Nguyễn Thị Hương (TCT Giải pháp doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 09:42 - 22.10.2024
- Sau 5 năm triển khai IOC tại địa phương, anh đánh giá đâu là những điểm thành công lớn nhất dưới góc nhìn của VTS?
Sau 5 năm ra mắt, trung tâm điều hành thông minh (IOC) của VTS đã có mặt ở hơn 40 địa phương và không ngừng được cải tiến.
Một điểm mà tôi cho là thành công nhất, là sau 5 năm, IOC đã thực sự đóng vai trò quan trọng trong công cuộc chuyển đổi số và phát triển đô thị thông minh tại Việt Nam.
IOC đã thực sự đi vào cuộc sống, góp phần giúp cho việc điều hành, chỉ đạo của các địa phương được minh bạch, có các bộ KPI giám sát để ngày một nâng cao chất lượng trong hoạt động điều hành. Bên cạnh đó, IOC cũng giúp cho các địa phương đạt được các giải thưởng trong nước và quốc tế về thành phố thông minh, góp phần nâng hạng trong các báo cáo, xếp hạng về chuyển đổi số, công nghệ thông tin.
Một thành công quan trọng nữa là sau 5 năm, VTS đã làm chủ hầu hết các công nghệ thành phần trong trung tâm, giúp cho các IOC rất linh hoạt và dễ dàng tùy biến tùy theo nhu cầu của địa phương.
- Bên cạnh những thành công đó, những điểm còn tồn tại sau 5 năm triển khai IOC ở địa phương là gì và trong giai đoạn tới sẽ được khắc phục ra sao?
Quá trình triển khai các IOC thường có 2 khó khăn lớn nhất.
Một là về dữ liệu. Trung tâm điều hành thông minh đóng vai trò như một bộ não, nhưng bản thân nó không sinh ra các dữ liệu gốc, mà sẽ sử dụng các nguồn dữ liệu khác để điều hành. Như thế, nếu nguồn dữ liệu cung cấp không đủ, không nhiều thì việc điều hành sẽ không hiệu quả.
Khó khăn thứ hai là sự quyết tâm của địa phương triển khai. Khi triển khai IOC, chúng tôi đều tư vấn cho các tỉnh, phải có một bộ quy trình vận hành để trung tâm điều hành hiệu quả. Tuy nhiên, nếu có sự vào cuộc của người lãnh đạo cao nhất thì việc triển khai vận hành sẽ trơn tru hơn rất nhiều, giúp tối đa hiệu quả của IOC.
Nói cách khác, để triển khai IOC hiệu quả hơn, đầu tiên phải có dữ liệu, thứ hai phải có một quy trình vận hành có quy chế, có nề nếp và sự vào cuộc của các lãnh đạo cấp cao nhất.
- Những năm vừa qua, các ứng dụng AI trên thế giới đã có sự tiến bộ rõ rệt về cả công nghệ và ảnh hưởng đến con người trong thời gian ngắn. Trong giai đoạn tới, IOC của VTS sẽ có chiến lược như thế nào với AI?
Đối với trí tuệ nhân tạo, IOC đóng vai trò bộ não nên chiến lược để thông minh hóa bộ não này sẽ tập trung vào việc tăng tính tự động hóa các hoạt động điều hành, tăng cường học từ những bài học cũ để đưa ra các gợi ý, giúp quy trình có thể chạy tự động, không cần sự tham gia của con người.
Một số hướng khác là tập trung đẩy mạnh hiệu quả các usecase điều hành. Ví dụ như AI được ứng dụng vào các tính năng như nhận diện khuôn mặt, phân loại, phát hiện bất thường, giúp nâng cao giải pháp an ninh, an toàn, bài toán về phân tích dữ liệu để có thể đưa ra được các dự báo.
Ví dụ, chúng ta có thể dự đoán rằng một khoảng thời gian tới thì khối lượng dịch vụ công sẽ bị tăng lên theo dữ liệu quá khứ, như vậy chính quyền cần phải bố trí nguồn lực phù hợp hơn để dịch vụ công thông suốt, không bị ách tắc.
- Quan điểm hợp tác với các đối tác, những công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới trong việc phát triển IOC của VTS như thế nào?
