Bức tranh xã hội số tương lai qua lăng kính eKYC của Viettel

Trà My (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 08:31 - 01.10.2024

Với các ứng dụng đa dạng của eKYC tại đa lĩnh vực trong thời đại số, giải pháp công nghệ định danh khách hàng điện tử của Viettel được dự báo sẽ còn đi xa hơn nữa, mang lại nhiều hiệu quả thiết thực.

Nếu ví chiếc smartphone của bạn như một ngôi nhà, các lớp bảo mật như mật khẩu, vân tay, mã pin, tin nhắn OTP… sẽ giống như bộ khóa và chìa bảo vệ ngôi nhà đó. Và giải pháp định danh khách hàng điện tử (eKYC) sẽ xác định người đang cầm chìa khóa để mở của là chủ hợp pháp của ngôi nhà này, hay một người đơn thuần đi lạc, hoặc tên trộm muốn thực hiện hành vi xâm phạm.

Trong tương lai gần, thị trường eKYC trên thế giới được dự đoán sẽ còn phát triển không ngừng, bởi cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của các dịch vụ số trên môi trường trực tuyến. Đi kèm với đó là nhu cầu ngày càng cao cho việc xác minh danh tính an toàn để ngăn chặn các hành vi trục lợi, lừa đảo. 

Thay đổi bộ mặt ngành tài chính - ngân hàng 

Chức năng của eKYC khiến nó đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong phát triển nền kinh tế số. Thị trường eKYC cũng phát triển bùng nổ xã hội số hiện nay. Theo báo cáo của FnF Research, thị trường eKYC toàn cầu ước tính đạt 257,23 triệu USD vào năm 2019 và dự kiến đạt 1.015,36 triệu USD vào năm 2026. Tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) dự kiến sẽ lên tới 22% từ năm 2019 đến năm 2027. 

Không chỉ ngành tài chính ngân hàng mà các tổ chức, doanh nghiệp trong lĩnh vực khác như bảo hiểm, thương mại điện tử, logistics, dịch vụ công... đều cần trang bị các giải pháp eKYC phục vụ định danh, xác minh điện tử. Cụ thể, eKYC đã và đang được ứng dụng trong xác thực thông tin khách hàng yêu cầu thanh toán bảo hiểm, bảo mật các tài khoản đăng ký sử dụng dịch vụ thương mại điện tử… Nhìn xa hơn, eKYC tạo tiền đề để doanh nghiệp phát triển bền vững.

TTH_8380
Giải pháp eKYC hứa hẹn bùng nổ ở lĩnh vực tài chính - ngân hàng và còn nhiều dư địa tiềm năng ở các lĩnh vực khác như bảo hiểm, viễn thông, hành chính công...

Tại Việt Nam, làn sóng eKYC trở nên phổ biến tại các ngân hàng, tổ chức tài chính trong nước kể từ khi Ngân hàng Nhà nước chính thức cho phép sử dụng eKYC để mở tài khoản thanh toán cá nhân năm 2020. Theo anh Nguyễn Quốc Hùng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội ngân hàng, giai đoạn 2020 - 2025 là minh chứng rõ ràng cho sự chuyển động lớn về giao dịch thanh toán. Trước năm 2016, khoảng 500.000 - 1.000.000 giao dịch/ngày là một con số mơ ước của các tổ chức tín dụng. Nhưng đến năm 2023, lượng giao dịch bình quân mỗi ngày lên tới 8 triệu giao dịch. Với lượng thanh toán lớn hàng ngày như vậy, chuyển đổi số được đánh giá là hết sức quan trọng, thiết thực và là sự chuyển đổi vượt bậc.

Theo dự thảo Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025 và định hướng đến năm 2030 của Bộ TT&TT, đến năm 2025 kinh tế số sẽ chiếm 20% GDP và năm 2030 sẽ chiếm 30% GDP. Như vậy, kinh tế số và trong đó thành phần quan trọng là tài chính số sẽ có cơ sở để ưu tiên phát triển.

Dư địa giàu tiềm năng

Tuy vậy, trong nước, giải pháp eKYC vẫn được gắn chặt như chiếc “chìa khóa vàng” của lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Các lĩnh vực khác như hành chính công, dịch vụ tiêu dùng, an ninh bảo mật,… vẫn chưa có nhiều “đất dụng võ” vì thiếu mô hình ứng dụng phù hợp.

Viettel đang nỗ lực thay đổi thực tế đó. Hiện tại, sản phẩm Viettel eKYC đang được ứng dụng trong nhiều nghiệp vụ như: Cấp phát chữ ký số; ký kết hợp đồng điện tử; chấm công bằng khuôn mặt; kiểm soát an ninh bằng khuôn mặt; mở tài khoản, phát hành thẻ, thẩm định khoản vay cho nhiều ngân hàng; kiểm soát gian lận, lừa đảo trong tín dụng; định danh khách hàng, xác thực khách hàng trong bảo hiểm và viễn thông… Từ năm 2020 đến nay, dịch vụ xác thực và định danh điện tử Viettel eKYC đã được tích hợp trên hệ thống của nhiều doanh nghiệp, giúp  giảm trên 80% giấy tờ và tiết kiệm đến trên 70% thời gian để hoàn thành các thủ tục.

Các mô hình ứng dụng mới liên tục được nghiên cứu phù hợp cho các lĩnh vực khác. Đơn cử, tại TCT Viễn thông Viettel, từ năm 2023, hệ thống video KYC để xác minh khách hàng tự động được đưa vào ứng dụng. Video bot sẽ giao tiếp với nhân viên và khách hàng bằng giọng nói và hình ảnh tự động trên video, kết hợp điện thoại viên ảo để hướng dẫn. Tỷ lệ xác thực tại bot đạt 90%. 

Không chỉ còn là những dòng văn bản text, nay khách hàng đã có thể tương tác trực tiếp với người ảo. Với video KYC, công nghệ AI giúp khách hàng Viettel xác thực thông tin một cách nhanh chóng khi người ảo có thể nhận diện khẩu hình miệng cho đến cử chỉ, chống giả mạo khuôn mặt. Hiện tại, mỗi năm chỉ riêng tính năng video KYC này đã đáp ứng tới gần 10 triệu cuộc gọi xác thực và việc ứng dụng người ảo, công nghệ AI vào tương tác với khách hàng đã giúp Viettel tiết kiệm tới 60 tỷ đồng. 

hr6-2164-1-1
Giám đốc Viettel AI Nguyễn Mạnh Quý nhận định hệ thống định danh điện tử Viettel eKYC đã thể hiện được năng lực công nghệ trí tuệ nhân tạo của Viettel khi hỗ trợ hàng chục triệu khách hàng trên cả nước.

Ngay trong lĩnh vực an toàn, an ninh mạng, eKYC cũng phát huy vai trò khi kết hợp chéo các nguồn dữ liệu khác nhau, phát hiện sớm tội phạm, đánh giá tín dụng, bảo hiểm,… 

Còn tại Viettel, đội ngũ công nghệ đã có những chuẩn bị bài bản sẵn sàng đón nhận các cơ hội mới. Liên tục trong 2 năm 2022 - 2024, Viettel đã dồn lực để phát triển sản phẩm đạt các tiêu chuẩn, chứng chỉ quốc tế. 

Đồng chí Nguyễn Mạnh Quý, Giám đốc Viettel AI, đánh giá giải pháp eKYC là một trong các sản phẩm nổi bật của công ty khi có tác động lớn, rộng rãi và đã triển khai tới hàng chục triệu người dùng trên khắp Việt Nam.

Viettel còn là đối tác chính thức của Bộ Công an trong cung cấp dịch vụ xác thực căn cước công dân (CCCD) gắn chip. Viettel eKYC kết nối với cơ sở dữ liệu Quốc gia về CCCD trong quá trình xác thực và định danh điện tử, tự động kiểm tra, phát hiện và ngăn chặn các trường hợp giả mạo hoặc gian lận sinh trắc học với độ chính xác cao.

"Nhờ thực hiện xác thực chéo qua sim di động với mã OTP, thêm một lần qua thẻ căn cước công dân gắn chip kết nối với Bộ Công an, và qua xác thực giọng nói, vân tay, khuôn mặt với công nghệ đều được chúng tôi làm chủ. Nhờ check chéo đa nhân tố như vậy, khả năng giả mạo để lừa đảo qua Viettel eKYC cực kỳ khó", Giám đốc Viettel AI giải thích. 

Xây dựng cơ sở dữ liệu số quốc gia là một trong những ưu tiên của chủ trương Chuyển đổi số quốc gia 2023. Các cơ sở dữ liệu quốc gia sẽ là nền tảng quan trọng của đất nước, nên phải có tính liên kết, liên thông, chia sẻ cao giữa chính quyền, doanh nghiệp và người dân. Với chủ trương này, những giải pháp kết nối trực tiếp với cơ sở dữ liệu quốc gia như Viettel eKYC sẽ trở thành xu thế tất yếu, hướng tới khai phá tối đa tiềm năng của dữ liệu lớn trong quản lý và điều hành ở cấp độ vĩ mô, đảm bảo an toàn thông tin và các quyền lợi hợp pháp cho người dân, doanh nghiệp.

Tất cả đã sẵn sàng cho hành trình chinh phục phía trước.

  • 83

'Mối lương duyên' giữa eKYC của Viettel và dịch vụ hành chính công

  • 1194

Nhà báo đeo mặt nạ kiểm nghiệm công nghệ sinh trắc học của Viettel

  • 4513

Thủ tướng Phạm Minh Chính muốn nhận thêm nhiều tin vui từ Viettel

  • 67

Bức tranh xã hội số tương lai qua lăng kính eKYC của Viettel

  • 83

Sách nói của VTT tham vọng tăng khách hàng gấp 10 lần

  • 28

25.000 khán giả 'đứng ngồi không yên' với Viettel Y-Fest Đà Nẵng

  • 91
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua