Lê Anh Ngọc (Công ty Truyền thông Viettel) đã đăng lúc 09:55 - 04.08.2022
Bạn là một người Viettel. Mỗi ngày bạn đến cơ quan đi làm vì điều gì? Tiền bạc? Địa vị? Sự thừa nhận của lãnh đạo? Hay khát khao để tạo ra những thành công?
Vài năm trước có thể cũng giống như bạn, tôi làm việc vì tất cả những điều này. Rồi sau đó có một cuốn sách đã khiến tôi nghĩ lại về tất cả.
“Dòng chảy” là cuốn sách của nhà tâm lý học lỗi lạc người Mỹ gốc Hungary Mihaly Csikszentmihalyi. Đây không phải là một tác phẩm dạng “self help” mà là về công trình nghiên cứu tâm lý - xã hội kéo dài nhiều thập kỷ của ông. Cuốn sách bắt đầu bằng một câu hỏi thoạt nghe rất đơn giản nhưng trên thực tế lại vô cùng phức tạp:
Hạnh phúc có cảm giác thế nào?
Hạnh phúc được xem xét lại
"Tự hỏi chính mình có cảm thấy hạnh phúc hay không, và bạn sẽ không còn hạnh phúc nữa”, câu nói nổi tiếng của nhà triết học người Anh John Stuart Mill cho thấy trong khi đa số mọi người chúng ta đều tìm kiếm hạnh phúc, thực ra rất ít người hiểu hạnh phúc là gì.
Trong hàng chục năm, Mihaly Csikszentmihalyi đã cẩn thận nghiên cứu về cái được gọi là “cảm nhận hạnh phúc” của hàng chục nghìn người, ở những ngành nghề, công việc, những quốc gia và các hoàn cảnh sống khác nhau trên thế giới.
Con người thông thường có xu hướng nghĩ rằng chúng ta sẽ cảm thấy hạnh phúc khi được nghỉ ngơi, nhàn rỗi nhưng phát hiện đáng ngạc nhiên của Mihaly Csikszentmihalyi là thực tế rất ít khi chúng ta có “cảm giác hạnh phúc” khi ở trong các khoảng thời gian này. Những cảm xúc được tường thuật giống với hạnh phúc như “cảm giác thăng hoa”, “trải nghiệm đáng nhớ” hay những “phút giây xuất thần” thường đến khi chúng ta đang bận bịu và ở trong một trạng thái cực kỳ tập trung mà Mihaly Csikszentmihalyi gọi là “trạng thái dòng chảy”.
Theo Mihaly Csikszentmihalyi, trạng thái dòng chảy là khi chúng ta dành toàn bộ sự tập trung của mình vào một việc gì đó. Bất kể là hoạt động gì, dù là chơi thể thao, nghe một bản nhạc, ngắm một bức tranh, nuôi dạy con cái hay trò chuyện với bạn bè điều quyết định đến chất lượng của trải nghiệm này là sự tập trung của chúng ta.
Không quan trọng bạn là ai, bạn đang ở trong điều kiện nào, việc có một mục tiêu rõ ràng để hành động và hoàn toàn tập trung vào hành động mới chính là 2 yếu tố quyết định nhất của chất lượng trải nghiệm, hay nói cách khác là cảm giác hạnh phúc của mỗi con người.
Nếu không tin điều này, bạn hãy thử nhớ lại cảm giác của chính mình khi nhàn rỗi. Cảm giác bồn chồn, chán nản khi đang phải ngồi đợi ai đó? Cảm giác tẻ nhạt, vô vị của buổi sáng cuối tuần không biết làm gì? Hay thậm chí là cảm giác trống rỗng, vô vọng khi sống một cuộc đời không có mục tiêu phấn đấu.
Những trang sách của Mihaly Csikszentmihalyi đưa chúng ta đi qua hàng loạt các ví dụ không chỉ của các cá nhân khác nhau mà còn là các nền văn hoá khác nhau, các trạng thái kinh tế khác nhau. Tất cả cho thấy “hạnh phúc” hay nói cách khác là chất lượng cuộc sống của mỗi người không hoàn toàn phụ thuộc vào số của cải mà họ có, căn nhà mà họ ở hay vị trí công việc mà họ làm.
