Viettel phổ cập dịch vụ định danh điện tử để 'các bà, các cô đều thành thạo'

My Lê (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 07:11 - 21.08.2024

Nắm bắt công nghệ không phải điều duy nhất cần làm, đội ngũ Viettel còn cần tường tận hành vi, hiểu tâm lý của người dân để hướng tới đích đến là ai cũng có thể sử dụng dễ dàng và thành thạo.

“Khi đưa sản phẩm eKYC vào thực tế mới thấy sự đa dạng của người dùng. Về các chợ quê thử tính năng với anh em làm Viettel Money, các bà, các cô dùng sản phẩm theo cách mình đúng là chưa bao giờ nghĩ tới. Ở nhà mình đã tưởng làm kỹ lắm rồi, nhưng khi ra chợ mới thấy chưa đủ”, anh Hoàng Trung Hiếu, Trưởng nhóm Công nghệ Nền tảng AI của Viettel AI, nhớ lại.

Ví dụ, khi phần mềm hướng dẫn quay đầu sang trái, có người thay vì quay đầu lại đưa điện thoại sang hướng đó. Khi có hướng dẫn đưa mặt lại gần điện thoại, thì khách hàng lại làm ngược lại. Hoặc các đặc điểm đa dạng của khách như mắt nhỏ khó phân biệt nháy mắt, răng bị hô nên không nhận diện được mỉm cười… Vô vàn điều trái với dự đoán có thể xảy ra, vô số tình huống mà chỉ có vào thực tiễn rồi mới vỡ ra được.

“Nhưng chắc chắn, khi các bà, các cô ở chợ quê, vùng nông thôn sử dụng được, tức là sản phẩm đạt được độ dễ dùng cần thiết để lan tỏa”, anh Hiếu nhấn mạnh. Và để tiến đến mục tiêu là “ai cũng biết dùng và thấy dễ dùng”, những kỹ sư của Viettel đã phải giải quyết thách thức đến từ những cử chỉ nhỏ nhất như vậy.

Người dùng thao tác càng đơn giản, công nghệ càng khắt khe

Là một trong những nhân sự tham gia phát triển eKYC từ những ngày đầu tiên, anh Hiếu giải thích phát triển eKYC là cuộc chiến liên tục để giải quyết thách thức khá… độc lạ. Một mặt, sản phẩm phải đảm bảo tính tin cậy: nhận diện đúng, chống giả mạo tinh vi, tốc độ nhanh. Mặt khác, sản phẩm cũng phải đồng thời đơn giản cho người dùng phổ thông có thể dễ dàng dùng được. 

Một số sản phẩm trên thị trường đẩy mạnh tính bảo mật đòi hỏi người dùng phải thao tác nhiều động tác - đôi khi kỳ quặc -  trước smartphone như: cười, nháy mắt, đọc dãy số, câu nói… Một vài sản phẩm khác muốn tiện dụng cho khách hàng chỉ yêu cầu đơn giản hơn, nhưng lại dễ bị qua mặt bởi các thủ thuật như mặt nạ, ảnh chụp, giả mạo bằng video… 

z5728885820382_4b5ab5810ca76ef2c7feb780df91aed7
Giải pháp Viettel eKYC hướng tới sự đơn giản, tiện dụng, mọi người dùng dều dễ dàng sử dụng. 

Còn giải pháp eKYC của Viettel hướng đến chỉ yêu cầu khách hàng đưa smartphone vào gần, ra xa, đơn giản hơn rất nhiều. Để người dùng cần ít thao tác hơn, đồng nghĩa với việc Viettel chọn con đường khó hơn để đi trong phân biệt thật - giả. Các thuật toán và mô hình AI cần được tối ưu liên tục. Nhóm phát triển liên tục cập nhật những phương pháp tấn công, giả mạo tinh vi trên thế giới. Trong nội bộ cũng chia nhóm để tấn công và phòng thủ theo các hình thức giả mạo mới.

“Hiện tại, khả năng nhận diện và phân biệt thật/giả của Viettel eKYC có tỷ lệ sai sót không quá 0,01% - tốt nhất trên thị trường. Mục tiêu thách thức của nhóm nghiên cứu là tiến tới khách hàng chỉ cần chụp 1 tấm ảnh duy nhất mà vẫn đảm bảo tỷ lệ như hiện nay”, anh Hiếu cho biết. 

Hiện tại, Viettel AI đã làm chủ công nghệ eKYC đạt chứng chỉ quốc tế ISO 30107-3 ở Level 2 (cấp độ cao nhất của chứng chỉ này) liên quan đến chống giả mạo. Khả năng chống giả mạo qua 3.000 nghìn lần kiểm thử và trong thực tế, đồng thời đảm bảo xác thực nhanh chóng là lời khẳng định cho hướng tiếp cận đúng đắn của Viettel. Cấp độ này cũng tương đương với giải pháp từ các nhà cung cấp dịch vụ hàng đầu thế giới Microsoft, Amazone, NEC, SenseTime…

Tuy nhiên, giải pháp của Viettel nổi bật hơn bởi yêu cầu thao tác từ người dùng cuối đơn giản hơn rất nhiều so với các giải pháp cùng loại. 

Lấy khách hàng - người dùng cuối làm trung tâm

Một buổi tối cuối năm 2023, ở tổ Đon Tuấn, phường Huyền Tụng, thành phố Bắc Kạn, nhân viên kinh doanh Đinh Thị Ngọc Ánh thuộc Viettel Thành phố Bắc Kạn đang tập trung chụp ảnh từng khách hàng trong tổ để thực hiện các bước chuẩn hóa thông tin chủ thuê bao theo nghị định 49/2017/NĐ-CP của Chính phủ. 

