Phương Giang (Trung tâm Công nghệ thông tin) đã đăng lúc 09:54 - 19.05.2025
Có những tuần mà tôi cảm giác như mình đang bị cuốn theo guồng quay của công việc - từ cuộc họp sáng đầu tuần cho đến những buổi tăng ca muộn, kể cả tranh thủ làm cố vào thứ 7, chủ nhật cho kịp deadline. Có lúc tôi thấy mình làm rất nhiều, nhưng lại không cảm nhận được niềm vui hay thành quả rõ ràng. Càng về cuối tuần, tôi càng rơi vào trạng thái uể oải, thiếu động lực, dù công việc vẫn còn dang dở.
Tôi nghĩ không chỉ mình tôi từng như vậy.
Những dấu hiệu như mệt mỏi kéo dài, mất tập trung, chán nản hoặc cảm giác “không muốn bước vào tuần mới” đều là chỉ báo rằng mình cần thay đổi - không chỉ cách làm việc, mà cả cách nghĩ.
Và sau một thời gian thử nghiệm, điều chỉnh, học hỏi từ chính trải nghiệm cá nhân và quan sát từ những người tôi ngưỡng mộ, tôi đã dần hình thành được một “công thức giữ năng lượng làm việc tích cực” cho riêng mình.
Đó không phải là bí kíp thần kỳ, mà là tập hợp những thói quen nhỏ - nhưng có sức ảnh hưởng rất lớn đến tinh thần và hiệu suất của tôi suốt cả tuần.
Học cách bắt đầu tuần mới bằng sự chủ động, không phải bị động
Trước đây, tôi thường để mặc cho tuần mới “ập đến” và mình thì phản ứng với nó một cách vội vã: mở máy là thấy email, cuộc họp, tin nhắn dồn dập. Nhưng giờ tôi đã chủ động hơn. Tôi dành đều đặn 30 phút vào tối Chủ nhật hoặc sáng thứ Hai để viết ra những mục tiêu chính cần đạt được trong tuần, những đầu việc cần phải hoàn thành - không cần quá nhiều, chỉ 3 - 5 điều mà tôi muốn đạt được hoặc tiến đến gần hơn.
Điều này giúp tôi định hình một “tấm bản đồ” mục đích rõ ràng: mình đang đi đâu, tại sao lại làm những việc này, và mình muốn cảm thấy như thế nào khi kết thúc tuần.
Học cách lên kế hoạch, nhưng cũng học cách linh hoạt
Lập kế hoạch không đồng nghĩa với việc nhồi nhét lịch trình. Tôi từng mắc sai lầm là lên lịch quá chi tiết, đến mức khi một việc phát sinh xảy ra (mà tuần nào chẳng có!), tôi bị thiếu hụt thời gian, dẫn đến hoảng loạn và kế hoạch sụp đổ. Sau đó, tôi điều chỉnh cách lên lịch bằng phương pháp “khối thời gian” (time-blocking), và chừa ra khoảng trống giữa các đầu việc để thở, nghỉ, hoặc xử lý những điều bất ngờ.
Lịch trình tốt là lịch trình có khả năng thích ứng - tôi học điều này hơi muộn, nhưng rất đáng giá.
Học cách từ chối, không ôm đồm quá nhiều việc cùng lúc
Trước đây, tôi rất dễ nói “vâng”. Ai nhờ gì cũng nhận, việc gì cũng cố gắng gánh thêm vì sợ mất lòng, sợ bị đánh giá là thiếu trách nhiệm. Nhưng sau nhiều lần rơi vào trạng thái kiệt sức, làm việc trong mệt mỏi và cảm giác mình chẳng thể hoàn thành điều gì một cách trọn vẹn, tôi buộc phải nhìn lại. Tôi nhận ra rằng: từ chối không có nghĩa là ích kỷ hay thiếu tinh thần đồng đội. Trái lại, đó là cách tôi bảo vệ sự tập trung và sức khỏe tinh thần của chính mình.
Giờ đây, tôi học cách dừng lại một nhịp trước mỗi lời đề nghị. Tôi tự hỏi: việc này có thật sự cần thiết với mình lúc này không? Có giúp mình tiến gần hơn đến mục tiêu hay không? Nếu không, tôi chọn cách từ chối một cách nhẹ nhàng nhưng dứt khoát. Và tôi thấy mình làm việc hiệu quả hơn, ít xao nhãng hơn, và quan trọng là cảm thấy được làm chủ thời gian của mình.
Rèn luyện tư duy tích cực như một thói quen
Tôi từng nghĩ “tích cực” là thứ cảm xúc tự nhiên - có thì có, không thì thôi. Nhưng thật ra, tích cực là kết quả của việc rèn luyện tư duy mỗi ngày. Tôi bắt đầu bằng việc không vội phàn nàn khi gặp điều không như ý xảy ra, thay vào đó là đặt câu hỏi: “Mình học được gì từ chuyện này?” hay “Liệu có góc nhìn nào khác tích cực hơn không?”
Tôi cũng chọn đọc những nội dung truyền cảm hứng mỗi sáng, hoặc viết ra một điều nhỏ mà mình biết ơn sau mỗi ngày. Những điều này giúp tôi rèn cho não mình thói quen tìm điểm sáng, thay vì bị hút vào tiêu cực.
Giữ phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Tôi dần hiểu rằng sự chuyên nghiệp không chỉ là đúng giờ hay hoàn thành nhiệm vụ, mà còn là cách mình thể hiện sự tôn trọng với công việc - từ thái độ, cách giao tiếp cho đến sự hiểu biết với việc mình đang làm.
Chỉ cần bắt đầu từ việc tập cho mình phong cách ăn mặc chỉn chu, giao tiếp rõ ràng, giữ cam kết và luôn cố gắng hiểu rõ việc mình làm - tôi thấy bản thân làm chủ hơn, vững vàng hơn.
Có những ngày bắt đầu khá mệt, nhưng chỉ cần nhìn thấy chính hình ảnh một “phiên bản tự tin” của mình trong gương lại tiếp thêm năng lượng cho tôi, ngay cả trong những ngày mệt mỏi nhất.
Duy trì vận động - dù bận đến đâu
Sáng nào tôi cũng dậy sớm đi bộ 5km, vài buổi trong tuần tranh thủ buổi trưa tập yoga với đồng nghiệp. Không phải để giảm cân hay theo trend gì cả - mà đơn giản là tôi thấy cơ thể và tâm trí mình cần điều đó.
Trước đây, tôi nghĩ mình phải có nguyên một tiếng đồng hồ thì mới gọi là “tập thể thao”, nhưng thật ra chỉ cần 10 - 15 phút vận động nhẹ cũng đã đủ để cải thiện tinh thần rõ rệt. Và khi tôi biến việc vận động thành một phần đều đặn trong ngày, dù là đi bộ buổi sáng hay đứng dậy giãn cơ giữa giờ làm - tôi nhận thấy rõ sự khác biệt.
Tôi ngủ ngon hơn. Tôi tập trung hơn. Và tôi bắt đầu một ngày làm việc với nhiều năng lượng hơn hẳn.
Cho phép mình nghỉ ngơi và tận hưởng - như một phần thiết yếu của công việc
Nghỉ ngơi từng là điều khiến tôi… cảm thấy có lỗi. Nhưng sau nhiều lần làm việc liên tục đến kiệt sức, tôi buộc phải học cách nghỉ ngơi đúng nghĩa. Giờ đây, mỗi buổi tối, tôi dành ra khoảng 30 phút cho những điều giúp tôi “nạp lại pin”: nghe podcast nhẹ nhàng, viết vài dòng nhật ký, nấu món ăn đơn giản, chơi với con hoặc trò chuyện với người thân.
Những khoảnh khắc này nhỏ thôi, nhưng nó giúp tôi không bị rơi vào trạng thái “sống chỉ để làm việc”. Tôi làm việc để sống trọn hơn - và tôi học được rằng, nghỉ ngơi đúng lúc cũng là một kỹ năng làm việc cần thiết.
Sau tất cả, tôi nhận ra: để giữ năng lượng tích cực suốt cả tuần không phải là chuyện của một buổi sáng hứng khởi, mà là hành trình duy trì những thói quen lành mạnh, nhỏ bé nhưng đều đặn. Tôi không làm được mọi thứ mỗi ngày. Nhưng tôi kiên trì và mỗi tuần tôi đều thấy mình tiến bộ một chút.
Nếu bạn đang cảm thấy cạn kiệt năng lượng sau mỗi tuần làm việc, hãy thử bắt đầu bằng một điều đơn giản: chọn một mục tiêu nhỏ, vận động 15 phút, hoặc viết ra 3 điều khiến bạn biết ơn trong ngày hôm nay. Những thay đổi tích cực luôn bắt đầu từ những điều rất nhỏ như thế.
Chúc cho người Viettel chúng ta, dù công việc bận rộn đến đâu cũng luôn tìm được nhịp điệu làm việc phù hợp với chính mình, để mỗi tuần không chỉ là hành trình “trụ vững”, mà là cơ hội để tận hưởng công việc, nuôi dưỡng năng lượng và hoàn thiện từng ngày.