Sợ Sếp...

Trung Kiên (Công ty Tư vấn và Dịch vụ Viettel) đã đăng lúc 18:04 - 07.11.2022

“Người VTK nhìn chung là chất phác, là chăm chỉ nhưng trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 này thì 02 điều đó là không đủ. Chúng ta cần đổi mới, sáng tạo, thông mình và vì thế cần phải có một nguồn lực mới mang lại sức sống mới cho một VTK mới", anh Vũ Tiến Duy - Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Dịch vụ Viettel đã nói như vậy.

Dear Sếp,

Trong anh, em luôn thấy được sự đổi mới.

Kể từ khi công nghệ thông tin phát triển, dường như, khái niệm gửi thư tay đã không còn tồn tại nữa. Và cũng rất rất lâu rồi em mới lại viết thư tay. Em nhớ lần cuối cùng mình viết thư tay là vào năm 2006, bức thư ấy em viết cho bố khi đang công tác xa nhà.

Ngay khi có cuộc thi viết về Sếp, em cũng như CBNV công ty đều rất nhiều lần suy tư, chỉ xoay quanh về việc: “Viết về sếp kìa, viết sao giờ được nhỉ? Và viết cho ai đây?”. Nghĩ như thế không phải là nghĩ viết sao cho hay, để lấy lòng và không mất lòng sếp mà thực sự là không biết bắt đầu từ đâu và làm thế nào để bày tỏ tình cảm của mình một cách chân thật nhất. Vậy nên trước khi được nói về anh, em xin bắt đầu với cảm giác của bản thân.

Đối với em may mắn khi được anh nhận vào làm việc tại công ty tính đến nay cũng được 3 năm 6 tháng. Quãng thời gian này bảo dài cũng không phải dài nhưng nó cũng không ngắn, và trong thời gian này em SỢ. Gặp anh lần đầu trong buổi phỏng vấn vào Công ty, một người đàn ông cao, đậm người, vẻ mặt nghiêm nghị lại là Giám đốc của một đơn vị trong Quân đội, em RUN, mặc dù trước đó rất tự tin.

Rồi những ngày tháng làm việc sau đó, phòng làm việc ngay cạnh anh nghe anh quát mọi người thì nỗi SỢ ấy lại càng tăng lên. Cái nỗi sợ của một sinh viên vừa ra trường, nỗi sợ của một thanh niên chưa từng được va chạm và nó cũng không biết phải làm cách nào để vượt qua ngưỡng cửa ấy. Đấy là cảm giác lần đầu.

Ở lần phỏng vấn thứ 2 sau đấy khoảng 4 tháng khi em báo cáo thử việc, em lại vẫn không thể vượt qua được “bức tường” ấy. SỢ vì áp lực trước anh, SỢ vì cách phỏng vấn của anh chẳng giống ai. Em đã chuẩn bị kỹ slide, chuẩn bị báo cáo thì một câu nói của anh đã làm em hụt hẫng và lo lắng: “Mày đừng nhìn slide, hãy nói những gì mày nhớ”. Mặc dù được thông qua nhưng với em đó chưa phải là kết quả tốt. Sau khi về bình tĩnh suy nghĩ đúng là mình chuẩn bị chưa được tốt, cần cố gắng. Đấy là lúc em biết rằng muốn hết SỢ phải chuẩn bị tốt hơn.

Như anh nói: “Muốn có một VTK mới cần có nguồn lực mới mang lại sức sống mới” và anh bảo với em: “Mày phải lớn lên”. Lần đầu tiên được báo cáo trong cuộc họp do anh chủ trì, em đã có rất nhiều thiếu sót tuy nhiên anh không mắng mà lại khích lệ để em thêm tự tin. Tuy nhiên buổi thứ hai, thứ ba, thứ tư và những lần sau đấy, không buổi nào là báo cáo trọn vẹn. Không lỗi to thì lỗi nhỏ, bị mắng và bị mất đi tự tin ban đầu. Nhưng bên cạnh những lời mắng anh thường bảo thêm rằng: “Có đúng sai không? Sai thì nhận đi” giúp em nhận ra rằng mình sai ở đâu. Đấy là sự chỉ bảo, dạy dỗ.

Và rồi…..

Vẫn là SỢ nhưng càng về sau nó càng lạ. Không phải vì SỢ bị anh mắng mà là SỢ không được anh mắng, vì lúc đó em chẳng biết mình sai ở đâu.

kiennt71-1

Anh hy sinh rất nhiều thời gian và tâm huyết cho VTK. Luôn luôn nghĩ cái mới để công ty phát triển, anh luôn nói rằng VTK phải là đơn vị nghìn tỷ, từ đó vạch ra cho Công ty những chiến lược mới từng bước từng bước một tiến tới mục tiêu đó. Anh luôn “Nghĩ lớn, làm lớn nhưng bắt đầu từ những thứ nhỏ nhất”.

Ngoài công việc em thực sự kính phục anh trong việc ứng xử, giao tiếp trong cuộc sống. Gần đây thôi, trong một cuộc trò chuyện anh dạy chúng em rằng: “Khi mình nói chuyện với người khác, phải biết họ là ai để lắng nghe. Lắng nghe thôi chưa đủ mà phải mở lòng ra để nghe. Khi đã mở lòng rồi ắt hẳn mình sẽ thấy điểm hay của người đó thay vì mình có tư duy phản biện từ đầu”.

Mặc dù khắt khe nhưng trong anh luôn có tâm hồn của một người nghệ sĩ. Anh hát hay, chơi thể thao giỏi và thích làm thơ. Và cuối thư em cũng xin có đôi vần thơ gửi đến anh:

Một bức thư không thể nào nói hết

Những tình cảm cho anh bấy lâu nay

Em chúc anh sức khỏe mãi căng đầy

Chèo con thuyền vươn xa ra biển lớn.

Để thế hệ chúng em tiếp bước

 

Trên chặng đường các tiền bối đã đi

Chẳng đâu có dễ dàng chi

Vượt bao gian khó ko nề chông gai

Rèn thân phát triển nhân tài

Tư vấn Dịch vụ cùng nhau truyền đời.

 

Thân gửi “Sếp” của em. Anh Vũ Tiến Duy - Giám đốc Công ty CP Tư vấn và Dịch vụ Viettel.

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua