Thanh Duyên (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 15:30 - 17.06.2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng là Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số. Cùng dự Hội nghị có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình; Bộ trưởng Thông tin & Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng, lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và ngành tòa án...
Đại diện Viettel có Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng, TGĐ TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel (VTS) Nguyễn Mạnh Hổ, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ dữ liệu và Trí tuệ nhân tạo Viettel (Viettel AI) Nguyễn Mạnh Quý và các đơn vị liên quan trong Tập đoàn.
Tại Hội nghị, các đại biểu được giới thiệu khung chuyển đổi số cấp bộ, ngành; kết quả công tác chuyển đổi số của ngành Tòa án nhân dân và phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; bài học kinh nghiệm từ thành công chuyển đổi số của ngành Tòa án. Hội nghị cũng nghe các tham luận với các chủ đề "xét xử trực tuyến, bước đột phá trong cải cách tư pháp của hệ thống Tòa án", "Trợ lý ảo - công cụ đắc lực cho thẩm phán", "Quản lý hoạt động tố tụng trên nền tảng số góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của Tòa án"…
Đặc biệt, Hội nghị được xem trực tiếp một số phiên tòa xét xử trực tuyến đang diễn ra tại một số địa phương. Các giải pháp được Viettel chủ trì kết nối, tư vấn, cung cấp và triển khai cho Tòa án từ năm 2019 đến nay.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, chuyển đổi số là công việc vừa mang tính chiến lược lâu dài, vừa phải thường xuyên theo dõi, đánh giá, đôn đốc, chỉ đạo sát sao và triển khai quyết liệt, hiệu quả và thực chất. Đề án 06 là một nhiệm vụ then chốt, quan trọng của chuyển đổi số quốc gia, làm cơ sở để chuyển đổi cách sống, làm việc và phương thức sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp dựa trên công nghệ số. Trong đó, công tác xây dựng Tòa án điện tử luôn được xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong tiến trình cải cách tư pháp - là nhiệm vụ cấp thiết để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào pháp luật, vào công lý và sự ưu việt của chế độ ta.
Thủ tướng nêu rõ, thời gian qua, công tác chuyển đổi số quốc gia được tập trung chỉ đạo, có bước chuyển biến rất tích cực, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Về chuyển đổi số trong lĩnh vực tư pháp, xét xử của ngành Tòa án, Thủ tướng ghi nhận, đánh giá cao các kết quả đã đạt được trong thời gian qua. Người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng Tòa án điện tử sẽ trở thành phong trào, xu thế trong thời gian tới.
Là một đơn vị chủ lực của Viettel trong công cuộc chuyển đổi số, VTS đã trở thành đơn vị đồng hành, tư vấn, cung cấp và triển khai các giải pháp công nghệ số cho ngành Tòa án từ năm 2021 với sự ra đời của Trung tâm Giám sát và Điều hành hoạt động Toà án nhân dân.
Trong 3 năm qua, bên cạnh Trung tâm trên, Viettel đã triển khai thành công nhiều hệ thống chuyển đổi số quan trọng cho Tòa án như Trung tâm dữ liệu Toà án; Hệ thống quản lý công việc và công tác chỉ đạo điều hành, đồng thời tư vấn và thử nghiệm những hệ thống giải pháp mới như: Trợ lý ảo Tòa án;… góp phần đẩy nhanh quá trình hoàn thiện mô hình kiến trúc của Toà án điện tử.
Theo báo cáo hiệu quả của Tòa án nhân dân tối cao, trong 3 năm triển khai ứng dụng các hệ thống công nghệ vào hoạt động, ước tính Tòa án đã tiết kiệm được 20% chi phí hoạt động và chi phí xã hội; tăng 30% năng suất lao động của thẩm phán, công chức Tòa án; rút ngắn 70% thời gian người dân thực hiện các thủ tục hành chính tư pháp tại Tòa án.
Trung tâm giám sát và điều hành hoạt động Tòa án nhân dân đóng vai trò là bộ não số của Tòa án. Nền tảng này tích hợp dữ liệu và các hệ thống sẵn có trong toàn bộ ngành Tòa án với các phần mềm điều khiển trung tâm, đảm bảo vận hành thông suốt, công khai, minh bạch, dễ dàng theo dõi, giám sát và đánh giá hoạt động của gần 800 Tòa án nhân dân trên toàn quốc.
Trung tâm dữ liệu Tòa án nhân dân được đầu tư, trang bị các trang thiết bị số hiện đại đạt chuẩn Tier 2+ gồm: cơ sở hạ tầng nhà trạm; hệ thống mạng lõi; hệ thống phục vụ triển hệ thống tính toán; hệ thống cơ sở dữ liệu và lưu trữ dữ liệu; hệ thống phục vụ ứng dụng AI; hệ thống bảo đảm an toàn thông tin đạt cấp độ 3 để cung cấp đầy đủ tài nguyên cho việc triển khai các hoạt động chuyển đổi số của Tòa án. Đặc biệt, hệ thống này được thiết kế theo hướng mở cho phép nâng cấp, mở rộng theo từng giai đoạn nhằm đảm bảo cho công tác quy hoạch, mở rộng theo lộ trình chuyển đổi số, xây dựng Toà án điện tử.
Trong khi đó, hệ thống quản lý công việc và công tác chỉ đạo điều hành giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành, xử lý hồ sơ công việc của cán bộ, công chức, viên chức Tòa án dễ dàng thực hiện bất kỳ thời điểm nào mà không nhất thiết phải có mặt tại cơ quan. Việc ứng dụng hệ thống này giúp nâng cao hiệu quả xử lý công việc, không bị chậm trễ, tiết kiệm thời gian gửi, nhận văn bản từ vài ngày xuống còn vài phút và kinh phí in ấn, phát hành văn bản. Mọi quy trình nhận văn bản, chỉ đạo và truyền thông tin cho cấp dưới chỉ bằng một cái nhấp chuột. Trong khi đó nếu thực hiện thủ công mất khoảng vài ngày.
Đặc biệt, phần mềm trợ lý ảo do Viettel phát triển đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng xét xử của Tòa án. Trợ lý ảo đang đóng vai trò như một thư ký riêng, được lập trình am hiểu pháp luật và chuyên môn nghiệp vụ của Tòa án, làm việc 24/7 và luôn bên cạnh thẩm phán, giao tiếp với Thẩm phán bằng ngôn ngữ tự nhiên thông qua điện thoại di động, máy tính cá nhân. Trước đây các thẩm phán phải mất rất nhiều thời gian để mã hóa các bản án thủ công. Nhưng giờ chỉ sau 1 cú kích chuột là đã có thể mã hóa 1 cách chính xác. Tính từ năm 2022 đến nay, trợ lý ảo đã hỗ trợ gần 5,8 triệu lượt hỏi đáp, trung bình từ 10.000 - 15.000 lượt/ngày; mã hoá gần 500 bản án mỗi ngày.
Tại hội nghị, đồng chí Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hoà Bình xác định: “Việc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số và xây dựng Tòa án điện tử là nhiệm vụ cấp thiết, trọng tâm về thực hiện cải cách tư pháp trong Tòa án, là cơ hội để hệ thống Tòa án nâng cao hiệu quả hoạt động, củng cố niềm tin của người dân vào công lý”.
Trên hành trình đó, Viettel cam kết đồng hành và mang đến hệ thống sản phẩm, giải pháp công nghệ số hiệu quả, toàn diện do người Việt Nam xây dựng và làm chủ với tinh thần “Công nghệ từ trái tim”.