Bùi Thu (TCT Viễn thông Viettel) đã đăng lúc 08:59 - 15.06.2023
Theo số liệu từ hội nghị Viettel M2M IoT 2023, hiện nay, một người Việt Nam trung bình chỉ kết nối tới 0,1 IoT, trong khi thế giới là khoảng 2 kết nối/người. Chúng ta cần nỗ lực nhiều hơn để đuổi kịp thế giới về công nghệ này, bằng sự chung tay của tất cả các doanh nghiệp từ sản phẩm, kĩ thuật, mạng lưới tới kinh doanh.
Cùng với sự phát triển không ngừng của công nghệ, Internet vạn vật (IoT) đã trở thành nguồn cảm hứng mới cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới, là cơ hội cho sự bùng nổ kinh doanh của các startup, mở ra nguồn doanh thu mới trong tương lai cho các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ. Tuy nhiên, theo PTGĐ VTT Nguyễn Trọng Tính, trong lĩnh vực IoT, Việt Nam đang đi sau thế giới 20 bậc.
Lý giải về câu chuyện này, đồng chí Lê Ngọc Quý, Giám đốc Trung tâm IoT (VHT) cho rằng, vấn đề ở đây chính là động lực thị trường. Nhân sự Việt Nam rất rẻ, một chị giúp việc hay bác bảo vệ thuê chỉ mất vài triệu nhưng có thể kiêm nhiệm rất nhiều công việc. Chính vì nhân công giá rẻ như vậy nên thị trường chưa có đủ động lực để chuyển đổi sang tự động hóa.
Theo anh Hoàng, Giám đốc của một công ty cung cấp giải pháp IoT trong lĩnh vực giao thông tham dự sự kiện chia sẻ, rào cản lớn nhất của các doanh nghiệp SMEs tham gia thị trường này đó chính là thói quen của người tiêu dùng. Người dùng thích các sản phẩm giá rẻ và không thích phải trả tiền thuê bao hàng tháng nếu đã phải bỏ ra một số tiền khá lớn để trang bị thiết bị IoT từ đầu. Và hầu hết các sản phẩm IoT hiện nay không phải hàng hóa thiết yếu, khó thuyết phục người dùng sẵn sàng chi tiêu như một khoản bắt buộc.
Các doanh nghiệp Việt Nam muốn có một con số cụ thể về giá trị đem lại của IoT nhưng lại chưa có số liệu đo lường về khả năng hiệu quả nên khó thuyết phục đầu tư. Chi phí cho nhân lực vận hành cũng là điều khiến nhiều doanh nghiệp phải suy nghĩ. Đây là những lý do khiến IoT chưa thực sự phát triển tại Việt Nam.
Ông Lê Ngọc Lâm, PGĐ Trung tâm Chuyển đổi số của Công ty Bóng đèn Phích nước Rạng Đông cũng kể lại câu chuyện khó khăn cách đây 5 năm khi đơn vị bắt đầu chuyển đổi số, phát triển các sản phẩm IoT như bóng đèn, ứng dụng nhà thông minh, nông nghiệp thông minh. Vào năm 2018 khi bắt đầu chuyển đổi, Rạng Đông đầu tư hẳn một đơn vị với quy mô hàng trăm nhân sự về IoT nhưng hoạt động suốt 2 năm không đem lại doanh thu nào. Có thể nói, việc dịch chuyển sang sản xuất sản phẩm thông minh không hề dễ, ngay cả với đơn vị có quyết tâm, tiềm lực sản xuất mạnh như Rạng Đông.
Theo Thạc Sĩ Nguyễn Minh Thi, Kiến trúc sư IoT (VTNet), một vấn đề cốt lõi của thị trường IoT Việt Nam chính là rào cản về công nghệ, khiến cho giải pháp IoT chưa thực sự đi vào đời sống. Nhiều doanh nghiệp, đơn vị đã ý thức được những lợi ích của IoT, tuy nhiên khi triển khai lại gặp phải rất nhiều khó khăn. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã và đang phải tự xử lý những khó khăn đó và tự đi một mình.
“Nếu có thể chia sẻ tri thức IoT trong cộng đồng doanh nghiệp, chúng ta sẽ giúp họ rút ngắn được rất nhiều chi phí về nhân lực, vật lực, thời gian. Điều này chỉ có thể giải quyết khi các doanh nghiệp công nghệ số Việt đi cùng nhau”, đại diện VTNet cho biết.
Các doanh nghiệp tham dự sự kiện với kì vọng lớn vào tầm nhìn và lộ trình phát triển hạ tầng IoT của Viettel. Viettel hiện nay được coi như kiến trúc sư trưởng, là đơn vị cốt lõi để hoàn thiện hạ tầng, đưa ra các giải pháp nền tảng để quản trị thiết bị, nền tảng trung gian thanh toán cho các doanh nghiệp. Như phát biểu của PTGĐ VTTNguyễn Trọng Tính tại sự kiện, Viettel cam kết hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc triển khai và vận hành các dự án IoT, từ việc thiết kế giải pháp đến hỗ trợ kỹ thuật và dịch vụ sau bán hàng.