Bí quyết để 'Dẫn dắt sự thay đổi' của TGĐ VTS Nguyễn Mạnh Hổ

Nguyễn Mạnh Hổ (TCT Giải pháp Doanh nghiệp Viettel) đã đăng lúc 11:25 - 13.09.2022

Qua cuốn sách "Dẫn dắt sự thay đổi", anh Nguyễn Mạnh Hổ, TGĐ VTS đúc kết rằng chuyển đổi số là 1 hành trình đầy thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, không nóng vội. Quá trình này luôn gặp phải sự kháng cự trong tổ chức, mấu chốt là cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược rõ ràng, nhanh chóng triển khai thành công ngay các giải pháp trong ngắn hạn.

Được giao nhiệm vụ phụ trách một đơn vị chủ lực về chuyển đổi số tại Tập đoàn, áp lực và thách thức đối với tôi là phải vừa tư vấn, cung cấp cho khách hàng các giải pháp về chuyển đổi số, vừa phải chuyển đổi số mạnh mẽ tại chính đơn vị mình để đáp ứng yêu cầu công việc, tự tin phục vụ khách hàng.

Cuốn sách “Dẫn dắt sự thay đổi” của John P. Kotter là một trong  những chìa khóa mở ra cho tôi nhiều hướng đi và cách làm bài bản để không chỉ chuyển đổi số thành công cho đơn vị mà còn có thể dẫn dắt giúp khách hàng đạt được mục tiêu về chuyển đổi số như kỳ vọng.

Tác giả Kotter cho rằng sở dĩ các công ty thường xuyên gặp thất bại vì những thay đổi chiến lược của họ không dẫn đến thay đổi hành vi của nhân viên. Ông đã nhận ra những sai lầm phổ biến nhất trong sự thay đổi ảnh hưởng và đưa ra tám bước để khắc phục những trở ngại.

Tác giả thừa nhận rằng sự thay đổi nội dung đòi hỏi phải có sự lãnh đạo, nhưng khái niệm lãnh đạo ở đây không được hiểu là món quà mà thượng đế ban tặng cho một số người nào đó. Kotter đưa ra một trường hợp hấp dẫn mà trong đó, người thắng cuộc sẽ là những người phát triển nhanh hơn và thành công hơn đối thủ của họ.

Cuốn sách này sẽ mang lại cho bạn rất nhiều giá trị. Nó cho thấy những gì John Kotter nghe, thấy, trải nghiệm và kết luận trong nhiều năm làm việc với các công ty để tạo ra biến đổi lâu dài. Cuốn sách vừa là nguồn cảm hứng với những ai đang cần tìm ý tưởng cải cách công ty, lại vừa rất thực tế với tất cả những người có cổ phần trong tổ chức muốn thay đổi tổ chức của mình.

 

“Dẫn dắt sự thay đổi” gồm 2 phần chính với 10 chương. Trong đó, tôi ấn tượng với 2 chương đầu tiên mà tác giả đã tập trung phân tích, chỉ ra 8 sai lầm phổ biến dẫn đến sự thất bại trong quá trình chuyển đổi. Các chương sau tác giả hướng dẫn người đọc quy trình 8 bước để thay đổi tổ chức thành công với mục tiêu cuối cùng là những thay đổi chiến lược của công ty sẽ dẫn đến sự thay đổi hành vi của từng nhân viên. Theo John P. Kotter có 8 bước để tạo ra sự thay đổi trên quy mô lớn mà các nhà lãnh đạo phải tuyệt đối tuân thủ, bỏ qua một bước cũng có thể dẫn đến sự thất bại.

  1. Bước đầu tiên là Tạo sự khẩn cấp. Yêu cầu của bước này là phải thuyết phục mọi người hiểu rằng tình trạng hiện tại của tổ chức không còn phù hợp để đối mặt với tương lai, tổ chức cần chủ động thay đổi trước khi bị buộc phải thay đổi.
  2. Khi đã có sự khẩn cấp, bước tiếp theo là cần hình thành một nhóm hạt nhân thay đổi, bao gồm những người có quyền lực, có kiến ​​thức, uy tín và kỹ năng lãnh đạo. Theo John P.Kotter, cần ít nhất 10% tổ chức tích cực tham gia vào các quá trình cải tiến, tốt nhất nên được tạo thành từ các nhân viên làm tại các vị trí khác nhau.
  3. Xây dựng một tầm nhìn rõ ràng, đây là bước rất quan trọng vì có tầm nhìn rõ ràng, tất cả nhân viên sẽ cùng hiểu yêu cầu của tổ chức, từ đó làm cho sự thay đổi được cụ thể hơn và nhanh hơn.
  4. Bước 4 là Truyền đạt tầm nhìn. Mục tiêu của bước này là tạo ra sự hỗ trợ và chấp nhận của nhân viên thông qua việc chia sẻ tầm nhìn một cách thường xuyên nhất có thể. Lưu ý muốn có sự thay đổi thành công thì bắt buộc phải truyền đạt tầm nhìn chiến lược đến 100% nhân viên.
  5. Bước 5 là Thực thi và loại bỏ rào cản. Bước này có nhiệm vụ chủ yếu là lập kế hoạch, tổ chức thực thi và duy trì đánh giá kết quả. Điểm cần lưu ý là trước khi áp dụng các thay đổi vào tổ chức, cần phải loại bỏ những rào cản thông qua việc đối thoại và giải thích cho nhân viên.
  6. Tạo ra chiến thắng ngắn hạn là điều rất quan trọng để chứng minh hướng đi mới thực sự đúng đắn, hiệu quả, thông qua đó sẽ làm giảm sức phản kháng trong tổ chức.
  7. Thách thức tiếp theo là duy trì các cải tiến. Theo John P. Kotter, mô hình thay đổi sẽ thất bại nếu tổ chức tuyên bố “chiến thắng” quá sớm. Do sự thay đổi là một quá trình chậm chạp, vì vậy tổ chức cần phải duy trì cải tiến liên tục.
  8. Cuối cùng là Biến những thay đổi thành Văn hóa Công ty. Một sự thay đổi chỉ trở nên có ý nghĩa và đạt hiệu quả cao nhất khi nó biến thành Văn hóa của tổ chức đó.