Nghiên cứu cho thấy tăng trưởng kinh tế không đem lại “tăng trưởng hạnh phúc”
http://www.sustainablescale.org/attractivesolutions/understandinghumanhappinessandwellbeing.aspx
Dòng chảy trong công việc
Trong “Dòng chảy” có những ví dụ rất thú vị về cách mà nhiều người trên thế giới tìm thấy hạnh phúc trong chính công việc hàng ngày của họ. Dù ở lĩnh vực nào, có một điểm chung của những người này là họ đã biến công việc của mình trở thành một “trải nghiệm dòng chảy”.
Những bác sỹ phẫu thuật tập trung toàn bộ trí lực và tìm thấy “trải nghiệm dòng chảy” khi thực hiện những thủ thuật phức tạp thông qua đó cứu sống bệnh nhân. Những kỳ thủ chuyên nghiệp hầu như không còn cảm nhận thấy thời gian, địa điểm và tìm thấy “trải nghiệm dòng chảy” trong những ván cờ.
Cũng có cả những người công nhân trên dây chuyền lắp ráp dù mỗi ngày phải lặp đi lặp lại một thao tác nhàm chán nhưng bằng việc tưởng tượng đây là một cuộc thi Omlypic về xiết ốc nhanh họ cũng tìm thấy “trải nghiệm dòng chảy” bằng cách vượt qua thành tích của chính mình. Theo Mihaly Csikszentmihalyi để công việc hàng ngày trở “thành trải nghiệm dòng chảy” điều tiên quyết là người lao động cần phải luôn tìm thấy những thách thức mới buộc họ phải nâng cao kỹ năng của bản thân.
Nếu không có thách thức một công việc dù thú vị đến mấy cũng sẽ trở nên nhàm chán. Tuy nhiên thách thức cũng cần phải vừa sức và có khả năng thực hiện bởi nếu thách thức là quá lớn một cá nhân cũng có thể cảm thấy chán nản và bỏ cuộc.
Tôi học được gì từ cuốn sách này?
“Dòng chảy” là một cuốn sách mà tôi đã không thể chỉ đọc và thưởng thức một cách đơn thuần. Mỗi trang sách luôn đầy ắp những kiến thức quý giá buộc tôi phải không ngừng ghi chép như thể sợ rằng chỉ vài phút nữa tôi sẽ quên mất những điều hay ho mà mình vừa đọc.
Thông qua lý giải cách mà các cá nhân đạt đến “trạng thái hạnh phúc - dòng chảy”, Mihaly Csikszentmihalyi giúp người đọc hiểu thêm rất nhiều điều về cách mà các nền văn hoá được tạo dựng, vì sao các cộng đồng có niềm tin thường dễ đạt được hạnh phúc hơn. Phần kết của cuốn sách “dòng chảy” thậm chí đưa chúng ta đến những kết luận rất thú vị về “ý nghĩa của cuộc sống”.
Quay trở lại với câu hỏi mà tôi có đặt ra ở đầu bài viết này. Rút cuộc mỗi ngày, chúng ta nên đi làm vì điều gì? Tiền bạc, chức vụ hay sự thừa nhận của cấp trên?
Sau khi đọc “Dòng chảy”, tôi tin rằng không có gì trong 3 điều trên là không cần thiết nhưng quan trọng nhất là một cá nhân tìm thấy niềm vui trong công việc.
Đôi khi có thể bạn phải thay đổi công việc để tìm thấy niềm vui nhưng thường thì không phải vậy. Luôn có những cách để chúng ta biến công việc thành “dòng chảy” và tìm thấy sự thưởng thức. Cách dễ nhất chính là hãy rèn luyện kỹ năng để trở nên giỏi hơn mỗi ngày. Ngay cả những một vận động viên đỉnh cao, nhà soạn nhạc thiên tài hay những hoạ sỹ danh tiếng cũng chỉ có rất ít người trong số họ tận hưởng công việc của mình ngay từ đầu. Đại đa số đều tìm thấy tình yêu với công việc khi họ trở nên giỏi hơn.
Không cần phải trở nên giàu có hay quyền lực, cách để có một cuộc sống hạnh phúc đôi khi đơn giản hơn bạn nghĩ.
Bởi suy cho cùng hạnh phúc là thứ bạn vốn luôn có trong mình.
Bạn có thể xem tác giả Mihaly Csikszentmihalyi nói thêm về lý thuyết “dòng chảy” tại đây.