'Lincoln bàn về lãnh đạo' và góc nhìn của Viettel

Ban Truyền thông đã đăng lúc 18:11 - 28.07.2022

"Lincoln bàn về lãnh đạo" là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu khả năng lãnh đạo đa dạng của Abraham Lincoln - vị tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, người có biệt danh là "Người giải phóng vĩ đại". Những nội dung giá trị nhất của cuốn sách được đúc kết, giới thiệu và ánh xạ với thực tế ở Viettel.

Abraham Lincoln, tổng thống thứ 16 của Hoa Kỳ, còn có biệt danh là “Người giải phóng vĩ đại” vì thành công của ông trong nỗ lực lãnh đạo đất nước vượt qua giai đoạn đen tối nhất của lịch sử nước Mỹ: Cuộc nội chiến. Một người dù đã qua đời gần 150 năm, vẫn truyền cảm hứng và lay động mọi người trong mọi lĩnh vực đời sống, ở khắp nơi trên toàn cầu.

Khi trở thành tổng thống, Lincoln phải đối mặt với thực tế là miền Nam đã kiểm soát tất cả các cơ quan liên bang, chiếm giữ hầu hết các pháo đài và kho đạn ở lãnh thổ miền Nam. Phần lớn sông Mississippi, huyết mạch buôn bán và thương mại của cả nước bị ngăn trở hoặc nằm trong tay phe miền Nam. Washington gần như không có sự phòng thủ, chỉ được bảo vệ bởi một phần quân đội quốc gia, mà vào năm 1861, chưa hề được chuẩn bị cho chiến tranh. Đó là một đội quân tản mác, xác xơ, trang bị nghèo nàn và thiếu tổ chức, gồm khoảng 16.000 binh sĩ, nhiều trong số đó là những người ủng hộ miền Nam. So với quân đội liên bang, phần lớn lực lượng dân quân ở các bang còn kém cỏi hơn rất nhiều. Đất nước bị chia rẽ, sự thù hận là cảm xúc bao trùm và chính quyền hoàn toàn thiếu sự lãnh đạo hiệu quả.

Giữa tất cả những hỗn loạn này, nhân vật còn tương đối vô danh Abraham Lincoln tuyên thệ trở thành tổng thống thứ 16 của đất nước. Ông bị nhiều người coi là một tay luật sư nhà quê hạng hai và hoàn toàn không đủ phẩm chất và năng lực để đảm nhận chức vụ tổng thống. Ngay cả những thành viên trong nội các mới được chỉ định của ông cũng coi ông là một nhân vật bù nhìn mà họ có thể kiểm soát.

Lincoln phải đối mặt với một vấn đề dường như không thể vượt qua: duy trì một đất nước toàn vẹn trong khi tổ chức một chính quyền mới, hiệu quả hơn, có thể chuẩn bị sẵn sàng cho một cuộc nội chiến sắp đến.

Đó là tình thế dành cho một người chưa từng nắm giữ cương vị lãnh đạo diều hành nào trước đó; mới làm nghị sỹ quốc gia được một nhiệm kỳ; không có chút kinh nghiệm quân sự nào đáng kể, chưa bao giờ tham gia chiến trận.

Đây là cuốn sách đầu tiên nghiên cứu khả năng lãnh đạo đa dạng của Abraham Lincoln thông qua các trận đánh của cuộc nội chiến cũng như quyết sách trong các vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội.

Những gì Lincoln đã làm khi tại nhiệm cũng như bản thân con người ông đã trở thành lịch sử; lịch sử ấy không chỉ nằm yên trong các trang sách mà kiến thức và triết lý lãnh đạo của ông còn có thể giúp chúng ta trong điều hành và quản trị kinh doanh trong thời hiện đại.

Những nội dung giá trị nhất của “Lincoln bàn về lãnh đạo” được đúc kết và chia sẻ theo từng chương với bố cục: (1) Vấn đề; (2) Góc nhìn của Lincoln; (3) Ánh xạ với Viettel.

Lincoln-ban-ve-lanh-dao-1-scaled

RA KHỎI VĂN PHÒNG VÀ TRÒ CHUYỆN VỚI QUÂN SĨ

1. Vấn đề

- Lãnh đạo thường nhận được quá nhiều thông tin, và có quá nhiều tin đồn, làm thế nào để biết được sự thật?

- Lãnh đạo cần phải đưa ra những quyết định nhanh chóng, kịp thời và hiệu quả, và vì thế rất cần phải được tiếp cận thông tin đáng tin cậy nhưng lại không có nhiều thời gian để đọc báo hay thu thập ý kiến công chúng.

- Thông tin qua báo cáo thường được dẫn dắt bởi các phễu lọc và thiên kiến.

2. Bước ra khỏi tháp ngà

- Cách tốt nhất để có được thông tin chính xác là tự mình ra ngoài tìm kiếm.

- Để có thông tin, Lincoln dựa vào 3 nguồn: báo cáo từ các cố vấn đáng tin cậy (hoặc bạn hữu); trực tiếp ra chiến trường và điện tín (công nghệ liên lạc hiện đại của thời đó).

- Không duy trì bất kỳ khoảng cách nào, không tạo ra sự sợ hãi. Bước vào môi trường của cấp dưới. Bất kể binh lính ở đâu, Lincoln luôn ở đó. Họ có thể chịu được thì tôi nghĩ mình cũng chịu được. Lincoln thường đến dự đám tang, thăm người bị thương tại bệnh viện và nhà riêng.

- Có mặt vào những lúc quan trọng, quyết đoán chịu trách nhiệm cũng như tác động, hướng dẫn, chỉ bảo và ra lệnh.

- Khi được dễ dàng tiếp cận, tương tác mang tính cá nhân, cấp dưới sẽ có xu hướng đánh giá lãnh đạo với cái nhìn tích cực, tin tưởng hơn, họ cũng cảm thấy được đánh giá cao. Sự quan tâm chu đáo khơi gợi lòng tin, sự trung thành và ngưỡng mộ.

- Ai cũng thích một lời khen, thích được nói và được nghe về mình một cách chân thành.

- Trong một bối cảnh không chính thức, con người có xu hướng thoải mái hơn, thẳng thắn hơn, thành thật hơn khi phải đối mặt trong phòng làm việc.

- Khi bước ra khỏi tháp ngà, lãnh đạo sẽ có được sự mới mẻ và tiếp thêm sinh lực, tiếp cận được những thông tin tối quan trọng, cần cho việc ra những quyết định hiệu quả. Đó là sự học hỏi trong quá trình làm việc.

3. Ánh xạ với Viettel

Nếu Lincoln cho rằng, cần “tắm trong dư luận” cần ra khỏi văn phòng và trò chuyện với binh sỹ thì Viettel cũng cho rằng “giao đầu kiểm tra đáy” để thấy chính sách đi vào cuộc sống như thế nào. Khi có khó khăn, người lãnh đạo Viettel sẵn sàng xuống làm việc trực tiếp, cùng bàn bạc, tháo gỡ với anh em. Đi cơ sở, lắng nghe tiếng nói của cuộc sống là một trong những nhiệm vụ mà lãnh đạo Viettel luôn muốn chỉ huy và người quản lý các cấp thực hiện thường xuyên.

Giá trị cốt lõi đầu tiên của Viettel là: lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn kiểm nghiệm chân lý. Nếu xa thực tế là quan liêu, suy thoái. Bài học ở Viettel cho thấy, khi đi thực tiễn ở cơ sở, có những phát hiện quan trọng để điều chỉnh chiến lược, cách làm. Sâu sát cơ sở như rễ cây hút chất dinh dưỡng để nuôi cây, cây mới sống, mới phát triển.

Để cán bộ quản lý thoát ly văn phòng, Viettel phát triển các ứng dụng CNTT trên thiết bị di động, người quản lý có thể điều hành đơn vị của mình dù ở bất kỳ đâu, kể cả đi công tác nước ngoài hay đi học.

 

XÂY DỰNG NHỮNG ĐỒNG MINH MẠNH MẼ

1. Vấn đề

Làm thế nào để cấp dưới không cần xin ý kiến chỉ đạo vẫn có thể tự ra quyết định mà vẫn đúng phong cách, mong muốn và hướng đi của tổ chức và người lãnh đạo?

2. Xây dựng đồng minh

- Lincoln giành được sự tin cậy và tôn trọng từ cấp dưới nhờ xây dựng được những đồng minh mạnh mẽ ở mức độ cá nhân cũng như công việc.

- Lincoln giành được sự tận tụy và tôn trọng từ người của mình vì ông sẵn sàng dành thời gian trong lịch làm việc bận rộn của mình để lắng nghe những điều họ cần nói.

