Anh Kiệt (Ban Thương hiệu & Truyền thông) đã đăng lúc 09:14 - 30.07.2024
Với anh Hoàng, chỉ cần sự tận tâm, tình yêu thực sự cho công việc, ai cũng có thể trở thành một bưu tá xuất sắc.
“Chẳng biết từ lúc nào, tôi đã phải lòng công việc bưu tá”, anh Nguyễn Văn Hoàng, bưu tá thuộc Chi nhánh Bưu chính Viettel Bình Thuận, TCT Bưu chính Viettel - nói về công việc mình làm, chẳng giấu nổi niềm tự hào về chiếc áo Viettel sau 5 năm gắn bó. Anh bảo không yêu sao được, công việc đã thay đổi cuộc sống của gia đình rất nhiều - mức lương 20 triệu đồng mỗi tháng từng là ước mơ nhưng nay đã chạm tới.
Anh Hoàng cũng là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua quyết thắng của VTPost giai đoạn 2019 - 2024 vừa qua.
Hiểu những gì công việc đem tới cho mình, anh càng muốn nỗ lực hơn, để ngày mai phải tốt hơn hôm nay, thu nhập năm sau phải cao hơn năm trước. Với suy nghĩ đó, mỗi ngày đi làm, anh đều nỗ lực để mang lại kết quả tốt nhất.
Tận tâm, tận trí ắt thành công
Những con số không nói dối, Hoàng thực sự là “siêu bưu tá” với những chỉ số KPI gần như hoàn hảo: tỷ lệ phát thành công bình quân đạt: 96,5 %, vượt 1.0% KPI giao; tỷ lệ thu thành công bình quân đạt 99,85 %, vượt 1,85% KPI; tỷ lệ hài lòng khách hàng bình quân đạt 100%, vượt 2.0% KPI.
“Cũng không phải việc gì cao siêu, quan trọng bạn cần dành chút thời gian sắp xếp logic trước khi làm”, Hoàng giải thích về cách đạt được loạt thành tích ấn tượng. Như giai đoạn dịch Covid-19, lượng đơn của bưu cục tăng đột biến vì số lượng đơn vị vận chuyển có thể hoạt động hiệu quả không nhiều. Tuy nhiên, các bưu tá “tuyến đầu” lại gặp nhiều vấn đề vì lượng đơn không được nhận cũng rất cao.
Hoàng lý giải có nhiều đơn đặt trong thời điểm trước cách ly nhưng khi phân vùng, số đơn này bị đọng, không sớm đến tay khách. Lúc này, khách thường chỉ muốn nhận những mặt hàng dạng nhu yếu phẩm như thuốc men, thực phẩm, các đơn hàng như quần áo, mỹ phẩm hay bị “bom”. Quan sát được điều đó, Hoàng sẽ chủ động phân loại các đơn hàng có nguy cơ khách không nhận để liên lạc trước. Bằng cách này, bưu tá có thể tiết kiệm thời gian chờ lãng phí để sớm giao những đơn còn lại đến tay người cần.
Thông qua việc quan sát và sắp xếp mọi thứ theo cách logic nhất, Hoàng có thể giải quyết khối lượng công việc khổng lồ mỗi ngày nhanh chóng. Anh tâm niệm chỉ cần hướng cái tâm về phía khách hàng, mọi thứ đều có thể giải quyết.
Ở địa bàn công tác của Hoàng hiện nay, nhiều khách làm việc trong các trại heo với giờ giấc “trái ngang”, chưa kể đường vào cũng khó khăn, phải đi đường rừng núi. Với những khách này, thời gian để nhận hàng của họ rất ít, không kịp hôm nay lại “bôi” sang hôm sau rất mệt mỏi. Vì thế, khi gọi điện, Hoàng sẽ chủ động trình bày cái khó của mỗi bên, mong khách hỗ trợ để ra nhận đúng hẹn. Còn Hoàng, anh khẳng định mình không ngại chờ, không ngại khổ, miễn là được việc đôi bên.
“Chỉ cần khách còn muốn nhận, tôi sẽ giao dù có bao lần chăng nữa”, anh nói.
Khi giao, có đơn xa, đơn gần, một số bưu tá ngại giao đơn xa nếu số lượng ít vì nghĩ “chắc mai sẽ có thêm đơn để ghép, giao một lần cho bõ”. Hoàng nói không với cách làm đó. Sau 5 năm làm nghề, anh thấu tâm lý khách hàng - chẳng ai muốn chờ một đơn hàng quá lâu nếu thấy hệ thống báo hàng đã gần về. Do đó, việc chây ì không đi giao vì xa có thể khiến khách bức xúc, hủy đơn, thậm chí bỏ luôn VTPost.
“Xa hay gần đằng nào cũng phải giao, tôi sẽ giao ngay khi có thể”, anh nói, nhấn mạnh chỉ cần khách hẹn nhận, anh sẽ giao ngay trong ca dù đơn xa tới đâu.
Với công việc thu, Hoàng cũng đặt sự hài lòng của khách hàng lên đầu, luôn chủ động đi thu trước giờ quy định, tránh để khách chờ đợi, lỡ dở công việc. Trong trường hợp không thể thu đúng giờ vì quá tải công việc, anh sẽ gọi ngay cho khách hàng để thông báo lùi giờ. Nhờ sự tận tâm và lối suy nghĩ logic trong công việc, tỷ lệ hài lòng 100% từ khách hàng chính là phần thưởng xứng đáng cho anh bưu tá.
Đi làm với nụ cười trên môi
“Khi mỗi ngày đến với bưu cục là một ngày vui, công việc sẽ suôn sẻ hơn”, Hoàng chia sẻ về cách bắt đầu một ngày hiệu quả. Theo anh, tư duy tích cực và nụ cười luôn nở trên môi cũng cần thiết để trở thành một bưu tá tốt.
Hoàng không nghĩ mình là một bưu tá đơn thuần và tin mình còn có trọng trách đem hình ảnh, giới thiệu dịch vụ của VTPost đến mọi nhà. Anh học điều đó từ trưởng bưu cục và thấm nhuần sau 5 năm công tác. Khi đi làm, anh thoải mái bắt chuyện mọi người, từ khách đến người chưa phải khách hàng.
“Người ta sẽ nhớ có ông bưu tá vui vẻ bữa trước bắt chuyện với mình, bao giờ cần lại nhớ để gọi”, anh giải thích. Bằng cách lan tỏa tinh thần tích cực, anh cũng đem về cho bưu cục không ít khách ruột.
Hoàng nhớ có lần đi giao một kiện đồ lớn tới một khách hàng từ TP HCM mới chuyển về địa phương. Thấy lạ, anh cũng bắt chuyện hỏi thử xem kiện hàng mua để dùng hay bán mà to vậy? Sau khi biết khách nhập hàng về bán thử, anh lân la hỏi thêm một số chi tiết khác về tính chất hàng hóa, số lượng mỗi tháng. Nắm được thông tin, anh chuyển ngay về cho bưu cục để người có trách nhiệm tới kết nối với khách trước khi các đối thủ khác mời chào.
Hay hồi năm 2020, Hoàng tranh thủ thời gian rảnh đến tận nhà một khách hàng để hướng dẫn cách tạo đơn, theo dõi. Lâu dần, hai người thân đến mức không còn coi nhau như “bưu tá - khách hàng” mà trở thành những người bạn thân thiết. Khi rảnh rỗi, khách còn mời anh đến nhà ăn uống, đôi khi, cả hai còn giúp đỡ nhau chuyện tài chính. Hoàng tưởng chuyện bưu tá thành “người nhà” của khách chỉ có trên mạng nhưng lại thực sự xảy ra với chính mình.
Sự tử tế và chân thành của Hoàng giúp anh được nhiều khách hàng quý mến. Bưu tá sinh năm 1995 thành thật không phải lúc nào cũng hoàn hảo, đôi khi sẽ giao chậm, thu hàng trễ. Những lúc đó, nếu bưu tá không tạo được thiện cảm, khách sẽ dễ hủy đơn và tìm tới các đơn vị cạnh tranh khác. Hoàng cho biết trên thị trường không thiếu đối thủ với đa dạng mức giá, chính sách nên mỗi nhân viên bưu tá phải biết cách để khách thương, tin tưởng VTPost dù bất kỳ sự cố nào xảy ra.
Anh em đoàn kết, tất cả đi lên
Hoàng vẫn nhớ những ngày đầu vào, bưu cục chỉ có 3 bưu tá, công việc chất đống nên ai cũng chỉ lo cho xong việc mình, chẳng mấy khi ngồi lại với nhau. Hiện tại, số bưu tá đã tăng lên 8 người, ai cũng vui vẻ hòa đồng nên mỗi lần ngồi với nhau, bưu cục lại tràn ngập tiếng cười.
Anh nói công việc chỉ tốt lên nếu tập thể đoàn kết, cùng nhau phấn đấu để đạt kết quả tốt hơn. Mức lương của Hoàng hiện khoảng 20 triệu đồng mỗi tháng, anh em khác trong bưu cục cũng không kém là bao. Mỗi ngày, mọi người vẫn hay dành thời gian ngồi với nhau để “so kè” số đơn phát, thu được, ai có kinh nghiệm hay lại chia sẻ để tất cả cùng tốt lên. Sự cạnh tranh lành mạnh đó thực sự đã trở thành động lực lớn cho mỗi ngày đi làm của Hoàng.
“Nhìn anh em cố gắng, mình cũng đâu muốn dừng lại”, Hoàng nói, đặt mục tiêu sẽ tăng thu nhập hơn nữa trong thời gian tới, đồng thời giúp đỡ anh em trong bưu cục tốt lên cùng mình với tư cách “người có thâm niên nhất”.
Cụ thể, những bài học Hoàng đã đúc kết được gồm:
1. Dù là bất kỳ công việc hay trên cương vị nào, chúng ta phải không ngừng học tập nâng cao kiến thức chuyên môn nghiệp vụ hàng ngày.
2. Tận tâm, tận lực với mọi việc, dù là những việc nhỏ nhất.
3. Khó khăn và gian khổ chính là môi trường để rèn luyện và trưởng thành hơn.
4. Tính đoàn kết chính là yếu tố then chốt để một cá nhân thành công trong một tập thể.
5. Muốn có thu nhập tốt thì bạn phải là người xuất sắc trong mọi công việc.
Nhìn lại 5 năm đã qua, Hoàng chẳng kìm nổi xúc động khi thấy bưu cục của mình đang thay da đổi thịt từng ngày, từ vẻ ngoài sạch sẽ đến chất lượng bưu tá không ngừng tốt hơn. Anh chia sẻ người đến, người đi nhưng 5 năm qua, anh vẫn ở lại vì yêu công việc bưu tá, yêu cái nơi đã thay đổi cuộc sống cho gia đình mình. Hoàng muốn ở đó, truyền lại đam mê và kinh nghiệm cho những bưu tá mới, để ai cũng có thể trở thành một “siêu bưu tá” với thu nhập và chỉ số KPI tuyệt vời.