Ở giai đoạn đầu của trung tâm điều hành thông minh, chúng tôi cũng chưa thực sự tập trung nhiều vào các usecase, bài toán cụ thể. Tuy nhiên, để đưa IOC hoạt động một cách hiệu quả nhất, chúng tôi xác định cần phải hiện thực hóa trung tâm điều hành bằng các bài toán, các tình huống cụ thể, khi đó chúng tôi sẽ cần hợp tác với rất nhiều đối tác.
Để đưa IOC hoạt động một cách hiệu quả nhất, chúng tôi xác định cần phải hiện thực hóa trung tâm điều hành bằng các bài toán, các tình huống cụ thể, khi đó chúng ta sẽ cần hợp tác với rất nhiều đối tác.
Ví dụ, trật tự đô thị, hay ngập lụt… là những lĩnh vực mới, VTS hoàn toàn có thể hợp tác với các công ty, có thể là startup đã giải những bài toán đó rồi, và tích hợp vào hệ thống điều hành.
Hoặc như sau cơn bão lịch sử vừa qua, định hướng của chúng tôi có thể là hợp tác với những công ty nghiên cứu các bài toán phân tích, dự báo về sạt lở chẳng hạn, rồi tích hợp ngay vào hệ thống trung tâm điều hành. Trung tâm sẽ thông báo cho người dân ở các vùng nguy hiểm di dời đến vùng an toàn, đôn đốc các cấp để cùng nhau giải quyết vấn đề.
Một hướng khác là VTS tăng cường hợp tác với một số các công ty công nghệ hàng đầu để giúp cho việc điều hành trở nên thông minh hơn. Ví dụ như hợp tác với Nvidia, để phân tích các bài toán về trí tuệ nhân tạo, giải quyết được nhiều bài toán phân tích dữ liệu lớn hơn.
- Sau khi đã trải qua giai đoạn 1 (khai phá, áp dụng trung tâm điều hành cho địa phương), giai đoạn tiếp theo, VTS đặt ra những mục tiêu gì cho mảng IOC?
IOC vẫn phải đặt mục tiêu hiệu quả lên hàng đầu, theo đó có 2 nhiệm vụ chính.
Về nội tại, VTS sẽ tiếp tục tối ưu tính năng, hiệu năng, bổ sung các công nghệ về trí tuệ nhân tạo, phân tích dữ liệu lớn để nâng cao tính thông minh của sản phẩm. Bên cạnh đó cũng phải tăng cường bảo đảm về an toàn thông tin.
Thứ hai là mở rộng mạng lưới đối tác như tôi vừa trình bày ở trên, để hiệu quả của trung tâm điều hành thông minh đi vào được mọi ngõ ngách của đời sống xã hội. VTS luôn luôn mở cho tất cả các đối tác công nghệ, các doanh nghiệp nhỏ, luôn ủng hộ các start up ở Việt Nam.
- VTS đặt mục tiêu lớn cho giải pháp của mình ở Việt Nam là gì? Còn các thị trường nước ngoài thì sao?
Ở thị trường trong nước, VTS đặt mục tiêu sản phẩm trung tâm điều hành thông minh của Viettel phải có thị phần lớn nhất cả nước. Các trung tâm điều hành thông minh mà VTS triển khai phải thực sự đi vào cuộc sống, đem lại giá trị hiệu quả thực sự cho địa phương, giúp cho các địa phương có hoạt động điều hành tốt hơn, tối ưu hơn về mặt nguồn lực.
Với thị trường nước ngoài, trong giai đoạn 5 năm vừa rồi, VTS cũng đã triển khai IOC ở một số các thị trường Viettel đã đầu tư, ngay cả ở các thị trường rất xa Việt Nam như Peru. Nhưng bên cạnh đó, VTS cũng có tham vọng đưa IOC trở thành một sản phẩm trọng điểm giúp Viettel có thể dấn thân vào các thị trường cạnh tranh hơn. Trong năm nay, VTS sẽ cố gắng ký được các hợp đồng và triển khai sản phẩm này ở Trung Đông.
Với các thị trường kém phát triển hơn Việt Nam, VTS có thể mang các kinh nghiệm triển khai thành công ở trong nước để ứng dụng và hoàn thiện các bài toán theo nhu cầu của thị trường. Nhưng khi xác định vào các thị trường cạnh tranh hơn, phát triển hơn, kỳ vọng sẽ có thể có những bài toán nghiệp vụ mới mà có thể ánh xạ lại áp dụng cho thị trường Việt Nam.
- Xin cám ơn anh về cuộc trao đổi.