'Đô thị thông minh, tương lai xán lạn' và gợi mở cho Viettel

Hà Thành (Ban Truyền thông) đã đăng lúc 18:50 - 15.12.2022

Không chỉ có một định nghĩa về đô thị thông minh bởi bản thân thuật ngữ này là một mục tiêu di động, chưa ai có thể thống nhất ý kiến về nghĩa chính xác của từ này. Cuốn sách "Đô thị thông minh, tương lai xán lạn" có nhiều nhận thức gợi mở cho Viettel trong quá trình xây dựng đô thị thông minh tại Việt Nam và các thị trường nước ngoài.

Đô thị dữ liệu

Các chính quyền địa phương ngồi ngay giữa một mạng lưới thông tin. Vận hành một đô thị hay một chính quyền địa phương đa phần là việc quản lý và phản ứng trước thông tin.

Ở Thâm Quyến, Trung Quốc, chính quyền sẽ phạt những người vi phạm giao thông qua nhắn tin, dữ liệu được thu thập thông qua những chiếc camera được nối với các hệ thống nhận dạng khuôn mặt. Hệ thống Skynet của Trung Quốc có thể quét những khuôn mặt trong đám đông và kiểm tra chéo với cơ sở dữ liệu tội phạm, giúp các cơ quan cảnh sát Trung Quốc bắt giữ hơn 3.000 kẻ đào tẩu trên cả nước trong 1 năm.

North Carolina đã lắp đặt đồng hồ nước không dây trong 60.000 ngôi nhà trong thị trấn. Với hệ thống này, thành phố có thể phát hiện những trường hợp sử dụng nước bất thường, như khi có người để ống nước trong vườn chạy suốt đêm. Người dân có thể đăng ký để nhận thông báo phát hiện mức tiêu thụ nước tăng vọt bất thường. Thành phố cũng dùng dữ liệu này để xác định quy mô và chọn thời diểm cho những dự án cơ sở hạ tầng mới như dự án nhà máy nước, thay vì dựa trên suy đoán như đã làm trước đây.

Tất cả mọi dữ liệu trọng yếu của thành phố có thể gắn liền và nên được gắn liền với những vị trí cụ thể. Ví dụ như dữ liệu ngân sách thành phố sẽ có giá trị to lớn hơn nhiều khi nó được gắn liền với một địa điểm. Nói cách khác, biết có bao nhiêu tiền đang được chi xài là chưa đủ, cần phải biết nó đang được chi xài ở đâu.

Không ngừng thu thập dữ liệu và giám sát dữ liệu sẽ là đặc trưng chung của các đô thị thông minh. Bất kỳ thứ gì tương tác một cách có ý nghĩa với thứ khác sẽ được theo dõi, giám sát.

Shenzhen-smartcity02
Thâm Quyến đang hướng tới trở thành thành phố "kiểu mẫu" vào năm 2025.

Đô thị di chuyển

Vận tải chiếm từ 6-25% GDP. Vận tải có hiệu quả giúp giảm chi phí trong nhiều khu vực kinh tế. Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra mối liên kết giữa sức khỏe kinh tế của một thành phố và khả năng dịch vụ vận chuyển công giúp người ta dễ tiếp cận công việc làm.

Các vấn đề về vận chuyển và đi lại vốn phức tạp và khó giải quyết. Chúng rất dễ thấy, nên không thể dễ dàng bỏ qua. Tuy nhiên, không dễ nhận ra loại vận tải nào hiệu quả hay không? Xây dựng một đường xe điện ngầm mới có thể cải thiện điều kiện kinh tế ở một số khu vực và gây ảnh hưởng bất lợi ở những khu vực khác. Bang Texas, Mỹ đã chi 2,8 tỷ USD để mở rộng xa lộ Katy vốn có tiếng là tuyến đường luôn kẹt xe. Hiện nay, Katy là đường cao tốc rộng nhất thế giới. Nạn tắc nghẽn giao thông ngớt được một thời gian, rồi kẹt xe lại trầm trọng hơn do đường cao tốc được mở lại thu hút thêm nhiều xe cộ đổ về.

Đô thị thông minh sẽ dùng dữ liệu lớn để tối đa hóa việc đi lại đa phương thức. Giả sử bạn lái chiếc xe của mình đến một ga ra đỗ xe dưới phố và văn phòng của bạn còn cách đó 10 block nhà. Nếu trời đẹp, bạn có thể đi bộ, nếu trời mưa, bạn sẽ muốn biết trạm dừng xe buýt gần nhất là ở đâu và theo lịch trình thì chuyến xe kế tiếp khi nào sẽ đến.

Giải quyết những thách thức về dịch chuyển đòi hỏi phải tìm được sự cân bằng hợp lý giữa nhiều yếu tố như chi phí, tốc độ, hiệu quả, an toàn và chất lượng sống. Tính toán sai hay đánh giá sai bất kỳ biến số nào đều có thể phá hỏng dự án, lãng phí thời gian nhiều năm và lãng phí khoản tiền đồ sộ.

Khi người ta đến một thành phố, ấn tượng ban đầu của họ chịu ảnh hưởng rất mạnh từ chất lượng sự tương tác của họ với các hệ thống vận chuyển. Các đô thị thông minh sẽ dành thời gian và tiền bạc cần thiết để đảm bảo sao cho ấn tượng ban đầu đó đầy thiện cảm.

Đô thị biết học

Đô thị thông minh là những đô thị biết học. Chúng học bằng cách thu thập và phân tích dữ liệu để giúp con người phát triển và để nâng cao chất lượng cuộc sống. Đô thị thông minh không chỉ là một tập hợp những máy móc thông minh, mạng dữ liệu thông minh, giao thông thông minh … chúng còn là nam châm thu hút những con người thông minh. Con người thông minh là vốn liếng thật sự của những đô thị thông minh.

Các đô thị không còn định nghĩa thành công đơn thuần bằng kinh tế, sự tính toán đã trở nên đa sắc thái hơn và tinh tế hơn như họ có sử dụng năng lượng hiệu quả không? Có khả năng thích ứng không? Có sẵn sàng xử lý muôn vàn đe dọa và thách thức khác nhau từ bão tố, lũ lụt, hỏa hoạn cho đến tội phạm trên mạng, khủng bố, dịch bệnh? Có dễ thích nghi, mềm dẻo và linh hoạt? Người dân ở đó có cảm thấy hạnh phúc, khỏe mạnh, an toàn và hài lòng với cuộc sống của mình?

Sự kết hợp hàng triệu bộ phận cảm biến, thiết bị định vị toàn cầu, và các bộ phân tích tiên tiến khiến các thành phố có thể hoạch định cho tương lai một cách thông minh hơn và phản ứng nhanh hơn khi phát sinh vấn đề hay xảy ra khủng hoảng.

learning-cities-planning
Đô thị thông minh là đô thị phải biết học để nâng cao chất lượng cuộc sống của con người.

Thiết kế lấy con người làm trung tâm

Thiết kế lấy con người làm trung tâm là phương pháp phát triển sản phẩm và dịch vụ dựa trên quan sát nhu cầu và mong muốn của con người. Nó sẽ được bắt đầu bằng cách hình dung ra những vấn đề người ta thường gặp, rồi trở ngược lại giải quyết chúng, trong khi luôn hướng đến người sẽ trực tiếp sử dụng dịch vụ.

Đô thị thông minh sử dụng thiết kế lấy con người làm trung tâm để lật ngược hoàn toàn mô hình quản trị đô thị kiểu cũ. Thay vì chăm lo cho các quan chức, chính trị gia, và lợi ích nhóm, các đô thị tập trung vào việc phục vụ dân cư, không ngừng giải quyết vấn đề và không ngừng nâng cao các dịch vụ đô thị. Và đầu tiên là nhắm vào các bài toán khó.

Hòa quyện các nguyên tắc thiết kế lấy con người làm trung tâm vào các sáng kiến và dự án đô thị không phải là một công việc dễ dàng. Nhưng các nhà thiết kế có một con át chủ bài: khoa học dữ liệu.

An toàn cho đô thị thông minh

Một đô thị thông minh rất dễ bị tấn công. Bởi vậy, họ sẽ sử dụng chiến lược an toàn từ thiết kế, trong đó các nguyên tắc bảo mật được áp dụng kỹ lưỡng và tận tâm vào mọi phân đoạn của mọi hệ thống và trong tất cả các giao dịch ở mọi cấp độ trong taonf bộ các hệ thống. Thay vì dựng lên những bức tường bao quanh các dữ liệu, thiết bị và quy trình, tính bảo mật được lồng vào bên trong chúng.

Mỗi đô thị thông minh sẽ cần có một giám đốc an ninh thông tin (CSIO – Chief security information officer). Vị trí này sẽ khác với giám đốc thông tin (CIO).

CIO tạo ra các giá trị cho người dân bằng cách lựa chọn, triển khai và duy trì những công nghệ phù hợp nhất và tốt nhất để làm cho cuộc sống của người dân dễ dàng hơn, thoải mái hơn. Còn CISO luôn canh cánh vì các hacker và tội phạm mạng hoạt động 24/7. CIO mơ về một tương lai tươi sáng nhờ công nghệ thì CISO tiên lượng hiểm nguy trong mỗi ứng dụng của thành phố. CIO tạo ra giá trị và CISO bảo vệ giá trị.

A1141-15-Smart-cities-around-the-world-Image-4-1

6 chỉ báo đô thị thông minh

  1.  Kinh tế thông minh: Tạo ra môi trường tốt cho các hoạt động của những doanh nghiệp dù mới thành lập hay lâu đời, thu hút các nhà đầu tư và các tài năng mới có tay nghề cao, hướng đến mục tiêu làm vững mạnh nền kinh tế đô thị và tạo ra nhiều công việc làm mới và quan trọng nhất là phát triển bền vững.
  2.  Môi trường thông minh: Là những hoạt động nhằm tăng hiệu quả năng lượng, quản lý nước, xử lý chất thải. Theo dõi và xử lý tình trạng ô nhiễm để biến đổi việc sản xuất và tiêu thụ năng lượng của đô thị. Cân bàng giữa công trình xây dựng và môi trường tự nhiên nhằm tối đa hóa việc đô thị là nơi đáng sống đối với cư dân và khách vãng lai.
  3.  Chính quyền thông minh: Làm bền chặt mối quan hệ kết nối giữa mình với các bên hữu quan khác trong cộng đồng thành phố. Xây dựng niềm tin thông qua tính minh bạch, cách quản trị cùng chia sẻ, khuyến khích sự tham gia của người dân.
  4.  Lối sống thông minh: Tăng ường khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế và sự an toàn của cư dân. Đem lại những điều kiện làm việc tốt hơn, giải quyết vấn đề nhà ở tốt hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho công tác chăm sóc người cao tuổi.
  5.  Vận chuyển thông minh: Hệ thống giao thông đô thị hiệu quả, khuyến khích người dân sử dụng hơn là phương tiện cá nhân. Quản lý lưu lượng xe cộ làm giảm thời gian di chuyển, tăng mức độ an toàn, giảm khí thải.
  6.  Con người thông minh: Việc trao đổi thông tin giữa người dân với nhau và cơ hội được học tập, làm việc suốt đời. Tiến hành những lựa chọn thông minh hơn về giáo dục và hun đúc nên những mối kết nối giữa các tổ chức giáo dục và những nhà tuyển dụng giúp phát triển tài năng, hỗ trợ sáng tạo, tận dụng các cơ hội trên thị trường lao động.

Vài gợi mở cho Viettel

Khi đọc xong “Đô thị thông minh, tương lai xán lạn” của Mike Barlow & Cornelia Lesvy-Bencheton, tôi đã ngay lập tức gửi tặng lãnh đạo Tổng Công ty VTS – đơn vị đang chịu trách nhiệm triển khai các đô thị thông minh ở nhiều địa phương trên toàn quốc.

