Quỳnh Nguyễn (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 18:41 - 10.01.2024
Viettel Family trân trọng gửi tới đồng chí toàn văn bài phát biểu của Chủ tịch - TGĐ Tập đoàn Tào Đức Thắng tại Chung kết cuộc thi văn hóa WOW Viettel, diễn ra chiều 9/1.
Kính thưa các đồng chí trong Đảng ủy, Ban TGĐ Tập đoàn; các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị
Thưa toàn thể cán bộ, nhân viên Viettel,
Hôm nay, chúng ta có mặt tại đây để chứng kiến những câu chuyện về văn hóa Viettel được chính người Viettel kể bằng ngôn ngữ của nghệ thuật. Tôi và các thành viên BGK rất bất ngờ với các tiết mục trình diễn, sự sáng tạo và khả năng trình diễn rất chuyên nghiệp của các đội thi. Mỗi tiết mục chứa đựng nội dung khác nhau, truyền tải câu chuyện khác nhau, nhưng đều rất sáng tạo và thấm đẫm tinh thần Viettel, văn hóa Viettel. Thật sự “WOW”, thật sự Viettel.
Chúng ta vừa tìm ra được những đội thi xuất sắc nhất của Wow Viettel. Nhưng tôi tin, tất cả chúng ta, dù có là thành viên của các đội, hay là cổ vũ hay đang theo dõi chương trình đều đến với cuộc thi này bằng tình yêu và tâm huyết với ngôi nhà chung Viettel - nơi chúng ta không chỉ làm việc mà còn sống, sẻ chia, gắn bó cùng nhau.
Thay mặt Ban TGĐ Tập đoàn, tôi chúc mừng các đội thắng giải, biểu dương tất cả các tập thể đã tham gia cuộc thi WOW Viettel!
Thưa các đồng chí,
Cuộc thi WOW Viettel ra đời trong bối cảnh năm 2023, Tập đoàn ban hành 8 giá trị văn hóa cốt lõi với những nội hàm, diễn giải mới về nhận thức, hành vi để phù hợp với xu thế, thực tiễn và định hướng phát triển, chuyển dịch chiến lược của Viettel ở giai đoạn thứ 4. Đó là từ một nhà khai thác viễn thông trở thành tập đoàn công nghiệp công nghệ cao toàn cầu với sứ mệnh Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số.
Nói về văn hóa, tôi đã nhiều lần nhắc đến câu trích dẫn rất hay của Bác Hồ tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11 năm 1946: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”. Từ câu nói của Bác, chúng ta có thể hiểu rằng, văn hóa Viettel soi đường cho người Viettel. Soi đường, tức là những lúc khó khăn, văn hóa là điểm tựa giúp chúng ta đưa ra quyết định phù hợp và hiệu quả nhất với chúng ta.
Văn hóa Viettel hình thành người Viettel, đã là người Viettel thì phải có văn hóa Viettel. Các giá trị văn hóa là niềm tự hào, là sự khác biệt, là nét riêng độc đáo của Viettel. Giữa 3 yếu tố: giỏi việc, yêu việc và phù hợp với văn hóa, Viettel xếp giỏi việc ở thứ 3 vì đào tạo để có tình yêu khó hơn nhiều lần so với đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ. Một người chưa thành thạo kỹ năng nhưng làm nhiều sẽ quen và có thể tiến bộ nếu họ thực sự cầu tiến, nỗ lực, có ý chí, khát vọng vươn lên. Quan trọng nhất là tìm chọn được người yêu việc và phù hợp với văn hóa Viettel.
2006 là thời điểm Viettel lần đầu tiên công bố bộ giá trị cốt lõi. Nhưng các giá trị ấy thực ra đã hình thành, tồn tại trong cách nghĩ, cách làm của những người đứng đầu Tập đoàn qua các thời kỳ. Kể cả từ cuối những năm 1980, 1990, qua các thước phim, bài báo mà các bác, các chú nói về thuở đầu của Viettel, thời Sigelco, chúng ta đều cảm nhận được những tinh thần ấy.
Trải qua gần 35 năm nhưng các giá trị văn hóa Viettel là không thay đổi, chúng ta vẫn giữ gìn nguyên vẹn tên 8 giá trị văn hóa và thực hiện bổ sung thêm ý nghĩa, nội dung bên trong để làm giàu hơn, rõ hơn, đầy đủ hơn, sâu sắc hơn các giá trị.
Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta khi ban hành bộ 8 giá trị cốt lõi là làm sao để đưa văn hóa lan tỏa sâu rộng tới tất cả các cấp của Viettel, ở cả Việt Nam và các thị trường nước ngoài. Là làm sao để từng người Viettel dù ở vị trí nào, làm công việc gì cũng biết, hiểu và hiểu giống nhau, cùng nhau tin tưởng, tự hào và ánh xạ các giá trị văn hóa vào thực tế.
Hiện nay, Viettel có khoảng hơn 200 cơ quan, đơn vị trực thuộc từ cấp chi nhánh ở cả trong và ngoài nước. Mỗi đầu mối có thể có đặc thù nghề nghiệp, nguyên tắc làm việc cá thể. Tuy vậy, chúng ta hãy cùng ghi nhớ thông điệp One Viettel, nghĩa là chỉ có một văn hoá Viettel cho một Viettel. Tập đoàn và các đơn vị đã xây dựng kế hoạch cài đặt, đã triển khai đồng bộ hàng trăm lớp đào tạo văn hóa ở tất cả các cấp, hay tổ chức sôi nổi nhiều chương trình để lan tỏa văn hóa Viettel.
Cuộc thi WOW là một ví dụ tiêu biểu, nói về văn hóa một cách trực quan, sinh động và giàu cảm xúc. Tôi biết cũng có nhiều đơn vị khác tổ chức đa dạng các hoạt động như tuần lễ văn hóa Viettel ở TCT Mạng lưới, thi sáng tạo nghi thức thực hành văn hóa tại Công ty An ninh mạng hay dự án VDS hạnh phúc ở TCT Dịch vụ số…
Theo kết quả khảo sát gần 40.000 người Viettel, có tới 98% CBNV cho biết cảm thấy là một phần văn hóa của Viettel. Đây là những con số đáng mừng. Nhưng tất cả chúng ta đã thực sự hiểu tường tận các giá trị cốt lõi hay chưa? Hay có vận dụng được triệt để văn hóa vào công việc thực tế hàng ngày hay không?
Đó vẫn là câu hỏi trăn trở. Khi xảy ra một vấn đề, chúng ta có xu hướng cho rằng đó là lỗ hổng và tìm cách lấp lại bằng văn bản quy định, quy chế, quy trình. Đây không phải là cách làm sai nhưng sẽ rất khó để lấp hết các lỗ hổng vì càng làm càng thiếu. Bền vững nhất là dùng giá trị cốt lõi, dùng văn hóa Viettel để ứng xử trước mỗi tình huống.
Để đưa văn hóa vào mọi khía cạnh của Tập đoàn, qua sự kiện Chung kết WOW Viettel hôm nay, tôi có 3 điều mong muốn được chia sẻ tới toàn thể các đồng chí:
Đầu tiên là chúng ta thống nhất với nhau rằng, xây dựng và lan tỏa văn hóa là việc của người đứng đầu các cấp. Trong quá trình điều hành, dẫn dắt tổ chức, ngoài nhiệm vụ về sản xuất kinh doanh, người lãnh đạo, chỉ huy các cơ quan, đơn vị cần chú trọng cả chuyện lan tỏa văn hóa Viettel. Đây là việc người đứng đầu phải làm trực tiếp, làm thường xuyên và phải làm gương để cấp dưới nhìn vào, tin tưởng và thực hành theo. Văn hóa có thực sự đi vào cuộc sống, biến thành suy nghĩ, hành động, thói quen của từng cá nhân hay không phụ thuộc rất nhiều vào nhận thức và hành xử của người đứng đầu các cấp.
Thứ hai là văn hóa thì không chỉ nói suông, phải kết hợp với hành động và thực tiễn, tăng cường lý luận, gia tăng sự tin cậy. Cách tốt nhất để lan tỏa văn hóa Viettel là từ hành động của lớp người đi trước phải làm gương cho người đi sau. Người đi sau lặp lại hành động đó trở thành hành vi, thói quen và cuối cùng là thành văn hoá. Tiếp cận theo cách đó, chúng ta có thể giúp các thế hệ mới vào Viettel hiểu sâu sắc hơn tư tưởng của những người khởi nghiệp, trân quý hơn những khó khăn của người đi trước, để tiếp tục phát triển cơ đồ, tầm vóc của Viettel
Thứ ba là đưa văn hóa Viettel trở thành văn hóa toàn cầu. Hôm nay, tôi rất vui khi thấy đội thi của Movitel từ Mozambique và mong muốn có nhiều hơn nữa các hoạt động gắn kết văn hóa ở các công ty thị trường. Để các bạn nước ngoài cảm nhận được văn hóa Viettel, việc đầu tiên là chính chúng ta phải lắng nghe văn hóa của các bạn và luôn động viên khích lệ các bạn hòa nhập văn hóa chung.
Thế hệ đi trước đã cho chúng ta một Viettel như hôm nay. Tập đoàn năm 2024 và nhiều năm tới sẽ tiếp tục đặt những mục tiêu cao hơn, thách thức hơn. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quân đội tin tưởng giao cho Viettel nhiều trọng trách cao cả. Trách nhiệm của chúng ta là gìn giữ Viettel, bảo vệ Viettel và xây dựng Viettel tốt hơn, có tương lai tươi sáng hơn cho thế hệ mai sau. Viettel càng lớn mạnh thì người Viettel càng phải kết dính với nhau bằng văn hóa, thứ tài sản vô giá và cũng chính là sức mạnh của Viettel chúng ta.
Nếu từng người Viettel có văn hóa Viettel trong mình, tôi tin chúng ta sẽ vượt qua những thách thức để cùng nhau thực hiện thành công những đỉnh núi của năm 2024 và chặng đường phía trước.
Hãy dùng văn hóa để soi đường và làm nền tảng cho mỗi bước đi của chúng ta.
Có như vậy, văn hóa Viettel mới có giá trị và Viettel mới trường tồn.
Một lần nữa, xin chúc mừng các đội thi. Chúc văn hóa Viettel sẽ luôn là chất kết dính mỗi thành viên trong tổ chức này, để cùng nhau, chúng ta làm nên những điều “Wow” cho Viettel!
Trân trọng cảm ơn các đồng chí.