Thanh Duyên (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 12:17 - 17.10.2022
- Nhìn lại VTS hôm nay và cách đây 4 năm, anh có cảm nhận sự thay đổi như thế nào về TCT?
- Mặc dù mới chỉ qua 4 năm (2018-2022) nhưng với sự chỉ đạo và ủng hộ tuyệt đối của Tập đoàn cùng với sự nỗ lực không ngừng của toàn thể CBCNV, VTS đã có những thay đổi rất lớn. VTS đã trở thành một trong những đơn vị Top đầu cả nước về tư vấn và triển khai CĐS cho Chính quyền và doanh nghiệp và người dân được Chính phủ, Bộ ngành, doanh nghiệp và người dân tín nhiệm và tin tưởng.
Trong đó đặc biệt được chính phủ, các bộ ngành, chính quyền tỉnh luôn đặt niềm tin rất cao thông qua việc luôn mời Viettel tham gia tư vấn hầu hết các đề án CĐS. Chúng tôi đã khẳng định tên tuổi và thương hiệu VTS thông qua rất nhiều các giải thưởng Quốc tế và trong nước (Như Mô hình thành phố thông mình đạt giải tại WCA).
Đặc biệt VTS đã tạo ra sự chuyển dịch mạnh mẽ về lực lượng nhân sự tư vấn và triển khai chuyển đổi số. Cụ thể tỷ lệ đội ngũ nhân sự CNTT/Nhân sự dịch vụ số lớp Tổng Công ty đã tăng gấp đôi qua 4 năm và đạt 734 nhân sự, chiếm gần 60% quân số sẵn sàng đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong hoạt động chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, VTS triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho 36/50 Cơ quan Bộ, ngang Bộ và các Ban Đảng; ký 84 thỏa thuận hợp tác với Bộ ngành và doanh nghiệp, duy trì đà tăng trưởng 2 con số qua các năm.
Ngoài ra, VTS đã chuyển dịch mạnh trong công tác làm sản phẩm trong đó tập trung vào xây dựng các sản phẩm nền tảng đáp ứng các yêu cầu chuyển đổi số quốc gia đồng thời tăng cường các hoạt động hợp tác để đa dạng hóa và nâng cao năng lực về sản phẩm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của Khách hàng. Thông qua các hoạt động đào tạo liên tục, trình độ chuyên môn của CBNV toàn TCT được nâng lên rõ rệt đặc biệt việc nắm và tuân thủ các quy trình, quy định của nhà nước và các quy định của pháp luật.
- VTS có trọng trách rất đặc biệt là xúc tiến, triển khai các giải pháp Chuyển đổi số cho Chính phủ, bộ ban ngành và Doanh nghiệp lớn. Công việc này có những đặc thù như thế nào thưa anh? Và những đặc thù ấy đòi hỏi những yếu tố đặc biệt gì ở người VTS?
- Như chúng ta đã biết, đối tượng Khách hàng của VTS khá đặc biệt, là Bộ ngành, Doanh nghiệp, là các cơ quan đoàn thể lớn, có yêu cầu rất cao nên trong quá trình tiếp xúc, làm việc với khách hàng cần tỉ mỉ, chu đáo, tận tâm. Các hệ thống của VTS triển khai, đặc biệt cho cấp Bộ ngành, Chính quyền sẽ có ảnh hưởng tới rất nhiều người dân nên cần thận trọng, đánh giá kĩ, đảm bảo chất lượng.
Vì vậy, để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao trong việc cung cấp các giải pháp Chuyển đổi số, yêu cầu những con người VTS bên cạnh việc tận tâm, tỷ mỉ, chu đáo và làm việc với một tinh thần Rowan thì người VTS cần phải luôn phải học tập để có kiến thức, chuyên môn mới nhất phục vụ công việc và không bị lỗi thời, đồng thời liên tục tích lũy kinh nghiệm, va vấp để ngày càng trưởng thành hơn.
- Là đơn vị số 1 về CĐS, anh thấy có những cơ hội và thách thức nào cho VTS trong năm 2023?
- Trong năm 2023, VTS sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Trước hết là do ảnh hưởng của Covid nên nguồn chi cho các hoạt động chuyển đổi số ít nhiều bị ảnh hưởng, đặc biệt là các đơn vị sử dụng ngân sách nhà nước nên khó khăn trong việc đẩy nhanh tiến độ. Sự cạnh tranh mạnh trong lĩnh vực GPCNTT: Hiện trên thị trường có khoảng 67 nghìn doanh nghiệp GPCNTT trong đó một số đối thủ lớn trong nước cạnh tranh trực tiếp với Viettel như FPT (FIS), VNPT, CMC…
Trong khi đó VTS còn thiếu nhân sự CNTT để đảm bảo cho chiến lược dài hạn: cả vấn đề tuyển dụng và vấn đề gìn giữ nhân sự. Chúng tôi dự tính để đảm bảo mục tiêu chiến lược đến năm 2025 VTS cần cỡ 5000 người.
Tuy nhiên bên cạnh những thách thức thì VTS cũng nhìn thấy được những cơ hội cho mình. Thứ nhất là khi Chính phủ/Bộ ngành tiếp tục mở rộng hành lang pháp lý để thúc đẩy ứng dụng CNTT, chuyển đổi số quốc gia, ngành và địa phương: QĐ số 749, 942, 411 về Chiến lược chuyển đổi số quốc gia”.
Tiếp đó là sự ủng hộ và gia tăng niềm tin từ Chính phủ, Bộ ngành, Doanh nghiệp khi Viettel tiên phong đồng hành cùng các đơn vị trong việc giải quyết các vấn đề thông qua các hoạt động ứng dụng GPCNTT cùng với nhu cầu ứng dụng CNTT và chuyển đổi số ngày càng tăng đặc biệt sau sự ảnh hưởng của Covid – 19 đã làm thay đổi rất nhiều trong tư duy quản lý, điều hành của doanh nghiệp.
- Với thông điệp năm nay của VTS là “Dấn thân để bứt phá”, anh mong muốn gì về sản phẩm, con người VTS? VTS trở thành 1 tổ chức như thế nào?
- Hiện VTS đã là đơn vị số 1 về Chuyển đổi số của Việt Nam, là đơn vị chủ lực thực hiện công cuộc Chuyển đổi số cho Tập đoàn. Vì vậy với VTS, yếu tố con người là vô cùng quan trọng.
Về con người, VTS tiếp tục thực hiện chủ trương tăng cường đào tạo, duy trì cách làm việc tận tâm, tỉ mỉ, chu đáo với một tinh thần làm việc Rowan, cùng với khuyến khích và thúc đẩy CBCNV VTS không ngừng học tập để vừa đảm bảo kiến thức vừa cập nhật kiến thực mới và không bị lỗi thời, đồng thời liên tục tích lũy kinh nghiệm, va vấp để ngày càng trưởng thành hơn.
Về sản phẩm, VTS đã có định hướng rõ ràng, trong đó ưu tiên tập trung các sản phẩm nền tảng, các hệ thống cơ sở dữ liệu bám theo chiến lược Chuyển đổi số quốc gia, triển khai các sản phẩm Core, lõi đáp ứng các yêu cầu đặc thù từng ngành.
Ở tuổi thứ 5 này, tôi mong muốn VTS luôn là một tập thể đồng lòng, đoàn kết, có nhiều bứt phá để cùng xây dựng hướng tới mục tiêu chung là trở thành nhà cung cấp dịch vụ Chuyển đổi số số 1 Việt Nam.
- Xin trân trọng cảm ơn anh!