Mai Anh (TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 09:03 - 09.06.2023
Hội nghị do TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel (VTS) đại diện Tập đoàn đăng cai tổ chức diễn ra trong 5 ngày với sự tham gia của 8 nhà đầu tư gồm NT, China Telecom, China Unicom, PLDT Inc., Singtel, SoftBank Corp., Tata Communications, Viettel và nhà thầu NEC. Nội dung hội thảo tập trung chính vào việc tháo gỡ các vấn đề vướng mắc trong quá trình triển khai nhằm mục tiêu đưa tuyến cáp đi vào hoạt động sớm trong năm 2024.
Trong khuôn khổ của hội nghị, các nhà đầu tư rà soát toàn trình tiến độ của dự án, đưa ra các chủ đề thảo luận xoay quanh những vấn đề cả kỹ thuật và thương mại. Hội thảo thông qua kế hoạch lắp đặt thiết bị tại trạm cập bờ còn lại, xác định thời gian dự kiến hoàn thành trạm cập bờ của tuyến cáp tại Singapore, đây cũng là điểm cập bờ cuối cùng của dự án ADC. Bên cạnh đó, các kế hoạch tích hợp, đo kiểm, nghiệm thu dự án, kế hoạch đào tạo nhân sự tại các trạm cập bờ, các điều khoản và các điều chỉnh liên quan quyền lợi và trách nhiệm của các đối tác thành viên của hệ thống ADC cũng được đưa ra bàn luận, đảm bảo tiến độ của toàn dự án.
Trước đó năm 2022, Viettel đã chính thức công bố tuyến cáp biển quốc tế ADC cập bờ tại Quy Nhơn, Bình Định, Việt Nam. Đây là tuyến cáp có kết nối đến cả 3 Hub IP lớn nhất của khu vực Châu Á (Hồng Kông, Nhật Bản, Singapore), đồng thời cũng là tuyến cáp quang biển có dung lượng băng thông lớn nhất Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, việc xây dựng các tuyến cáp quang biển mới là cần thiết nhằm thúc đẩy nhanh mục tiêu Việt Nam trở thành Digital Hub tại khu vực, do đó Việt Nam cần phát triển thêm 4 đến 6 tuyến cáp mới đến năm 2030 và các doanh nghiệp viễn thông Việt Nam cần chủ động dẫn dắt, đại diện nhóm đầu tư, liên doanh tiến hành tìm kiếm, đánh giá và đề xuất đầu tư.
Là doanh nghiệp duy nhất tại Việt Nam đầu tư vào tuyến cáp ADC, đồng thời là chủ trạm cập bờ tuyến cáp tại Quy Nhơn và sở hữu 18Tbps dung lượng đi quốc tế trên tuyến cáp này, Viettel đang trở thành doanh nghiệp có hạ tầng kết nối quốc tế lớn nhất Việt Nam.
ADC (Asia Direct Cable) là tuyến cáp biển dài khoảng 9.800 km kết nối Trung Quốc (Hồng Kông và tỉnh Quảng Đông), Nhật Bản, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam. Hệ thống cáp ADC với thiết kế 8 cặp sợi quang (FP) và có khả năng truyền tải hơn 140 Tbps lưu lượng dữ liệu, cho phép truyền tải dung lượng cao qua khu vực Đông Á và Đông Nam Á.
Đây là tuyến cáp quang biển sử dụng công nghệ truyền tải hiện đại nhất, giúp kết nối các quốc gia trong khu vực Châu Á-Thái Bình Dương, với tổng vốn đầu tư ban đầu là 290 triệu USD. ADC có khả năng hỗ trợ các ứng dụng yêu cầu băng thông ngày càng tăng, nhờ sự tiến bộ công nghệ trong lĩnh vực 5G, đám mây, Internet of Things và Trí tuệ Nhân tạo. Điều này sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới truyền thông trong khu vực.