Bài học thiết kế trạm 4G của kĩ sư VTNet

Thùy Dương (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 15:35 - 04.07.2024

Từ những nghiên cứu, khảo sát trên thực tế, đội ngũ kỹ thuật VTNet đã tìm ra “công thức” chính xác nhất, giúp tối ưu chất lượng mạng 4G và nâng cao trải nghiệm khách hàng.

Thời điểm năm 2018, sau gần 1 năm khai trương dịch vụ 4G, đội ngũ kỹ thuật Viettel nhận được phản ánh nhiều trường hợp khách hàng nghẽn mạng nhưng trên hệ thống theo dõi, các thông số, chỉ tiêu đều đạt KPI. Bài toán đặt ra cho những người thiết kế cell 4G (trạm phát 4G) là phải làm thế nào tính toán số lượng người dùng đáp ứng tối đa trong 1 thời điểm và mức dung lượng data đảm bảo để mỗi khách hàng có thể trải nghiệm dịch vụ thông suốt.  

Nhiệm vụ càng thách thức hơn khi tại thời điểm này kiến thức, kinh nghiệm về mạng 4G của Viettel còn nhiều hạn chế, mạng 4G được thiết kế dành riêng cho dịch vụ truyền dữ liệu thay vì chỉ đơn thuần như dịch vụ thoại của công nghệ 2G và 3G trước đây.

nh-4

Từ lý thuyết

Anh Nguyễn Trọng Công khi đó là kỹ sư Quy hoạch thiết kế mạng vô tuyến của Tổng Công ty Mạng lưới Viettel (nay là Trưởng phòng Công nghệ - Ban Kỹ thuật Tập đoàn) là một trong những cá nhân trong nhóm được giao nhiệm vụ quan trong này.

“Nếu xét về mặt lý thuyết thì với dịch vụ truyền dữ liệu, không có bất kỳ một tài nguyên dành riêng nào cho mỗi người. Tốc độ truyền dữ liệu của mỗi người sẽ không cố định mà theo kiểu “best effort” – nghĩa là sẽ luôn cố gắng cung cấp cho người dùng một tốc độ tối đa nhất theo lượng tài nguyên khả dụng”,

“Giả sử tại một thời điểm chỉ có một người dùng thì họ sẽ được cấp toàn bộ tài nguyên mạng 4G và có tốc độ truyền dữ liệu tối đa, có thể lên tới trên 100Mbps. Ngược lại, khi có nhiều người có nhu cầu sử dụng dịch vụ tại một thời điểm thì tài nguyên mạng 4G sẽ được chia sẻ với người dùng theo các thuật toán tối ưu nhất, tùy thuộc chất lượng tín hiệu vô tuyến hay nhu cầu truyền dữ liệu của người dùng”, anh Công giải thích.

Ví dụ khách hàng xem video trên youtube có yêu cầu truyền dữ liệu cao hơn sẽ được cấp phát nhiều tài nguyên nhiều hơn so với người dùng đang nhắn tin qua zalo/whatsapp. Với thuật toán này, tuy tốc độ của mỗi người dùng có sự chênh lệch nhau, người xem video youtube có thể đạt tốc độ trên 3Mbps, người nhắn tin whatsapp chỉ đạt tốc độ 100kbps, tương đương kém 30 lần. Khi đó, tất cả khách hàng đều có trải nghiệm chất lượng dịch vụ tốt và luôn thấy hài lòng.

Đến thực tế

Nhưng trên thực tế lại hoàn toàn ngược lại, nhiều tình trạng “nghẽn mạng” xảy ra khi có quá nhiều người trong khu vực cell 4G cùng truy cập vào 1 thời điểm. Phương án tối ưu là phải tìm ra được ngưỡng phục vụ số lượng khách hàng tại 1 thời điểm (RRC Connected User) tối đa với tốc độ truyền dữ liệu trung bình (User Throughput) tối thiểu. Vấn đề này không thể giải quyết dựa trên cơ sở lý luận nêu trên.

Nắm bắt được căn nguyên vấn đề, anh Công cùng cả nhóm đã thực hiện phân tích, đánh giá hơn 100.000 cell 4G tại Việt Nam và 30.000 cell 4G tại Campuchia, lựa chọn ra những cell có lưu lượng cao, số lượng thuê bao lớn và ngưỡng User Throughput thay đổi theo giờ.

Khu vực bãi chờ xe buýt lúc bắt đầu giờ tan tầm, hầu hết mọi người đều sử dụng điện thoại (năm 2018).

Sau khi phân tích, cả nhóm quyết định trực tiếp khảo sát tại khu vực nhà máy Samsung Bắc Ninh để thực hiện đo kiểm trải nghiệm người dùng. Đây là khu vực đặc thù khi công nhân trong giờ làm không được sử dụng điện thoại, nên đến giờ ăn trưa và tan làm thì lượng truy cập xảy ra đồng thời, tăng cao đột biến.

Nhóm nghiên cứu của anh Công thực hiện đánh giá 4G tại tất cả các thời điểm trong ngày: Trong giờ hành chính, khi công nhân không sử dụng dịch vụ; tại giờ nghỉ trưa khi đi ăn cơm, thời điểm tất cả công nhân “check in” điện thoại và thời điểm tan tầm, khi tất cả công nhân tập trung ở bãi xe của nhà máy để ra về.

Sau hơn 1 tuần thực hiện hàng trăm phép đo kỹ thuật, các số liệu đã chứng minh điều hoàn toàn ngược lại với lý thuyết ban đầu:

Khi tốc độ truyền dữ liệu trung bình User Throughput đạt ngưỡng trên 1Mbps thì người dùng thực tế tại khu vực cell đó có thể sử dụng hầu hết các loại dịch vụ, từ xem youtube cho tới đọc báo, nhắn tin OTT…

Khi số lượng khách hàng tại 1 thời điểm RRC Connected User vượt quá ngưỡng 80 người, mặc dù trên hệ thống OSS không ghi nhận bất kỳ chỉ số “nghẽn” nào, nhưng người dùng gần như không thể sử dụng bất kỳ dịch vụ nào, kể cả nhắn tin.

Sau cuộc nghiên cứu, tất cả kết quả, đánh giá này đã trở thành những tiêu chuẩn chân lý mới vô cùng quan trọng, trở thành tri thức mới để đội ngũ kỹ thuật VTNet tính toán, xác định ngưỡng chịu tải của một cell 4G.

Chia sẻ về cách làm này, anh Công tự hào: “Áp dụng giá trị cốt lõi “Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý” đã giúp chúng tôi có được những tri thức quan trọng này. Hiện “công thức” này đã được chúng tôi áp dụng trong công tác quy hoạch thiết kế mạng 4G tại Việt Nam và tất cả các thị trường, đáp ứng theo từng đặc điểm hành vi khách hàng và địa hình tại từng quốc gia khác nhau.”

“Dò đá qua sông” đã trở thành cách làm, cách nghĩ thường trực của mỗi người Viettel, đặc biệt là đội ngũ kĩ thuật. Đây cũng chính là cách để chúng ta tìm ra lời giải cho những bài toán khó, liên tục điều chỉnh phù hợp với thực tế, giúp nâng cao chất lượng dịch vụ và tối ưu nguồn lực cả về vật chất và con người.

Thực tiễn là tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý

Nhận thức:

  • Lý thuyết và thực tiễn có vai trò quan trọng như nhau. Nếu chỉ có thực tiễn thì thành chủ nghĩa kinh nghiệm, dễ mất phương hướng và ngược lại thì thành lý thuyết suông.
  • Lý luận để tổng kết thực tiễn rút ra kinh nghiệm, tiệm cận chân lý và dự đoán tương lai. Cần có lý luận và dự đoán để dẫn dắt, nhưng chỉ có thực tiễn mới khẳng định được những lý luận và dự đoán đó đúng hay sai.
Hành vi:
  • Nắm chắc lý luận để vận dụng đúng đắn vào thực tiễn.
  • “Dò đá qua sông” thường xuyên đi cơ sở để xây dựng lý luận, chiến lược, chính sách… và liên tục điều chỉnh cho phù hợp với thực tiễn.
  • Đánh giá con người cần nhìn cả quá trình thực tiễn.
  • 1239
  • 4

Bài học sáng tạo từ câu chuyện Metfone năm nào

  • 1086

'Đông - Tây' qua ví dụ độc đáo của Phó TGĐ VDS

  • 3162
  • 1

5 bước giải quyết vấn đề trong văn hóa Viettel là gì?

  • 1433

Người Viettel đi truyền lửa, được truyền lửa ngược lại

  • 177
  • 4

'Rung chuông' văn hóa tại Viettel Commerce

  • 162

Tôi, một người Viettel không sợ thay đổi

  • 481
  • 4

Đặc quyền của cá nhân tiêu biểu tháng tại Viettel AI

  • 942
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua