Khánh Linh (Công ty Quản lý Tài sản Viettel) đã đăng lúc 17:25 - 15.01.2025
Là người đồng nghiệp gần gũi và truyền cảm hứng tại Công ty Quản lý Tài sản Viettel (VAM), chị Phạm Thị Thương mang văn hóa Viettel thể hiện trong từng hành động giản dị và câu chuyện hàng ngày của mình.
Chị Thương cho biết 8 giá trị cốt lõi là đại diện cho hệ tư tưởng, kim chỉ nam trên hành trình trưởng thành của mình: “WOW Viettel 2024 là dịp để mình được nhìn lại, chiêm nghiệm và mình nhận ra rằng, 8 giá trị cốt lõi Viettel được sắp xếp một cách logic và hệ thống”.
“Trong suốt 15 năm công tác tại Viettel, nếu so với đồng nghiệp ở các đơn vị khác thì sự thay đổi của mình là rất ít”, chị Thương chia sẻ. Trải qua các công việc từ công tác Đảng, công tác Chính trị, đến Truyền thông hay Quản trị Quy trình, mỗi lần thay đổi vị trí công tác, với chị Thương đó không phải là rủi ro hay thách thức, mà là cơ hội để học thêm nhiều điều mới mẻ, mở rộng vùng hiểu biết của mình. Với chị, văn hóa Viettel đã thấm nhuần trong tư tưởng như cơm ăn nước uống hàng ngày nên cũng không có gì bất như ý trước những thay đổi.
Và để bắt kịp guồng quay của tổ chức chị đã thực hành giá trị cốt lõi thứ 2 (Trưởng thành qua những thách thức và thất bại); giá trị cốt lõi thứ 3 (Thích ứng nhanh là sức mạnh cạnh tranh); giá trị cốt lõi số 5 (Tư duy hệ thống); Giá trị cốt lõi số 7 (Truyền thống và cách làm người lính).
Chị Thương luôn nghĩ rằng, giá trị cốt lõi của Viettel như là “tài liệu bỏ túi”, ở hoàn cảnh nào cũng có thể thực hành được và lấy ra dùng khi nào để phù hợp nhất. Văn hóa Viettel rất tinh và có giá trị rất sâu nếu chúng ta nghiêm túc học, hiểu và hành.
Bằng một cách tự nhiên và chân thành nhất, trong tổ chức, từ những người đồng nghiệp hàng ngày, hay những CBNV mới đều được chị Thương hỗ trợ hết mình và lan tỏa tinh thần Viettel một cách nhẹ nhàng nhưng lại rất sâu và bền vững, từ đó giúp văn hóa Viettel dần len lỏi trong hành trình trưởng thành của mỗi người
Còn nhớ năm 2015, có cơ hội được đến với Trường Sa thăm các chiến sĩ và bà con trên Đảo. Những cái tên Trường Sa Lớn, Trường Sa Đông, Đá Lát, Đá Tây, Tốc Tan, An Bang, Phan Vinh, Thuyền Chài, nhà giàn DK1… đều được chị lưu lại kỷ niệm bằng cuốn nhật ký “để đời” của mình.
Chị Thương chia sẻ: “Đến Trường Sa là điều đặc biệt nhất trong quá trình công tác tại Viettel. Một chuyến đi để hiểu hơn nắng gió khắc nghiệt của Trường Sa, nhà giàn DK1 đã tôi luyện những người lính biển, ngư dân sống giữ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Hành trình đó đã tiếp thêm tinh thần yêu nước nồng nàn trong tôi và nuôi dưỡng ý chí, răn bản thân luôn luôn phải phát huy giá trị “Truyền thống và cách làm người lính”. Đó là tính kỷ luật, tiên phong, quyết đoán, dám nghĩ, dám làm, chấp nhận gian khổ, quyết tâm vượt mọi khó khăn”. Chị Thương luôn tự căn dặn bản thân mình sống và làm việc tử tế để xứng đáng với Trường Sa, với DK1 thương yêu.
Năm 2018, trong khoảng thời gian thử sức với lĩnh vực truyền thông, lớp học NLP - “Đánh thức phiên bản hạnh phúc trong bạn” do ban Thương hiệu và Truyền thông Tập đoàn (lúc bấy giờ là Ban Truyền thông Tập đoàn) đã để lại cho chị Thương nhiều ấn tượng, cũng là lớp học đã chuyển hóa mạnh mẽ nhận thức trong quá trình trưởng thành của chị.
“Năm đó, chị Nguyễn Thị Kim Khánh từng công tác tại Viettel 15 năm, chuyên gia về Lập trình ngôn ngữ tư duy (NLP) đứng lớp và sẻ chia nhiều câu chuyện tương đồng với văn hóa Viettel mà mình có thể vận dụng, kết hợp hài hòa, như Đặt vị trí mình vào sếp để hiểu? Đối xử với đồng nghiệp như thế nào? Làm thế nào để đi làm thấy vui…”, chị Thương nhớ lại.
“Nhiều khi chúng ta vì mưu sinh mà quên đi việc được đi làm và làm trong môi trường tốt như Viettel là một điều rất may mắn, đôi khi chúng ta chưa đề cao tính tập thể, xây dựng ngôi nhà chung… Lớp học NLP lúc bấy giờ như là làn gió mát giúp các thành viên kịp “giác ngộ”, thay đổi tư duy, hiểu mình, hiểu sếp, hiểu tổ chức để sống và làm việc hạnh phúc hơn”, chị Thương chia sẻ về sự thay đổi suy nghĩ của bản thân từ những cơ hội được học, được trải nghiệm tại Viettel.
Mỗi ngày được sống và làm việc tại Viettel, chị Thương được chứng kiến, truyền cảm hứng về văn hóa Viettel từ chính những người đồng nghiệp của mình. Đối với chị Thương, văn hóa Viettel không chỉ là tài sản mà còn là sứ mệnh mà mỗi chúng ta phải gìn giữ và phát triển. Với sự chung tay của toàn thể CBNV, Viettel sẽ không chỉ là biểu tượng công nghệ số của Việt Nam mà còn là đại sứ văn hóa đáng tự hào trên trường quốc tế.