Đỗ Thị Xuyên (Công ty Quản lý tài sản Viettel) đã đăng lúc 14:33 - 12.05.2023
Những thanh niên như tôi, khi bước chân vào ngôi nhà chung Viettel, không khỏi ngưỡng mộ đàn anh, đàn chị đi trước. Bởi, ngoài năng lực, chuyên môn không cần bàn cãi, các anh chị còn có niềm đam mê ngoài công việc mà chúng tôi chỉ có thể nói là lắc đầu, thán phục. Hội nhóm đam mê rất nhiều, tôi có thể kể tới như nhóm tập yoga, nhóm chạy bộ, nhóm đọc sách hay nấu ăn… Nhưng có một niềm đam mê mà không phải ai cũng có thể bắt chước, a dua theo phong trào được, đó là leo núi.
Bắt đầu leo núi từ năm 2013 đến nay, anh Trần Quang Thái, sinh năm 1971, Phòng Thẩm định và Kiểm soát chất lượng (VAM) đã chính thức chinh phục 15 đỉnh núi cao nhất Việt Nam như: Fansipan (3143m); Pu Si Lung (3080m); Putaleng (3049m); Ky Quan San (3046m); Khang Su Văn (Phàn Liên San/ U Thái San – 3012m); Tả Liên (2.996m); Tà Chì Nhù (2.979m); Pờ Ma Lung (Bạch Mộc Lương – 2.967m); Nhìu Cồ San (Nhiều Sừng Trâu – 2.965m); Chung Nhía Vũ (2.918m); Đỉnh Lùng Cúng (2913m); Đỉnh Nam Kang Ho Tao (2881m); Đỉnh Tà Xùa (2865m); Đỉnh Lảo Thẩn (2680m); Ngũ Chỉ Sơn (2858m).
Anh Thái chia sẻ: “Tuổi trẻ chẳng đợi chờ ai, với đôi chân không biết mỏi, hãy cứ xách balo lên và đi... Chân đạp núi, tay với trời và cùng với những người bạn, những người cùng chí hướng chinh phục những ngọn núi cao nhất và đẹp nhất Việt Nam”.
Nghĩ về hành trình đã qua, cảm thấy hài lòng và anh càng có thêm động lực: "Phải đổi lại những ngày gian nan, vác ba lô đi bộ đến chân mỏi rã rời trên những cung đường ngoằn ngoèo để được thấy tận mắt những cảnh đẹp của núi rừng thiên nhiên. Quan trọng hơn, quá trình ấy cho mình khám phá được cảm xúc, khả năng và đạt đến giới hạn của bản thân”.
Nói về cung đường leo Fansipan, anh Thái khẳng định đây luôn là một điểm mốc cực kỳ ý nghĩa. Tôi cũng rất đồng tình với anh, vượt qua hàng chục ngọn núi, hơn 20km đường rừng, chạm tay lên đỉnh cao nhất Đông Dương, tự hào là người Việt Nam đã lên tới vùng đất cao nhất trên đất mẹ. Hay như hành trình chinh phục Pu Si Lung, đi bộ qua các sườn đồi, nhưng vượt qua những con dốc 2-3 tiếng liên tục thực sự là một thử thách không dễ, thậm chí với những đoàn ban đầu có 10 người đi thì 3-4 người bỏ cuộc dọc đường là chuyện bình thường.
Đồng hành cùng anh Thái còn có cậu con trai, cháu Trần Minh Đức 23 tuổi, thường đồng hành leo núi và khám phá hang động. Từ 2014 đến nay, gần như năm nào hai bố con cũng có ít nhất một chuyến đi tour du lịch mạo hiểm khám phá hang động.
Là người anh tích cực làm công tác thiện nguyện
Ngoài sở thích leo núi, khám phá hang động và chinh phục những thử thách của bản thân thì anh Thái còn tham gia nhóm thiện nguyện “Lăn bánh ước mơ”, nhóm thiện nguyện này thường kết hợp những chuyến dã ngoại và làm công tác thiện nguyện cho những em học sinh ở vùng sâu vùng xa, nơi không có điều kiện học tập và vui chơi đầy đủ như ở thành phố.
Từ năm 2017 đến nay, nhóm thiện nguyện “Lăn bánh ước mơ” đã xây dựng và trao tặng 23 sân chơi tại các trường mầm non, tiểu học tại nhiều vùng xa xôi tại các tỉnh: Hòa Bình,Thanh Hóa, Điện Biên, Tuyên Quang, Hà Giang, Lào Cai, Cà Mau, Quảng Nam… và gần đây là sân chơi dành cho người khuyết tật tại Hà Đông- Hà Nội.
Luôn là người truyền cảm hứng tích cực cho mọi người
Anh Thái cũng cho biết thêm: “Mọi người có đam mê khám phá, chinh phục những đỉnh núi cao thì cần có sự chuẩn bị chu đáo, tỉ mỉ trong mỗi chuyến đi. Trong đó sức khỏe, sức bền là một trong những điều kiện quan trọng nhất. Mọi người nên tập thể thao thường xuyên.”
Tự nhận mình là người khá gan lì, anh không sợ hãi khi đi phượt, hầu như khi đã quyết đi leo núi thì anh phải chinh phục cho bằng được dù gặp thời tiết xấu cỡ nào. Bà xã và con gái luôn lo lắng cho an toàn của anh, song vẫn ủng hộ. Bản thân anh Thái cũng luôn chú ý việc đi lại và ăn uống để đảm bảo an toàn.
Anh Thái tiết lộ trong thời gian tới sẽ tiếp tục cùng nhóm chinh phục các ngọn núi, hang động khác của Việt Nam và sẽ tham gia một vài môn thể thao mới để nâng cao sự bền bỉ của sức khỏe.