- Lincoln hiểu động cơ và khuynh hướng phản ứng của con người dưới áp lực nên ông rất khoan dung với những gì mà nhiều người coi là hành vi hèn nhát.

- Lòng tin là yếu tố cơ bản tối quan trọng để xây dựng các mối quan hệ thành công.

- Một quản lý giỏi ít nhất cũng cần lắng nghe nhiều như những gì anh ta cần nói. Giao tiếp thực sự là hai chiều.

- Nếu cấp dưới hiểu rằng lãnh đạo của họ vững vàng, cương quyết và quyết tâm với công việc hàng ngày, người lãnh đạo sẽ giành được sự tôn trọng, sau đó là sự tin cậy.

- Khả năng con người tin tưởng một nhà lãnh đạo sẽ lớn hơn nếu họ biết ông ta cảm thông và thứ tha cho những lỗi lầm.

- Tài sản quan trọng nhất của một tổ chức là nhân viên. Vì vậy cần dành thời gian và tiền bạc để hiểu thấu đáo hơn những gì khiến họ hành xử như vậy.

- Việc chia rẽ dung dưỡng sự yếu đuối.

3. Ánh xạ với Viettel

Nếu Lincoln cho rằng cần xây dựng những đồng minh mạnh mẽ vì việc chia rẽ sẽ dung dưỡng sự yếu đuối thì Viettel cũng tuyên bố “Giữ gìn sự đoàn kết như giữ gìn con ngươi của mắt mình”. Đoàn kết, gắn bó máu thịt vốn là một phẩm chất, một giá trị của những người lính bộ đội cụ Hồ. Và đó luôn là hành trang mà người Viettel ở bất kỳ đâu, bất kỳ giai đoạn phát triển nào của Tập đoàn cũng luôn mang theo.

Năm 2022, để tiếp tục nhấn mạnh tư tưởng này, Viettel truyền đi thông điệp: đoàn kết, đồng hành, cùng chinh phục những đỉnh cao.

 

THUYẾT PHỤC THAY VÌ ÉP BUỘC

1. Vấn đề

Làm thế nào để lãnh đạo có thể gây ảnh hưởng và dẫn dắt cấp dưới đi theo sứ mệnh của mình?

2. Thuyết phục thay vì ép buộc

- Lãnh đạo, theo định nghĩa, không bao gồm việc sử dụng quyền lực áp đặt. Khi một nhà lãnh đạo bắt đầu cưỡng ép những người đi theo mình, về cơ bản, ông ta đã từ bỏ việc lãnh đạo.

- Khi hành vi của con người là nhằm gây ảnh hưởng, họ luôn cần áp dụng sự thuyết phục, sự thuyết phục tử tế, ân cần.

- Nếu muốn một người đi theo sứ mệnh của bạn, trước hết, hãy thuyết phục anh ta rằng bạn là người bạn chân thành của anh ta. Những ai sẽ lãnh đạo được anh ta phải hiểu được anh ta.

- Lincoln đối xử với mọi người theo cách ông muốn được đối xử, cách mà ông biết những người khác muốn được đối xử.

- Không ai muốn bị ép buộc làm điều trái với mong muốn của mình. Mọi người nhìn chung muốn tin rằng điều họ đang làm thực sự tạo nên sự khác biệt, và quan trọng hơn, đó là ý tưởng của riêng họ.

- Chế độ độc tài, ở bất cứ hình thức nào, cũng hạ con người xuống.

- Lincoln nhận ra rằng, đưa ra một đề xuất hoặc khuyến nghị sẽ hiệu quả hơn rất nhiều việc lệnh cho người khác phải nghe theo ông.

- Lãnh đạo thường bao gồm cả việc dạy dỗ và chính các xu hướng “gần gũi như cha chú” của Lincoln đã hỗ trợ ông rất nhiều trên cương vị tổng thống. Tổ chức là gia đình, lãnh đạo là người đứng đầu gia đình đó. Vì vậy, các nhà lãnh đạo thường xuyên nuôi dưỡng và chỉ dẫn cho cấp dưới hệt như cha mẹ làm cho con cái.

- Lincoln liên tục làm gương cho những tín điều mà ông rao giảng.

- Ngày nay, với những nhân viên muốn nhiều hơn chứ không chỉ là các phần thưởng mang tính tiền bạc và hữu hình, các nhà lãnh đạo cần sử dụng các chiến thuật thuyết phục khác với cách tiếp cận “cây gậy và củ cà rốt”.

3. Ánh xạ với Viettel

Phong cách lãnh đạo bao gồm cả dạy dỗ, “gần gũi như cha chú” của Lincoln cũng rất giống triết lý Viettel khi xây dựng tổ chức của mình như một “ngôi nhà chung”. Ở đó, chúng ta cùng quan tâm, chia sẻ với nhau cả những buồn vui trong công việc và cuộc sống. Ở đó, chúng ta góp ý, phê bình thẳng thắn nhưng không phải với mục tiêu lật đổ mà với mong muốn tổ chức tốt lên, mỗi thành viên đều tốt lên. Ở đó, chúng ta nhắc nhở từ khi sự việc còn nhỏ để tránh xảy ra những mất mát lớn.

_DSC0604-1

TRUNG THỰC VÀ CHÍNH TRỰC LÀ NHỮNG CHÍNH SÁCH TỐT NHẤT

1. Vấn đề

Làm cách nào mà mọi thành viên của bất kỳ tổ chức nào cũng có chung và gắn kết với cùng một bộ giá trị?

2. Trung thực và chính trực

- Mọi tổ chức thành công đều phải sở hữu những giá trị chung mạnh mẽ. Trách nhiệm duy nhất của nhà lãnh đạo là thấm nhuần những giá trị đó bằng cách liên tục giảng giải và thuyết phục.

- Sự chính trực là viên đá đỉnh vòm gắn kết một tổ chức với nhau.

- Vai trò của nhà lãnh đạo là nâng những người đi theo họ lên cao hơn cái tôi hàng ngày, đến một mức nhận thức, động cơ và cam kết cao hơn.

- Lòng tin, sự trung thực và chính trực là những phẩm chất hết sức quan trọng vì chúng ảnh hưởng mạnh mẽ tới những người đi theo.

- Hãy đứng cạnh những người luôn đứng thẳng. Hãy đứng bên khi anh ta còn chính trực và chia tay khi anh ta làm những chuyện sai trái.

- Lincoln luôn công bằng và đàng hoàng khi kỷ luật cấp dưới hệt như khi chúc mừng họ.

3. Ánh xạ với Viettel

Để các thành viên trong tổ chức có chung và gắn kết với cùng một bộ giá trị, Lincoln cho rằng cần xác định tầm nhìn rõ ràng và truyền đạt một cách hiệu quả.

Trong lịch sử hơn 30 năm phát triển của mình, Viettel cũng luôn xác định cho mình tầm nhìn, sứ mệnh đầy tham vọng nhưng cũng rất tường minh. Với tầm nhìn “Sáng tạo vì con người” xuyên suốt, mỗi giai đoạn phát triển, Viettel lại đặt ra sứ mệnh để hiện thực hóa tầm nhìn này.

Khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ viễn thông, Viettel đặt ra sứ mệnh “Phổ cập dịch vụ di động, mỗi người dân Việt Nam sẽ có 1 chiếc điện thoại di động”. Sau đó, khi triển khai 3G, 4G, Viettel đặt ra sứ mệnh “Đưa viễn thông và CNTT vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, mỗi người dân Việt Nam có 1 chiếc điện thoại thông minh, mỗi gia đình Việt Nam có 1 đường truyền internet tốc độ cao”.

Khi tham gia vào cuộc cách mạng 4.0 và chiến lược chuyển đổi số quốc gia, Viettel đặt ra sứ mệnh “Tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số” với các mục tiêu xây dựng chính phủ số để người dân được phục vụ tốt hơn; Phát triển Kinh tế số để người dân giàu có hơn; Kiến tạo Xã hội số để người dân hạnh phúc hơn; Bảo vệ An ninh mạng để người dân sống và làm việc an toàn hơn.

 

ĐỪNG BAO GIỜ HÀNH ĐỘNG VÌ BÁO THÙ HAY ÁC Ý

1. Vấn đề

Làm thế nào để người lãnh đạo gây thù chuốc oán ít hơn cho bản thân và tổ chức của mình để tạo ra nhiều người ủng hộ hơn, tận tụy hơn nhằm hỗ trợ sứ mệnh chung của tổ chức?

2. Đừng hành động vì báo thù hay ác ý

- Sự nhỏ mọn, ác ý và thù hận là những phản ứng cảm xúc được xem là không đáng với phẩm chất của một nhà lãnh đạo.

- Khi không có bằng chứng về sự bất tài, cố ý làm sai hay tổn hại cho tổ chức, thì việc vùi dập một con người, khiến anh ta và bạn bè anh ta trở thành kẻ thù vĩnh viễn của chính quyền là vừa độc ác, vừa kém cỏi về chính trị.

- Nhà nước hoàn toàn không có động cơ báo thù, không có mục đích trừng phạt chỉ để trừng phạt.

- Trong khi bằng mọi cách ngăn chặn sự lật đổ chính quyền thì chúng ta cũng nên tránh gieo rắc và nuôi dưỡng quá nhiều gai nhọn trong khu vườn xã hội.

- Việc một nhà lãnh đạo không có ác ý và quan tâm chân thành, sẽ khơi dậy sự tin tưởng nơi cấp dưới và nuôi dưỡng tư duy đổi mới sáng tạo. Điều đó cũng giúp người đi theo không sợ hãi cho phép họ được là chính mình.

3. Ánh xạ với Viettel

Phong cách lãnh đạo bao gồm cả dạy dỗ, không bao giờ hành động vì báo thù hay ác ý, “gần gũi như cha chú” của Lincoln cũng rất giống triết lý Viettel khi xây dựng tổ chức của mình như một “ngôi nhà chung”. Ở đó chúng ta cùng quan tâm, chia sẻ với nhau cả những buồn vui trong công việc và cuộc sống. Ở đó, chúng ta góp ý, phê bình thẳng thắn nhưng không phải với mục tiêu lật đổ mà với mong muốn tổ chức tốt lên, mỗi thành viên đều tốt lên. Ở đó, chúng ta nhắc nhở từ khi sự việc còn nhỏ để tránh xảy ra những mất mát lớn.

 

CÓ LÒNG CẢN ĐẢM ĐỂ XỬ LÝ NHỮNG CHỈ TRÍCH PHI LÝ

1. Vấn đề

Bất cứ người can đảm nào, sớm hay muộn, cũng sẽ phải đối mặt với sự chỉ trích phi lý. Nên ứng xử thế nào với các chỉ trích phi lý ấy?

2. Xử lý chỉ trích phi lý

- Can đảm là lịch lãm trước áp lực (Ernest Hemingway).

- Khả năng hiểu thực tế tình hình rồi đối diện với nó một cách quyết đoán đã khiến Lincoln trở thành nhà lãnh đạo đáng gờm nhất.

- Là Tổng thống, Lincoln hiểu rằng dù ông làm gì đi nữa, sẽ luôn có những người không hài lòng.

- Lincoln xử lý tất cả những chỉ trích nhắm vào ông với sự kiên nhẫn, khoan dung và quyết tâm hiếm thấy. Ông bình tĩnh trong việc này là nhờ sự hiểu biết của ông về con người. Bản chất con người sẽ không đổi.

- Lincoln phớt lờ gần như mọi sự công kích, nếu chúng là nhỏ mọn, nhưng phản kháng khi chúng đủ quan trọng để tạo ra sự khác biệt. Ông cũng viết những lá thư phản bác nhằm xả sự tức giận và cảm xúc, nhưng đừng gửi chúng đi. Và luôn nhìn vào mặt tích cực hơn của cuộc sống bằng cách giữ óc hài hước của mình.

- Hãy giữ sự lịch lãm trước áp lực. Biết rõ phải trái. Và có lòng can đảm.

- Dám làm điều đúng đắn thường đòi hỏi nhiều lòng can đảm hơn khi sợ làm điều sai.

3. Ánh xạ với Viettel

Viettel là tổ chức lớn có quy mô hàng vạn người, trải rộng ở mọi địa bàn với vô vàn hoàn cảnh, văn hóa dân tộc, vùng miền khác nhau. Cũng có những lúc có những người ở vị trí của mình không nhìn thấy hết toàn cảnh, đại cục của chủ trương, chính sách; cũng có khi có những người vì lợi ích cá nhân, cố tình hiểu sai, cố tình phá hoại tổ chức bằng các chỉ trích phi lý.

Viettel cởi mở với những đóng góp chính danh, mang tính xây dựng. Tập đoàn đã ban hành quy chế đối thoại dân chủ ở cơ sở để các cấp đều phải triển khai các cuộc nói chuyện, gặp gỡ, lắng nghe tâm tư của CBNV. Tập đoàn cũng xây dựng cổng thông tin “Vì Viettel tốt lên” để lắng nghe ý kiến của CBNV về các vướng mắc, tồn tại trong Viettel. Lãnh đạo Tập đoàn cũng thường xuyên đi cơ sở để cùng tháo gỡ vướng mắc của CBNV.

Viettel tuyệt đối không thụ lý đơn thư nặc danh, những ý kiến giấu mặt.

 

HÃY MẠNH MẼ, HÃY QUYẾT ĐOÁN

1. Vấn đề

- Làm sao người lãnh đạo có thể ra quyết định một cách vững vàng (trong khi các quyết định gần như không bao giờ đơn giản là trắng hay đen) trong bối cảnh môi trường kinh doanh cạnh tranh, thay đổi nhanh chóng như ngày nay?

- Các giải pháp ngắn hạn thường xuyên đối lập với những mục tiêu dài hạn

2. Hãy mạnh mẽ, hãy quyết đoán

- Lincoln sử dụng một chuỗi sự kiện ra quyết định kinh điển, bắt đầu với việc hiểu toàn bộ các dữ kiện liên quan, thường do chính ông tự thu thập bằng cách tới tận hiện trường. Lincoln cũng cân nhắc hàng loạt giải pháp khả dĩ và các hậu quả tương ứng của từng giải pháp. Cuối cùng, ông bảo đảm với chính mình rằng mọi hành động được thực thi nhất quán với các mục tiêu chính sách của chính quyền và cá nhân ông. Và rồi, ông sẽ truyền đạt một cách hiệu quả quyết định của mình và triển khai nó.

- Thỏa hiệp không có nghĩa là hèn nhát.

- Hy sinh cả tổ chức để tránh mất một hoặc hai bộ phận nhỏ của tổ chức đó không bao giờ là hành động khôn ngoan.

3. Ánh xạ với Viettel

Giá trị thứ bẩy trong bộ giá trị cốt lõi Viettel hướng mọi người Viettel hành động theo truyền thống và cách làm người lính: quyết đoán, nhanh, triệt để. Một trong những chuẩn mực của người Viettel cũng đặt ra yêu cầu: dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Vì vậy, đứng trước những lựa chọn, Viettet thường đặt ra câu hỏi: Việc này có lợi cho tổ chức không? Có lợi cho đất nước không? Có lợi cho khách hàng không? Có lợi cho CBNV không? Ngoài ra, Viettel cũng sẽ xem xét, phân tích dữ liệu để nhìn thấy những bài học trong quá khứ, những xu thế của thị trường. Khi bàn bạc, Viettel tôn trọng từ những ý kiến nhỏ nhất được phát biểu chính thức. Khi đã quyết định, Viettel làm đến cùng, nhất quán để đạt được mục tiêu.

 

LÃNH ĐẠO BẰNG CÁCH ĐƯỢC LÃNH ĐẠO

1. Vấn đề

Làm thế nào để cấp dưới sẵn sàng xả thân thực hiện các nhiệm vụ trong chức trách của mình?

2. Lãnh đạo bằng cách được lãnh đạo

- Không trọng người thì người không trọng mình

- Lincoln thường xuyên lắng nghe các đề xuất của cấp dưới. Nếu chúng có lý, nếu lộ trình hành động khớp với ý tưởng của ông, ông sẽ để chúng diễn ra với nhận thức và lòng tin rằng đó là ý tưởng của cấp dưới. Ngược lại, ông sẽ chỉ cho cấp dưới những điều mà ông nghĩ là con đường thích hợp. Nhưng thay vì ra lệnh, Lincoln đã tinh chỉnh năng lực ra lệnh cho người khác thông qua việc gợi ý hay đề xuất. Mục tiêu của ông là để cấp dưới được nói “Chúng ta đã tự làm được chuyện này”.

- Lãnh đạo bằng cách được lãnh đạo là luôn khen ngợi khi cần phải khen ngợi và ngược lại, nhận trách nhiệm khi mọi chuyện diễn ra không suôn sẻ.

3. Ánh xạ với Viettel

Phong cách lãnh đạo của Viettel là 3 trong 1: lãnh đạo, quản lý, chuyên gia. Tỷ trọng của 3 yếu tố thay đổi tùy theo từng giai đoạn phát triển hoặc quy mô đơn vị. Lãnh đạo Viettel là người có kiến thức, biết định hướng, biết gợi mở để mọi người tham gia, biết giao việc cho mọi người làm nhưng biết tiến độ công việc, biết đánh giá nhận xét, biết đào tạo nhân viên, biết nhúng tay vào tháo gỡ khó khăn khi cần. Người lãnh đạo (ở các cấp khác nhau) phải vạch ra chiến lược và trực tiếp tổ chức thực hiện, đồng thời phải phát hiện, đào tạo, sắp xếp nhân sự thực thi có hiệu quả. Chiến lược và thực thi là quá trình liên kết giữa SINH và THÀNH. Người sinh ra ý tưởng là người tốt nhất, phù hợp nhất để đưa ý tưởng vào cuộc sống.

Ở Viettel đặt trách nhiệm lớn nhất vào vai trò người đứng đầu, kết quả của mỗi đơn vị sẽ gắn liền với đánh giá cá nhân người lãnh đạo. Một trong những quan điểm quản lý của Viettel là: cá nhân phụ trách, tập thể thống nhất. Mỗi công việc được giao cho người có chuyên môn lĩnh vực này tốt nhất phụ trách, nhưng phải duy trì một nhóm khác làm công tác phản biện. Thành công lớn nhất của Tập đoàn là một số quyền lực cá nhân được chia sẻ cho tập thể, nếu không sẽ thành độc tài. Mỗi vấn đề đều cần được tập thể bàn bạc kỹ lưỡng, sau đó người chỉ huy sẽ là người quyết định.

dsc0623

ĐẶT RA MỤC TIÊU VÀ HƯỚNG TỚI KẾT QUẢ

1. Vấn đề

Làm thế nào để “giữ lửa” cho nhân viên của mình?

2. Hướng tới kết quả

- Các mục tiêu giúp đoàn kết mọi người, tạo động lực khiến họ tập trung tài năng và năng lượng. Hãy đoàn kết mọi người đi theo một sứ mệnh chung.

- Việc đạt kết quả thành công phải được tiến hành qua từng bước. Vì thế, ông đã liên tục đặt ra các mục tiêu ngắn hạn cụ thể mà cấp dưới có thể tập trung một cách có chủ đích và ngay tức thì.

- Ông là tấm gương cho cấp dưới về sự bền bỉ đáng nể. Nhiệm vụ của bạn sẽ không bao giờ xong hoặc không bao giờ hoàn thành trừ phi bạn theo dõi nó mỗi ngày, mỗi giờ và thúc đẩy nó.

- Làm nửa vời nói chung sẽ phí hoài công sức.

- Trở ngại và xung đột không được giải quyết sẽ khiến mọi việc bị trì hoãn và chậm đạt tới thành tựu.

- Lincoln không phải lo tới chuyện thắp lửa cho nhân viên bởi lửa trong ông luôn cháy.

3. Ánh xạ với Viettel:

Một trong những yêu cầu về tố chất của lãnh đạo Viettel là biết cộng và chia việc. Người lãnh đạo Viettel phải vừa biết nhìn tổng thể, vừa biết làm việc chi tiết. Ở Viettel luôn có mục tiêu dài hạn và mục tiêu ngắn hạn, việc chia nhỏ việc sẽ giúp nhân viên thấy vừa sức mình, thấy nhiệm vụ khả thi. Đồng thời Viettel duy trì áp lực vừa đủ để nhân viên có động lực thúc đẩy khả năng của mình. Đặt mục tiêu cao để tìm cách làm đột phá giúp người Viettel đoàn kết, đồng lòng.

Mục tiêu là phát triển, động lực là cải cách, tiền đề là nhân hòa, đoàn kết. Đây là 3 yếu tố  có mối quan hệ qua lại với nhau. Ở Viettel, đoàn kết phải được hiểu là mỗi người Viettel, mỗi bộ phận ở Viettel đều phải suy nghĩ, hành động trong sự đồng thuận cao nhất, đặt quyền lợi và tương lai của Tập đoàn lên trước. Tập đoàn có hùng mạnh thì mỗi người mới giàu có.

 

TÌM NGƯỜI PHÙ HỢP

1. Vấn đề

Cần làm gì nếu cấp dưới của bạn không nhúc nhích và hoàn thành công việc như bạn mong muốn?

2. Tìm người phù hợp

- Khi một cấp dưới không có thành tích đủ tốt, thay vì sai thải người đó ngay lập tức, Lincoln sẽ chuyển một số trách nhiệm và quyền hành của người đó cho người khác với hy vọng khi phải chịu trách nhiệm ít hơn, cá nhân đó sẽ có thể làm tốt hơn. Nếu hành vi và thành tích của người đó vẫn không khá hơn, bước tiếp theo là rút cá nhân đó khỏi quy trình ra quyết định càng nhiều càng tốt. Quá trình này có hai lợi ích, một là cho phép Lincoln duy trì trôi chảy mọi công việc và thứ hai là cho phép ông bảo toàn phẩm giá cho những cá nhân đó.

- Hãy chọn những cấp dưới chủ chốt là những người dám chịu trách nhiệm và chấp nhận rủi ro.

- Nếu các nhân viên kêu ca về một trong những quản lý chủ chốt của bạn, và những lời than phiền đó là đúng, đừng sợ cách chức anh ta.

- Hãy cẩn trọng với những cấp dưới mãi thu thập thông tin nhưng không thật sự đạt được thành tựu nào.

3. Ánh xạ với Viettel

Giữa người giỏi nghề/giỏi chuyên môn và người phù hợp văn hóa, Viettel sẽ lựa chọn người phù hợp. Những người phù hợp là những người phù hợp với văn hóa Viettel, tính cách, tinh thần làm việc Viettel, là người có quyết tâm hoàn thành mục tiêu, đồng cảm những giá trị sống của Viettel. Những người này, nếu trình độ học vấn, kỹ năng, kiến thức chuyên môn hay kinh nghiệm làm việc cần phải nâng cao thì có thể đào tạo thêm, bổ sung thêm. Những người phù hợp không cần thiết phải có sự quản lý chặt chẽ, họ sẽ tự cảm thấy thôi thúc bởi động lực bên trong phải đạt kết quả tốt nhất và đóng góp một phần tạo lên thành công của tổ chức. Những người phù hợp dễ đoàn kết hơn.

Việc từ chối những người không phù hợp không chỉ tốt cho Viettel, mà còn tốt hơn cho cá nhân, vì họ cần tìm một tổ chức phù hợp để phát triển.

 

KHUYẾN KHÍCH SỰ SÁNG TẠO

1. Vấn đề:

Có quá nhiều nhà lãnh đạo chấp nhận giới hạn bản thân trong những ranh giới mà hệ thống đầy lỗi áp đặt lên họ, thay vì tư duy lại hệ thống đó.

2. Khuyến khích sự sáng tạo:

- Lincoln nhận ra rằng, là một nhà lãnh đạo, trách nhiệm chính của ông là tạo bối cảnh cần thiết cho tinh thần làm chủ, không sợ rủi ro để nuôi dưỡng sự đổi mới sáng tạo hiệu quả.

- Thay vì tập hợp quanh mình những kẻ “gọi dạ bảo vâng”, ông gắn bó với những người thực sự hiểu rõ công việc của mình, những người mà ông có thể học được điều gì đó từ họ, dù họ có chống đối ông hay không.

- Một đặc điểm thường bị bỏ qua trong kỹ năng lãnh đạo là năng lực học hỏi từ mọi người và những trải nghiệm, từ thành công và thất bại.

- Những nhà lãnh đạo xuất sắc nhất không bao giờ ngừng học.

- Hãy để cấp dưới biết rằng bạn luôn vui lòng lắng nghe các đề xuất của họ.

3. Ánh xạ với Viettel:

Cũng như Lincoln, Viettel luôn khuyến khích sự sáng tạo, khuyến khích suy nghĩ không cũ về những vấn đề không mới, ghi nhận, tôn vinh từ những ý tưởng nhỏ nhất.

Ở Viettel, sáng tạo không chỉ là tạo ra những cái mới, mà còn là tạo ra những giá trị mới. Mỗi người Viettel sáng tạo bằng cách làm tốt hơn, tạo ra những kết quả cao hơn hàng ngày, hôm nay tốt hơn ngày hôm qua chính trong công việc mình đang làm.

Trong cuộc cách mạng CN 4.0, sự sáng tạo ở Viettel còn là cộng hưởng những giá trị để tạo ra đột phá mới.

CBNV vui lòng đăng nhập để đọc nhiều nội dung hơn
Bỏ qua