Do bà con điạ phương đi làm cả ngày, nhân viên Viettel phải tranh thủ buổi tối đến thực hiện ở từng nhà. Nhà dân thiếu ánh sáng, hai chiếc đèn pin được tận dụng, giúp ảnh chụp đạt đủ chất lượng. Xong xuôi, hình ảnh thu về sẽ qua lớp công nghệ eKYC để hệ thống nhận diện ảnh trên CCCD và gương mặt khách hàng có khớp hay không, từ đó xác định thuê bao sim chính chủ. 

“Theo yêu cầu bắt buộc của chính phủ, nghiệp vụ xác minh cũng phức tạp hơn. Nhiều nhân viên phải học cách thích ứng với công nghệ, hiểu cách thức hoạt động để hướng dẫn người dân hoặc nâng cấp lên điện thoại có chất lượng chụp ảnh cao hơn. Nhưng đổi lại, hệ thống định danh điện tử eKYC xác thực nhanh chóng, từ đó ngăn chặn việc đăng ký sim rác, người dân cũng bớt mối lo thông tin của họ bị kẻ gian lợi dụng”, chị Nguyễn Thị Hương Trà, Giám đốc Viettel Thành phố Bắc Kạn, cho hay.

z5657651543698_90b17ba2506baebc2fba450482f00e36
Nhân viên Viettel sử dụng đèn pin chiếu sáng để chụp hình, thực hiện xác minh điện tử tại thành phố Bắc Kạn.

Còn với người dân ở Myanmar, MytelPay - ví điện tử của Mytel, dần trở thành cái tên quen thuộc trong đời sống hàng ngày vì tính nhanh, gọn, tiện. Một phần làm nên sự yêu thích nằm ở chỗ MytelPay là ví điện tử đầu tiên ở nước này triển khai công nghệ eKYC để định danh khách hàng, đồng thời duy nhất sử dụng SMART OTP và các biện pháp bảo mật tiên tiến như mã hóa dữ liệu và xác thực hai yếu tố (2FA). Tính đến hiện tại, giải pháp eKYC đã được triển khai cho 8 ngân hàng và tổ chức tài chính lớn tại Myanmar.

Hay ở bên kia đại dương, tại nơi điều kiện còn thiếu thốn như Haiti, giải pháp eKYC cũng đã len lỏi vào đời sống người dân khi sử dụng dịch vụ của Natcom tại Haiti. Giữa tình hình chính trị bất ổn, Victor Anderson, cộng tác viên bán hàng của Natcom, vẫn phát triển được trên 1 nghìn thuê bao eKYC, gấp 5 bình quân toàn quốc – một ví dụ cho thấy mức độ cần thiết của giải pháp này.

eKYC được xem là sản phẩm có tính dẫn đường, do đó việc liên tục tìm cách cải tiến, nâng cấp chất lượng công nghệ lõi bên trong là điều thiết yếu. Khi loại bỏ được các chứng từ bằng giấy in, dịch vụ mới có thể trở thành dịch vụ số hoàn chỉnh, tự vận hành không phụ thuộc vào các bước thủ công. Và khi tích hợp sâu hơn vào các dịch vụ, tính tin cậy được gia tăng thêm nhiều lần.

Viettel eKYC cũng đã được ứng dụng tại trường dạy lái xe ở Cà Mau vào hồi tháng 5. Công nghệ đã phát hiện hơn 10 trường giả mạo người thi trong hơn 1 tháng triển khai. Trong tương lai gần, ứng dụng của eKYC sẽ rất mở rộng tới công tác  quản lý doanh nghiệp, giáo dục đào tạo, hay bất cứ dịch vụ nào cần phân biệt tính chính danh, chính chủ của khách hàng.

“Chúng ta có thể thấy ngay tầm quan trọng của việc nhận diện chính chủ - đúng người  và chính danh - đúng vai trò trong từng thao tác là đặc biệt quan trọng. Với các hình thức bảo mật như mật khẩu, mã số cá nhân (PIN), hay vân tay, thiết bị khó nhận biết được có đúng chính chủ đang thực hiện các thao tác hay không. Điều này rất quan trọng đối với các hoạt động mua sắm, chuyển tiền. Đăng ký eKYC giải quyết khá triệt để và hiệu quả cho tình huống này” anh Lê Đăng Ngọc, PGĐ Khối Nền tảng trí tuệ nhân tạo của Viettel AI - đơn vị chủ trì phát triển sản phẩm eKYC tại Viettel, phân tích.

  • 50

Từ KYC đến eKYC: Cải tiến hay cách mạng?

  • 48

Giải pháp eKYC định nghĩa lại cách xác minh danh tính

  • 36

Excellence Awards: 6 ý tưởng khởi nguồn từ trăn trở thực tế

  • 665

Bước ngoặt với công nghệ eKYC của Viettel AI

  • 372

Nhà báo đeo mặt nạ kiểm nghiệm công nghệ sinh trắc học của Viettel

  • 4366

Thêm 1 ngân hàng Big4 Việt Nam tin tưởng Viettel ở 'nhiệm vụ sống còn'

  • 619

Viettel phổ cập dịch vụ định danh điện tử để 'các bà, các cô đều thành thạo'

  • 50

Từ KYC đến eKYC: Cải tiến hay cách mạng?

  • 48

Giải pháp eKYC định nghĩa lại cách xác minh danh tính

  • 36
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua