Minh Anh (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 19:17 - 02.01.2025
Quên mình trong giây phút nguy nan
Hơn 4h sáng ngày 13/7, anh Nguyễn Đức Tài, nhân viên kỹ thuật nhà trạm của Trung tâm Bắc Mê, Chi nhánh Công trình Viettel Hà Giang đi kiểm tra cáp quang bị chùng võng tại xã Yên Định theo thông báo từ người dân. Khi đi đến Km10+900, anh thấy xe khách 16 chỗ đang bị kẹt lại giữa đống đất, đá nên dừng lại phụ giúp.
Đúng lúc đó, đất, đá từ trên cao bất ngờ đổ xuống. Anh Tài hoảng hốt hô to: "Sạt lở rồi, mau chạy thôi!". Nghe tiếng tri hô của anh Tài, mọi người vội vàng bỏ chạy. Lúc này, anh thấy một bé gái khoảng 7 tuổi đứng một mình, đang gào khóc giữa lúc đất đá đang ào ào trút xuống. Anh vội kéo cháu bé chạy thật nhanh ra khỏi khu vực sạt lở.
Sau khi đưa bé gái đến khu vực an toàn, anh Tài trấn an bé rồi mượn đèn pin, cùng vài thanh niên quay lại hiện trường để cứu người. Khi tham gia vào hỗ trợ xe khách và cứu người, chiếc xe máy của anh Tài cũng bị đất đá vùi lấp.
“Tài sản tôi có thể kiếm lại được, tiếc là không thể cứu được nhiều người mắc kẹt trong đống bùn đất. Thiên nhiên thật khắc nghiệt!”, anh Tài chia sẻ. Ghi nhận sự dũng cảm và quên mình ấy, Bộ Quốc phòng đã quyết định tuyển dụng Quân nhân chuyên nghiệp, không qua bước tuyển CNVCQP với anh Nguyễn Đức Tài vì đã có thành tích xuất sắc, dũng cảm cứu người, cứu tài sản của nhân dân.
Ai cũng mong về sớm trước bão
Cơn bão số 3 tiến vào đất liền nước ta đầu tháng 9 vừa qua, được coi là cơn bão mạnh nhất trong 30 năm qua trên Biển Đông. Không chỉ tác động trực tiếp tới một loạt các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Hải Dương, Hưng Yên,… cơn bão cũng ảnh hưởng tới một số khu vực lân cận, trong đó có Hà Nội.
Ngày 7/9, trong khi đang trên đường chở thiết bị vào trạm, anh Hoàng Văn Hùng, nhân viên kỹ thuật nhà trạm tại Trung tâm Cầu Giấy, Chi nhánh Công trình Viettel Hà Nội thấy một cụ bà đang loay hoay đẩy chiếc xe hàng nặng trên dốc cầu trượt Trịnh Văn Bô, Cầu Giấy.
Chẳng biết bà cụ đẩy xe hàng về nhà hay đi đâu, nhưng trời bắt đầu mưa và gió đã thổi mạnh, báo hiệu bão sắp đến. Một mình bà cụ đi bộ qua dốc cầu vượt có lẽ đã không dễ dàng, vậy mà cụ còn phải đẩy thêm chiếc xe hàng cồng kềnh và nặng nề. Không nghĩ ngợi nhiều, anh Hùng tức tốc dừng xe, tới giúp bà cụ đẩy xe hàng qua dốc cầu một cách thuận lợi.
Trước lúc siêu bão về, người ta thường trú trong nhà kiên cố, hiếm có ai ra đường để đảm bảo an toàn cho bản thân. Nếu không có những người như anh Hoàng Văn Hùng ở thời điểm đó, chẳng biết mất bao lâu bà cụ mới có thể qua được cầu, và thậm chí sự an toàn của bà cụ cũng bị ảnh hưởng.
Tính mạng con người là quan trọng nhất
Tối ngày 11/9, do ảnh hưởng của bão Yagi, nước lũ dâng cao làm 22 trạm tại khu vực Kim Bảng - Duy Tiên, Hà Nam bị cô lập. Đội kỹ thuật gồm anh Nguyễn Quyết Thắng, Giám đốc kỹ thuật cùng anh Nguyễn Hồng Hải, nhân viên kỹ thuật nhà trạm và anh Dương Văn Tuất, Nhân viên quản lý chất lượng lập tức lên đường đi cứu thiết bị trong đêm tối. Nước ngập sâu, 3 anh em phải dùng thuyền để di chuyển thực hiện nhiệm vụ.
Trong lúc đang cứu trạm, các anh nhận thấy sự ồn ào phát ra từ phía các hộ dân gần đó. Mực nước dâng lên nhanh và bất ngờ khiến các hộ dân ven sông Đáy buộc phải di dời gấp trong buổi tối, nếu ở lại đến đêm sẽ nguy hiểm cho cả tính mạng người dân và tài sản. Vừa nhận ra, các anh không ai bảo ai cùng lội nước bì bõm tới phụ giúp.
Trong lúc đang gấp gáp, anh Thắng nghe tiếng anh Hải gọi từ xa báo có một gia đình vẫn đang loay hoay chưa thể rời đi. Anh Nguyễn Hồng Hải cho biết: “Tôi thấy người đàn ông trung niên đang xoay sở để cõng và dìu bố mẹ già yếu, nhưng mãi vẫn chưa ra được khỏi nhà”. Lập tức, anh Tuấn cầm ô, soi đèn còn anh Thắng và anh Hải cõng hai cụ tới nơi an toàn.
“Lúc đó, nhiệm vụ giữ vững mạng lưới cũng đang rất cấp bách nhưng cứu người quan trọng hơn. Anh em chúng tôi gấp gáp giúp bà con xong lại nhanh chóng làm tiếp nhiệm vụ của mình”, anh Thắng nhớ lại.
Không đếm được đã cứu bao nhiêu người
Vài ngày sau đó, hoàn lưu bão Yagi gây sạt lở, lũ quét khắp các tỉnh phía Tây Bắc nước ta. Lào Cai cũng là một trong những tâm điểm với hàng loạt khu phố chìm trong biển nước.
Trong quá trình đảm bảo an toàn cho kho hàng, nhận thấy tình hình nguy cấp và biết rằng khu vực xung quanh có nhiều người dân bị mắc kẹt, anh Bàn Thanh Bình, nhân viên bưu tá của VTPost cùng anh em trong Bưu cục Bắc Cường ở Lào Cai đã quyết định dùng xuồng dự phòng để hỗ trợ người dân đến nơi an toàn.
Khi được hỏi đã giải cứu được bao nhiêu người, anh Bình chỉ cười: "Tôi không đếm, chỉ biết rằng cứ có người cần, anh em chúng tôi sẵn sàng đến ngay. Chỉ cần mọi người an toàn thì dù xa thế nào chúng tôi cũng sẵn sàng tới".
Thót tim cứu người trong lũ cuốn
Bão Yagi qua đi, hơn 1 tháng sau, Việt Nam lại đón cơn bão Trami đổ bộ vào các tỉnh miền Trung. Sáng sớm ngày 29/10, anh Hoàng Đức Hiếu, nhân viên kỹ thuật nhà trạm ở Trung tâm Lệ Thủy thuộc Chi nhánh Công trình Viettel Quảng Bình cùng đồng nghiệp từ Hà Nội vào hỗ trợ là anh Trần Thanh Tài đi cấp phát xăng dầu ứng cứu mất điện cho các trạm BTS trên địa bàn huyện Lệ Thủy, Quảng Bình.
Khi qua cánh đồng thuộc xã Mai Thủy, nghe tiếng kêu cứu, các anh phát hiện một người dân đang bám trên một tấm khung quảng cáo mỏng manh ghim trên cột điện giữa mênh mông biển nước. Thời điểm đó, mưa to, sóng lớn, gió thổi mạnh nhưng các anh đã không quản ngại hiểm nguy, nỗ lực tìm cách tiếp cận và ứng cứu nạn nhân kịp thời.
Nạn nhân là ông Trương Văn Duy, 58 tuổi ở thôn Xuân Hồi, xã Liên Thủy, huyện Lệ Thủy bị lật thuyền lúc 17h30 ngày 28/10. Lúc tiếp cận để ứng cứu, ông Duy vẫn đang trong trạng thái tím tái vì rét lạnh, đã nhịn ăn uống hơn 12 giờ đồng hồ. Chiếc thuyền và điện thoại của ông cũng bị nước lũ cuốn trôi. Thật may mắn, anh Hiếu và anh Tài đã đưa được người này vào bờ an toàn, hỗ trợ ăn uống và chăm sóc sức khỏe.
Giữa gang tấc sinh tử của người bệnh
Cùng thời điểm đó, những người lính Viettel tại Thừa Thiên Huế cũng đã nhanh trí giúp một người bệnh đang lên cơn hen suyễn nặng duy trì máy thở.
Mưa bão gây ngập lụt, mất điện kéo dài trên địa bàn. Anh Mai Trọng Hiếu, PGĐ Chi nhánh Bưu chính Viettel Thừa Thiên Huế đang đi ứng cứu thông tin trên địa bàn thì nhận được lời cầu cứu từ người nhà của bệnh nhân này. Anh Hiếu cùng đồng đội quyết định sử dụng nguồn điện từ trạm phát sóng Viettel để hỗ trợ cắm máy thở cho bệnh nhân.
“Lúc ấy trời vẫn còn mưa lớn, gió mạnh từng cơn, việc đấu điện cho máy thở trong điều kiện đó khá nguy hiểm. Nhưng cứu người là trên hết, nên chúng tôi không thể chần chừ. Sau khi bệnh nhân qua cơn nguy hiểm, mọi người mới thở phào nhẹ nhõm”, anh Hiếu nhớ lại khoảnh khắc nghẹt thở.
Nghẹt thở cứu phi công gặp nạn
Không chỉ xuất hiện trên chiến trường, trong thiên tai bão lũ, mà trong chính thời bình, những người lính vẫn hết mình xả thân vì nhân dân, vì đồng bào. Khoảng 11h ngày 6/11, trên địa bàn huyện Tây Sơn, Bình Định xảy ra vụ rơi máy bay quân sự của Trung đoàn KQ940, Trường Sĩ quan Không quân. Lúc đó trên máy bay có Đại tá Nguyễn Văn Sơn, Trung đoàn trưởng trung đoàn KQ940 và Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, Chủ nhiệm bay của Trung đoàn.
Vừa nhận được thông tin, đội ngũ kỹ thuật của VTNet, VCC tại miền Trung đã ngay lập tức tiến hành kiểm tra lịch sử thuê bao của 2 phi công. Các nhân sự hỗ trợ tiếp tục khoanh vùng và thực hiện các nghiệp vụ để xác định vị trí. Tuy nhiên, địa hình đồi núi hiểm trở, nhiều vực sâu gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác xác định vị trí trạm phát sóng.
Sau nhiều nỗ lực, cùng với sự cố gắng, sau hơn 3 tiếng từ lúc rơi máy bay, Thượng tá Nguyễn Hồng Quân, 1 trong 2 phi công đã bắt được sóng và thực hiện cuộc gọi đầu tiên. Ngay lúc đó, các nhân sự Viettel cũng lập tức xác định được tọa độ và tiếp tục tham gia tổ chức tìm kiếm. Đến cuối ngày, lực lượng cứu hộ đã tìm thấy Đại tá Nguyễn Văn Sơn. Thời khắc nghe thấy tiếng phi công đáp lại, cả đội vỡ òa, vội chạy một mạch đến nơi phát ra âm thanh.
“Công việc hàng ngày giúp tôi có ít nhiều kinh nghiệm về địa hình khu vực, cách hoạt động các trạm ở sâu trong núi. Nhưng lần vượt núi, băng rừng này thật sự đáng nhớ vì cả đội hoàn toàn phải lặn lội trong đường rừng giữa mưa lớn, không có đường mòn men theo. Thời điểm cứu được cả 2 anh, tôi thật sự rất vui, quên hết mọi vất vả”, anh Nguyễn Quang Ẩn, người trực tiếp đi tìm 2 phi công chia sẻ. Ra khỏi bìa rừng lúc nửa đêm, anh Ẩn vội liên lạc ngay về cho thủ trưởng báo cáo nhiệm vụ hoàn thành, cả đội an toàn. 3h sáng ngày 7/11, anh Ẩn mới trở về nhà.
Người hùng áo xám giấu tên
Chiều ngày 13/12, trên đường từ trạm CBG0098 về nhà, anh Nông Thanh Hiến, nhân viên kỹ thuật nhà trạm thuộc Trung tâm Thành phố - Hòa An - Thạch An ở Cao Bằng bắt gặp một em nhỏ bị tai nạn ngã bên đường. Chiếc xe đạp của em bị biến dạng, em ngồi khóc nức nở với cánh tay rỉ máu và vết thương trên đầu, không thể nói chuyện.
Không do dự, anh Hiến dừng xe, kiểm tra tình trạng của em nhỏ và nhanh chóng đưa em đến trạm y tế xã Nam Tuấn cách đó 1km để sơ cứu. Trên đường, anh cố gắng liên lạc với người thân của em nhưng không thành. Nhờ bạn của em gọi về làng, gia đình đã được thông báo. Đến trạm y tế, các bác sĩ chẩn đoán em bị chấn thương đầu và lập tức sơ cứu khi em rơi vào trạng thái bất tỉnh.
Gia đình em, anh Vọng và chị Vân, bàng hoàng khi nhận tin con trai gặp nạn. Là học sinh lớp 5, Mạnh là con trai cả trong gia đình. Nhờ sự giúp đỡ kịp thời của anh Hiến, em Mạnh đã vượt qua tình huống nguy hiểm và dần hồi phục sức khỏe.
Một tuần sau, em Mạnh xuất viện với sức khỏe dần ổn định. Gia đình chị Vân không ngừng tìm kiếm người ân nhân đã cứu con trai mình. Qua lời kể từ các bạn của Mạnh và cô y tế xã, chị nhớ ra những người kỹ thuật của Viettel thường mặc đồng phục xám. Từ đó, chị nghĩ đến anh Dược, một người bạn làm ở Viettel. Nhờ anh Dược hỏi thăm, gia đình chị biết được anh Hiến là người phụ trách các trạm trên khu vực huyện Hòa An thường đi lại qua đó để lên trạm.
Đáp lại, anh Hiến khiêm tốn chia sẻ: "Đó là việc tôi cần làm thôi, chẳng có gì to tát cả. Nếu là bất kỳ ai khác thấy người cần giúp đỡ, tôi nghĩ rằng sẽ không ai có thể làm ngơ."
Khi thiên tai ập đến, khi khó khăn xảy ra, khi sự sống bị đe dọa, thật kỳ diệu vì ở đâu đó luôn có bóng dáng những người lính Viettel. Những người hùng ấy xuất hiện dưới nhiều màu áo khác nhau - màu áo Công trình Viettel, màu áo Bưu chính Viettel, Mạng lưới Viettel hay nhiều đơn vị khác. Nhưng họ cùng chung một tinh thần Viettel, chung trái tim nóng máu và chung giây phút quên mình xả thân cứu giúp đồng bào.
Những khoảnh khắc đẹp, những câu chuyện ấm áp và yêu thương của các đồng nghiệp càng làm mỗi thành viên dưới mái nhà chung thêm tin yêu, thêm tự hào về truyền thống và cách làm của người lính, về điểm khác biệt tạo nên sức mạnh của Viettel.