy thì công cuộc chuyển đổi số mới khả thi.

- Những nền tảng dịch vụ số chủ lực mà Unitel sẽ phát triển trong thời gian tới là gì?

- Trong năm nay, Unitel sẽ cho ra mắt 3 nền tảng quan trọng nhất đối với Lào hiện nay, đó là nền tảng giáo dục và nền tảng y tế và giao thông. 3 nền tảng này sẽ thay đổi căn bản an sinh xã hội tại Lào, giúp cho người dân Lào, mặc dù vùng sâu, vùng xa, cũng đều có thể tiếp cận với các nguồn tri thức ở thủ đô, cũng như ở khu vực, thế giới.

Đối với y tế cũng tương tự như vậy. Y tế Lào chưa kém phát triển. Bệnh nhân Lào thường xuyên sang Thái Lan, sang Việt Nam để chữa trị. Nên chúng tôi cũng mong muốn xây dựng một nền tảng giúp việc khám chữa bệnh của người dân Lào được tiếp cận với Thái Lan và Việt Nam.

- Chỉ một năm mà cho ra mắt 3 nền tảng, như vậy có phải là quá thách thức hay không?

Rất thách thức. Nhưng quan điểm của Unitel là vừa làm vừa nâng cấp, vừa xây dựng. Chúng tôi sẽ chọn quá trình tiến hóa, hơn là tìm kiếm sự hoàn hảo ngay từ vạch xuất phát.

Quan điểm của Unitel là vừa làm vừa nâng cấp, vừa xây dựng. Chúng tôi sẽ chọn quá trình tiến hóa, hơn là tìm kiếm sự hoàn hảo ngay từ vạch xuất phát.

- Quá trình dịch chuyển trở thành một công ty công nghệ số của Unitel đang ở giai đoạn nào?

Chúng tôi vẫn đang ở giai đoạn khởi đầu. Và việc đẩy mạnh các nền tảng nói trên để có thể ra mắt vào cuối năm là nỗ lực không hề nhỏ, với một thị trường mà trình độ công nghệ thông tin còn chưa phát triển.

- Sau nhiều năm làm việc ở lĩnh vực logistics trong nước, và chuyển sang phụ trách một thị trường nước ngoài là Lào một thời gian, anh thấy sự khác biệt lớn nhất là gì?

- Dù sao thì làm việc trong nước cũng đồng ngôn ngữ, đồng văn hóa, nên triển khai dễ dàng, nhanh chóng. Ở Lào thì vừa là ngôn ngữ, về là văn hóa khác biệt, nên việc điều hành cũng có ảnh hưởng và thay đổi thói quen cũ cũng không ít khó khăn.

Ví dụ như ở Lào thì cũng có văn hóa mà nói vui như ở Việt Nam là “muốn nhanh thì phải từ từ” (cười).

Khác biệt thứ hai là về cơ chế chính sách. Lĩnh vực bưu chính như tôi làm trước đây, là dựa trên sản lượng, cơ chế đó kích thích người lao động làm theo năng suất. Ở Lào thì vẫn là cơ chế lương cứng, nên cũng là hạn chế, vẫn còn hành chính, báo cáo nhiều hơn là tập trung vào sản lượng.

Thứ ba, là ở Việt Nam chúng tôi ở gần tập đoàn, nên quan hệ với chính quyền địa phương thì gần như cũng đã có các tập đoàn hỗ trợ. Sang đây mình phải tự chủ từ các cơ quan Đảng, đến Chính phủ, đến địa phương.

Ở tuổi 43 rồi, nhưng với vị trí mới này, gần như tôi học lại tất cả, nhưng việc học này cũng đem lại cho tôi nhiều niềm vui.

- Sau bao lâu thì anh thích nghi được với vị trí mới? Từ khi anh sang Lào đến nay, kỷ niệm nào khiến anh nhớ nhất?

- Cũng có thuận lợi là người đi trước – anh Hà, nguyên Tổng giám đốc đã xây dựng được mối quan hệ rất tốt với chính quyền địa phương Lào, và xây dựng cả quan hệ bền chặt trong nội bộ Unitel. Anh Hà bàn giao rất cẩn thận, đưa tôi đi gặp tất cả các đầu mối, nên khi nhận bàn giao, tôi đã nhận được sự thân tình ngay từ ngày đầu, nên chỉ mất khoảng hai tháng để thích nghi.

Tôi nhớ ngày đầu tôi đặt chân đến Lào, là đúng thời điểm công ty tổ chức sự kiện về sáng tạo. Và tôi được giao lưu với tất cả cán bộ công nhân viên khối cơ quan, ngay tại thời đó. Đó là kỷ niệm mà tôi sẽ không bao giờ quên. Vì điều đó gần như đã gửi đi một thông điệp, là mọi người đang chào đón tôi, đó là niềm hạnh phúc.

- Mục tiêu lớn nhất mà anh tự đặt ra cho mình khi sang Lào là gì?

Tôi luôn cho rằng thành công là cả một quá trình, nên luôn luôn, tôi chỉ có một mục tiêu duy nhất, là khi mình tiếp nhận một tổ chức thì mình phải làm cho nó tốt hơn.

- Cám ơn anh về cuộc trò truyện.

Viettel Store phát triển bán hàng qua Tiktok

  • 1

Viettel đưa công nghệ số đến vùng đất lịch sử Điện Biên

Viettel Money hợp tác với nền tảng quản lý tài chính hàng đầu Việt Nam

VTS hợp tác với công ty dữ liệu hàng đầu thế giới

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua