Trà My (TCT Công nghiệp công nghệ cao) đã đăng lúc 09:56 - 13.01.2025
Tinh thần Viettel là một trong những yếu tố giúp các kỹ sư TCT Công nghiệp Công nghệ cao Viettel (VHT) được khách hàng quý, tin và cùng cộng hưởng tạo nên thành công.
Năm 2018, được sự tin tưởng của Ban TGĐ Tập đoàn và lãnh đạo VHT, kỹ sư Nguyễn Hải Dương (nay là Phó Giám đốc TT Mô hình mô phỏng) nhận nhiệm vụ chủ nhiệm đề tài “Nghiên cứu xây dựng hệ thống mô phỏng huấn luyện kíp chỉ huy bay và phi công Su-30MK2”.
Tâm trạng đầu tiên của đồng chí là vừa mừng vừa lo. Mừng vì được sự tin tưởng của các thủ trưởng, được giao một nhiệm vụ vô cùng quan trọng, có ý nghĩa lớn đối với ngành Mô hình mô phỏng. Nhưng cũng rất trăn trở vì trong lĩnh vực mô phỏng, mô phỏng máy bay là khó nhất. Trong khi các cây đa, cây đề trong ngành mô phỏng trên thế giới chỉ làm các sản phẩm dạng đơn chiếc, thì đội nhóm đề tài với vỏn vẹn 20 người còn rất trẻ, đặt mục tiêu làm hệ thống phức hợp, kết nối đồng thời 12 buồng mô phỏng, huấn luyện cả lực lượng trên không và lực lượng mặt đất trong cùng một kịch bản, đặt mục tiêu làm chủ hoàn toàn hệ thống từ phần cứng tới phần mềm.
Chưa kể, quá trình trao đổi, các tài liệu về máy bay Su-30 rất hạn chế do không được bàn giao từ hãng sản xuất. Thời gian đầu tiếp xúc với khách hàng là Quân chủng Phòng không – Không quân, đều nói đây là việc bất khả thi, từ đội ngũ kỹ thuật tới lực lượng phi công chưa thực sự tin tưởng vào năng lực của nhóm dự án, dẫn đến đôi khi có sự dè chừng trong quá trình trao đổi.
Vậy nhưng, đến thời điểm hiện tại, sản phẩm mô phỏng máy bay SU-30MK2 do đồng chí Nguyễn Hải Dương là chủ nhiệm đề tài đã được sản xuất hàng loạt, bàn giao cho các trung đoàn không quân của Quân chủng Phòng không – Không quân. Sản phẩm đã được các Thủ trưởng Bộ Quốc phòng, Quân chủng Phòng Không – Không quân đánh giá cao, có những tính năng tương đương và vượt trội so với sản phẩm mua từ nước ngoài.
Để đạt được thành công đó, là một chặng đường dài, là sự đóng góp của cả một tập thể với cách làm quyết liệt mang tinh thần người Viettel. Như chia sẻ từ đồng chí Nguyễn Hải Dương cho biết rằng: “Văn hoá Viettel, cách làm của người Viettel tham gia vào rất nhiều trong quá trình làm việc và trưởng thành của anh em đội dự án cũng như là sự thành công của một dự án”.
Nói rõ hơn về văn hoá Viettel, anh chia sẻ rằng: “Để làm chủ được một hệ thống mô phỏng với hơn 200 phương trình vi phân động lực học, trong khi phía nhà sản xuất máy bay không cung cấp tài liệu về thông số kỹ thuật thực sự vô cùng thách thức. Vậy nhưng nếu chúng tôi không làm thì không thể biết đúng hay sai. Chúng tôi đã thử nhiều biện pháp khác nhau và luôn tin rằng phải có cách làm thay vì từ bỏ. Và rồi chúng tôi trưởng thành qua thách thức và thất bại. Trưởng thành không chỉ về nghiên cứu sản phẩm mà trưởng thành cả về con người. Những nhân sự trẻ ngày nào tham gia dự án đều đã là nhân sự key của Trung tâm Mô hình mô phỏng của VHT”.
Sản phẩm Mô phỏng máy bay Su-30MK2 được phát triển theo phương pháp thiết kế ngược. Và để mô hình hóa máy bay Su-30MK2 theo phương pháp thiết kế ngược thì điều kiện tiên quyết đấy là cần số hóa toàn bộ biên dạng bao ngoài của máy bay Su-30MK2.
Theo như kế hoạch, các kỹ sư mô phỏng VHT sẽ thực hiện việc số hóa biên dạng bao ngoài trong thời gian là 3 tuần. Tuy nhiên, tranh thủ máy bay trong xưởng bảo dưỡng 2 tuần, nhóm dự án đã quyết tâm hoàn thành công việc này trong khoảng thời gian kể trên.
Trực tiếp làm việc tại đơn vị cùng Quân chủng Phòng không – Không quân, những kỹ sư còn rất trẻ của Viettel ý thức được họ là người Viettel – người Viettel có truyền thống và cách làm người lính. Dù lực lượng kỹ sư mỏng nhưng họ đặt những mục tiêu để thách thức giới hạn của chính mình như: Buổi chiều tốt hơn buổi sáng, ngày hôm sau tốt hơn ngày hôm trước. Sáng phi công bay, nhóm dự án thông trưa để chỉnh. Chiều nhóm đưa ra ý kiến; sau đó, tranh thủ buổi tối hội thảo và hiệu chỉnh. Cũng có thời kỳ, cả đội dự án ăn ngủ tại xưởng trong 2 tháng để hoàn thành tích hợp, cất cánh những chuyến bay đầu tiên.
Chủ nhiệm đề tài mô phỏng máy bay Nguyễn Hải Dương tâm sự rằng: "Dự án đã khép lại thành công, nhưng những tháng ngày tuổi trẻ cháy bỏng, thấm nhuần văn hóa người Viettel để khát khao cống hiến vẫn luôn là nguồn động lực mạnh mẽ, tiếp sức cho các kỹ sư trẻ VHT. Giờ đây, khi những người kỹ sư non trẻ ấy đã trưởng thành và phụ trách những phần việc quan trọng trong Tổng Công ty, chúng tôi càng thêm tự hào và quyết tâm".
Sự thành công của hệ thống mô phỏng buồng huấn luyện kíp chỉ huy bay và buồng lái máy bay đã đánh dấu Viettel là công ty thứ 2 trên thế giới, thành công nghiên cứu và làm chủ hệ thống mô phỏng máy bay Su-30MK2 sau hãng sản xuất máy bay Su-Khoi. Là sản phẩm đầu tiên trên thế giới cho phép huấn luyện cả lực lượng trên không và lực lượng mặt đất trong cùng một kịch bản huấn luyện.
Sau quá trình tuyển chọn và thẩm định, nhóm kỹ sư thực hiện dự án mô phỏng huấn luyện máy bay và kíp chỉ huy bay với đại diện là Chủ nhiệm đề tài Nguyễn Hải Dương (Phó Giám đốc TT Mô hình mô phỏng) đã được VHT lựa chọn trở thành "Người truyền lửa" của VHT tham dự cuộc thi WOW Viettel cấp Tập đoàn.
Vòng bình chọn cuộc thi WOW Viettel - The Inspirer đã chính thức bắt đầu từ ngày 6/1 đến hết ngày 16/1/2025. Đây là cơ hội để người Viettel khám phá tinh thần “WOW Viettel - The Inspirer” và bình chọn cho gương mặt yêu thích, qua đó tôn vinh những câu chuyện ý nghĩa, những ý tưởng mới thúc đẩy văn hóa Viettel.
Kính mời đồng chí tham gia bình chọn TẠI ĐÂY