Là người đứng đầu đơn vị được Tập đoàn giao trọng trách tư vấn, triển khai các giải pháp chuyển đổi số cho các tổ chức, tôi tìm thấy ở cuốn sách của Kotter nhiều điểm đồng điệu, nhiều lời khuyên bổ ích, cuốn sách là kim chỉ nam làm thay đổi tư duy nhận thức trong hoạt động tư vấn CĐS của tôi. Qua cuốn sách này, tôi đúc kết được 4 nhận thức cũng là 4 bài học có thể ánh xạ vào Viettel để triển khai chuyển đổi số thành công:

  1. Chuyển đổi số phải hướng đến thay đổi toàn diện, tổng thể cả chiều dọc và chiều ngang của tổ chức, quy trình cũ, văn hóa cũ mất đi thay vào đó tổ chức vận hành theo quy trình mới, văn hóa mới.
  2. Chuyển đổi số không thể thành công trên quy mô toàn tổ chức nếu không có sự chỉ đạo, định hướng của người đứng đầu, không có sự tham gia, vào cuộc của đại đa số thành viên của tổ chức. Chuyển đổi số không phải là nhiệm vụ của lực lượng CNTT mà là của tất cả mọi người.
  3. Quá trình chuyển đổi số luôn gặp phải sức kháng cự của thành viên trong tổ chức, mấu chốt là cần xây dựng tầm nhìn, chiến lược chuyển đổi số rõ ràng, nhanh chóng triển khai thành công ngay các giải pháp trong ngắn hạn, mang lại giá trị hiểu quả tức thì.
  4. Chuyển đổi số là 1 hành trình dài đầy thách thức, đòi hỏi sự quyết tâm, kiên trì, không nóng vội.

Đọc cuốn sách “Dẫn dắt sự thay đổi”, mỗi người sẽ có những cách hiểu và vận dụng thực tế vào công việc khác nhau, tuy nhiên nếu thực hiện theo đúng quy trình, hướng dẫn và những kinh nghiệm thực tiễn, tôi nghĩ ít nhiều cũng giúp cho sự thành công trong quá trình thay đổi tích cực của đơn vị. Và đối với tôi vẫn tiếp tục trải nghiệm và ứng dụng các phương pháp, bài học đúc kết từ cuốn sách để ánh xạ vào công việc hiện tại.

“Dẫn dắt sự thay đổi” là một cuốn sách hay.

Thông tin về sách và tác giả:

John P. Kotter sinh ngày 25 tháng 2 năm 1947 tại San Diego, California, Hoa Kỳ, là giáo sư của trường Harvard Business School và là tác giả nhiều cuốn sách nằm trong mục best seller của New York Time. Năm 1995, “Dẫn dắt sự thay đổi” được phát hành và ngay lập tức trở thành cuốn sách quốc tế bán chạy tại thời điểm đó, sau này đã nhiều lần được tái bản. Đây cũng là cuốn sách bán chạy nhất của ông.

“Dẫn dắt sự thay đổi” là sản phẩm đúc kết của giáo sư John P. Kotter sau nhiều năm quan sát tiến trình thay đổi của 1 tổ chức, ông đã nhận ra có sự khác nhau rất quan trọng giữa những tổ chức thay đổi thành công và vấp phải thất bại. Điều ông quan tâm là tại sao có những người đã thay đổi ngoạn mục tổ chức, trong khi hầu hết những người khác thì không? Cuốn sách này rất hữu ích cho những nhà lãnh đạo, quản lý đang cần tìm ý tưởng để cải cách công ty, muốn thay đổi tổ chức của mình trở nên bền vững.

 

“Thợ may giải pháp” VTS đóng góp ý tưởng xây dựng văn hóa số cho tỉnh Thừa...

3 từ đồng nghiệp dành tặng Viettel Family

Tập đoàn chính thức nhận giấy phép thiết lập mạng 5G từ Bộ TT&TT

PTGĐ Đào Xuân Vũ: ‘Không được phép chủ quan trong mọi tình huống'

PTGĐ Đào Xuân Vũ: ‘Viettel Digital Talent không chỉ là một cuộc chơi'

  • 1
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua