Mai Anh (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 09:15 - 23.08.2022
Tham gia nhiều hoạt động quan trọng tại sự kiện
Tuần lễ chuyển đổi số tỉnh Thừa Thiên Huế diễn ra từ 17/8 - 19/8/2022, nội dung chương trình bao gồm nhiều hoạt động phong phú: 6 phiên chuyên đề, 3 tọa đàm chuyên sâu, triển lãm các giải pháp công nghệ số tiêu biểu. Là công ty công nghệ hàng đầu, đóng vai trò tiên phong kiến tạo xã hội số, cũng là đơn vị triển khai Trung tâm Giám sát, điều hành Đô thị thông minh (IOC) cho tỉnh Thừa Thiên Huế, các đại diện của VTS đã có nhiều đóng góp và đề xuất trong trong các phiên tọa đàm và hội thảo của sự kiện.
Tại phiên toàn thể với với chủ đề “Chuyển đổi số tạo đà đẩy nhanh phát triển kinh tế - xã hội”, ông Nguyễn Mạnh Hổ, Tổng Giám đốc VTS đã chia sẻ kinh nghiệm triển khai đô thị thông minh và chuyển đổi số cho các địa phương theo phương thức “may đo”. Bên cạnh viêc bám sát các định hướng, chiến lược của quốc gia, để thiết kế một “chiếc áo” phù hợp cần có sự phân tích những đặc trưng của địa phương như mục tiêu, định vị, năng lực về công nghệ của bộ máy chính quyền và người dân, nguồn lực về chuyển đổi số, các lĩnh vực và bài toán ưu tiên tại địa phương. Ông Hổ cho biết: “Cơ sở để may đo giải pháp cần đảm bảo 4 yếu tố là kiến trúc ổn định, thiết kế linh hoạt, bài toán nghiệp vụ đa dạng và sự đồng hành.” Trung tâm IOC tỉnh Thừa Thiên Huế là một sản phẩm điển hình mà VTS đã thực hiện theo phương thức này. Sau 3 năm triển khai, trung tâm IOC đã đóng vai trò quan trọng đưa Tỉnh Thừa Thiên Huế trở thành một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác chuyển đổi số, đứng thứ 2/63 tỉnh thành về mức độ chuyển đổi số cấp tỉnh trên cả ba trụ cột kinh tế số - xã hội số - chính phủ số theo bộ chỉ số DTI của Bộ Thông tin và Truyền thông.
Tổng Giám đốc VTS phát biểu tham luận tại Phiên toàn thể của Diễn đàn
Tham gia Chuyên đề 2 với chủ đề “Chuyển đổi số - phát huy sức mạnh di sản - văn hoá, tạo đà phát triển kinh tế số”. Ông Dương Công Đức – Giám đốc Trung tâm Đô thị Thông minh VTS đã có phần trình bày về các giải pháp chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa, hướng tới xây dựng môi trường văn hoá số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, nâng cao khả năng thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững trong kỷ nguyên 4.0. Đặc biệt đối với tỉnh Thừa Thiên Huế, một địa phương có nhiều văn hóa - di sản bậc nhất cả nước, việc đưa công nghệ và văn hóa số vào cuộc sống phải đảm bảo không làm hao mòn những giá trị truyền thống, giá trị di sản văn hóa, thậm chí còn cần đóng vai trò là chiếc chìa khóa giải quyết mọi vấn đề trong việc quản lý hoạt động bảo tồn và trở thành cầu nối để phát lan tỏa và phát huy những giá trị tốt đẹp của di sản văn hóa tới cộng đồng Việt Nam và trên toàn cầu. Đại diện VTS cũng chia sẻ một số giải pháp cho bài toán này như cổng thông tin điện tử về di sản văn hóa, ứng dụng thông minh khám phá di sản văn hóa, bản đồ số 3D, bảo tàng 3D, trợ lý du lịch, hệ thống quản lý di tích…
Đại diện VTS chia sẻ về giải pháp giúp số hóa, bảo tồn và lan tỏa giá trị của di sản văn hóa địa phương
Bên cạnh đó, tại khu Triển lãm của hội nghị, VTS đã trình diễn trình diễn hệ sinh thái giải pháp chuyển đổi số với 3 trụ cột chính là Chính phủ số, Kinh tế số, Xã hội số. Với thế mạnh về hạ tầng viễn thông, công nghệ thông tin và nguồn lực mạnh mẽ, VTS đã làm chủ và tích hợp công nghệ 4.0 như Cloud, AI, BigData, BlockChain… vào hệ sinh thái giải pháp bao trùm mọi lĩnh vực, mọi khía cạnh của cuộc sống. Đây là hành trang quan trọng để VTS thực hiện sứ mệnh của mình là sử dụng công nghệ số đồng hành cùng chính phủ, doanh nghiệp, cộng đồng, mang lại hiệu quả cho tổ chức và hạnh phúc cho người dân trong hành trình chuyển đổi số.
Phó Giám đốc Viettel tỉnh Thừa Thiên Huế trình bày về hệ sinh thái giải pháp chuyển đối số của Viettel tại gian hàng
Đồng hành cùng Huế thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp
Ngay trong khuôn khổ Tuần lễ Chuyển đổi số - Huế 2022, Viettel tỉnh Thừa Thiên Huế và Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế (Sở NN&PTNT) đã ký kết thỏa thuận hợp tác về triển khai chuyển đổi số ngành nông nghiệp giai đoạn 2022-2025. Hai bên thống nhất quan điểm sẽ tận dụng có hiệu quả các cơ hội mà cách mạng 4.0 đem lại và phát huy khả năng, thế mạnh, nguồn lực của hai bên để chuyển đổi số toàn diện ngành nông nghiệp của tỉnh, thúc đẩy quá trình xây dựng chính quyền điện tử ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; phát triển nhanh và bền vững nền kinh tế nông nghiệp dựa trên khoa học-công nghệ.
Giám đốc sở NN&PTNT và Giám đốc Viettel Tỉnh Thừa Thiên Huế ký thỏa thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số
Theo đó, VTS sẽ đồng hành cùng sở trong suốt quá xây dựng chiến lược chuyển đổi số ngành nông nghiệp, tư vấn và triển khai hạ tầng số, nền tảng số, dữ liệu số, giải pháp số cho tỉnh. Sở NN&PTNT tỉnh sẽ được tham vấn và giới thiệu các công nghệ mới nhất, thành tựu mới nhất trong lĩnh vực chuyển đổi số và công nghệ thông tin, phù hợp với thực tiễn tại tỉnh. Trong giai đoạn tới, VTS sẽ huy động nguồn lực giàu kinh nghiệm và chuyên môn cao để tập trung nghiên cứu xây dựng chính quyền số tại các cơ quan quản lý nhà nước ngành nông nghiệp, nông thôn, đồng thời thiết kế và “may đo” các giải pháp số giúp thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, xây dựng nông thôn số và nông dân số phù hợp với nhu cầu và các đặc trưng của tỉnh