Tuấn Minh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 09:47 - 25.03.2024
Tham dự Hội nghị, về phía tỉnh Yên Bái có đồng chí Đỗ Đức Duy - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh; đồng chí Trần Huy Tuấn - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh cùng các thành viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo các sở, ngành trên địa bàn tỉnh. Phía Viettel có Chủ tịch - TGĐ Tào Đức Thắng cùng lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Tập đoàn.
Qua 2 năm thực hiện thoả thuận hợp tác chiến lược về chuyển đổi số cho tỉnh Yên Bái, Viettel đã tổ chức thực hiện 33/38 nhiệm vụ được giao, dự kiến hoàn thành hết trong năm 2024, trước thời hạn 1 năm.
Theo báo cáo báo cáo về việc thực hiện thoả thuận hợp tác, dựa trên 7 lĩnh vực trọng tâm trong thoả thuận hai bên đã ký kết, Viettel và UBND tỉnh Yên Bái đã cùng nhau xây dựng chính quyền số, hạ tầng số, kinh tế số trên địa bàn tỉnh nhằm phục vụ người dân tốt hơn. 2 bên đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận, đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng hoạt động của Viettel cũng như góp phần thúc đẩy chuyển đổi số cho tỉnh Yên Bái.
Tại buổi làm việc, đồng chí Đỗ Đức Duy, Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái nhấn mạnh: “Quan điểm của tỉnh mong muốn chuyển đổi số nhằm cải thiện đời sống người dân, làm nhân dân hạnh phúc hơn và hài lòng hơn, vì vậy chúng tôi mong muốn các đồng chí bám sát thoả thuận và phương châm về chuyển đổi số của tỉnh”.
Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh Yên Bái cũng cho biết nhờ hợp tác với Viettel, tỉnh Yên Bái đã cải thiện 25 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số DTI (Bộ chỉ số đánh giá chuyển đổi số). Việc hợp tác đem lại tăng trưởng này cũng được coi là hình mẫu tích cực, tiêu biểu trong hoạt động chuyển đổi số chính quyền.
Tại Hội nghị, đại diện các sở, ngành của tỉnh Yên Bái đã tham gia chia sẻ kinh nghiệm chuyển đổi số, cũng như nêu ý kiến về các hạng mục mới trong thoả thuận. Cụ thể, một số đơn vị đề xuất Viettel tăng cường nhân sự kỹ thuật cho ứng dụng YenBai-S, sử dụng thử hệ thống IOC, hỗ trợ ngành y tế tại tỉnh xây dựng kho dữ liệu dùng chung, nâng cấp hạ tầng CNTT của ngành y tế và nhận thức về an toàn thông tin và sử dụng công nghệ thông tin…
Trước báo cáo, tham luận từ các đại diện tỉnh Yên Bái, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn nhấn mạnh: “Về các đề xuất, kiến nghị của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành, chúng tôi cam kết sẽ hoàn thành hết các nhiệm vụ trong nội dung thoả thuận hợp tác”.
“Chúng tôi sẵn sàng chia sẻ trong phạm vi về đào tạo cán bộ chủ chốt, cấp chiến lược ở cơ sở đào tạo của chúng tôi, sau đó chúng ta sẽ lan toả thêm. Nội dung đào tạo chúng tôi tự tin có thể may đo bằng công nghệ của Học viện Viettel. Cần thiết phải đào tạo công nghệ mới hơn như sử dụng AI, an ninh mạng, chứ không còn là đào tạo sử dụng công nghệ thông tin thuần tuý”, người đứng đầu Tập đoàn thông tin.
Đồng thời, Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng rất mong muốn Viettel sẽ áp dụng cách làm của tỉnh Yên Bái khi hiệp đồng cùng lực lượng công chức, viên chức và giáo viên để hướng dẫn bà con sử dụng các nền tảng số, thành lập các tổ chuyển đổi số cộng đồng.
Sau 2 năm ký kết thoả thuận hợp tác chuyển đổi số với Viettel, hiện nay tỉnh Yên Bái đang xếp thứ 15/63 tỉnh thành trên cả nước về chuyển đổi số. Đến nay, Viettel thực hiện xoá lõm sóng di động được 167/173 vùng lõm sóng 4G trên địa bàn tỉnh, thực hiện phủ sóng 4G đến cấp thôn đạt 98%, vùng phủ cố định băng rộng cấp thôn đạt 95,7%.
Với lĩnh vực xã hội số, UBND tỉnh Yên Bái cho biết Viettel đã thành công triển khai ứng dụng Công dân số YenBai-S từ năm 2022 với 45.000 người sử dụng. Đến nay, ứng dụng này có 350.000 công dân sử dụng thường xuyên, chiếm 57% dân số trưởng thành của tỉnh, trung bình, mỗi hộ gia đình trên địa bàn tỉnh có 1 người sử dụng.
Ngoài ra, Viettel đã triển khai thí điểm Trợ lý ảo Phục vụ cán bộ, công chức, viên chức do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì tại tỉnh. Phối hợp triển khai dùng thử miễn phí nền tảng Khám chữa bệnh từ xa (Telehealth) cấp xã tại Trạm y tế xã Đông Cuông, huyện Văn Yên phục vụ nhu cầu chữa bệnh của người dân.
Nhằm phát triển hạ tầng thúc đẩy chuyển đổi số đến cấp xã, Viettel đã phối hợp triển khai chương trình hỗ trợ tổng cộng 4.010 máy điện thoại thông minh cho hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn tỉnh, với tổng số tiền hỗ trợ gần 4,2 tỷ đồng và hỗ trợ kinh phí cho các cơ quan, đơn vị, địa phương trên địa bàn tỉnh Yên Bái thực hiện chuyển đổi số với tổng kinh phí hơn 15,6 tỷ đồng.
Cán bộ sở, ngành và người dân tỉnh Yên Bái chia sẻ về thành quả chuyển đổi số tại tỉnh.