Lý do gửi tặng vì tôi nhận thấy, có nhiều nhận thức về đô thị thông minh mà cuốn sách này đang gợi mở để chúng ta vừa có thể sử dụng để tư vấn cho chính quyền các địa phương, cũng vừa là hướng để chúng ta cần tập trung vào.

Thứ nhất chính là dữ liệu và khoa học dữ liệu sẽ đóng vai trò to lớn trong các đô thị thông minh. Cách đây một thập niên, nhiều tác giả thường mô tả dữ liệu là “dầu mỏ mới”. Nhìn lại, ta thấy so sánh đó còn quá hạn chế. Dữ liệu giống tiền tệ mới hơn. Tuy nhiên, không giống như vàng hay bạc, dữ liệu rất dễ hư hỏng. Nó trở nên vô giá trị nếu không được đem ra sử dụng. Cất giấu nó dưới hầm kín là tiêu hủy giá trị của nó. Khi được sử dụng một cách khôn ngoan, dữ liệu có tác dụng đem lại điều tốt lành. Khoa học dữ liệu và các nhà khoa học dữ liệu đóng vai trò chính yếu trong các đô thị thông minh.

Thứ hai, có dữ liệu mở vẫn chưa đủ. Người dân, nhân viên chính phủ cần phải được đào tạo cách xử lý dữ liệu. Nếu không, nó đóng hay mở cũng chẳng có ý nghĩa gì cả. Các đô thị thông minh nhỏ sẽ cần có 2-3 nhà khoa học dữ liệu, các đô thị lớn sẽ cần hàng ngàn người. Khoa học dữ liệu sẽ là phần nền tảng của cách ta sống.

nxbtre_full_12092020_070910
Cuốn sách "Đô thị thông minh, tương lai xán lạn" mang đến nhiều gợi mở cho Viettel.

Thứ ba, chỉ mỗi công nghệ không làm cho một đô thị thành thông minh. Yêu cầu chính yếu để tạo nên các dự án đô thị thông minh thành công là kiến thức sâu sắc về các vấn đề của địa phương, nghiên cứu thấu đáo, quy hoạch tốt, hành động táo bạo và theo đuổi đến cùng. Trong phần lớn các trường hợp, công nghệ là phương tiện thực hiện chứ không phải động cơ thúc đẩy. Công nghệ phải được hoàn toàn hòa nhập và đan kết thật sâu vào kết cấu của thành phố. Thiết kế đô thị phát xuất từ sự hợp tác với các cộng đồng. Nó không còn là tầm nhìn được áp đặt từ trên xuống.

Thứ tư là không ngừng tinh chỉnh. Các thuật toán cần được thường xuyên tinh chỉnh và viết lại. Đôi khi chúng cần được thải bỏ và làm lại từ đầu. Đô thị thông minh sẽ là phòng thí nghiệm cho những thử nghiệm bất tận. Các thử nghiệm không đem lại câu trả lời mà tạo ra nhiều câu hỏi hơn. Quá trình đó cũng không mấy dễ chịu nhưng chúng ta không thể giao phó trách nhiệm con người của chúng ta cho công nghệ, dù có ai bảo chúng ta rằng công nghệ đó có tiên tiến hay hoàn hảo đến mức nào đi nữa.

PGĐ VTCC Hoàng Ngọc Dương thấy gì ở cuốn sách best-seller 'Từ tốt đến vĩ đại'?

Cuốn sách giúp PTGĐ VTT Bạch Tiến Tuân 'chạm vào điều kỳ diệu'

PTGĐ VTNet bật mí cuốn sách thay đổi cách sống, làm việc và tư duy

Phụ trách TT Thể thao Hà Hữu Tám học chí khí của người Nhật từ cuốn sách...

Cuốn sách giúp PTGĐ VTG Nguyễn Thị Hoa giải mã sự thay đổi thần kỳ của 'vương...

  • 2
CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua